Phân tích hình tượng sóng và em trong bài thơ "Sóng" số 8

Hình tượng sóng và “em” là hai hình tượng chủ đạo được Xuân Quỳnh xây dựng trong bài thơ “Sóng”. Hai hình tượng đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi độ sâu của tầng ý nghĩa và độ tập trung của bút lực nhà thơ. Dưới đây là bài viết chi tiết cảm nhận về hai hình tượng này.


Nhà văn là người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trên chất liệu ngôn ngữ và phản ánh đời sống bằng những hình tượng nghệ thuật. Hình tượng gần như là điều “sống còn” với văn học. Một tác phẩm tạo dựng được hình tượng nghệ thuật đủ đặc sắc, đủ ấn tượng là đã một phần thành công. Thông qua hình tượng, nhà văn không chỉ thể hiện cái nhìn đời sống mà còn muốn gửi gắm tấm lòng của chính mình đối với hiện thực ấy. Chẳng thế mà đọc “Song” của Xuân Quỳnh, ta thấy sóng vỗ, thấy “em” tình tự và cũng thấy cả cô gái Xuân Quỳnh đang bày tỏ nỗi lòng yêu. Thông qua hai hình tượng, nhà văn đã bày tỏ những tâm sự, nghĩ suy của mình về bản chất, qui luật và những sắc thái của trái tim trong tình yêu. Cảm nhận hình tượng sóng và em trong bài thơ “Sóng” là một đề tài hay cho bài viết và cũng là một định hướng khi tiếp cận tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh. Chúc các bạn thành công!


Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca. Nhiều lần, tình yêu đã chiếm cứ hồn thơ nhà văn để sôi trào mãnh liệt trên trang giấy. Nếu ta thấy một chàng trai Xuân Diệu nhiệt huyết, đắm mình trong tình yêu thì ta lại thấy một cô gái Xuân Quỳnh nhẹ nhàng, dịu êm với một tình yêu nữ tính. Mượn hình tượng sóng và em trong tác phẩm “Sóng”, nhà thơ đã thể hiện những chiêm nghiệm, suy nghĩ của mình về tình yêu.


Xuân Quỳnh là nhà thơ nổi bật trong phong trào thơ thời chống Mĩ cứu nước. Các tác phẩm của Xuân Quỳnh là tiếng nói đậm đà của cảm xúc, mang thiên tính nữ của một tâm hồn phụ nữ luôn khát khao yêu thương. “Sóng” được sáng tác năm 1967 nhân chuyến đi vào Diêm Điền, Thái Bình của nữ sĩ. Hình tượng sóng và em trong bài thơ song hành, hòa nhập vào nhau, là hóa thân của chính Xuân Quỳnh để nói lên cảm xúc, suy tư về tình yêu, về những quy luật, trạng thái và khát vọng của nữ sĩ khi đứng trước dập dìu sóng vỗ. Sóng và “em” cùng mang những bản ngã và cùng hòa nhập trong biển lớn khát vọng. Cả hai đều mang trong mình những trạng thái đối lập:


“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”


Sóng mang trong mình những đối cực “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Đó là những trạng thái khác nhau của sóng trong lòng đại dương và những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn người con gái đang yêu. Con sóng trong thiên nhiên lúc dữ dội lúc dịu êm thì “em” trong tình yêu cũng có lúc êm đềm khi dông tố. Xuân Quỳnh đã biến con sóng từ một hiện tượng tự nhiên trở thành một chủ thể đầy tâm trạng. Giữa các đối cực nhà thơ đặt liên từ “và”. Khả năng dùng từ tinh tế đã diễn tả sự song hành của các đối cực: con sóng trong thơ Xuân Quỳnh có lúc cô ồn à, dữ dội nhưng bao giờ cũng đổ về phía dịu êm, lặng lẽ bởi sáng ở đây mang thiên tính nữ. Nó là sự hiện diện của “em” và cũng là của cái trữ tình Xuân Quỳnh. Bản tính của sóng và “em” còn thể hiện ở không gian tồn tại:


