Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 7

Vợ chồng A Phủ là tác phẩm nổi bậc nhất trong tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm kể về số phận đáng thương và cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra chốn Hồng Ngài. Dù bị đày đọa đến kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác nhưng nỗi khổ đau ở nhà thống lí không thể nào giết chết được sức sống tiềm tàng ẩn sâu trong nhân vật Mị. Trong đêm tình mùa xuân năm ấy, sức sống ấy có dịp trỗi dậy mạnh mẽ.


Đoạn kể chuyện Mị ở Hồng Ngài là đoạn kể về quãng đời tối tăm, tủi nhục của cô. Mị vốn là một cô gái mèo xinh đẹp, tài hoa. Vừa Bước vào tuổi thiếu nữ, Mị đã phải gánh nặng trên vai một món nợ từ đời cha mẹ Mị. Cha con thống lí Pá Tra bắt về Mị làm dâu gạt nợ. Món nợ truyền kiếp của gia đình để cướp trắng tuổi thanh xuân dạt dào khát vọng của Mị. Những năm tháng bị đọa đày dai dẳng trong cái địa ngục trần gian trong nhà thống lí, Mị gần như biến thành tảng đá vô tri. Mỗi ngày Mị không nói, lùi lũi như con rùa núp sau xó cửa. Lúc nào Mị cũng lầm lũi, mặt buồn rười rượi.


Mị bây giờ chỉ là cái xác vô hồn, một cỗ máy biết nói. Mị sống như thực chất chỉ là để kéo dài những ngày chưa được chết mà thôi. “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi còn nước dưới khe suối, cô cũng cúi, mặt buồn rười rượi”.


Cuộc sống với Mị chỉ là một màn sương mờ đục không dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Phải chăng ngọn lửa sống trong lòng Mị đã lặng tắt, trái tim Mị đã chai sạn và tê liệt, tâm hồn Mị đã hoàn toàn nguội lạnh và an phận? Mùa xuân đến, tất cả những gì tưởng chừng đã chết trong lòng Mị đều đã được hồi sinh. Mùa Xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa hội hè đình đám, mùa gặp gỡ hẹn hò của lứa đôi. Mùa xuân đến với núi rừng Tây Bắc, đến với mảnh đất Hồng Ngài được tô hoài miêu tả bằng những câu văn rất lãng mạn.


Có thể nói những trang viết về mùa xuân của tác giả là những trang văn tuyệt hay. Ta gặp ở đó bức tranh mùa xuân với màu rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy rực rỡ phơi trên mỏm đá thì xòe ra như những cánh bướm. Thanh âm cũng rộn ràng: trẻ con nô đùa, tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết. Mùa xuân bừng bừng một sức sống mãnh liệt bất chấp cái giá lạnh của đất trời. Dường như sự sống, cảnh vật, con người đang được mùa xuân khơi dậy làm cho bừng tỉnh.


Với Mị, mùa xuân còn là mùa gắn với bao kỉ niệm đẹp đẽ của thời trẻ tự do. Trong không khí núi rừng rạo rực vào xuân ấy, Mị nghe tiếng sáo từ xa vọng lại tha thiết, bồi hồi. Tiếng sáo là thứ âm thanh quen thuộc của núi khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Đêm đêm trên núi cao tiếng sáo chính là tiếng lòng đắm say của trai gái mèo trao gửi bạn tình. Trong khoảnh khắc ấy, tiếng sáo đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn Mị. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát:


“Mày có con trai con gái rồi

mày đi làm nương

tao không có con trai con gái

tao đi tìm người yêu”


Tiếng hát cất lên từ trái tim tưởng như cô càng, chai sạn của Mị. Mị trước đây sống không ý thức về thời gian, không gian, sự vật. Trước mặt Mị luôn là một màn sương trắng mờ đục. Giờ đây tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn ngủ yên và an phận của Mị. Tiếng sáo rung lên trong trái tim Mị. Những giai đoạn mở đầu của khát vọng được yêu, cái khát vọng bấy lâu nay được chôn chặt trong trái tim Mị.


Mị đã bừng tỉnh mọi cảm nhận về cuộc sống. Ý thức về cuộc sống đã trở lại trong Mị. Mị nhìn thấy, nghe thấy: trai gái, trẻ con ra sân chơi đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy. Nhà thống lí Pá Tra chiêng đánh ầm ĩ. Mị lén uống rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Đó có lẽ nào là cách uống của người thưởng xuân. Chắc chắn không vậy. Uống rượu thưởng xuân phải uống từ từ, từng bát một, nhấm nha, nhấm nháp để tận hưởng và đón nhận hương vị xuân. Đó là cách uống của người khát rượu, thèm rượu? Không đúng. Đã từ lâu Mị chẳng thèm khát gì.


