Phân tích vẻ đẹp sông Hương trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông" số 8
Hoàng Phủ Ngọc Tường được mệnh danh là ông hoàng của thể kí Việt Nam. Những trang kí mà đặc biệt là những trang tùy bút của ông thường đẹp ở lối miêu tả, sâu sắc ở cách cắt nghĩa, lí giải và mãnh liệt cảm xúc. Trong cách viết có sự kết hợp giữa đĩnh đạc, nghiêm cẩn với cái tinh tế, tài hoa, lãng mạn. Ai đã đặt tên cho dòng sông là kết tinh nghệ thuật của ông, tác phẩm đã miêu tả một cách tài hoa vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng.
Bằng cách tiếp cận địa văn hóa, tác giả đã phát hiện ra ở sông Hương vẻ đẹp đa chiều. Từ vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, đến vẻ đẹp chiều sâu văn hóa, tâm hồn con người, từ vẻ đẹp của lịch sử oai hùng đến vẻ đẹp kì diệu, bay bổng lãng mạn trong trí tưởng tượng của tác giả.
Trên phương diện cảnh sắc thiên nhiên, sông Hương cho thấy vẻ đẹp phong phú, đa dạng của nó. Sông Hương khi hùng vĩ ở thượng nguồn, khi lại êm đềm, mơ mộng ở kinh thành Huế. Sông Hương ở thượng nguồn vô cùng dữ dội, mãnh liệt, được tác giả ví như một cô gái Di gan, man dại và phóng khoáng. Khi về đến kinh thành Huế, sông Hương lại mang một khuôn mặt khác hẳn, nếu như thượng nguồn cuộn xoáy, mãnh liệt thì tới đây lại dịu dàng, tha thướt, đầy chất mộng mơ đặc trưng của xứ Huế. Dòng sông Hương, mềm hẳn đi khi bước chân vào kinh thành, những khúc uốn mình, những đường tròn của sông Hương bao quanh Huế đã khiến lòng sông thực sự mềm mại như một tấm lụa để ôm ấp lấy thành phố thân yêu của mình.
Màu sắc của sông Hương thay đổi theo từng địa hình mà nó chảy qua: khi chảy qua lòng vực dưới chân núi Ngọc Tản, nước sông trở nên xanh thẳm, còn nhìn phản quang những màu sắc của ngọn đồi phía Tây Nam thành phố thì: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím. Sự biến đổi đó cho thấy sông Hương như một tấm gương, đồng thời cũng cho thấy vẻ đẹp biến ảo của dòng sông. Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hình dạng, màu sắc, vẻ đẹp của sông Hương còn thể hiện qua sắc thái, với hai sắc thái chính là hung bạo và trữ tình. Khi sông Hương sôi nổi, trẻ trung, chủ động, lúc lại trầm mặc, cổ kính như triết lí, như cổ thi. Vẻ đẹp của sông Hương hiện lên muôn hình muôn vẻ, đa dạng màu sắc. Trên phương diện cảnh sắc thiên nhiên dù ở thượng nguồn hay khi chảy trong lòng thành phố Huế, sông Hương đều chứng tỏ nó là sự sáng tạo hoàn mĩ của tạo hóa, một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng riêng cho đất Huế.
Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả vẻ đẹp của dòng sông trên phương diện tự nhiên, mà tác giả còn đi sâu khám phá vẻ đẹp trong chiều sâu văn hóa của nó. Trước hết sông Hương mang đặc điểm tâm hồn của con người xứ Huế. Bằng quá trình nghiên cứu, tìm hiểu vô cùng nghiêm túc tác giả đã nhận thấy một điều rất đặc biệt: “có một cái gì rất lạ với tự nhiên và giống với con người nơi đây”. Như thế có nghĩa là sông Hương không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn là kết động rõ nét và đầy đủ của tất cả vẻ đẹp con người xứ Huế. Dòng chảy cuộn chảy cũng như con người khỏe khoắn của xứ Huế, còn dòng chảy dịu êm lại là vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của con người nơi đây. Chỉ với con sông này nhưng ta thấy đầy đủ tính cách, tâm hồn Huế, vừa mạnh mẽ táo bạo, vừa dịu dàng, sôi nổi, trẻ trung.
Sau vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn con người đất Huế, tác giả tiếp tục chứng minh chiều sâu văn hóa trên phương diện âm nhạc và thi ca. Dòng sông Hương trong lòng thành phố với tốc độ chậm rãi, khoan thai như một điệu slow tình cảm, chính nhịp điệu này đã nói lên cái thần, cái hồn rất riêng của nhã nhạc cung đình Huế, đó là sự khoan thai, dìu dặt, trang trọng. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn khai thác dòng sông Hương ở phương diện thi ca. Bằng vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng, tác giả đã chứng minh vô cùng thuyết phục, sông Hương đã tạo nên dòng thi ca riêng cho văn học. Từ dòng sông lung linh biến ảo màu sắc tác giả đưa người đọc đến dòng sông sức mạnh khí thế trong thơ Cao Bá Quát. Từ không khí bảng lảng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan tác giả lại đưa người đọc đến với dòng sông ân tình, thắm thiết trong thơ Tố Hữu. Bằng những dẫn chứng thuyết phục, đa dạng tác giả đã cho thấy vẻ đẹp đa chiều của sông Hương.