“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”


Trong tự nhiên, tất cả các dòng sông đều đổ về biển cả. Những con sóng nhỏ mang trong mình khát vọng lớn luôn có xu hướng tìm thoát khỏi không gian chật hẹp để đến với những không gian thoáng đạt hơn. Hành trình từ sóng đến biển cũng là hành trình của con người đến với tình yêu, con người muốn đến với tình yêu cần phải vượt qua những giới hạn cá nhân để hòa vào biển đời rộng lớn, kiếm tìm sự đồng điệu và sẻ chia. Sóng và “em” qua hành trình ấy không chỉ là tìm kiếm bến bờ hạnh phúc mà còn là tìm đến với nơi mình nên tồn tại, tìm về với chính mình để sống trọn vẹn là mình. Đó vừa là quy luật tự nhiên, quy luật tâm hồn và cũng là khát vọng của sóng, khát vọng của tâm hồn “em”. Bản chất của sóng không chỉ tồn tại trong những chiều kích không gian khác nhau mà còn tồn tại trong những chiều thời gian khác nhau:


“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”


Nhà thơ đứng ở hiện tại nhìn sóng từ ngày xưa cho đến ngày sau, để thấy sóng vỗ nhịp ngoài đại dương làm nên sự sống của biển cả, cũng giống như tình yêu muôn đời vẫn rực rỡ làm nên ý nghĩa và sự sống trong trái tim “em”. Sự tồn tại của tình yêu trong chiều thời gian từ ngày xưa cho đến ngày sau còn thể hiện sức sống bất diệt của tình yêu và cũng là sức sống, sức trẻ bền bỉ của mỗi trái tim yêu. Nhà thơ đã soi vào sóng để thấy “em”, soi vào “em” để thấy chính mình.

Hình tượng sóng và “em” còn mang trong mình những nỗi niềm, những thao thức về tình yêu:


“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?”


Câu hỏi tu từ lúc ẩn lúc hiện trong chân sóng, lúc trào lên đầu ngọn sóng như những băn khoăn trăn trở. “Em” không cảm nhận mà nghĩ về sóng, đang suy tư và nghĩ về tình yêu. Nương theo những con sóng, ‘em” bắt đầu hành trình tìm kiếm nơi khởi nguồn của tình yêu:


“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”


Câu trả lời vừa là sự thú nhận về sự bất lực của “em” trên hành trình tìm kiếm cội nguồn tình yêu vừa là sự thức nhận sâu sắc về một chân lý: tình yêu là điều huyền diệu của cuộc sống, con người chỉ có thể cảm nhận chứ không thể truy tìm được nơi khởi nguồn. Sóng khát khao tìm đến bờ, con “em” thì khát khao hướng đến anh trong nỗi nhớ rạo rực:


“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”


Sóng được nhân hóa thành một chủ thể có trái tim yêu nồng nàn. Điệp từ “sóng’ gợi những con sóng yêu thương cứ dâng lên hết lớp này đến lớp khác trong trái tim yêu của “em”, vừa gợi ra nhịp dạt dào, miên man, sâu lắng trong nỗi nhớ thương. Sự tương phản “ngày” – “đêm”, “trong lòng sâu” – “trên mặt nước” khiến nỗi nhớ bao chùm lên các chiều thời gian và không gian, hình dung trái tim “em’ đang yêu giống như một đại dương mênh mông không lúc nào im lặng ở những con sóng của nhớ nhung. Nữ sĩ mượn sóng để nói lời tình yêu nhưng sóng cũng không nói hết được chiều sâu và sự mãnh liệt của nỗi nhớ nên “em” đã trực tiếp xuất hiện để bày tỏ:


