Chùa Cầm Thực
Rời chùa Suối Tắm, đi khoảng 1.500 mét trên con đường lớn chạy quanh co bên dòng suối Tắm, du khách sẽ tới chùa Cầm Thực, ngôi chùa thứ ba trong lộ trình tham quan Yên Tử. Đây là nơi Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhịn ăn chỉ uống nước suối cầm hơi trên đường hành hương về Yên Tử tu hành, cũng vì lý do đó mà nơi đây có tên là Cầm Thực. Chùa Cầm Thực còn được gọi là chùa Linh Nhâm (Bóng Thiêng). Ngôi chùa tọa lạc trên một đỉnh núi hình tròn. Quanh chùa trồng thông xen lẫn với cây rừng. Theo lộ trình hành hương vào Yên Tử, chùa Cầm Thực được coi là nơi thực hành tịch cốc (không ăn hay cầm thực) để tịnh hóa thân cho thân thanh tịnh trước khi vào Cõi Phật.
Dấu tích nền móng chùa kiến trúc hình chữ “nhất” (一), gồm 6 gian, có niên đại thời Trần. Thời kỳ chống Pháp, chùa Cầm Thực là cơ sở kháng chiến. Giặc Pháp phá chùa. Nền chùa chỉ còn đống gạch vụn. Chuông, tượng, đồ thờ của chùa được nhân dân trong vùng bí mật chuyển xuống ngôi miếu bên Suối Tắm. Trước chùa còn ba ngôi tháp đổ và một lăng nhỏ xây thời Nguyễn. Trong đống gạch trên, đã tìm thấy một pho tượng gỗ bán thân tạc hình người Chăm cách đây đã gần 400 năm. Từ năm 1988, nhân dân địa phương xây dựng ở đây một ngôi chùa tạm, xây cầu qua suối, cổng tam quan, đường lát đá lên chùa. Ngôi chùa ngày nay được xây dựng vào năm 2004 có kiến trúc nền móng hình chữ “đinh” (丁), thờ tượng Phật theo nghi thức thờ tự chùa miền Bắc Việt Nam và thờ bảo tượng Tam Tổ Trúc Lâm.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Địa chỉ: Yên Tử, Phương Đông, TP. Uông Bí, Quảng Ninh