Rượu làng Vọc (Bình Lục)
Rượu làng Vọc có đến nay dễ cũng đến hàng mấy trăm năm. Tương truyền rằng, từ thế kỷ XIII, trên dòng Ninh Giang, thuyền buôn của các thương gia thường xuyên xuôi về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch thập phương. Rượu làng Vọc cũng nhờ đó đã theo chân các thương nhân vào đến xứ Thanh, xứ Nghệ, lên xứ Lạng, Lào Cai, rồi được cung tiến dâng vua.
Rượu làng Vọc được nấu bằng loại gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc bắc nấu với gạo nếp. Rượu làng Vọc có hương thơm nức, vị đậm đà, ngọt lịm giống như cái tình của người dân nơi đây vậy. Để có được một mẻ rượu ngon thì gạo nấu rượu phải là nếp cẩm hay nếp cái hoa vàng vẫn còn nguyên lớp vỏ lụa và lớp cám, sau thu hoạch tầm 3 tháng trở lại là vừa. Men để làm rượu được chọn từ 16 đến 36 vị thuốc bắc có nhiều đặc tính cay, nóng. Men chuẩn khi mở ra có hương thơm, màu men trắng, sau một ngày sẽ chuyển sang màu hanh vàng, có vân lăn tăn, nhẹ và tơi xốp.
Để chiết xuất được những giọt rượu nếp thơm ngon đòi hỏi người làm nghề phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Khi cơm đã chín bới cơm ra nong và trải đều ra không để cho nó dính cục, đợi một thời gian, khi nào sờ tay vào cơm thấy còn ấm là tiến hành rắc men lên. Bởi nếu rắc men khi cơm còn nóng thì sẽ làm men bị chết, còn nếu rắc khi cơm quá nguội thì men cũng không ăn được sẽ làm hỏng cơm.
Sau khi rắc men xong, sẽ cho cơm vào chum hay vào hũ bằng đất nung hay thủy tinh để ủ nhưng chỉ cho đầy khoảng 2/3 dung tích hũ, đậy kín. Khi ủ cơm phải bảo đảm giữ ấm cho hũ cơm vào mùa đông. Tùy thời tiết, trời càng nóng cơm rượu càng mau được. Vì vậy, rượu làng Vọc chỉ ngon khi được nấu tại làng Vọc. Thực tế, đã có một số người từng mang nghề nấu rượu truyền thống quê mình đến các nơi khác làm ăn nhưng rượu nấu lên không thể có hương vị giống với rượu được chưng cất tại làng Vọc.