“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


Nỗi nhớ không chỉ hiện diện trong ý thức mà còn sống dậy trong tiềm thức để hiện ra trong những giấc mơ. Dung lượng câu thơ từ bốn chuyển thành sáu chữ câu để biểu đạt đến tận cùng của nỗi nhớ. “Em”, hay chính nhà thơ đã tự phá vỡ các giới hạn dẫn chúng ta đến với thế giới vô biên của tâm hồn con người. Trái tim yêu chỉ dung chứa được một người, bởi yêu là thủy chung. Hình tượng sóng và “em” hiện ra với tình yêu chân thành, sâu sắc và duy nhất như thế:


“Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”


Nhà thơ đã đặt khái niệm “phương anh” bên cạnh phương bắc phương nam để phân biệt hai chiều không gian: địa lý và tình yêu. Nếu trong không gian địa lý có bốn phương tám hướng thì trong tình yêu, “em: chỉ để biết đến “phương anh”. Hai chữ “một phương” đã khẳng định thủy chung là bản chất của tình yêu. Các chữ “ngược”, “xuôi” thể hiện một tình yêu bền vững được thử thách qua hành trình lên thác xuống ghềnh, vừa làm hiện lên bóng dáng “em” lấy điểm tựa là tình yêu để lo toan xuôi ngược trong hành trình khác nhau của cuộc sống. Xuân Quỳnh từng viết: “Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn”, yêu là vừa tin tưởng vừa lo âu. Hình tượng sóng và “em” cũng nhuốm sắc thái tâm trạng ấy:


“Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”


Trái tim đa cảm và tâm hồn giàu trắc ẩn nên “em” rất nhạy cảm trước sự chảy trôi của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Vì vậy câu thơ thoáng có nét lo âu, dự cảm về những điều bất trắc. Nhà thơ đã nhận ra những giới hạn cuộc đời tuy dài nhưng vẫn có điểm kết thúc, biển dù rộng nhưng vẫn có bờ, tình yêu cũng không là vĩnh viễn, có thể mờ phai trong dòng chảy thời gian. Vượt lên trên nỗi lo âu, “em” vẫn giữ niềm tin vào sự vững bền của tình yêu, của lòng người. Hình ảnh trăm nghìn con sóng vỗ bờ, những đám mây mỏng manh có thể vượt qua sự dài rộng của năm tháng đã khơi dậy trong “em” niềm tin về tình yêu, con người có thể đến với cái đích của cuộc đời mình, có thể vượt lên những giới hạn của đời sống. Sống mãnh liệt với tình yêu, luôn ồn ào sóng vỗ nên sóng và “em” cùng giữ cho mình khao khát hòa vào biển đời rộng lớn:


“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”


“Em” khát vọng được hóa thân thành sóng để tồn tại trong cái vô tận của không gian và cái vĩnh hằng của ngàn năm. Khát vọng ấy là khát vọng muốn vĩnh viễn hóa tình yêu, muốn dùng tình yêu để nối dài cuộc đời vốn ngắn ngủi và hữu hạn của con người. Lý tưởng ấy gợi mở hình ảnh “em” - một cô gái đắm say, sẵn sàng hi sinh và dâng hiến cho tình yêu.


Hình tượng sóng và “em” khi thì song hành với nhau, cũng có khi “em” lại tách mình ra để nói trực tiếp nỗi lòng, rồi lại hòa nhập vào với nhau trong biển tình yêu. Thể thơ năm chữ với cách ngắt nhịp linh hoạt đã tạo âm hưởng dạt dào, sâu lắng như nhịp sóng vỗ ngoài đại dương, như sóng lòng đang gối lên nhau trong lòng “em”. Hai hình tượng đều là tiếng lòng của nhà thơ, nỗi nhớ ấy, khát vọng ấy, những đối cực ấy, là Xuân Quỳnh đang vẽ lên bức chân dung chính tâm hồn mình.

Phân tích hình tượng sóng và em trong bài thơ
Phân tích hình tượng sóng và em trong bài thơ "Sóng" số 8
Phân tích hình tượng sóng và em trong bài thơ
Phân tích hình tượng sóng và em trong bài thơ "Sóng" số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy