Dân ca Quan họ
Dân ca Quan họ là một trong số những làn điệu dân ca phổ biến của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta. Nó được hình thành ở vùng Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Kinh Bắc xưa là một tỉnh cũ bao gồm 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên hiện nay người ta nhắc đến quan họ Bắc Ninh nhiều hơn là ở Bắc Giang. Dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009 sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Quan họ nổi bật bởi thể hiện được "cái tình" của người hát, các làn điệu quan họ thường gắn liền với các liền anh, liền chị, tiêu biểu như các bài: Hừ La, La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo... Trang phục của các liền anh, liền chị cũng khá đặc biệt và mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối trong khi hình ảnh của liền chị lại gắn liền với "áo mớ ba mớ bảy", nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy) cùng chiếc nón quai thao. Quan họ còn gắn với lối ứng xử chân tình, khéo léo, là làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm.