Phân tích tác phẩm "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" bài số 7
Vị vua anh minh, lỗi lạc của dân tộc - Nguyễn Huệ - đã từng nói: "Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc." Cùng chung quan điểm với Nguyễn Huệ là Mặc Tự. Ông khẳng định: "Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh". Không phải tự nhiên những vị vua, những vị quan của đất nước trong các triều đại đi trước đưa ra lời khẳng định này, mà bởi vì nó chính là một yếu tố cốt lõi trong quá trình dựng nước, giữ nước họ đúc kết ra được.
Mặc dù còn có rất nhiều người cùng chung quan điểm với Mặc Tự và Nguyễn Huệ nhưng khi nhắc đến vấn đề này, ta không thể không nói đến Trần Nhân Tông với câu nói: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Lời tóm lược vừa hay, vừa rõ ràng, thâu đủ các ý từ những người đi trước. Thông qua đó mà ta có thể hiểu rõ được tầm quan trọng của người tài đối với mỗi quốc gia, dân tộc.
Trước hết, ta cần phải làm rõ khái niệm "hiền tài". Hiền tài có nghĩa là gì? Hiền có nghĩa là người hiền lương, người sống có đạo đức, lương thiện. Còn tài ở đây là tài năng, là phẩm chất, là cốt cách của một con người. Vậy nên ta có thể suy ra được hiền tài là những người vừa có tài, vừa có đức như triết lí của Hồ Chủ tịch. Họ là những người có phẩm chất cao quý, có một sự tinh anh, tinh thông, nhìn nhận và đóng góp cho đất nước một cách trung thành, yêu nước thương dân.
Tại sao Trần Nhân Tông lại cho rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"? Nguyên khí là những sức mạnh tiềm tàng, những sức mạnh ẩn sâu bên trong của đất nước để giúp cho đất nước trở nên hưng thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Những người hiền tài là yếu tố quan trọng để thực hiện sứ mệnh ấy.
Nhìn lại cả một thời kì lịch sử chói lọi của dân tộc với quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, ta có thể khẳng định rằng câu nói của Trần Nhân Tông là hoàn toàn đúng đắn. Các vị vua như Quang Trung, Lí Thái Tổ, Lê Lợi đều là những minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho việc sử dụng tài năng, sự mưu trí và đức độ khi trị vì đất nước.
Những người như họ đã góp phần làm nên sự độc lập và phát triển của nước ta trong những thời kì đó. Nhưng không chỉ có những người đứng đầu đất nước mới là những người tài giỏi, ta thấy được ở cấp bậc thấp hơn đó là những vị tướng quân trong triều đình, họ còn góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ đất nước.
Tiêu biểu có thể kể đến như: Lí Thường Kiệt - người đầu tiên đem quân sang Bắc phạt - hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam..... Chính bởi vì có sự hiện diện của họ mà ta mới được như ngày hôm nay.
Tạm gác lại cái nhìn về lịch sử, ta phóng tầm mắt đến hiện tại, Đảng và nhà nước ta vẫn đang nỗ lực không ngừng vì một Việt Nam phát triển, một đất nước đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chân lí: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia vẫn luôn là yếu tố tiên phong để phát triển đất nước.
Hằng năm, chúng ta tổ chức biết bao nhiêu cuộc thi để tìm kiếm những người tài giỏi, tạo cơ hội cho họ thể hiện tài năng và phát triển bản thân như: Cuộc thi sáng tạo robocon, thi đấu các giải đấu toán học quốc tế, chương trình Đường lên đỉnh Olympia..... Nhà nước luôn chú trọng vào việc phát triển tài năng, phát triển và đầu tư vào giáo dục.
Nhưng song song cùng với quá trình đi lên này vẫn còn không ít những người tài giỏi đã sang nước ngoài học tập, sinh sống và không quay trở về quê hương nữa. Họ được đất nước tạo điều kiện để nâng cao khả năng, để ra nước ngoài học tập ấy thế mà khi ở trong một môi trường tốt, họ không còn muốn trở về quê hương để cống hiến nữa.
Dù thế giới ngày hôm nay và ngày mai có xoay chuyển và diễn biến phức tạp thì những người hiền tài vẫn sẽ là nhân tố quan trọng trong những hoàn cảnh ấy. Vậy nên, mỗi chúng ta cần không ngừng học tập, trau dồi và nâng cao vốn hiểu biết của bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội, khiến cho đất nước đi lên, ngày càng giàu mạnh.