Viêm thận bể thận cấp
Viêm thận bể thận cấp là nhiễm khuẩn tiết niệu trên, bao gồm tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận. Vi khuẩn đến bể thận và gây viêm theo 2 đường: Ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản vào đài bể thận hoặc theo đường máu khi có nhiễm khuẩn huyết.
Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh:
- Viêm thận bể thận thường biểu hiện đột ngột với các dấu hiệu và triệu chứng của cả viêm toàn thân bao gồm sốt và sốt cao, người bệnh thường ớn lạnh và khó chịu, thể trạng suy sụp nhanh chóng, môi khô nứt nẻ, lưỡi bẩn...
- Đau ở vùng sườn lưng một bên hoặc cả hai bên, đau âm ỉ, có những cơn đau dữ dội lan xuống vùng bàng quang và bộ phận sinh dục ngoài.
- Viêm bàng quang khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp và khó tiểu.
- Chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, nôn, bụng trướng, cơ thể mệt mỏi.
Nếu điều trị muộn hoặc không đầy đủ, bệnh sẽ gây biến chứng như hoại tử nhú thận, ứ mủ thận, nhiễm khuẩn huyết, suy thận, tăng huyết áp... những biến chứng này có thể làm bệnh nhân tử vong.
Nguyên nhân viêm thận bể thận cấp
- Nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn gây nên theo đường ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản rồi đến đài bể thận, hoặc do đường máu đưa đến khi có nhiễm trùng huyết.
- Vi khuẩn gây bệnh viêm thận bể thận cấp thường gặp là Gram âm như: E. Coli, Klebsiella, Proteus mirabilis, Enterobacter... Theo các nghiên cứu vi khuẩn Gram (+) ít gặp dưới 10% trong đó đa phần là Enterococcus, Staphylococcus...
- Yếu tố thuận lợi gây viêm thận bể thận cấp là nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng trong trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản, sau khi soi bàng quang - niệu quản, chụp thận ngược dòng (UPR).
- Sau phẫu thuật hệ tiết niệu. Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi, khối u, hội chứng chỗ nối, xơ sau phúc mạc, hẹp bể thận niệu quản và có thai…
- Có ổ viêm khu trú: viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, viêm trực tràng, viêm ruột thừa, viêm phần phụ...
Viêm thận bể thận là một bệnh cấp tính, với các biểu hiện nhiễm trùng rầm rộ, bệnh đáp ứng khá tốt với điều trị kháng sinh, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi hẳn sau 10 đến 14 ngày. Nếu không được điều trị đúng, bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm:
- Áp xe thận và quanh thận
- Nhiễm khuẩn huyết
- Suy thận cấp, có thể gây nên các biến chứng như tăng huyết áp cấp hay phù phổi cấp thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Hoại tử nhú thận
- Viêm thận bể thận mạn, suy thận mạn tính
Điều trị viêm thận bể thận cấp
Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng bệnh lý nền kèm theo mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp.
- Ngoài các thuốc kháng sinh hoặc cần phối hợp thêm kháng sinh, khám viêm, người bệnh có thể cần bù đủ dịch bằng đường uống và hoặc đường truyền tĩnh mạch, thuốc giảm đau khi đau,…
- Nếu trường hợp bệnh nhân có diễn biến lâm sàng không thuận lợi mặc dù đã điều trị tình trạng không cải thiện hơn có thể được các bác sĩ xem xét điều trị can thiệp ngoại khoa.
- Nhưng đa số các trường hợp bệnh tiến triển thường là tốt nếu điều trị kháng sinh đúng và đủ liều, các triệu chứng lâm sàng thường khỏi nhanh, nhiệt độ giảm, tiểu tiện nhanh trở lại bình thường (nước tiểu trở lại bình thường sau 1 đến 2 tuần), bạch cầu niệu giảm, bạch cầu máu cũng giảm.
- Điều trị triệu chứng theo từng trường hợp, nếu sốt cao, đau phải dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, đặc biệt phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị triệt để như sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh viêm nhiễm ở bàng quang, tiền liệt tuyến, âm đạo...
Viêm thận bể thận cấp là bệnh do nhiễm khuẩn do đó vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ở bộ phận sinh dục rất quan trọng. Ngoài ra, để phòng tránh căn bệnh này, bạn cần:
- Uống nhiều nước để tăng tần suất đi tiểu
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ loại bỏ vi khuẩn khỏi niệu đạo
- Phụ nữ nên vệ sinh âm đạo từ trước ra sau
- Không dùng các sản phẩm gây kích ứng niệu đạo.