Kỹ năng học tập trên lớp
“Nghe giảng” là một khái niệm rất quen thuộc với các bạn từ lúc bước chân đến trường. Với sinh viên nghe giảng được coi là một công việc nhẹ nhàng nhất trong mỗi giờ học, khi đó giảng viên phải làm việc còn sinh viên chỉ cần nghe. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều bạn nghe thầy cô giảng nhưng không hiểu bài, không nắm bắt được thông tin bài học dẫn tới việc học tập kém hiệu quả. Để có một giờ học chất lượng thì người nghe phải đồng cảm với những thông tin của người nói, phản xạ kịp thời những thông tin mà người nói đưa ra khi đó mới là “nghe” thực sự. Để làm được điều này sinh viên cần:
Nỗ lực và tập trung: Nỗ lực và tập trung thể hiện thái độ và trách nhiệm của bạn với bài học. Khi có một nguyên nhân nào đó khiến bạn mất tập trung, hãy nỗ lực dừng những suy nghĩ ngoài luồng đó lại và kéo sự chú ý của bản thân vào bài học trở lại một cách nhanh nhất có thể. Việc tập trung sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề của bài học nhanh chóng hơn rất nhiều.
Kiểm soát cảm xúc bản thân: Hãy gạt những suy nghĩ vu vơ ra khỏi đầu, đừng để những cảm xúc vui buồn bất chợt chi phối sự tập trung của bạn. Kiểm soát cảm xúc giúp bạn có thái độ hợp tác trong quá trình nghe giảng, kiểm soát được những phản hồi của bản thân đến giáo viên và những bạn học khác.
Nhìn vào người nói: Vì sao phải nhìn vào người nói? Các bạn có thể nghĩ là mình không nhìn mà vẫn nghe tốt thì có trở ngại gì đâu? Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy khi nhìn vào thầy cô đang giảng bài, bạn sẽ nắm bắt được những diễn biến tâm lý tình cảm của thầy cô theo nội dung bài giảng, đó là cách lôi kéo sự tập trung chú ý của bạn.
Chắt lọc thông tin: Trong bài giảng của giáo viên sẽ có những nội dung: dẫn dắt vào bài, chuyển ý, các liên từ nối … Vì thế sinh viên cần chắt lọc thông tin để lấy được trọng tâm của bài giảng, đặc biệt là những nội dung giáo viên lặp lại. Phần này sẽ trở lên đơn giản nếu như sinh viên thực hiện tốt ở phần “Đọc”.
Tư duy khi nghe: Khi nghe giảng sinh viên phải luôn luôn phải so sánh kiến thức đang học với kiến thức đã có, đồng thời phải biết hoài nghi với những nội dung giáo viên đang giảng. Khi giáo viên giảng thuyết phục được vấn đề sinh viên đang hoài nghi, khi đó sinh viên đã hiểu bài.
Hỏi để hiểu rõ vấn đề: Ông bà mình có câu: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Các bạn đừng ngần ngại hỏi thầy cô giáo khi mình gặp phải những vấn đề không hiểu lúc nghe giảng. Thầy cô giáo rất sẵn sàng lắng nghe và giúp bạn giải quyết vấn đề của mình. Đừng ngần ngại khi đặt câu hỏi!