Phân tích hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát trong "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" số 4

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, Cao Bá Quát là một trong những gương mặt nổi bật với tài năng cùng khí phách hơn người. Qua những sáng tác của ông, độc giả có thể thấy được chí khí hiên ngang cùng sự ngang tàn của người anh hùng không chịu "khom lưng cúi đầu" trước những gò bó và sự khuôn phép đầy rẫy những bất công của xã hội phong kiến, đồng thời thể hiện cái nhìn hiện thực sâu sắc và tiến bộ của tác giả. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm "Sa hành đoản ca". Ở tác phẩm này, tác giả đã xây dựng tứ thơ độc đáo và sử dụng những hình ảnh mới mẻ, đặc sắc để bộc lộ cảm xúc và nhân sinh quan của mình. Thông qua hai hình tượng là hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát, chúng ta có thể thấy được tâm trạng bi phẫn của Cao Bá Quát về sự truân chuyên, bất công, ngang trái trên con đường công danh.


Trong tác phẩm, tâm trạng bi phẫn của tác giả đã được thể hiện thông qua hai hình ảnh bãi cát và người khách lữ hành trên bãi cát. Đây là hai hình ảnh tồn tại song hành và sóng đôi xuyên suốt bài thơ. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh những bãi cát mênh mông nối tiếp nhau và tưởng chừng như kéo dài đến vô tận: "Bãi cát dài, lại bãi cát dài". Tuy nhiên, đó không chỉ là hình ảnh tả thực những bãi cát miền Trung khô cằn qua năm tháng cùng những ngọn gió Lào khắc nghiệt mà còn là ý niệm ẩn dụ cho con đường công danh lận đận, bế tắc của tác giả Cao Bá Quát nói riêng và của tầng lớp trí thức đương thời nói chung. Mặc dù nổi tiếng từ nhỏ với trí thông minh cùng tài năng hơn người: "trong một bài văn thường có những thần cú" (trích Cao Bá Quát, Danh nhân truyện kí) nhưng ông lại gặp nhiều truân chuyên trên con đường khoa cử. Con đường gian nan, trắc trở này đã được ông miêu tả thông qua những vần thơ đầy ám ảnh:


"Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng

Phía Nam núi Nam, sóng muôn đợt"


Qua những kì thi Hương, thi Hội, nhà thơ đã có cái nhìn sáng suốt về con đường danh lợi. "Núi muôn trùng" và "sóng muôn đợt" dường như đã tạo nên một mê cung không lối thoát chứa đựng vô vàn chông gai, khó khăn đối với người khách bộ hành.


"Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi

Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi"


Những câu thơ mang đậm chất tự sự và suy tưởng đã miêu tả bước chân nặng nề, khó nhọc qua sự quẩn quanh bế tắc và tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong vùng sa mạc vô bờ bến của con người. Người bộ hành vẫn bước đi không ngừng nghỉ giữa khoảng không gian bao la nắng gió, nhưng những bước chân mỏi mệt lún sâu vào cát đã tạo nên cảm giác: "Đi một bước như lùi một bước". Niềm hi vọng thoát khỏi sa mạc vì thế càng trở nên mong manh và xa vời. Trong tình cảnh dù mặt trời đã lặn nhưng những bước chân mỏi mệt vẫn chưa thể dừng lại, giọt nước mắt rơi trên đường của người "lữ khách" không chỉ là giọt nước mắt cay đắng của sự mỏi mệt mà còn chứa đựng tâm trạng bi phẫn, uất ức, cay đắng và tủi cực của tác giả trước thực tại đầy rẫy những éo le, và kết tinh thành nỗi oán giận "giận khôn vơi" đối với con đường công danh. Thái độ bi phẫn của tác giả còn được thể hiện thông qua nhận thức và quan niệm độc đáo về con đường công danh mà tầng lớp trí thức đương thời đang đeo đuổi:


"Xưa nay, phường danh lợi

Tất tả trên đường đời

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người"


Là một người "lữ hành" trải qua nhiều truân chuyên, vất vả trên con đường khoa cử, tác giả hiểu rõ sự cám dỗ của "phường danh lợi" - thứ khiến cho biết bao người mưu cầu và "tất tả" ngược xuôi. Ông ví điều này cũng giống như việc thưởng thức những ly rượu ngon để rồi trong hơi men say nồng, con người không thể vượt thoát vòng xoay của sự cám dỗ. Thông qua cách nói "phường danh lợi", tác giả đã phần nào thể hiện thái độ coi thường và ngầm phê phán những kẻ đang "tất tả" trên con đường công danh, và cũng chính là lời tự trách đối với bản thân mình. Bởi vậy, kết thúc bài thơ, nhà thơ đã nêu bật câu hỏi như một lời tự vấn chính mình: "Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?". Trước tình cảnh muôn trùng núi và sóng mịt mờ, tác giả không biết "tính sao đây" và không thể xác định được phương hướng: chịu cảnh "bất đắc kì tử" cuốn theo vòng danh lợi, hay vẫy vùng vượt thoát ải công danh. Ẩn sau từng con chữ là thái độ chán chường của tác giả đối với con đường mờ mịt, bế tắc chốn quan trường.


Như vậy, thông qua hai hình tượng song song và tồn tại xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát, chúng ta có thể thấy được tâm trạng bi phẫn của tác giả Cao Bá Quát đối với con đường "công danh đeo khổ nhục" đầy rẫy những bất công. Đồng thời, qua hai hình ảnh này, nhà thơ còn bộc lộ nhân sinh quan độc đáo và nhận thức sắc sảo, tiến bộ của mình về con đường danh lợi.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy