Chùa Mía
Chùa Mía có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự, ở xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Chùa Mía được xây dựng từ mãi xa xưa. Đến thế kỷ 17, Chùa bị hoang phế điêu tàn. Năm 1632 Cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dung đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại. Cung Phi Ngọc Dung còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu, là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657) vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía. Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của Bà, đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở Chùa và còn có đền riêng. Vì tôn kính nên gọi là “Bà Chúa Mía”.
Toàn bộ ngôi chùa được xây bằng gỗ quý, có hình chữ Mục. Ngôi chùa này lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Tượng phật ở chùa không chỉ đặc sắc về hình dáng mà còn phong phú về số lượng. Trong chùa hiện thờ có 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Nhiều pho tượng được xem như những tác phẩm nghệ thuật điển hình ở Việt Nam. Điển hình nhất là ở tòa Thượng điện có một bộ tám pho tượng Bát Bộ Kim Cương làm bằng đất luyện. Mỗi pho tượng là hình tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà, bảo vệ luật pháp. Nổi bật nhất trong chùa Mía là tượng Quan Âm Tống Tử thường được gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một người phụ nữ thùy mị, có duyên vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ nhân hậu ẵm một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh.
Hệ thống tượng Phật cùng với công trình kiến trúc Chùa Mía đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin đánh giá là một di tích đặc biệt quan trọng của cả nước. Hiện nay nhà Chùa cùng với địa phương được sự giúp đỡ chỉ đạo của ngành văn hóa thông tin đang từng bước tôn tạo để cho Chùa Mía xứng đáng với vị trí đặc biệt quan trọng mà Bộ Văn Hóa Thông Tin đã tôn vinh.