Thành cổ Sơn Tây
Thành cổ Sơn Tây nằm giữa thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một công trình kiến trúc quân sự cổ, được xây dựng vào năm 1822 triều vua Minh Mạng.
Đến với xứ Đoài du khách không thể bỏ qua thành cổ Sơn Tây, đây được coi là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Thành có bốn cửa nằm ở bốn hướng và có tên là cửa Hậu, cửa Tiền, của Hữu, cửa Tả.
Thời trước người ta coi trọng bốn vùng đất là phên dậu che chở cho Thăng Long và cũng là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới. Trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn.
Thành cổ có chu vi 326 trượng 7 thước (1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).
Trong thành có các hạng mục kiến trúc: cột cờ (tức vọng lâu) cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai chái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.
Trong thành, các công trình quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam – Bắc. Chính giữa là “Vọng cung nữ”, về hướng Nam, là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần thú và là nơi các quan trọng trấn hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, đến tế lễ hoặc “bái vọng” mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống.
Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, đắp hình nổi “Long vân khánh hội” bằng vôi vữa. Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên bệ hình chóp vuông cụt bằng đá ong, cao khoảng 18m.
Về phía Tây là Võ miếu, nơi thờ các tướng sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thành. Bên cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh: Tổng đốc, Bố Chánh, Đề đốc và Đóc học. Về phía Đông Vọng cung là ngục thất, kho lương và Trại con gái – nơi vợ con binh lính ở.
Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994.