Top 18 Món bánh truyền thống của Việt Nam

Nguyệt Hải Băng 6718 0 Báo lỗi

Trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, các loại quà, bánh đã trở nên rất gần gũi và quen thuộc đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Và theo thời ... xem thêm...

  1. Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh tét miền Nam, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông, được coi là đặc trưng cho đất trong tín ngưỡng của người Việt cổ và các dân tộc khác trong khu vực châu Á.


    Nguyên liệu làm bánh:


    • Lá để gói: thường là lá cây dong tươi. Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít, lá chuối hay thậm chí cả lá bàng.
    • Lạt buộc: bánh chưng thường dùng lạt giang được làm từ ống cây giang. Lạt có thể được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.
    • Gạo nếp: Gạo nếp thường dùng gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác. Nhiều người chọn nếp cái hoa vàng hay nếp nương.
    • Đỗ xanh: đỗ thường được lựa chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ v.v. sẽ thơm và bở hơn). Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất.
    • Thịt: thường là thịt lợn, chọn lợn ỉn được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Thịt ba chỉ (ba rọi) với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn.
    • Gia vị các loại: hạt tiêu dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu.

    Khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, tiếp theo là công đoạn gói bánh. Có hai cách gói là gói bánh chưng vuông và bánh chưng tày (giống như bánh Tét của miền Nam). Gói xong bánh sẽ được luộc, người ta thường luộc bánh chưng trong những chiếc nồi to, đổ đầy nước và đảm bảo lúc nào nước trong nồi cũng sôi và đầy trên mặt chiếc bánh trên cùng. Bánh chưng được luộc tầm 8 tiếng là chín, dền. Bánh được vớt ra, rửa sạch bằng nước lạnh và bảo quản trong điều kiện thoáng mát, tránh bị ôi, mốc.

    Bánh chưng
    Bánh chưng

  2. Bánh giầy là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên và đất trời xứ sở. Bánh thường được làm bằng gạo nếp giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày Giỗ tổ Hùng Vương).


    Bánh giầy có liên quan đến truyền thuyết Lang Liêu, tương truyền xảy ra vào đời vua Hùng thứ 6. Theo đó, vị hoàng tử Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất; hai thứ này được dùng để dâng lên vua cha trong ngày đầu xuân. Ngoài việc lý giải nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy, sự tích trên nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc và tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn minh lúa nước.


    Người ta chọn loại gạo nếp ngon, đồ kỹ (có thể đồ hai lượt), rồi giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị "lại" bánh. Thường thường người ta có thể dùng chút mỡ lau vào đầu chày giã cho đỡ bị bết dính.


    Bánh sẽ được cắt thành từng lát mỏng, tròn, trắng ngần kẹp ở giữa là miếng giò cùng kích thước. Như vậy là được món bánh giầy giò hấp dẫn, ngon miệng. Bên cạnh bánh giầy giò, nguời ta còn làm bánh giầy đậu xanh hay còn gọi bánh giầy ngọt. Hiện nay, bánh giầy được sử dụng phổ biến trong các ngày lễ, Tết, trong những đám cỗ, cưới hỏi và cả ngày thường.

    Bánh giầy giò
    Bánh giầy giò
  3. Bánh giò là một loại bánh được làm bằng bột gạo tẻ, bột năng hòa với nước xương hầm, nhân làm từ thịt nạc vai có kèm mộc nhĩ, hành tím khô, hành tây, hạt tiêu, nước mắm, muối (ở Miền Nam nhân bánh còn có thêm trứng cút). Bánh giò có hình dài nhô cao như hình bàn tay úp khum khum với các ngón tay sát nhau, bánh được gói bằng lá chuối và hấp bằng chõ từ 30 đến 40 phút.


    Bánh giò là món ăn sáng hoặc phần xế chiều quen thuộc của người Việt Nam. Với lớp vỏ bột mềm tan cùng phần nhân thịt bằm đậm đà, bánh giò sở hữu hương vị thơm ngon rất đặc biệt, mà khi thưởng thức ai cũng rất dễ bị ghiền. Cách làm bánh giò khá đơn giản, bánh được làm từ bột gạo tẻ, bột năng hòa với nước hầm xương, nhân bánh thường là thịt, mộc nhĩ, và các gia vị khác, ăn kèm tương ớt.

