Vườn thực vật Hoàng gia Kew
Được trang hoàng bằng hơn 1 triệu bóng đèn nhiều màu sắc, vườn bách thảo Kew trở nên lung linh và rực rỡ trong đêm. Là một trong những khu vườn thực vật nổi tiếng nhất trên thế giới, vườn Hoàng gia Kew của Anh được công nhận là di sản thế giới của UNESCO.
Trải qua hàng trăm năm phát triển, khu vườn hoàng gia Kew đã từ một nơi thu thập và triển lãm thực vật mang tính giải trí đơn thuần phát triển thành nơi nghiên cứu ứng dụng cho ngành thực vật học và kinh tế. Vườn thực vật Hoàng gia Kew gồm vườn và nhà kính thực vật nằm giữa Richmond và Kew ở phía Tây Nam London, được thành lập năm 1840 từ một vườn cây ngoại lai tại công viên Kew. Bộ sưu tập của vườn bao gồm 30.000 loài thực vật sống khác nhau và trên 7 triệu mẫu cây khô - đây cũng là bộ sưu tập mẫu cây khô lớn nhất thế giới. Thư viện của khu vườn chứa hơn 750.000 đầu sách, trong đó có khoảng 175.000 bản in và bản vẽ minh họa các loài thực vật. Đây được coi là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu tại London, thu hút hơn 2 triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm. Năm 2003, Vườn thực vật Hoàng gia Kew được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Trong khu vườn có những công trình với kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi nhà hình tổ ong (The Hive) tạo nên một trải nghiệm đa giác quan, để giúp hình dung cuộc sống của loài ong. Công trình có chiều cao 17 mét, nằm giữa cánh đồng hoa dại, được xây dựng bởi những kiến trúc sư người Anh. Nhà cây cọ (The Palm House) là một trong số những công trình nổi bật của vườn, được dựng bằng kính và sắt; công trình từng được trao giải thưởng danh giá nhất thế giới về kiến trúc - giải thưởng Victorian. Một số các hoạt động phổ biến trong vườn thực vật gồm có các buổi triển lãm, chiếu phim, sân khấu ca nhạc, cắm trại.