Chùa Giác Lâm - Thành phố Hồ Chí Minh
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Chùa tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia của Việt Nam năm 1988.
Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn.
Du khách đến chùa, lòng nhẹ nhàng thanh thoát với dáng chùa ẩn mình trong những vòm cây cao bóng mát. Mái chùa phủ rêu xanh, không có dạng vút cong kiêu hảnh như thách đố với thiên nhiên, cũng không có những hàng ngói mũi hài dọc xuôi theo bờ mái cao dốc đứng, mà ở đây là những hàng ngói máng xối, giúp thoát nước nhanh khi có những trận mưa rào! Đó là một cấu trúc trải rộng và hài hoà với thiên nhiên. Địa thế chùa nằm trên ngọn đồi cao mà tên gọi Sơn Can trước đây còn phản ánh, cho thấy ngôi chùa đã gắn chặt với quan niệm về tín ngưỡng của những người dân bản địa, là trước chùa phải có ao, hồ nước, mang ý nghĩa “Minh đường, thủy tụ” nơi đó vượng khí sinh sôi, và nhất là cửa chùa thuận theo hướng Nam - hướng đặc biệt được xem là tốt nhất cho những ngôi chùa Nam bộ: “ Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”.
Được trùng tu lại nhiều lần, mỗi lần như vậy, trong kiến trúc chùa mang thêm những đặc điểm mới, chứa đựng trong nó những ảnh hưởng văn hóa và lịch sử cùa từng thời kỳ. Chúng ta sẽ ngạc nhiên xiết bao với những hàng chén dĩa kiểu bằng sành sứ, với màu men xanh trắng, được cẩn dọc theo đầu hồi nhà, bên trong và cả bên ngoài cũng như trên vòm cửa ra vào. Sự sáng tạo trong mô típ và cách sắp xếp làm cho đường nét trang trí nổi bật hơn, linh động hơn, tránh sự nhàm chán. Tuy biểu lộ phần nào ảnh hưởng kiến trúc và trang trí Tây phương với những chiếc đĩa lớn có hình ngôi giáo đường trong đó, nhưng nó vẫn thể hiện được sắc thái của nghề gốm cổ truyền địa phương vùng Bình Dương với màu men xanh trắng là chủ đạo.