Đoạn văn nghị luận xã hội về tính khiêm tốn số 4
Trên bước đường thành công của mỗi người không thể thiếu đức tính khiêm tốn. Vậy khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là không đề cao mình, không khoe khoang, biết đánh giá đúng về bản thân. Người khiêm tốn luôn biết lắng nghe, không ngừng học hỏi từ mọi người xung quanh. Khiêm tốn là một đức tính cao đẹp của con người. Nó giúp ta nhìn nhận đúng năng lực của bản thân, từ đó không ngừng hoàn thiện những thiếu sót, sai lầm. Khiêm tốn giúp chúng ta kiềm chế cảm xúc, không kiêu ngạo, tự mãn trước những vinh quang của bản thân. Không những thế, khi bạn khiêm tốn, bạn sẽ thấy kiến thức của bản thân không bao giờ đủ, luôn nỗ lực, phấn đấu từng ngày để học hỏi, tìm tòi, nâng cao hiểu biết từ đó đạt được những thành công lớn. Người khiêm tốn cũng sẽ luôn được tôn trọng, nể phục. Một ví dụ tiêu biểu cho đức tính này chính là Bác Hồ. Dù là người chèo lái con thuyền cách mạng làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc, là chủ tịch của một nước nhưng Bác vẫn luôn giản dị gần gũi với nhân dân. Phê phán những người tự cao, kiêu ngạo, ảo tưởng về bản thân mà khinh thường người khác. Mỗi người cần hiểu được giá trị của đức tính khiêm tốn, luôn biết học hỏi, không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân và hãy nhớ rằng "lòng khiêm tốn là lương tri của cơ thể."