Sống chậm lại
Cuộc sống xô bồ khiến con người phải chạy theo nó, ngày qua ngày hoà vào dòng người tấp nập ngược xuôi để duy trì cuộc sống. Chúng ta dường như đã sống quá vội vã, bỏ qua những khoảng lặng trong cuộc sống, nơi mà giúp ta nhận ra được nhiều điều mà bình thường không thể nào thấy được. Đôi khi việc sống chậm lại để nhìn lại những gì đã qua, những gì đang tới và cả tương lai xa tít tắp lại là một thứ mà con người ta cần nhất. Hãy dành cho bản thân những khoảng lặng trong cuộc sống, để lắng nghe con tim mình lên tiếng, để yêu thương những thứ nhỏ nhặt, để cảm nhận cuộc sống này một cách trọn vẹn.
Cuộc sống là một trường đua và thì giờ là vàng, là bạc. Nhưng con người không phải là một cỗ máy vô cảm, con người có tâm hồn được tạo nên từ vô vàn những mảng màu lắp ghép, những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau: Buồn-vui, thất vọng-hy vọng, chán nản - hạnh phúc, khinh ghét - yêu thương…Giữa những nốt bổng và nốt trầm, giữa lúc buồn mà không bế tắc, tuyệt vọng; giữa lúc vui mà không mải mê, chủ quan, ta có những “nốt lặng”. Nốt lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để “Sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn”. Dù là một giây, một phút thôi nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời.
Sống chậm là để cảm nhận những gì tốt đẹp trong cuộc sống: Ta dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp, nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong bản nhac nhạc cổ điển, hít thở và ngắm nhìn trời xanh… Tâm hồn con người như một mảnh đất với những mầm non vậy, nếu không có những thứ ấy tưới tắm, bón trồng thì đất sao màu mỡ và mầm xanh bé bỏng sao vươn lên tốt tươi được. “Sống chậm”, “suy nghĩ khác” và “yêu thương nhiều hơn” là ba mặt biện chứng của một vấn đề. Sống chậm thực chất là thời gian con người suy nghĩ, mài nhọn các giác quan nhạy bén và thành lập tư duy sáng tạo, tích cực. Sống chậm còn là lúc con người được thảnh thơi, yêu thương, trân trọng những người xung quanh. Nhưng cũng chớ đánh đồng sống chậm trái nghịch với lối sống “vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ sống vội vàng là sống hết mình, sống một cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất. Vậy nên tuổi trẻ phải vừa biết sống chậm để rèn luyện sự chín chắn, trưởng thành, vừa phải biết sống “vội vàng”, linh hoạt và hết mình.