    Bánh giò
    Bánh giò
  4. Bánh đúc là một loại bánh của Việt Nam, thường được làm bằng bột gạo (tại miền Bắc và miền Trung) hoặc bột năng (miền Nam) với một số gia vị. Bánh được làm thành tấm to, khi ăn thì cắt nhỏ thành miếng tùy thích. Bánh đúc là món bánh truyền thống ở Việt Nam. Bánh đúc lạc thường được chấm tương bần, một số nơi chấm mắm tôm. Đây là một món bánh quê giản dị và thân quen nhất của người Việt.

    Là món ăn dân dã thịnh hành khắp ba miền, bánh đúc ăn giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu, dễ làm và giá thành cũng rất rẻ. Không chỉ được ăn như một thức quà quê, bữa ăn sáng mà điển hình là bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích. Từ loại bánh đúc thuần túy chỉ được bằng bột gạo pha với nước vôi trong ngai ngái mùi vôi, bánh đúc cũng đã có nhiều biến tấu như bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô.

    Bánh đúc
    Bánh đúc
  5. Bánh bột lọc là một loại bánh Việt Nam, có xuất xứ từ Huế, được từ bằng bột sắn được lọc tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, hoặc dùng nước sôi nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm - thịt. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy hay luộc chín rồi nhúng nhanh vào nước lạnh đều được. Thường kèm thêm nước chấm.

    Đây là món ăn phổ biến ở Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và đặc biệt là Huế. Ở Nam Định, người ta làm bánh bột lọc với mộc nhĩ. Bánh được làm từ bột sắn, nhân tôm, thịt nạc trộn cùng gia vị. Loại bánh này thường không cần phải gói lá bên ngoài, luộc trực tiếp với nước sôi đến khi bánh chín đem ra nhúng vào nước lạnh. Khi ăn miếng bánh dai kết hợp với nhân tôm thịt kho đậm đà, ăn với nước mắm chua ngọt cực ngon.

    Bánh bột lọc
    Bánh bột lọc
  6. Bánh tẻ, có nơi gọi là bánh lá hoặc bánh răng bừa vì có hình dáng giống cái răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, Việt Nam. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc cho chín. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau.


    Với thành phần chính là bột gạo tẻ nên bánh tẻ ăn rất ngon và không bị ngán. Bánh có phần nhân thịt và mộc nhĩ đậm đà rất dễ ăn. Đây là món ăn vặt phổ biến ở các làng quê Việt Nam và hiện nay được bán khá nhiều để làm món ăn sáng, món bánh ăn lót dạ khi đói. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như:

    • Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh)
    • Bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh thị xã Sơn Tây, Hà Nội)
    • Bánh tẻ ở xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên - hay còn gọi là bánh răng bừa)
    • Bánh lá ở Khoái Châu, Hưng Yên.
    • Ở Mỹ Đức, Hà Nội cũng có bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.
    Bánh tẻ
    Bánh tẻ
  7. Bánh tro, bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng là một loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro (tức tro than lá cây, nhất là lá tre) và gói lá đem luộc chín trong nồi. Phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam tới mức có bài báo cho rằng bánh độc đáo và "thuần Việt", nhưng cũng thường thấy nó tương đồng với bánh gio Nhật Bản với tên gọi akumaki. Loại bánh này trước kia thường xuất hiện trong lễ cúng gia tiên của người Việt vào ngày Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 Âm lịch bên cạnh các loại trái cây khác và thịt, xôi, chè. Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước.

    Tên gọi bánh tro hay bánh gio, bánh nẳng xuất phát từ phụ liệu cốt yếu nhất làm nên đặc trưng của bánh là nước tro (còn gọi là nước nẳng) pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu. Bánh ú tro là tên gọi còn gợi tả cả hình dạng của bánh, do bánh thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh tro được ăn cùng với mật mía, vừa ngọt thanh mát, vừa tốt cho tiêu hóa, đặc biệt chống ngán cho ngày Tết rất hiệu quả.

    Bánh tro
    Bánh tro
  8. Bánh bò là một loại bánh có xuất xứ từ phía nam Trung Quốc và phổ biến tại Việt Nam. Bánh bò là một loại bánh xốp làm từ bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Loại bánh bò ở Trung Quốc được gọi là bái táng gāo - nghĩa là "bánh đường trắng", loại bánh bò này hơi chua và bỏ qua thành phần dừa - một thành phần không thể thiếu trong bánh bò ở Việt Nam. Bánh bò nói chung được ăn như món tráng miệng hoặc ăn với chả...