Tô Hoài viết: “Ngày tết Mị cũng uống rượu”. Mọi người uống, Mị cũng uống. Mị uống theo thói ngày xuân của người Mèo. Cách uống ừng ực từng bát ấy giống như Mị uống cho bõ tức, cho nuốt hận tủi hờn. Rồi Mị say, Mị lịm mặt nhìn mọi người nhảy đồng, ngồi hát nhưng trong lòng Mị đang sống về ngày trước. Tô Hoài đã thật khéo léo dùng từ “sống lại” chứ không phải là “nhớ lại”. Nếu “nhớ lại” chỉ là hồi niệm thì “sống lại” là cả phần hồn lẫn phần xác trở về với quá khứ tươi vui của những đêm tình mùa xuân lúc mà Mị chưa về làm dâu nhà thống lí. Chao ôi, đó là những tháng ngày thơ mộng thần tiên, Mị được sống tự do reo vui tiếng hát trên đồi cao, dưới khe sâu, thâu đêm suốt sáng.


Mị đang bứt mình ra khỏi cái ngục tù tăm tối để lần theo sợi dây quá khứ tìm về những ngày xưa hạnh phúc. Đúng trong khoảnh khắc ấy tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Tiếng sáo đã gọi dậy những kỉ niệm ngọt ngào của thời thiếu nữ. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mị uốn chiếc lá trên môi và thổi. Thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.


Mị như lãng quên hiện tại, lãng quên cái thể xác đang vô cùng đau đớn. Người ta hát mà Mị không nghe, người ta nhảy mà Mị không thấy, rượu tan lúc nào Mị cũng chẳng hay. Chính quá khứ ngọt ngào đã thổi vào lòng những cảm xúc khiến Mị thấy phơi phới trở lại trong lòng một niềm vui sướng. Mị nhận ra mình còn trẻ lắm và muốn đi chơi. Lúc này ý thức về bản thân và quyền sống đã trỗi dậy. Nhưng cũng là lúc Mị nghĩ đến cái chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”.


Đây cũng là lúc Mị thấy thía nhất cảnh ngộ cay đắng của hiện tại “A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Hơn thế từ lâu lắm rồi, Mị tồn tại trong trạng thái gần như tê liệt “sống lâu trong cái khổ Mị cũng quen rồi. Mị cũng chẳng còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự tử nữa”. Vì thế trong phút giây thức tỉnh, Mị muốn chết. Bởi hơn lúc nào hết, Mị cũng đang yêu tha thiết cuộc sống. Tiếng sáo trở lại song nó không còn lấp ló ngoài đầu núi, văng vẳng ngoài đầu làng mà lửng lơ bay ngoài đường. Tiếng sáo đã thôi thúc Mị đi đến hành động: xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Hình ảnh ngọn đèn chính là ngọn lửa sống đang trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng Mị. Mị ý thức được hoàn cảnh tối tăm và muốn thay đổ. Mị sửa soạn đi chơi: quấn tóc, lấy váy hoa.


Tất cả khẳng định đó chính là hành động của một tâm hồn ham sống đang bừng dậy mãnh liệt, bất chấp bạo quyền. Hình như trong tâm hồn Mị lúc này tiếng sáo mùa xuân tuổi trẻ đã thực sự ngân lên khát vọng tình yêu, hạnh phúc, tự do đang trào dâng không kìm nén được.


Đây cũng là lúc nó bị vùi dập phũ phàng. A Sử xuất hiện đã quấn tóc, trói đứng Mị trong buồng tối. Con thú ấy thản nhiên tắt đèn, khép cửa đi ra không nói tiếng nào. Bị trói, Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo. Tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, dìu Mị về với khát khao yêu đương hạnh phúc: “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”. Suốt từ đầu tới cuối đêm hôm ấy chỉ thấy cô im lặng, âm thầm cam chịu. Dường như cô đang không sống bằng phần thể xác nữa. Ẩn chứa bên trong lại là cô Mị khác. Một cô Mị đang náo nức say sưa với những kỉ niệm của tình yêu. Say sưa đến nỗi “như không biết mình đang bị trói, khiến Mị vùng dậy bước đi”.


Nhưng dây trói, tiếng chân ngựa đẩy Mị về hiện thực: “Mị không nghe thấy tiếng sáo nữa… Mị thổn thức nghĩ rằng mình không bằng con trâu, con ngựa”. Mị nhận ra đêm đã khuya, thời gian chạm vào kỉ niệm đẹp nhất của lòng Mị. Mị nín khóc, lòng lại bồi hồi. Trong suốt đêm bị trói, Mị đã sống trong một tâm trạng giằng xé giữa quá khứ đẹp đẽ và hiện thực đau khổ, giữa ước mơ hạnh phúc và nỗi tủi hờn vì thân kiếp trâu ngựa. Đó là biểu hiện của một tâm hồn yêu sống, thèm sống, bất chấp cường quyền chà đạp và vùi dập.


Diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài là một tâm trạng hỗn hợp: vui sướng và đau khổ, ham sống và tủi nhục muốn chết. Trong bóng tối nặng nề ấy, hành động của Mị rất ít. Phần lớn là những dòng nội tâm đang trỗi dậy tuôn trào trong lòng Mị. Tác giả đã bộc lộ rõ nét tài năng miêu tả diễn biến nội tâm của nhân vật một cách chân thật, sinh động. Sự trỗi dậy của Mị trong đêm tình mùa xuân tuy không thay đổi số phận nhưng nó là tiền đề quan trọng cho những đột biến lớn lao trong cuộc đời Mị.

Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 7
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 7
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 7
Diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân bài số 7

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy