Tiên cá
Trong văn hóa dân gian, nàng tiên cá hay còn gọi văn vẻ là mỹ ngư nhân là sinh vật sống dưới nước có phần đầu và phần thân trên giống phụ nữ, còn phần dưới thì là đuôi cá. Nàng tiên cá xuất hiện trong văn hóa dân gian của nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới, bao gồm châu Âu, châu Á và châu Phi. Trong văn hóa Assyria thời cổ đại, nữ thần Atargatis đã hóa thân thành nàng tiên cá vì cảm thấy hổ thẹn cho hành động vô tình giết chết người mình yêu. Nàng tiên cá đôi khi có mối liên hệ với những sự kiện nguy hiểm như lũ lụt, bão tố, đắm tàu và chết đuối. Trong một số truyền thuyết dân gian, nàng tiên cá có thể mang lòng nhân ái hoặc thương người, ban cho con người một vài ân huệ hoặc đem lòng yêu con người. Quan niệm về nàng tiên cá ở phương Tây có thể chịu ảnh hưởng từ siren trong thần thoại Hy Lạp.
Siren ban đầu là sinh vật có hình dạng nửa người nửa chim, nhưng về sau được hình dung là có hình dạng nửa người nửa cá trong thời kỳ Kitô giáo. Trong lịch sử có nhiều ghi chép về nàng tiên cá, chẳng hạn như qua những gì mà Cristoforo Colombo tường thuật lại trong chuyến thám hiểm vùng Caribe, cũng có thể là ông đã nhầm lẫn họ với lợn biển hoặc các loài động vật có vú dưới nước khác. Mặc dù ngoài văn hóa dân gian ra thì không còn bằng chứng nào chứng minh nàng tiên cá tồn tại, nhưng vẫn có những báo cáo về việc nhìn thấy nàng tiên cá tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Nàng tiên cá là một chủ đề phổ biến của văn chương và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ gần đây, chẳng hạn như truyện cổ tích "Nàng tiên cá" (1836) của Hans Christian Andersen. Về sau, họ đã được khắc họa trong opera, tác phẩm hội họa, sách, truyện tranh, hoạt hình và phim người đóng.