Sau vẻ đẹp sông Hương trên góc nhìn văn hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục nhìn nhận sông Hương ở bề dày lịch sử. Sông Hương ghi tên mình từ thuở sơ khai, từ thời đại các vua Hùng nó được coi là dòng biên thùy xa xôi của đất nước. Trong thời kì trung đại, sông Hương mang tên Linh Giang, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới tổ quốc. Trong cuộc cách mạng tháng Tám, Huế là một trong ba nơi giành thắng lợi vẻ vang nhất, cách mạng tháng Tám đã phủ lên sông Hương một lớp hào quang chói lọi với chiến công lật đổ thành trì chế độ phong kiến và sự đô hộ của Pháp…. Điểm nhanh các mốc lịch sử theo chiều thời gian đã cho thấy bề dày lịch sử của dòng sông song hành với vận mệnh phát triển của đất nước. Nhìn vào những mốc son cũng như những đau thương mất mát của dòng sông này ta thấy lịch sử Huế và con người Huế: đau thương nhưng quật khởi, bi tráng nhưng cũng vô cùng hào hùng, hiển hách.
Qua các phương diện cảnh sắc thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, bề dày lịch sử, sông Hương đã hiện lên vô cùng đẹp đẽ, đáng trân trọng. Nhưng để ấn tượng về dòng sông Hương thêm đậm nét, tác giả còn tái hiện nó trong trí tưởng tượng của mình với diện mạo, tâm hồn riêng. Toàn bộ trường liên tưởng của tác giả về sông Hương được quy chiếu về hình ảnh người con gái Huế rất Huế, bởi vậy hình ảnh dòng sông càng trở nên đẹp đẽ hơn.
Khi dòng sông Hương ở thượng nguồn, dòng chảy dữ dội, mãnh liệt đi qua trí tưởng tượng của tác giả là một cô gái Digan phóng khoáng, man dại. Bằng trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã biến dòng sông Hương ở thượng nguồn thành một người con gái khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, mang vẻ đẹp thuần khiết vẫn còn đôi chút hoang dã.
Bắt đầu vào thành phố, sông Hương có sự thay đổi toàn diện, nhanh chóng về cả diện mạo và tính cách. Sự thay đổi mạnh mẽ của sông Hương theo tác giả chính là cuộc gặp gỡ giữa sông Hương với người tình mong đợi của nó – Huế. Hình ảnh so sánh độc đáo đã cho thấy sông Hương phải trải qua sự chờ đợi, thử thách trong khoảng thời gian rất dài, “phải nhiều thế kỉ đi qua”. Chính vì vậy sông Hương được đền đáp bằng mối tình đẹp đẽ đầy mơ mộng. Sau sự lấy thức đầy ân tình của người tình mong đợi, sông Hương bừng tỉnh để sống trọn vẹn với tất cả cung bậc cảm xúc. Ra khỏi vùng núi, sông Hương đổi hướng liên tục, một cách thật chủ động, mạnh mẽ, với trí tưởng tượng của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đó chính là biểu hiện của một cá tính sôi nổi, trẻ trung, táo bạo của trái tim yêu nồng nhiệt. Vượt qua những trở ngại, nhìn thấy thành phố sông Hương tươi tắn hẳn lên, bởi đã được gặp người tình của mình. Đằng sau sự táo bạo, sôi nổi lại là một người con gái hết sức dịu dàng, nữ tính.
Bởi vậy, sau khi đã chính thức chảy trong lòng thành phố, sông Hương trở về với vẻ dịu dàng, tha thướt của mình. Sông Hương dịu dàng, e ấp, dồn hết cả sự tinh tế, tao nhã trong tiếng đàn để dành tặng cho thành phố bản đàn lúc đêm khuya, lúc này sông Hương chính là một tài nữ đang gảy đàn. Vì mang nặng ân tình với xứ Huế, nên khi phải rời xa thành phố, dòng sông Hương còn đột ngột đổi dòng, để gặp lại thành phố lần cuối tại góc thị trấn Bảo Vinh xưa cổ. Khi buộc phải ra đi, sông Hương rời đi với lời thề sâu sắc: “Còn non còn nước còn dài, còn về con nhớ …” mà tác giả cảm nhận trong câu hò vang vọng khắp lưu vực sông Hương.
Bằng ngòi bút tinh tế, tài hoa, bằng trí tưởng tượng phong phú, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm tái hiện một cách chân thực và đầy đủ nhất vẻ đẹp của sông Hương. Khung cảnh xứ Huế đã làm ta thêm yêu con người, mảnh đất nơi đây.