    Theo tự điển Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của, bánh này có tên "bánh bò" là vì nó "giống cái vú con bò". Tuy nhiên, có người giải thích rằng, trong quá trình ủ bột với men, bột sẽ "bò" lên trên vành tô bột. Bánh có vị thơm thơm, ngậy ngậy, cắn vào có cảm giác xốp lại hơi dai, mặt bánh bóng mượt trông rất bắt mắt. Cách làm bánh bò tuy đơn giản nhưng khá mất thời gian vì phải ủ bột, đây là thành phần quan trọng quyết định chất lượng của bánh.

    Bánh bò
    Bánh bò
  9. Bánh bèo là một món bánh rất thịnh hành ở miền Trung, ngoài ra cũng có nhiều ở miền Nam Việt Nam. Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc.

    Tại miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì bánh to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm sấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn. Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén (bánh bèo chén). Sang tới miền Nam thì bánh bèo có nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng thường là ăn chung với nhiều loại bánh cũng như gia vị khác, làm cho hương vị đặc trưng của bánh bèo mất đi phần nào.

    Ở miền Nam, bánh bèo biến thể thành bánh bèo ngọt. Trong chế biến người ta trộn nước đường (thường là đường vàng hòa tan vô nước rồi nấu sôi lên để nguội) vào bột gạo, có thêm lá dứa cho thơm. Nhân bánh thường là đậu xanh nấu tán nhuyễn và bánh bèo ngọt miền Nam ăn với nước cốt dừa. Đây là một món bánh ăn vặt rẻ tiền, ngon và là ký ức tuổi thơ của người miền Nam. Tên bánh bèo có thể xuất phát từ hình dạng của nó: giống như cái lá của cây bèo.

    Bánh bèo
    Bánh bèo
  10. Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của Việt Nam. Bánh có dạng hình vuông, màu đen màu của Lá Gai, mùi thơm đặc trưng của đỗ xanh và gạo nếp. Một loại bánh tương tự, đặc sản của tỉnh Bình Định ở Nam Trung bộ là bánh ít lá gai, được gói bằng lá chuối tươi thành hình chóp như bánh ít. Bánh gai có thể được thưởng thức như đồ tráng miệng sau bữa ăn chính. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy do nhân bánh mang lại và dẻo, mát nhờ vào vỏ bánh. Là sản phẩm đặc trưng của vùng, có thể làm quà tặng.


    Bánh gai là một loại bánh ngọt truyền thống của Việt Nam, bắt nguồn vùng Đồng bằng Bắc bộ ở Việt Nam, thường thấy trong ngày lễ tết. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy do nhân bánh mang lại và dẻo, mát nhờ vào vỏ bánh. Bột của bánh làm từ lá cây gai nên có màu đen, gói trong lá chuối khô nên có mùi thơm rất dễ chịu. Bánh gai về cơ bản gồm vỏ và nhân. Nguyên liệu thường dùng có lá gai, gạo nếp, đỗ xanh, mứt bí, thị mỡ tẩm đường, dầu chuối vali, đường kính, vừng.

    Bánh gai
    Bánh gai
  11. Bánh trôi, xuất phát từ bánh Trung Quốc là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn Thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là "ngày bánh trôi bánh chay". Bánh trôi là loại bánh của sự đoàn viên, sum họp, lại đơn giản, dễ làm. Vỏ bánh làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ, nhân thường dùng đường phèn, đem luộc trong nước sôi, khi bánh chín sẽ tự nổi lên trên bề mặt. Miếng bánh trắng trẻo, trơn mềm có thể ăn kèm dừa nạo hoặc vừng.


    Bột nước của gạo nếp lẫn gạo tẻ, đường phên, nước hoa bưởi, dừa nạo, vừng (mè) đã xát vỏ. Đối với bánh chay thì thêm đỗ xanh, đường cát, bột đao hoặc bột sắn dây, chút gừng giã nhỏ vắt lấy nước. Gạo nếp lẫn gạo tẻ thường theo tỷ lệ nếp/tẻ là 9/1 hoặc 8/2. Gạo vo sạch, ngâm mềm, lại vo sơ một lần nữa rồi đem xay nhuyễn trong cối xay có cho nước vào từ từ. Trút bột nước vào túi vải treo lên cho ráo nước, sau đó nhào lại bột cho thật dẻo, mịn.


    Cho nhân vào giữa viên bột nhỏ đã được nhào nặn từ trước, dùng hai bàn tay ve tròn cho kín đường. Đun nước sôi, thả nhẹ nhàng từng viên bánh vào luộc trên lửa nhỏ, khi nào bánh nổi lên là chín. Vớt bánh ra, thả vào chậu nước lạnh cho săn mình và đỡ bị dính, cho bánh vào đĩa, gạn khô nước. Rắc vừng (đã rang vàng và xát bỏ vỏ) lên trên bánh hoặc dùng một cái thìa chấm mặt đáy thìa vào vừng và chấm lên từng cái bánh cho đẹp. Có thể rắc nước hoa bưởi và một ít sợi dừa nạo lên trên sản phẩm để dậy mùi thơm. Thành phẩm dùng khi nguội. Với bánh trôi mặn thì nhân bánh làm bằng thịt lợn, rau củ nấu trong nước súp đặc.

