Khám Chí Hòa
Khám Chí Hòa là một nhà tù được người Pháp cho xây dựng từ thời thuộc địa Pháp ở khu vực thời đó còn là ngoại ô thành phố. Nơi đây đã giam giữ những tù phạm chính trị chống lại chế độ thực dân Pháp. Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đây là nơi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giam giữ tù binh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày nay, đây là nơi tạm giam của Công an nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dành cho các bị can hình sự trong các vụ án trên địa bàn thành phố.
Với diện tích 7 hecta, Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu, 238 phòng. Trong đó có hai dãy nhà dành cho phạm nhân nữ. Nơi đây từng giam tù chính trị chống lại thực dân Pháp, chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, nơi này được Công an TP HCM dành cho các bị can trong các vụ án trên địa bàn. Khám Chí Hòa do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái được đánh giá là một công trình kiến trúc đặc biệt. Vừa hòa hợp những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp: kiên cố, kín đáo, mát mẻ, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông.
Khám Chí Hòa có 8 khu để nhốt phạm nhân, xây hình bát giác vuông, gồm các khu: AH, BC, ED, F, I, AB, KG, G. Khám Chí Hoà tuy là một trại giam đặc biệt, được mệnh danh là "không có lối thoát" nhưng trong lịch sử đã có nhiều tù chính trị hoặc phạm nhân đã trốn ra khỏi được nơi này, trong đó không thể không nhắc đến cuộc vượt ngục "li kì" của tên "trùm" Phước "tám ngón". Chí Hòa chỉ có một cửa vào nên người ta gọi đó là "cửa tử". Qua cửa này là hệ thống đường hầm thiết kế theo cung vị nếu không được hướng dẫn, người đi vào sẽ bị mất phương hướng, giống như lọt vào một mê cung, không thể tự tìm đường ra được.
Địa chỉ: Số 324 Hoà Hưng, Phường 13, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.