Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài "Tôi yêu em" số 10
Hẳn nhắc đến bài thơ Nga “Tôi yêu em” chúng ta nhớ ngay đến nhà thơ nổi tiếng Puskin. Ông đã góp cho nền văn học nước nhà cũng như văn học thế giới những tác phẩm hay. Bài thơ Tôi yêu em là một bài thơ điển hình như thế. Có thể nói qua bài thơ ta thấy được tình yêu diệu kì đến nhường nào.
Khổ thơ đầu của bài tình yêu diệu kì với sự hi sinh không để cho người yêu của mình phải buồn thương u hoài điều gì. Tình cảm sự hi sinh ấy tiêu biểu cho một tình yêu thật sự, một tình yêu đúng nghĩa:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể.
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài. ”
Nhà thơ mở đầu bằng một câu thơ với ba chữ đầu thật lãng mạn và tràn đầy yêu thương “tôi yêu em”. Câu nói ấy tưởng chừng rất dễ nói nhưng không phải thế. Có biết bao nhiêu người vì ngượng ngùng mà không thể nào nói lên tình cảm của mình. Hơn nữa chỉ có ba chữ thôi nhưng chứa đựng trong nó là cả một tình cảm nồng thắm. Đó là toàn bộ tâm hồn và trái tim đều hướng về người con gái kia. Tình yêu ấy được kéo dài từ trước cho đến nay. Và cho đến tận hiện tại thì ngọn lửa tình ái vẫn chưa tàn phai. Ở đây nhà văn như thể hiện được những sức mạnh của tình yêu vượt qua sự tàn úa của thời gian vẫn còn nồng nàn rực lên một ngọn lửa tình. Nó cũng giống như thơ Việt Nam ta rằng:
“Yêu nhau mấy núi cũng leo
Mấy sông cũng lội
Mấy đèo cũng qua”
Tình yêu ấy khiến cho nhà thơ hi sinh những quyền lợi cá nhân của mình chấp nhận những thương đau để thấy người mình yêu được hạnh phúc. Đúng vậy khi chúng ta yêu thì chúng ta hạnh phúc nhất khi thấy người yêu mình hạnh phúc. Những người đàn ông luôn có trách nhiệm che chở cho những người phụ nữ của mình. Nhà thơ cũng như cảm nhận và ý thức được điều đó. Nhà thơ không để cho người yêu của mình phải bận lòng về chuyện gì, không để cho tâm hồn của người con gái u hoài, mắt ướt lệ hay tim vương vấn quặn đau. Tại sao ư? Chỉ vì một chữ yêu mà thôi. Chính vì khi yêu người ta dành tất cả cho người mình yêu vì thế họ chấp nhận hi sinh và tư làm thương mình để người kia được hạnh phúc. Điều đó làm nên sự cao thượng, cao cả của tình yêu.
Đến bốn câu thơ cuối thì Puskin lại nói đến những trạng thái của tình yêu: thương, yêu hờn giận, trách móc…thế nhưng dù cho thế nào thì cũng để nói lên một tình yêu chân thành mà thôi:
“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”
Nhà thơ yêu người phụ nữ một cách âm thầm, đó là một tình yêu không cần sự đáp trả mà chỉ cần nhìn thấy người kia được hạnh phúc thì có lẽ nhà thơ cũng cảm thấy ấm lòng mình rồi. Nhà thơ không hi vọng tình yêu của mình được đáp trả mà chỉ cần trong trái tim nhà thơ yêu là đủ rồi. Những trạng thái trong tình yêu được nhà thơ nhắc đến. Có lúc rụt rè nhưng rồi lại có lúc hậm hực lòng ghen. Có yêu thì mới ghen, cái sự ghen nhẹ nhàng khiến cho người ta trở nên dễ thương đáng yêu biết nhường nào. Tình yêu đôi lúc lại trở nên rụt rè, thẹn thùng như thế. Nhà thơ Xuân Quỳnh của nước ta cũng nói đến những trạng thái khi yêu của người con gái qua bài thơ Sóng:
“Dữ dội và dịu êm
ồn ào và lặng lẽ”
Hai trạng thái có thể thấy là đối lập nhau nhưng qua đó ta hiểu được tính tình người con gái khi yêu thường sớm nắng chiều mưa như vậy. Còn ở đây là tính tình của chàng trai khi yêu, trạng thái cũng có sự ghen, hâm hực nhưng lại biết nhường nhịn rụt rè chứ không dữ dội như người con gái trong bài thơ sóng của Xuân Quỳnh. Tình yêu của nhà thơ ở đây là một tình yêu chân thành đằm thắm chính vì thế kể cả khi người con gái không bằng lòng hay không biết tình yêu ấy thì nhà thơ vẫn mong người con gái mình yêu sẽ yêu một người chân thành đằm thắm như chính mình yêu cô ấy vậy. So sánh người khác với chính mình nhà thơ muốn thể hiện, muốn nhấn mạnh cái tình cảm chân thành của bản thân mình. Có thể nói rằng tình yêu thật diệu kì biết nhường nào.
Quả thật tình yêu có sức mạnh kì lạ khiến cho người ta yêu, rồi hi sinh, rồi rụt rè yêu thương, mong cho người mình yêu không u hoài buồn bã. Nhà thơ Xuân Diệu quả là đúng khi nói: “Làm sao sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào”. Nhà thơ Puskin đã đem đến cho chúng ta một tình yêu tiêu biểu chân thành nhất, có sự hi sinh, sự chân thành đăm thắm.