Bài văn nghị luận tham khảo số 6

Đã bao giờ bao giờ bạn tự hỏi rằng thành công là gì mà biết bao người đã bỏ cả cuộc đời để chạy theo, để theo đuổi nó? Phải chăng đó là kết quả của sự hoàn hảo trong công việc, chính xác đến từng ly hay cách khác đó là sự thành đạt đứng lên có một cuộc sống sung túc giàu sang hơn người khác. Thành công đến cho ta sự tự tin để tiếp tục bước tiếp, thất bại cho ta bài học kinh nghiệm. Hãy dành ra cho bản thân một chút thời gian suy ngẫm để thấy rằng thành công hay thất bại mới thật sự là điều tốt cho sự tiến bộ của chúng ta?


Thành công là khi bố và con trai cùng nhau vào bếp nấu cho mẹ một bữa ăn thật ngon. Tuy rằng những món ăn đó có thể chưa được hoàn hảo nhưng khi nhìn mâm cơm do người chồng và đứa con tự làm làm cho mình, chắc hẳn người mẹ sẽ cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Một món quà ý nghĩa và quý giá đã đổi lại niềm vui in trên khuôn mặt và ánh mặt của mẹ.


Thành công còn là hình ảnh những người bị dị tật bẩm sinh vượt lên được số phận, nuôi ước mơ trở thành những nhà chạy trên chiếc xe lăn. Và ước mơ đã thành hiện thực, họ không phải là người chạy được giỏi nhất nhưng bằng nghị lực của mình họ đã làm những điều mà mình muốn làm. Thành công ấy, liệu có ai tìm được?


Có một quy luật vốn thấy trong đời, là thành công và thất bại luôn là hai yếu tố song hành. Chúng ta sẽ không thể thành công nếu chưa từng thất bại. Cũng như quy luật chung của tạo hóa, những chú bướm xinh đẹp không thể thành hình nếu không chịu đi qua giai đoạn làm loài sâu xấu xí, phá hoại. Sẽ chẳng có ếch nếu không đi qua giai đoạn nòng nọc đứt đuôi. Tạo hóa tự thân đã sinh ra sự song song tồn tại ấy rồi. Bất cứ ai trong đời cũng phải ít nhất một lần trải qua thất bại. Bạn sẽ không biết đi xe đạp, nếu trong lúc tập xe bạn chưa từng ngã. Bạn sẽ không thể thành công nếu trong đời chưa một lần bị điểm kém. Đến cả người sáng lập ra bóng đèn – nhà bác học Thomas Edison, trước khi tạo ra phát minh vĩ đại ấy, cũng đã từng trải qua mười nghìn lần thất bại.


Thất bại và thành công luôn song song tồn tại, hiện hữu trong đời người, đó là điều chắc chắn. Nhưng có một điều còn chắc chắn hơn thế, đó là không có chiến thắng tuyệt đối vì khát vọng của con người là vô cùng, tri thức nhân loại là vô hạn; không có thất bại hoàn toàn vì đằng sau sự thất bại ta lại có được nhiều bài học quý báu. Thomas Edison từng nói: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động”, và tất nhiên, 10.000 lần sáng chế ra những chiếc bóng đèn không hoạt động ấy đã giúp ông rút ra được những bài học kinh nghiệm, khắc phục những lỗi đã gặp phải, để cuối cùng ông chế tạo ra chiếc bóng đèn có thể hoạt động. Nguyễn Ngọc Kí để viết được bằng chân đâu phải chuyện một sớm một chiều, chắc chắn thầy cũng đã phải trải qua rất nhiều lần thất bại, nhiều lần nản chí thì mới có được trái ngọt như hôm nay. Sau mỗi bài văn chúng ta bị điểm kém, qua lời phê của cô, qua những lần tự trải nghiệm lại bài, bạn chắc chắn sẽ có thể có được nhiều kinh nghiệm hơn, lối hành văn sẽ sáng rõ và sắc sảo hơn, chắc chắn, bạn sẽ tiến bộ hơn trong mỗi bài làm. Thất bại chính là bài học kinh nghiệm quý báu, giúp chúng ta có cho mình những hành trang mới, để tiến bộ hơn từng ngày.


