Lê Trường An
Từng là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định ở Hà Nội nhưng mỗi lần về quê (Giao Thủy, Nam Định), Lê Trường An, sinh năm 1990, luôn trăn trở bởi thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa bị người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường.
Trong một lần đi công tác miền Tây, Trường An được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp. Trường An nảy ra sáng kiến về quê hương Nam Định xây dựng nhà máy tương tự. Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ quyết định nghỉ việc ở Hà Nội, xách ba lô về quê xây dựng dự án sản xuất củi đốt công nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng An gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè. Bởi mô hình này quá mới mẻ, ở Nam Định chưa có ai làm. Để thuyết phục bố, An dẫn bố đi tham quan thực tế một số nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Dần dần, An được bố và một người chị họ ủng hộ cho vay vốn 200 triệu đồng.
Vốn ít, nên An cố gắng tính toán để giảm chi phí một cách tối đa. Anh phân chia thành từng khoản, một phần chàng kỹ sư cơ khí sử dụng vào việc mua máy ép công nghiệp, một phần làm đồng vốn để đảm bảo quay vòng sản phẩm. Sau khoảng 3 tháng tổng hợp tư liệu, mày mò, chàng kỹ sư cơ khí đã cho ra đời bản vẽ đầu tiên. An cho biết, so với những loại bếp trên thị trường, chiếc bếp sinh học này có những cải tiến và đột phá hơn hẳn.