Trận động đất Kanto, Nhật Bản (1923)
Đại thảm họa động đất Kantō 1923 là một thảm họa ghê gớm tại vùng Kantō của Nhật Bản. Động đất mạnh dẫn tới đổ vỡ nhà cửa, gây ra hỏa hoạn quy mô lớn. Phần lớn người chết và bị thương là do hỏa hoạn. Vào lúc 11 giờ 58 phút 32 giây giờ địa phương ngày 1 tháng 9 năm 1923, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter đã xảy ra ở vị trí 35,1 vĩ độ Bắc - 139,5 kinh độ Đông, dưới đáy biển, cách bờ vịnh Sagami khoảng 80 km về phía Tây Bắc. Đặc điểm của trận động đất này là nạn nhân chết vì nhà sập mái đè ít mà vì hỏa hoạn là chủ yếu. Thời điểm xảy ra động đất đúng vào lúc người Nhật nấu cơm trưa. Vào giai đoạn đó, phần lớn nhà cửa của người Nhật còn làm bằng gỗ. Nhà cửa sập đổ và vật dụng trong nhà rơi rớt vào lúc này khiến cho hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi. Chính quyền đã ghi nhận lại là có 136 điểm hỏa hoạn. Cũng thời điểm đó, một trận bão đang tiến gần tới bán đảo Noto, gây ra gió mạnh khắp vùng Kantō, làm cho hỏa hoạn lan nhanh và kéo dài suốt 2 ngày sau. Những xóm làng sinh sống đông đảo và tụ họp san sát bên nhau trong thành phố Tokyo (gọi là shitamachi) bị thiệt hại về sinh mạng rất lớn. Đặc biệt là những người chạy đến tỵ nạn trong khu đất trống ở Ryogoku đã bị lửa bao vây và chết cháy. Con số nạn nhân riêng ở đây đã là khoảng 40.000 người.
Hỗn loạn gây ra hoang mang và sinh ra những tin đồn. Trong các thị trấn và làng xã xung quanh thủ đô, có những nhóm dân phòng gọi là Jikeidan, một nhách cảnh sát vũ trang do thường dân lập ra để canh phòng và bảo vệ cho chính khu dân cư của mình, đã tự ý tra hỏi và bắt giam những người bị tình nghi là thành phần bất hảo. Bộ Nội vụ Nhật Bản đã phải ban hành chế độ thiết quân luật để lập lại trật tự. Sau đó còn nảy sinh tin đồn sai sự thật rằng kiều dân Triều Tiên ở Nhật Bản nhân thời cơ này đã tiến hành đốt phá và cướp bóc, đồng thời còn đồn rang họ còn có sở hữu bom. Trong tình trạng khẩn cấp, những lời đồn đại dù vô căn cứ cũng đủ kích động gây ra những hành vi bạo lực điên cuồng. Về kinh tế, thiệt hại của trận động đất Kantô đã lên đến 60 tỷ Yen theo thời giá khi đó. Nhiều xí nghiệp ngưng hoạt động vì cơ xưởng bị sụp đổ hay bị thiêu hủy, gây ra một làn sóng thất nghiệp. Kinh tế Nhật Bản như thế đã chịu một cú đấm nặng nề vì trận động đất ấy. Hơn thế, lúc đó tình hình kinh tế Nhật Bản vẫn còn chưa được phục hồi từ sau năm 1920 với cuộc khủng hoảng kinh tế hậu chiến. Cuộc khủng hoảng kép này làm cho tình hình kinh tế càng trầm trọng.