Đoạn văn số 3
Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã để lại cho em nhiều cảm xúc sâu lắng qua bài thơ "Mẹ". Mẹ với tấm lưng nhỏ bé trái ngược với hình dáng cây cau trong vườn "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng" làm con càng thêm đau xót. Theo dòng chảy của thời gian, cây cau ấy ngày càng lớn cao nhưng mẹ của con lại "ngày một thấp". Con nhớ những ngày thơ bé, miếng cau bổ tư vẫn mẹ vẫn móm mém nhưng hôm nay miếng cau ấy bổ thành tám miếng nhỏ mà "Mẹ còn ngại to!". Nhìn miếng cau khô quen thuộc, con lại liên tưởng đến bóng hình mẹ già đi mỗi ngày "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ". Chứng kiến mẹ thêm già yếu, con lại thấy quặn thắt, trầm mặc trong lòng mà đôi tay run run "nâng" với cả tấm lòng kính trọng. Nhưng cuối cùng, đứng trước khuôn mặt quen thuộc đang mất đi sức xuân ấy, con "không cầm được lệ". Câu hỏi tự vấn "Sao mẹ ta già?" như càng khẳng định sự bất lực, đau xót khi không thể níu kéo dòng thời gian đang trôi để níu kéo mẹ ở lại bên con mãi mãi. Với thể thơ bốn chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ đối lập cùng biện pháp so sánh "Khô gầy như mẹ" đã khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ. Qua đó, bài thơ đã nói lên sự vất vả, tần tảo của cuộc đời mẹ, đồng thời khẳng định tình yêu thương sâu sắc mà con dành cho mẹ.