Nham
Nham hay nham trám là một món ăn chế biến cầu kỳ từ quả trám và được xem như món ăn truyền thống của người Thái Nguyên. Người ta thường ăn nham vào mùa quả trám chín. Một món nham hoàn chỉnh thường gồm rất nhiều nguyên liệu. Trong đó không thể thiếu quả trám đem ỏm tách hạt thái nhỏ. Nham thường có hai loại nham cá sống và nham cá nướng. Nham cá sống thì thái chỉ thịt cá, nham cá nướng thì cá được nướng trên than hoa. Trộn chúng lại cùng vừng, lạc, lá khế, lá nhội là có ngay món nham đầy đủ hương vị dân dã. Nham có thể ăn kèm bánh tráng hoặc bánh đa đều rất hấp dẫn.
Vào khoảng tháng bảy, tháng tám, âm lịch trám đen đã chín, “nắng tháng bảy nảy trám, nắng tháng tám rám trái hồng” và đây là lúc người Hà Châu làm món nham nhiều nhất. Nhưng muốn làm món đặc sản nham mà không phải vào mùa trám phải biết bảo quản trám đen bằng cách cho trám đun chín sau đó cho muối vào ngâm ngân đọng lại và để trám đến vài ba tháng vẫn có thể sử dụng được. Theo truyền thống, trám đen Hà Châu được trồng rải rác ở soi bãi ven sông Cầu. Soi rộng, vườn nhà rộng đâu đâu cũng thấy trám mọc, đặc biệt là chỉ một loại trám đen. Quả trám đen hình thoi lúc non màu trắng, lúc già chín màu xanh đen.
Mùa trám, các chủ buôn từ phương xa về Hà Châu đặt hàng mua, gia chủ chỉ việc hái trám xuống là lấy tiền. Quả trám xưa nay vẫn là loại quả được nhân dân vùng Hà Châu ven sông Cầu gìn giữ như một đặc sản riêng của quê hương. Trám om, trám kho thịt, xôi nếp trám. Đặc biệt là nham trám đã kể trên là món ăn được nhân dân địa phương sử dụng mỗi khi quê hương có lễ hội, có cỗ hoặc đãi khách. Xưa kia món nham trám đen đã từng được dâng cúng thành hoàng và người dân coi đó là sản vật quý, kết tinh sự tài hoa khéo léo trong chế biến món ăn của người dân địa phương.