Lễ vật bắt buộc cúng ông Công - ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày lễ rất được coi trọng của người Việt Nam, vì thế, mâm cỗ cúng ông Táo thường được gia chủ chuẩn bị rất trang trọng và cẩn thận. Tùy theo đặc trưng mỗi vùng miền mà mâm cúng ông Công ông Táo cũng thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là những lễ vật cúng bắt buộc mà dường như ở đâu cũng có:
Ở miền Trung, người ta cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
- 3 chiếc mũ Táo Quân: 2 chiếc có cánh chuồn dành cho hai ông, 1 chiếc không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Màu sắc của những chiếc nón có thể thay đổi theo mệnh ngũ hành của gia chủ, được trang trí vô cùng sặc sỡ và bắt mắt.
- Những đồ vàng mã (mũ, áo, hia, một số vàng thoi bằng giấy) cùng với bài vị cũ, với mong muốn có thể bỏ qua những chuyện cũ, bắt đầu những chuyện mới tốt đẹp. Sau đó, các gia đình sẽ tiến hành làm các bài vị mới để thỉnh ông Táo về lại với gia đình.
- Đối với những gia đình có trẻ em, thường cúng thêm gà luộc, với mong muốn cầu cho con mình được nhanh ăn chóng lớn, oai vệ và khỏe mạnh như những con gà.
- Đặc biệt, 3 con cá chép sống được xem là vật cúng quan trọng nhất cho ông Táo về trời. Theo tục xưa, "cá chép hóa rồng" sẽ là phương tiện giúp ông bà Táo về trời một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất, vì thế bên cạnh những vật trên, thường có sự xuất hiện của 3 con cá chép sống. Sau khi cúng xong, chúng sẽ được mang ra ao, hồ để phóng sinh.