Thuyết minh về món: Canh chua
Trên mâm cơm hàng ngày thường có ba món: món canh, món mặn, món xào. Món canh thì rất phong phú, đa dạng như canh rau tập tàng, canh bí đỏ, canh cải nấu cá thác lác... Nhưng món canh ăn hoài không biết chán, có mặt thường xuyên trên mâm cơm của người Nam bộ là món canh chua.
Tương tự gỏi chua, canh chua là món có nước nhưng vẫn mang đủ hương vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm, rất dễ ăn.
Đi làm việc về, trời trưa nắng chang chang, được người thân nấu cho tô canh chua vừa miệng, còn gì thích hơn. Mùa đông trời lạnh, ăn canh chua ấm lòng.
Mùa Thu trời ui ui, ăn canh chua đỡ buồn. Có khách sang trọng đãi món canh chua cá bông lau, khách cũng thích. Gặp đứa bạn thân, nấu lẩu chua cá điêu hồng nó “ô kê” liền. Nuôi người thân già yếu, miệng mồm lạt lẽo khó ăn, nấu tô canh chua lươn cho ngọt, ăn được chén cơm, mau hết bệnh.
Tuy là món ăn hàng ngày nhưng muốn nấu ngon phải biết nêm nếm vừa miệng và rau đệm biết dùng đúng cách. Chẳng hạn, lâu lươn nấu với bắp chuối mới đúng điệu. Cá lóc, cá thác lác... nên có rau chút, cà bắp, thơm. Cá linh nấu với bông điên điển hay bông so đũa... Chất chua có thể là me vắt, me trái, lá giang, lá me, khế chua hoặc cơm mẻ... Chất chua muốn dịu thì phải có khóm, cà chua, lá giang có vị chua dịu hơn me. Cơm mẻ là cơm nguội để lên men, tạo nhiều vi sinh, chất lên men chua rất dịu, dùng nấu canh chua lươn, luộc thịt trâu, thịt chó,...
Rau bổi bỏ vào cũng phải theo thứ tự, lớp lang, rau nào lâu chín cho vào trước, có loại nấu lâu sẽ dai, mất ngon như rau nhút, kèo nèo... Có quá nhiều rau bổi để nấu canh chua, mỗi món có hương vị riêng, có cách nấu riêng, tùy theo ý thích mà pha chế. Nông thôn thì có bắp chuối, chuối cây, bông điên điển, so đũa, kèo nèo, đọt choại, rau ngổ, rau muống, rau nhút... Ở chợ có giá sống, bạc hà, cà chua, khóm, rau muống,... Rau thơm như ngò gai, rau om, rau quế góp phần làm cho nồi canh chua có mùi thơm rất riêng, rất hấp dẫn.
Món lẩu chua để đãi khách nấu khá công phu. Phải lấy nước ngọt từ xương heo, xương gà để làm nước súp, sau đó luộc cá điêu hồng hay cá bông lau cho chín rồi vớt ra, nếu dùng hải sản thì tôm, mực tươi, cá thác lác vo viên xếp sẵn trên đĩa, ăn tới đâu nhúng tới đó. Rau bổi cũng vậy, không để sôi lâu vừa mất chất, vừa mất ngon, thỉnh thoảng bỏ vào lẩu hành phi, ớt và rau thơm để giữ vị thơm của món ăn. Nước lẩu pha cho đúng vị chua, ngọt (không chua quá mà cũng không ngọt quá, ngược lại, pha lơ lớ ăn rất chán, không ra mùi vị gì cả).
Ở miền Tây, khi trời vừa sa mưa là mùa của cá linh, lẩu chua cá linh bông điên điển là món ăn khoái khẩu nhất. Cả nhà xúm xít quanh cái lẩu bốc hơi nóng, nước lẩu được các bà nội trợ pha chế độ chua ngọt rất vừa miệng, rồi thì rổ rau đồng gồm bông điên điển, kèo nèo, rau muống... được nhúng vào cùng với những con cá linh trắng phau, mềm ụm, béo ngậy. Chẳng mấy chốc mà rổ rau vơi dần và nồi cơm gạo mới cùng cạn đáy.
Lẩu chua ăn với bún, canh chua ăn với cơm, canh chua thường kèm với món cá rô kho tộ, nếu không có cá kho tộ thì ăn với tép rang thịt ba rọi cũng được. Vừa qua, có cuộc thi đầu bếp giỏi do các nhà hàng lớn trong thành phố tổ chức, món canh chua bông điên điển đã đứng đầu bảng. Thế mới biết, món ăn đứng hàng "top ten” không phải “nem công, chả phụng” mà có khi chỉ là những món ăn quen.