Mở cửa hàng tạp hóa
Đi dọc các khu phố bây giờ, nếu để ý kĩ chắc bạn sẽ phải ồ lên ngạc nhiên khi thấy cứ cách vài trăm mét lại có một cửa hàng tạp hóa hay siêu thị mini. Mở cửa hàng tạp hóa là công việc kinh doanh tại nhà được nhiều bà nội trợ lựa chọn. Vừa kiếm được tiền mà lại có thể chăm sóc những công việc chăm sóc con cái, bếp núc. Hơn thế nữa, dù là mở cửa hàng tạp hóa ở nông thôn hay thành phố đều là tiềm năng bởi nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của các gia đình. Nhiều người không ở gần siêu thị hay chợ đều muốn mua hàng hóa, các vật dụng thiết yếu hàng ngày ở cửa hàng tạp hóa. Nói không ngoa khi các cửa hàng tạp hóa chính là “nguồn sống” của những khu vực ngoại thành.
Cũng giống như bất cứ loại hình nào trong kinh doanh bán lẻ, yếu tố mang vai trò quyết định khi mở cửa hàng tạp hóa ở nông thôn hay thành phố là chọn mặt bằng sao cho chuẩn nhất. Đầu tiên là vị trí đặt cửa hàng, do đặc thù hàng hóa nên bạn cần chọn khu vực đông dân cư, lưu lượng người qua lại lớn. Nếu thuê được mặt đường là tốt nhất, không thì phải cách xa khu chợ một chút, vì rất dễ bị khuất tầm nhìn. Nếu bạn đã có mặt bằng sẵn thì kinh doanh tạp hóa tại nhà sẽ nhẹ nhàng hơn về vốn thuê mặt bằng. Nếu phải thuê nhà để bán tạp hóa, sau khi đã lựa chọn được mặt bằng phù hợp, việc tiếp theo là kí hợp đồng với bên chủ nhà. Trước đó, bạn cần đánh giá tình trạng mặt bằng, báo lại với chủ nhà, sau đó đưa ra điều kiện và xem xét thỏa thuận với họ. Thông thường, hợp đồng thuê nhà kéo dài ít nhất là 5 năm, không nên quá ngắn để tránh gián đoạn trong quá trình kinh doanh, như vậy cũng là cách ổn định giá cả. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cân nhắc chi phí thuê mướn sao cho phù hợp với vốn đầu tư của mình.
Sau khi đã thuê (hoặc xây) mặt bằng, điều tiếp theo bạn cần phải làm là trang thiết bị cho cửa hàng của mình. Do bán rất nhiều loại mặt hàng khác nhau, từ nhỏ gọn như hộp tăm, bàn chải đến công kềnh như xoong, chậu,…nên theo kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa bạn cần có các kệ đỡ, giá treo để phân loại, tiết kiệm diện tích. Cửa hàng tuy không quá rộng nhưng mặt hàng nhiều, bạn nên có hệ thống an ninh chuyên nghiệp như camera giám sát,…để tránh hiện tượng mất cắp hay thất thoát từ nhân viên. Kể cả mở cửa hàng tạp hóa ở quê bạn cũng nên đặc biệt lưu ý vấn đề này. Tiếp đến là lên kế hoạch thuê nhân viên nếu bạn cảm thấy cần thiết. Nhân viên phải có kĩ năng bán hàng chuyên nghiệp, hiểu biết về nhiều loại sản phẩm để tư vấn cho khách hàng đồng thời biết cách tính toán sổ sách cũng như sử dụng công nghệ cơ bản.
Tùy vào thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống của dân cư trong khu vực để quyết định mặt hàng phù hợp. Nếu là cửa hàng tạp hóa nhỏ thì nên bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống như nước, mắm, muối, mì chính, đường, thuốc lá, chè, bột giặt, sữa tắm, dầu gội… Còn các cửa hàng tạp hóa lớn hơn, cần nhập thêm các mặt hàng có thương hiệu uy tín, các sản phẩm chất lượng cao mà nhà nhà đều phải dùng như: sữa bột, bánh kẹo cao cấp, rượu vang, mỹ phẩm … Khi nhập hàng, bạn nên lưu ý tới số lượng sao cho đủ để hưởng khuyến mại và chiết khấu của nhà cung cấp. Ngoài ra, bạn có thể nhập thêm hàng bên ngoài như hàng xách tay, hàng ngoại,…để bán cho đa dạng sản phẩm.
Kinh doanh tạp hóa yêu cầu bạn phải có một trí nhớ tốt, một đầu óc thông minh, là một người nhanh nhẹn để có thể đáp ứng đúng các yêu cầu của khách hàng. Vì số lượng mặt hàng đa dạng, hàng hóa nhập xuất liên tục trong ngày nên bạn phải có một biện pháp quản lý, bài trí hàng hóa khoa học để khách dễ quan sát và tìm được sản phẩm nhanh hơn, nhớ giá chính xác từng mặt hàng, đề phòng kẻ cắp… Tuy nhiên, nếu không có những tố chất trên thì cũng đừng lo, một phần mềm quản lý bán hàng sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn. Cách giao tiếp với khách hàng cũng hết sức quan trọng vì mô hình tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trong một khu dân cư sẽ chỉ sống được bằng lượng khách nhất định ở cộng đồng dân cư đó. Nó khác với những cửa hàng phục vụ khách qua đường, lượng khách không gói gọn trong một khu vực nhỏ. Vì thế, khi giao tiếp, phục vụ khách hàng, chủ tiệm hoặc người bán phải hết sức khéo léo, gần gũi để tạo mối liên hệ tốt.