Vẻ đẹp của sông Hương từ góc nhìn lịch sử, thi ca

Sông Hương hùng tráng và trữ tình

Trong đoạn văn, nhà văn khẳng định: “Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc”. Câu văn này đã thể hiện rõ cái tôi nội cảm và bộc lộ cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương có sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình.


Có thể nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn hoá Huế, ông không chỉ nhìn sông Hương ở cảnh sắc thiên nhiên, thấy nó ngày ngày mang phù sa và nguồn nước ngọt trao tặng vô tư cho những cánh đồng Châu Hóa, cho cuộc sống người dân xứ Huế; mà ông còn nhìn sông Hương như là khởi nguồn cho những giá trị tinh thần lịch sử. Dòng sông Hương là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi…” anh hùng bởi từ góc nhìn lịch sử, sông Hương đã trở thành chứng nhân của lịch sử.


+ Nó chứng kiến bao nhiêu biến thiên mà xứ Huế trải qua như ở đoạn văn trước đó nhà văn đã ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của dòng sông Hương trong lịch sử dân tộc. Nó là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong những thế kỷ trung đại nó mang tên là linh Giang, đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt.


+ Thế kỉ 18, nó soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ.

+ Thế kỷ 19, nó sống hết lịch sử bi tráng với máu của những cuộc khởi nghĩa.


Nó đóng góp cho cách mạng tháng tám bằng những chiến công rung chuyển. Nó bị tàn phá nặng nề trong mùa xuân năm Mậu Thân… Từ đó mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói về dòng sông Hương và xứ Huế “Lịch sử đảng đã ghi bằng nét son tên của thành phố Huế, thành phố tuy nhỏ nhưng đã cống hiến rất xứng đáng cho tổ quốc”.


Từ góc nhìn lịch sử, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng nhưng kiên cường, kiêu hãnh qua thăng trầm lịch sử. Dòng chảy của của sông Hương đã đi trọn vẹn chiều dài của lịch sử dân tộc. Diện mạo và chiều sâu của lịch sử dân tộc đã đem đến cho Sông Hương một tầm vóc kỳ vĩ lớn lao. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đây đã phát hiện ra một vẻ đẹp của dòng sông mà không phải ai cũng nhận thấy. Đó là một vẻ đẹp của một bản anh hùng ca với sức mạnh quật khởi của dân tộc từ thuở lập quốc.


Nhà văn sau đó còn bình luận về cách dòng sông Hương cống hiến cho lịch sử dân tộc. Khi nghe lời gọi của Tổ quốc, sông Hương biết cách “tự hiến đời mình làm một chiến công”. Cũng như những dòng sông khác trên đất nước Việt Nam, cũng như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt, như Huy Cận từng khái quát:


Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững

Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.


Sông Hương là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi được “viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Với lối sử dụng hình ảnh ấy, nhà văn đã nhấn mạnh dòng sông Hương vừa là một bản hùng ca, vừa là một bản tình ca dịu dàng, tươi đẹp.

Giữa đời thường, cảnh sắc thiên nhiên sông Hương chính là vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương đất nước. Hơn nữa, sông Hương còn là một bản tình ca “Còn non, còn nước, còn dài - Còn về, còn nhớ…”. Đó không chỉ là nét riêng trong vẻ đẹp của dòng sông Hương mà còn là vẻ đẹp của Huế. Cách đặt vế câu“viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” của cuối câu cho thấy dù thế nào nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn cảm nhận dòng sông Hương ở vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình và thơ mộng.


Sông Hương gắn liền với nền văn hóa phi vật thể của xứ Huế

Trong cảm nhận tinh tế của nhà văn, sông Hương còn hàm chứa trong nó cả nền văn hoá phi vật thể của Huế. Từ góc nhìn văn hóa ấy mà nhà văn nhận ra Hương giang khi “trở về với cuộc sống bình thường là người con gái dịu dàng của đất nước”. Nhà văn hoài niệm đến khắc khoải khi bắt gặp một sắc màu của chiếc áo cưới ở Huế xưa cũ “màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện” mà các cô dâu Huế mặc sau tiết sương giáng.


Để rồi từ cái sắc màu văn hoá đặc trưng của Huế ấy mà tác giả liên tưởng một cách đầy ngẫu hứng mà rất có lí rằng sắc áo điều lục mà người Huế ưa thích vốn là màu của sương khói trên sông Hương “giống như một tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông”.


Có lẽ, thông qua sự liên tưởng này nhà văn muốn ngợi ca sông Hương vì nó góp phần làm cho Huế trở thành một bức tranh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, muốn khẳng định sông Hương trong đời thường mang vẻ đẹp dịu dàng của một cô gái Huế, tô đậm vẻ đẹp của dòng sông trong sự gắn bó với văn hóa Huế. Như vậy, sông Hương đã là một phần trong đời sống tâm hồn của người Huế trầm mặc, lắng sâu.


Sông Hương là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca, nghệ thuật

Mặt khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương ở góc độ thi ca, nghệ thuật, khẳng định sông Hương cũng là cội nguồn của thi ca nghệ thuật. Có biết bao văn nhân, thi sĩ đã từng rung động với dòng sông Hương như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà, Tố Hữu… Nhà văn đã tin rằng “có một dòng sông thi ca về sông Hương và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”.


Cao Bá Quát đã từng nhìn sông Hương mà thốt lên rằng: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên”.


Tản Đà thấy “dòng sông trắng, lá cây xanh”.


Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan sông Hương là “nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng”.


Sông Hương còn quả thực rất Kiều và mang sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu…


Không chỉ có thế, sông Hương còn đi vào thơ của bao nhiêu văn nhân nghệ sĩ yêu xứ Huế khác như: Thu Bồn nhìn dòng nước lững lờ của sông Hương mà bâng khuâng


“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.


Và với Nguyễn Trọng Tạo, Hương giang lãng đãng một bầu khí quyển huyền thoại thi ca giúp nhà thơ thăng hoa những vần mê đắm:


“Con sông đám cưới Huyền Trân

Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn

Hèn chi thơm thảo nỗi buồn

Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ

Con sông nửa thực nửa mơ

Nửa mong Lí Bạch, nửa chờ Khuất Nguyên”


Ý này có thể dùng để nhận xét khi phân tích các đoạn văn


Nếu như Nguyễn Tuân đã tạo cho Đà giang 1 cá tính dữ dội và trữ tình, Hoàng Cầm tạo cho dòng sông Đuống của quê hương 1 dáng nằm đặc biệt : “ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” . Thì Hoàng Phủ Ngọc Tường lại đem tình yêu đằm thắm lắng sâu và những cảm xúc sôi nổi, say sưa vào những trang viết để mỗi dòng văn thành lời ca, khúc nhạc tâm hồn tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Đó là vẻ đẹp không thể trộn lẫn của dòng sông. Đã có nhiều tác phẩm viết về sông Hương nhưng khó ai có thể vượt qua HPNT.ông xứng đáng với danh hiệu: “Cuốn từ điển sống về Huế”. Tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của nhà văn.

Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa
Hình minh họa

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy