Cuộc đua sức mạnh máy tính lượng tử
Sau cuộc cách mạng về AI, BigData, 5G, công nghệ lượng tử được đánh giá là đường đua mới của thế giới năm nay. Ngày càng nhiều hệ thống tính toán với sức mạnh vượt trội để đạt ưu thế lượng tử.
Vào tháng 3, dữ liệu Valuenex cho thấy Trung Quốc đang thắng thế trong cuộc đua công nghệ lượng tử, còn Mỹ đang đổ nhiều tiền vào nghiên cứu nhằm rút ngắn khoảng cách. Trung Quốc đang nắm giữ hơn 3.000 bằng sáng chế về công nghệ này, gấp đôi so với Mỹ và gấp ba lần Nhật Bản.
Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố lập kỷ lục về điện toán lượng tử với máy tính Zuchongzhi đạt 66 qubit (nhưng chỉ sử dụng 56 qubit). Tháng 10, nước này tiếp tục khẳng định đã phát triển thành công Jiuzhang 2.0 với 66 qubit. Cả hai vượt Sycamore của Google - thiết bị đạt 54 qubit vào năm 2019.
Đến tháng 11, IBM giới thiệu Eagle, chip lượng tử mạnh nhất thế giới với 127 qubit. Trong khi đó, startup công nghệ QuEra của Mỹ cũng chế tạo hệ thống đạt 256 qubit, mạnh nhất từ trước đến nay. Đội ngũ đứng sau QuEra là các chuyên gia tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Máy tính lượng tử được kỳ vọng sẽ vượt qua những giới hạn của máy tính thông thường. Với sức mạnh tính toán vượt trội, giới khoa học kỳ vọng nó sẽ hữu ích trong nghiên cứu, như lập bản đồ các cấu trúc phân tử phức tạp, hay phản ứng hóa học.