Nước rễ tranh
Nước rễ tranh được chiết xuất từ rễ cây cỏ tranh thông qua quá trình đun sôi với nước có tác dụng giải khát và thanh nhiệt rất tốt. Không chỉ vậy, rễ tranh còn là một vị thuốc nam hiệu quả trong việc hỗ trợ chữa một số bệnh về bí tiểu, nóng trong người, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng đường tiểu, viêm gan và hen suyễn. Ngoài ra, uống nước rễ tranh giúp đẹp da, chống táo bón, tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, đem đến giấc ngủ ngon hơn, nên được rất nhiều chị em ưa dùng. Rễ cỏ tranh màu từ trắng ngà đến vàng nhạt, có nhiều đốt, xung quanh có các lá vẩy và rễ con. Trong rễ tranh có 18% là đường (cả đường glucose và fructose). Đó là lý do vì sao rễ loại cây này lại có vị ngọt. Cỏ tranh còn được gọi là mao căn. Là loại cây sống lâu năm có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, lá có mặt trên nhám, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc có thể cứa đứt tay rất dễ dàng. Hoa tự hình chuỳ, màu trắng sợi như bông, rất nhẹ nên ngoài nhân giống qua chồi rễ. Cỏ tranh còn có khả năng phát tán rất xa nhờ gió. Ở Cambodia, rễ tranh được kết hợp với vài loại thảo mộc khác để trị bệnh trĩ. Ở Trung Quốc, rễ loại cây này được dùng để hạ sốt, trị nôn mửa, phù thủng. Còn người châu Phi lại dùng cỏ tranh để trị bệnh lậu và các rắc rối ở đường tiết niệu.
Thông thường trong Đông y thường sử dụng rễ cỏ tranh dưới dạng phơi khô hoặc tươi làm thuốc sắc để điều trị bệnh. Liều lượng dùng tươi 30- 35 gram/ ngày, khô 12- 20 gram/ ngày. Chẳng phải đến bây giờ người ta mới biết đến những lợi ích của nó, rễ cỏ tranh đã được dùng làm thuốc từ 2.000 năm trước và là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Ngoài ra nó còn có mặt trong rất nhiều cuốn y thư cổ khác như Danh y biệt lục, Bản thảo kinh sơ, Đắc phổi bản thảo, Bản thảo cầu chân. Khi dùng làm thuốc, bạn phải cắt bỏ phần rễ nằm trên mặt đất, chỉ lấy phần rễ nằm dưới mặt đất, bổ sạch bẹ, lá, rễ con. Từ rễ cỏ tranh nguyên bản tùy theo cách bào chế và mục đích chữa bệnh, vị thuốc này có thêm những tên gọi khác nhau. Rễ cỏ tranh tươi, rửa sạch, thái nhỏ thì được gọi là sinh mao căn. Rễ cỏ tranh tẩm nước cho mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô, sàng bỏ chất vụn thì được gọi là bạch mao căn. Lấy bạch mao căn cho vào nồi sao cho thuốc chuyển sang màu đen, bỏ ra phơi khô thì được mao căn thán. Theo y học hiện đại thì rễ cỏ tranh có tác dụng làm đông máu nhanh, bột mao căn làm rút ngắn thời gian hồi phục calci của huyết tương ở thỏ thực nghiệm. Về tác dụng lợi tiểu, y học hiện đại đã chứng minh bằng các thí nghiệm trên thỏ. Y học hiện đại cho rằng tác dụng này có liên quan đến hệ thần kinh hoặc do thuốc có chứa muối kali. Ngoài ra thuốc sắc từ rễ cỏ tranh còn có tác dụng ức chế vi khuẩn. Cụ thể là khuẩn Flexner và Sonnei gây ra bệnh kiết lỵ ở người. Nhưng có lẽ, tác dụng được nhiều người nhắc đến nhất ở loại thảo dược này chính là hỗ trợ điều trị bệnh thận.