    Bánh trôi
    Bánh trôi
  12. Bánh dẻo là một trong hai loại bánh trung thu đặc biệt của người Việt Nam, bên cạnh bánh nướng. Với vỏ bánh được làm từ bột nếp rang xay mịn nhào quyện cùng nước đường, nước hoa bưởi và nhân bánh với đậu xanh, hạt sen, hay thập cẩm đủ loại nguyên liệu thực phẩm làm chín từ trước, bánh dẻo được thực hiện không cần chuẩn bị lò nướng, mà chỉ cần sự kiên nhẫn cũng như cách pha trộn nguyên liệu chính xác.


    Không thể biết chính xác nguồn gốc ra đời của bánh trung thu của Việt Nam, chỉ biết rằng nó xuất hiện với mong muốn cầu chúc cho mùa màng bội thu của người nông dân. Cứ mỗi dịp lễ hay Tết trung thu, người Việt lại làm cả hai loại bánh trung thu, bao gồm bánh nướng và bánh dẻo, và thường cả hai được bày cùng với nhau thể hiện sự hài hòa của đất trời. Trong khi bánh nướng phổ biến tại nhiều quốc gia Á Đông khác đến nỗi bánh dường như đồng nghĩa với khái niệm "bánh trung thu", bánh dẻo với quy trình thực hiện, nguyên liệu, màu sắc, hình thức lại mang tính đặc trưng độc đáo, bên cạnh các loại bánh dân tộc khác như bánh trôi, bánh nếp, bánh giầy.

    Theo khẩu vị ẩm thực của người miền Bắc, bánh dẻo thường ngọt sắc hơn trong Nam. Đường kính của bánh thường rất lớn, có thể gần bằng chiếc mâm, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà trong biểu tượng của ý nghĩa "đoàn viên của gia đình" và nhất là tình yêu khăng khít vợ chồng. Cuối thập niên 1980, tại Hồng Kông xuất hiện một loại bánh có hình dạng tương tự như bánh dẻo là bánh dẻo lạnh (còn gọi là bánh trung thu tuyết hay bánh trung thu vỏ lạnh, tuyết bì nguyệt bính. Loại bánh này dần lan sang các quốc gia có lễ tiết trung thu như Trung Quốc đại lục, Macau, Đài Loan, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên vỏ bánh không sử dụng nước đường mà dùng đường bột, chất béo thực vật (shortening), sữa tươi làm xốp; nhân bánh là các loại hoa quả, mứt; bánh luôn được bảo quản và thưởng thức bằng cách giữ lạnh, nên không hoàn toàn giống bánh dẻo kiểu Việt Nam.

    Bánh dẻo
    Bánh dẻo
  13. Bánh xèo là một loại bánh làm từ bột phổ biến ở châu Á, phiên bản bánh xèo của Nhật Bản và Triều Tiên có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, kimchi, khoai tây, hẹ, tôm, thịt, cải thảo được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh xèo được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách là bánh xèo giòn và bánh xèo dai.


    Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam Việt Nam, bánh có cho thêm trứng và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.. Bởi vậy, dân sành ăn cứ thấy ngờ ngợ như món này thực sự được bắt nguồn từ Huế.

    Bánh xèo
    Phan Thiết khác với bánh xèo ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén và không cuốn với rau xà lách mà thả vào tô nước mắm chín (nước mắm đã được giã với tỏi và ớt). Trên đường Tuyên Quang có nhiều quán bánh xèo rất ngon nên còn có tên là "phố bánh xèo". Hoa sen tuy ở giữa chốn bình dị nhưng vẫn thể hiện sự thanh khiết, cao quý. Từ ý nghĩa đó, "bánh xèo hoa sen" tại Sài Gòn là một món ăn mới mà nghệ nhân Mười Xiềm đã chăm chút sáng tạo. Kết hợp nguyên liệu truyền thống cùng hạt sen, ngó sen, củ sen càng làm cho chiếc bánh xèo đậm đà tình quê. Bên cạnh đó, bánh xèo A Phủ, bánh xèo Đinh Công Tráng vẫn giữ được hương vị và phong cách riêng trên hai mươi năm qua.

