Hồ Natron
Nhắc đến du lịch Châu Phi, cái tên được nhắc đến nhiều nhát vẫn là Tanzania. Là đất nước nằm ở Đông Phi, Tanzania sở hữu 3 ngọn núi lửa cao hùng vĩ, những cao nguyên màu mỡ cùng các khu rừng và hệ động vật hoang dã vô cùng phong phú. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đẹp mắt, Tanzania còn nổi tiếng với chiếc hồ tử thần Natron khiến mọi loài động vật khiếp sợ. Natron không khác gì một chiếc hồ tử thần trên trái đất khi các sinh vật đặt chân đến đây đều bị hóa đá một cách vô cùng bí ẩn. Nguyên nhân của hiện tượng hiếm thấy này là do nồng độ kiềm trong hồ quá cao đến mức khiến cho những loài động vật không may bị sảy chân rơi xuống hồ bị phân hủy và vôi hóa. Khi mực nước hồ hạ thấp xuống, xác của những loài động vật không may trôi dạt vào bờ, trên mình phủ một lớp muối dày. Hồ Natron có mặt hồ rộng lớn và sáng như tấm gương, vì vậy không khó để hình dung vì sao những con vật kém may mắn này trượt chân sa mình xuống hồ.
Nguồn gốc của hiện tượng hồ Natron chứa nồng độ kiềm cao quá mức là do ngọn núi lửa một triệu năm tuổi Ol Doinyo Lengai ở phía Nam hồ Natron. Dung nham từ ngọn núi lửa hùng vĩ này chảy xuống mang theo một lượng muối khoáng đặc biệt khác với loại muối có trong nước biển thông thường. Từ đó, lượng muối khoáng này tồn đọng trong hồ, tích tụ theo năm tháng khiến cho chiếc hồ ngày càng trở nên kiềm hơn. Xác của những con vật bị rơi xuống hồ được bảo quản rất tốt đến nỗi hình dáng sống động của chúng vẫn còn được giữ nguyên, bọc trong những lớp xi măng bằng muối dày đặc. Tất cả các sinh vật sống một khi đã chìm trong hồ sẽ bị phân hủy trong thời gian rất ngắn, chính vì vậy mà xác của chúng vẫn giữ nguyên hình dáng như khi còn sống. Những “bức tượng đá vôi” này được bảo quản hoàn hảo đến từng chi tiết, nếu như bạn vạch mỏ một con dơi sau khi rơi xuống hồ Natron nhiều tháng bạn vẫn có thể nhìn thấy chiếc lưỡi nhỏ của con dơi vẫn còn nguyên vẹn và từng cọng lông vẫn còn nhìn thấy rõ trên thân thể.