Phân tích truyện "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" bài số 4

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết nổi bật trong chuỗi truyền thuyết thời Âu Lạc. Tác phẩm với kết thúc bi kịch, nước mất nhà tan đã trở thành bài học sâu sắc về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.


Tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính: An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy, mỗi nhân vật có một tính cách, hoàn cảnh riêng, qua đó thể hiện được những bi kịch khác nhau. Trước hết về nhân vật An Dương Vương. Ông là một vị vua anh minh, sáng suốt trong quá trình dựng và giữ nước. Ông có quyết định táo bạo, đúng đắn dời kinh đô từ Nghĩa Lĩnh về Cổ Loa, tạo điều kiện để phát triển đất nước. Không chỉ vậy, để đề phòng quân xâm lược ông còn xây dựng Cổ Loa thành với chín vòng thành chắc chắn, được sự giúp đỡ của Rùa Vàng, chín vòng thành khiến kẻ thù khó có thể xâm lấn. Không chỉ vậy, khi được Rùa Vàng tặng móng vuốt, ông còn tìm người tài chế tạo nỏ thần. Chính bởi sự mưu lược, nhìn xa trông rộng nên khi Triệu Đà kéo quân sang đã bị quân ta đánh bại. Nhưng ngài cũng là người mất cảnh giác trước kẻ thù.


Trên đà lợi thế với chín vòng thành và vũ khí là nỏ thần, An Dương Vương không phòng bị trước kế sách hiểm độc của Triệu Đà: cầu hôn Mị Châu. Ông chẳng mảy may nghi ngờ mà lập tức gả con gái cho kẻ thù, không có chính sách phòng bị hay đối phó. Ông đã tỏ ra cực kì mất cảnh giác, có lẽ ông đã ngủ quên trên chiến thắng, ỉ thế mình có nỏ thần mà quên đi những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Sự mất cảnh giác, chủ quan ấy còn được đẩy lên một mức cao hơn nữa khi quân lính vào báo tin Triệu Đà kéo quân sang xâm lược, An Dương Vương Vẫn bình tĩnh mà nói: “Đà không sợ nỏ thần của trẫm sao”. Ông vẫn tin tưởng vào sức mạnh của nỏ thần mà không hề có bất kì hành động nào chống trả lại kẻ xâm lược.


Trước đây ông anh minh, sáng suốt bao nhiêu thì nay lại chủ quan bấy nhiêu. Chính bởi sự mất cảnh giác ấy nên ông lâm vào hai bi kịch lớn: bi kịch mất nước, thua trận, bị kẻ thù truy đuổi đến đường cùng phải kêu cứu Rùa Vàng. Và đau đớn hơn là bi kịch phải tự tay giết chết người con gái duy nhất của mình. Mặc dù đau đớn song ông không thể làm khác. Ông cầm sừng tê rẽ xuống nước sống cuộc đời bất tử. Đây là hình thức phổ biến trong văn học dân gian, cái chết của An Dương Vương được bất tử hóa, mĩ lệ hóa. An Dương Vương tuy có tội nhưng là vô tình nên được nối dài sự sống như một sự đền bù. Nhưng vẫn là tội nên không được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không có cái kết huy hoàng như Thánh Gióng.


Nhân vật thứ hai chính là nàng Mị Châu, nàng là tội nhân của bi kịch mất nước. Lấy Trọng Thủy nàng một lòng một dạ yêu và tin chồng, không hề đề phòng bởi cha nàng vốn cũng không phòng bị nên nàng cũng không mảy may nghi ngờ. Trước lời đề nghị của Trọng Thủy cho xem nỏ thần, nàng ngay lập tức nhận lời, không cần đến sự đồng ý của ai, dù đó là bảo vật quốc gia, liên quan đến vận mệnh đất nước. Đây cũng chính là cơ hội để Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần. Sự bất cẩn của nàng đã làm lộ bí mất quốc gia, là nguyên nhân dẫn đến mất nước. Nàng ngây thơ đến nỗi trước lời dặn dò đầy ẩn ý của Trọng Thủy cũng không nghi ngờ mà còn dặn dò chồng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khốn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà tắc ở ngã ba đường làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.


Mị Châu chỉ nghĩ cho hạnh phúc nhỏ của mình mà quên đi vận mệnh lớn của đất nước. Lúc này lí trí của nàng đã bị trái tim chiếm chỗ bởi vậy nàng không suy xét, ngẫm nghĩ mà chỉ nghe theo lời chồng. Nhờ những chiếc lông ngỗng mà quân Triệu Đà đã đuổi theo truy sát An Dương Vương, cuối cùng nàng bị kết tội là giặc – bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời nàng. Cái chết của Mị Châu là bài học đau xót cho muôn đời sau. Trọng Thủy là nhân vật vô cùng phức tạp, mắc kẹt giữa hai tham vọng tình yêu và cướp nước, bởi vậy Trọng Thủy vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân. Trọng Thủy cưới Mị Châu do lệnh của vua cha, chàng không hề có tình yêu với Mị Châu.


Bởi vậy, Trọng Thủy sẵn sàng lừa dối Mị Châu để xem và đánh tráo nỏ thần, độc ác hơn Trọng Thủy còn lừa Mị Châu rải lông ngỗng để truy sát hai cha con An Dương Vương đến cùng. Mọi hành động của Trọng Thủy là có chủ ý, được sắp đặt từ trước, bởi vậy, Trọng Thủy không thể được dung tha. Cái chết bi thảm lao đầu xuống giếng tự vẫn chính là dành cho Trọng Thủy – kẻ nham hiểm, lừa dối người vợ của mình. Nhưng xét ở một khía cạnh khác, Trọng Thủy lại là nạn nhân trong bi kịch tình yêu.


Đối với Triệu Đà, Trọng Thủy là một bề tôi trung thành đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng cuối cùng lại tự vẫn, theo quan niệm phong kiến tội bất hiếu là tội lớn nhất của con người. Khi sống trọn vẹn với tình yêu Trọng Thủy lại trở thành kẻ bất hiếu. Trong quan hệ với Mị Châu, có lẽ sau quá trình chung sống, Trọng Thủy nảy sinh tình cảm với Mị Châu, lúc này Trọng Thủy bị giằng xé giữa nghĩa vụ và tình yêu. Bởi vậy sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, cướp nước thành công, Trọng Thủy sống trong nỗi đau đớn, tâm can bị giày vò, Trọng Thủy đã tìm đến cái chết để tự giải thoát cho chính mình. Bi kịch đó là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa: không chỉ phía thua mà cả phía thắng cũng đau đớn như nhau.


Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt lõi lịch sử và các yếu tố kì ảo, hoang đường tạo nên sự hấp dẫn, li kì; đồng thời thể hiện thái độ, quan niệm, tình cảm của dân gian với các nhân vật lịch sử. Xây dựng các hình tượng nhân vật rất phức tạp. Đây là hiện tượng đặc biệt trong các câu chuyện dân gian của Việt Nam. Ngoài ra tác phẩm sử dụng các chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng: ngọc trai, giếng nước,..


Bằng sự kết hợp hài hòa giữa sự thật lịch sử và yếu tố kì ảo, tác phẩm là một cách giải thích nguyên nhân mất nước Âu Lạc. Đồng thời, qua tác phẩm cũng gửi gắm bài học lịch sử sâu sắc cho các thế hệ muôn đời: bài học về tinh thần cảnh giác và bài học về cách xử lí đúng đắn giữa việc chung và việc riêng, giữa tình nhà và việc nước, giữa cá nhân và cộng đồng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy