Đền của Đôn Hoàng
Truyền thuyết kể rằng, có một nhà sư khất thực tên là Le Zun. Một đêm vào năm 366 sau Công nguyên, nhà sư nhìn thấy hàng ngàn đức Phật tỏa sáng trên bầu trời Minh Sa. Sau đó, ông làm một ngôi đền với bức tượng Phật bằng vàng ở vách núi bên sông. Sau này, một nhà sư khác có pháp danh Fa Liang đến thăm Đôn Hoàng và tạo một chiếc hang thứ 2. Trong vòng vài thập kỷ, 70 hang động đã được chạm khắc ở Mạc Cao. Trải qua 1.000 năm, các nghệ sĩ đã tạo ra hơn 700 ngôi đền trong hang với 45.000 m2 các bức bích họa. Đây là di sản được UNESCO bảo vệ và thu hút rất nhiều khách du lịch. Sự tiến bộ về kiến trúc của các hang Mạc Cao phản ánh ảnh hưởng từ Trung Quốc và các khu vực phía tây. Nhiều hang được cải tạo vào các triều đại sau này. Hiện có khoảng 2.415 bức tượng còn tồn tại ở Đôn Hoàng, nhiều bức được khôi phục từ triều Thanh. Trong các triều đại trước, mặt sau các bức tượng được gắn vào tường, đầu được làm riêng, sau đó đặt lên thân. Đến thời nhà Đường, các bức tượng mới được hoàn toàn tách ra. Trong thời Đường, có 2 bức tượng Phật khổng lồ được xây dựng tại đây, phản ánh sức mạnh và sự tự tôn của đế chế bấy giờ. Hang từ thời Đường được coi là đỉnh cao ở Mạc Cao. Không giống như các bức tượng từ các triều đại trước, những bức tượng tách rời của thời này có thể được chiêm ngưỡng từ mọi phía. Màu sắc rực rỡ và các chi tiết sắc nét từ trang phục của tượng cũng phản ánh cuộc sống sung túc của các nhà sư thời bấy giờ.