    Bánh xèo
    Bánh xèo
  14. Bánh khúc hay xôi khúc, xôi cúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ lá rau khúc (có hai loại là rau khúc tẻ và rau khúc nếp có khi còn được gọi là khúc Ông và khúc Bà, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá rau khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều), gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường được làm vào mùa rau khúc - dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch. Bánh được làm từ lá rau khúc non mềm mọc bên bờ ruộng, bờ cát, chính loại lá này đã làm nên hương vị đậm đà của bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, thịt nạc giã nhuyễn với hạt tiêu, bên ngoài phủ một lớp gạo nếp dẻo, ăn nóng sẽ rất ngon.

    Ở Hà Nội, bánh khúc thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao "Xôi nóng bánh khúc đê, xôi nóng bánh khúc nào..." hay "Ai bánh khúc nóng đây!" cùng rất nhiều cách rao khác nhau với một âm điệu rất đặc biệt trở thành nét đặc trưng của người Hà Nội.

    Bánh khúc
    Bánh khúc
  15. Bánh phu thê (hay được gọi chệch là bánh xu xê hoặc bánh xu xuê) là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này. Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát.

    Nhân bánh phu thê là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc. Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi dừa nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa, quả dành dành. Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh. Theo truyền thống bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dừa, tuy trên tráp ăn hỏi có thể bánh được đặt trong hộp giấy màu đỏ. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.

    Bánh phu thê
    Bánh phu thê
  16. Bánh nướng hay bánh nướng trung thu là một trong những loại bánh được làm và sử dụng nhiều trong Tết trung thu. Bánh xuất xứ từ ẩm thực Trung Hoa nhưng trong chiều dài lịch sử giao thoa, ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa, đã lan tỏa và phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á khác. Tại Việt Nam, loại bánh với lớp vỏ bột mì vàng sẫm nhờ được nướng trong lò này là một trong hai loại bánh không thể thiếu dịp phá cỗ trông trăng đêm Trung thu, bên cạnh những chiếc bánh với vỏ làm từ bột nếp vốn mang sắc thái thuần Việt hơn được định danh với tên gọi bánh dẻo.


    Bánh nướng có hai phần: Phần áo nướng và phần nhân. Áo bánh (tức vỏ bánh) sử dụng bột mì, bột nở (baking soda), nước đường và dầu ăn nhìn chung ít hương vị, bao bọc khối nhân rất ngọt hơi có dầu bên trong, được nướng vàng đều trong lò nướng. Màu vỏ bánh vàng sậm hay nhạt do nướng già hay nướng non mà thành, nhưng thường thấy với màu vàng nâu hay vàng đậm hấp dẫn. Bề mặt và viền bánh thường được trang trí bằng các hoa văn cách điệu, các biểu tượng hay chữ viết biểu thị tốt lành hoặc tên hiệu làm bánh. Phần nhân bánh rất đa dạng, ngoài mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng cấu thành nên loại nhân thập cẩm, còn có thể có thịt lợn quay, thịt gà quay, Giăm bông, thậm chí vi cá, yến sào. Bánh nướng cũng có loại nhân chay làm bằng đậu xanh mịn, dừa nạo sợi, hạt sen, đậu đen, đậu đỏ, nấm đông cô, cốm, bột trà xanh...

    Bánh nướng
    Bánh nướng
  17. Bánh đậu xanh là một loại bánh ngọt làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ lợn. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ, lớn hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi vàng. Bánh thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh, khi đó sẽ tạo cảm giác thư thái. Địa phương làm bánh đậu xanh nổi tiếng là Hải Dương.


    Nguyên liệu để chế biến bánh đậu xanh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ nhất định, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh từ lâu đã được đóng theo một cách riêng: 10 thỏi mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1.1cm) nặng 45g, gần đây đã có những thay đổi, nhưng quy cách chung của nó thì không thay đổi.

    Bánh đậu xanh
    Bánh đậu xanh
  18. Bánh cốm làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Từ lâu, bánh cốm Hàng Than đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương.


    Cốm được trộn nước theo tỷ lệ nhất định, đảo đều trên lửa, hoặc hấp chín trộn chút đường và nước hoa bưởi. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hấp chín xay nhuyễn sau đó ngào đường và lại đun nhỏ lửa. Sau đó cho dừa nạo và mứt bí xắt hạt lựu hoặc mứt sen. Công đoạn cuối cùng là gói bánh, với nhân được chia ra từng nắm nhỏ và áo bên ngoài bằng cốm đã chế biến.

    Bánh cốm
    Bánh cốm



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy