Sài đất – thảo dược giải độc gan
Sài đất hay còn gọi là húng trám hay ngổ núi, là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, mọc rất nhiều ở khắp nước ta. Sài đất có vị ngọt, hơi chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc gan rất tốt. Nhân dân ở một số địa phương vẫn sử dụng sài đất tắm trị rôm sảy hoặc uống để đề phòng sởi, chữa sốt rét. Các nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy sài đất có tác dụng giảm đau, giảm sốt và kháng sinh rõ rệt. Bệnh viện Bắc Giang đã sử dụng sài đất điều trị cho các trường hợp viêm tấy ngoài da, ở khớp xương, răng, mụn nhọt, chốc đầu, đau mắt,vv… cho kết quả tốt.
Công dụng:
- Tuy nhiên, tác dụng hay được ứng dụng nhất là tác dụng kháng sinh trên các vi khuẩn gây mụn nhọt trên da, nên các bà mẹ thường sử dụng loài cây này để tắm cho con khi bị rôm sảy, mẩn ngứa. Ngoài ra, sài đất thường xuyên có mặt trong các bài thuốc giải độc gan, trị mụn nhọt, rôm sảy.
Cách dùng:
- Bài thuốc thanh nhiệt có thể dùng cây sài đất rửa sạch, ăn sống hàng ngày. Mỗi ngày ăn từ 100-200g, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, thải trừ độc cho gan, giảm mụn nhọt...
- Ngoài ra, có thể dùng trực tiếp lá sài đất tươi đã rửa sạch sắc với nước có thể thêm ít đường cho dễ uống, chia hai lần uống trong ngày, hoặc có thể dã nhỏ lá sài đất rồi hoà vơi 200 ml nước lọc, thêm chút muối cho dễ uống.
Lưu ý khi sử dụng cây sài đất:
- Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng sài đất trị bệnh tại nhà.
- Một số trường hợp có thể quá mẫn với thành phần của sài đất. Trước khi sắc uống hoặc đắp sài đất trên diện rộng, nên bôi một ít nước ra cổ tay. Nếu trong 1 ngày da không có biểu hiện bị kích ứng thì có thể dùng được.
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng sài đất cùng lúc với thuốc điều trị bệnh trong tây y vì chúng có thể tương tác gây ra phản ứng phụ có hại cho sức khỏe.
- Cây sài đất rất dễ bị nhầm lẫn với cây lỗ cúc địa nên cần chú ý nhận biết để không hái nhầm thuốc. Cây lỗ cúc địa thường có lá ngắn hơn, hoa có hình dáng tương tự như sài đất nhưng màu vàng nhạt.