Phân tích nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong "Cảnh ngày xuân" số 2
Trong Truyện Kiều, biết bao nhiêu lần Nguyễn Du đã dụng công nghệ thuật để miêu tả thiên nhiên có đủ bốn mùa đầy gợi cảm, trữ tình.
Thế nhưng, có lần Nguyễn Du vẽ nên bức tranh thơ bất tử về mùa xuân bằng màu xanh tươi tắn của cỏ non với nét thanh nhã của sắc trắng hoa lê. Để rồi trên cái nền xuân mênh mồng, êm đềm ấy xuất hiện những trang giai nhân tuyệt sắc. Để rồi giai nhân - tài tử - mùa xuân và tình yêu đôi lứa chởm nở, đã mang cái đẹp đến cho đời và làm bùng vỡ cảm xúc thẩm mỹ của người yêu thơ Việt Nam qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”.
Bốn dòng thơ đầu gợi tả cảnh mùa xuân. Xuân đã vào tháng ba - tiết thanh minh, rộn ràng những cánh én trong nắng ấm. Bức hoạ tuyệt đẹp về mùa xuân bằng sự kết hợp tuyệt vời giữa thảm cỏ xanh non trải dài tận đến chân trời. Điểm trên cái nền xanh mênh mông rợn ngợp ấy, là những cánh hoa lê màu trắng thanh nhã. Tác giả dùng từ “điểm” thật phù hợp, tạo nét thanh nhã, đúng với tình cảm trong sáng thanh lịch của “nam thanh nữ tú” đang du xuân. Đó là màu sắc tinh khôi, trong trẻo, giàu sức sống và gợi cảm, là nét đặc trưng của mùa xuân. Bức tranh xuân đã làm say lòng người.
Tám dòng tiếp theo gợi tả khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. Nét văn hoá tảo mộ giàu tính truyền thống, trở thành nét đẹp trong tâm hồn con người. Hội Đạp thanh gợi cái nét thanh tao mà gần gũi. Có gì thanh bình bằng dạo chơi trên cánh đồng quê lúc cỏ non vừa vươn dậy sau những cơn mưa xuân lất phất. Đâu đó thoang thoảng mùi hương trầm toả ra từ những ngôi mộ hoà quyện vào tâm hồn người du xuân thành niềm thiêng liêng khó tả.
Đoạn thơ giàu giá trị biểu cảm thể hiện qua các danh từ yến anh, chị em, tài tử, giai nhân... tất cả mọi người xa gần đều trong tâm trạng “nô nức” sắm sửa, dập dìu đến phó hội. Ngoài các động từ, danh từ được đưa vào thật đắt, Nguyễn Du còn hào phóng thêm vào các tính từ nô nức, gần xa và hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” đã góp phần gợi tả, làm nổi bật không khí, khung cảnh nhộn nhịp ngày xuân và tâm trạng phơi phới của khách chơi xuân. Điểm trên khung cảnh ấy là những thoi vàng với tro tiền giấy bay càng làm cho khung cảnh có phần sâu lắng. Điều ấy làm nổi bật nét đẹp văn hoá truyền thống giàu tính nhân văn trong tiết Thanh minh.
Sáu câu cuối tả cảnh chị em Kiều trở về nhà. Cảnh hiện lên lúc chiều tàn, không còn nhộn nhịp mà như lặng dần và nhuốm buồn. Những từ láy “tà tà, thanh thanh, nao nao” biểu đạt sắc thái cảnh vật và tâm trạng con người cũng “nao nao” như dòng nước. Phép nhân hoá độc đáo khiến cho cảnh vật như có tâm trạng. Cảm giác vui xuân còn lâng lâng thì tác giả đã điểm vào lòng người một thoáng buồn qua hình ảnh “Nao nao dòng nước” và ngọn “tiểu khê” có màu thanh thanh lành lạnh như tiên cảm cho một điều chẳng lành, dự báo một thiên đoạn trường...
Đoạn thơ có kết cấu hợp lý và ngôn ngữ giàu tính tạo hình; nghệ thuật nhân hoá độc đáo và những từ láy giàu tính biểu cảm. Với mười tám dòng thơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân thanh nhã với nét chấm phá tuyệt vời và nhuốm đầy tâm trạng con người với dự cảm ẩn chứa niềm đau.