Tương tự như vậy, Thomas Edison sáng tạo ra bóng đèn, đó là thành công ở thời điểm hiện có của ông, nhưng đó chưa phải thành công cuối cùng, bởi sau này, vẫn cùng phát minh về bóng đèn ấy, người ta đã có thêm hàng nghìn sáng chế khác nhau để giúp cho chiếc bóng đèn ấy trở nên hoàn thiện hơn chiếc bóng ban đầu. Tương tự vậy, điểm 10 hôm nay bạn có chưa phải tất cả, bởi rất có thể ngày mai, vẫn môn học ấy, bạn chỉ còn được 5. Chẳng có gì là mãi mãi, dù là thành công hay thất bại.


Nhưng đó là lí thuyết, là cách nhìn chung, thông thường. Thực ra, thất bại hay thành công là do cách con người cảm nhận. Bạn cho rằng, cuộc sống của bạn thế nào mới là thành công? Phải chăng có nhà lầu, xe hơi, công việc nghìn đô vạn người mơ ước? Bạn cho rằng thế nào là mình thất bại? Chẳng có gì để làm thước đo cho những điều ấy cả, thước đo duy nhất là cảm nhận của bạn mà thôi. Tôi cho rằng, thành công của bạn chính là được sinh ra và lớn lên trong đời này rồi. Làm điều mình thích, sống theo cách mình yêu, dù giàu sang hay nghèo khó, chỉ cần bạn thấy, bạn vẫn còn đủ lí do để mỉm cười mỗi ngày, ấy là đủ thành công rồi. Bạn cho rằng, với một người đang còn đi học, thành công là gì? Có giải học sinh giỏi, cuối năm đạt học lực giỏi toàn diện? Tôi thì không nghĩ thế. Năng lực cá nhân của mỗi người là khác nhau, và chẳng có lí do gì để áp đặt một quy luật chung cho tất cả những năng lực khác nhau như vậy cả! Thành công chỉ đơn giản là điểm số hôm qua của bạn tốt hơn hôm nay, hoặc đơn giản là bạn đã cố hết khả năng vốn có của mình, và bạn vẫn thấy đủ vui, đủ ý nghĩa, thế là được. Thất bại hay thành công có giới hạn mong manh lắm. Cũng giống như bạn đi bộ thì nhìn ao ước thèm thuồng có được chiếc xe máy hoặc ô tô, nhưng có những người cũng đi bộ như bạn, họ chỉ ước được như bạn – có một đôi giày. Và thậm chí, quay đầu thêm chút nữa, bạn sẽ thấy, có người chỉ ước có được đôi chân.


Hạnh phúc hay thành công cũng giống như chiếc giày, vừa chân người này nhưng không hẳn là cũng sẽ vừa chân người khác. Bạn cảm nhận thế nào thì cuộc sống của bạn là như thế ấy. Chẳng có thước đo nào để người khác đánh giá được bạn đang thành công hay thất bại trừ khi thước đo ấy đó là chính bạn.Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là bạn cứ tự hài lòng với cuộc sống hiện có và cho rằng mình đã thành công! Như tôi đã nói ở trên, bạn chính là thước đo cho cuộc đời bạn. Khi năng lực của bạn, ý chí của bạn và các nền tảng cơ bản của bạn có nhưng bạn không đạt được đến thành công phù hợp với những điều ấy, có thể coi đó chính là thất bại. Thành công chỉ có được khi bạn thực sự nỗ lực và cố gắng. Nhưng tất nhiên, không phải cố gắng nào của bạn cũng có thể đưa đến thành công. Khi bạn không có năng khiếu âm nhạc, bạn có học, có thi đến cả nghìn lần và nghìn lần cố gắng nỗ lực, bạn cũng không thể trở thành ca sĩ, có chăng chỉ là bạn sẽ hát tốt hơn so với chính bạn lúc đầu, tất nhiên, đó cũng có thể coi là một cách thành công, nhưng thành công này cũng là bài học. Bài học đặt ra ở đây là: không nên cố gắng làm những điều không phù hợp với khả năng của chính bạn. Muốn thành công, bạn chỉ có thể rút ra thất bại và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân. “Cứ gõ, cửa sẽ mở” nhưng phải gõ cánh cửa mà mở ra để dành cho mình thì đấy mới được gọi là thành công thực sự.


Tôi vẫn nói, hoa hồng đẹp dịu mà vẫn có gai, sen sang trọng là thế, vẫn đi lên từ vũng bùn lầy. Cuộc sống của con người chúng ta cũng vậy. Chỉ cần bạn còn cố gắng, chỉ cần bạn muốn vươn lên, và chỉ cần bạn có nhận thức đúng về bản thân mình, thì thành công hay thất bại chỉ còn là lí thuyết mà thôi!

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy