Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: Toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là Bái đường (chùa Hộ). Từ ngày dựng chùa, hai bên đường được trồng thông để thành chốn tùng lâm, có cây đường kính gần 1m. Trên sân chùa có một tấm bia to, 6 mặt, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) với nội dung ghi lại việc trùng tu chùa năm đó. Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi thờ Phật, đào tạo tăng đồ, thờ Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334). Chùa là trung tâm đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung. Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành chốn an cư, kiết hạ, giảng kinh, thuyết pháp, trụ sở chính thức đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ trong đó là của 5 vị sư có tên tuổi các hòa thượng: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi thờ cũng linh thiêng và cũng là một địa điểm du lịch tham quan nổi tiếng đối với du khách khi đến Bắc Giang. Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng phật, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ… Đặc biệt kho Mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012. Bạn trẻ yêu thích vẻ đẹp văn hóa tâm linh của nơi đây, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm hãy ghé thăm nhé!