Bệnh viêm VA

VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, cùng với amidan để thực hiện chức năng bắt giữ các vi sinh vật có hại đi qua mũi hoặc miệng. VA cũng sản sinh ra kháng thể để chống lại vi khuẩn.

Viêm VA (sùi vòm mũi họng) là tình trạng VA bị vi khuẩn, vi rút tấn công gây ra viêm nhiễm, làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh mệt mỏi, dễ mắc phải các bệnh lý về hô hấp. Khi tổ chức này bị viêm và quá phát thành khối to sẽ cản trở việc lưu thông không khí và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp.

Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ nhỏ từ 1 – 6 tuổi. Trẻ có thể mắc VA liên tục khoảng 4-6 đợt viêm cấp mỗi năm, VA sẽ bị quá phát và xơ hóa và trở thành mãn tính.


Viêm VA cấp tính: thường ở trẻ độ tuổi từ 1 - 4 tuổi, có các dấu hiệu như sau:

  • Thường bị nghẹt mũi, nặng dần cả 2 bên khiến trẻ thở khó khăn, phải há miệng để thở, khi thở có tiếng khò khè, khụt khịt.
  • Trẻ nhỏ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng do không thở được.
  • Ho thường xuất hiện muộn hơn sau khi trẻ bị ngạt mũi do dịch từ mũi chảy xuống họng hoặc do bị khô cổ khi phải thở bằng miệng.
  • Hơi thở có mùi hôi.
  • Mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc.
  • Một số bé có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ và đi ngoài phân lỏng.
  • Trong các đợt viêm cấp có thể xuất hiện sốt từ 38-39 độ C.

Viêm VA mãn tính: là tình trạng xảy ra khi VA bị viêm cấp tính tái phát nhiều lần. Lúc này, VA đã mất đi tác dụng “vô hiệu hóa” vi khuẩn, virus và nấm mà thay vào đó lại bị xơ hóa và trở thành nơi “cư trú lý tưởng” của vi khuẩn. Khi bị viêm VA mãn tính, trẻ thường có các dấu hiệu như:

  • Chảy mũi thường xuyên, nhiều hoặc ít, dịch khi trong khi đục, nhiều khi chảy mũi xanh kéo dài.
  • Do nghẹt mũi kéo dài nên trẻ thường ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, ngủ ngáy và có thể xuất hiện những cơn ngừng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm.
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt - hậu quả của việc thở bằng miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển.

Nguyên nhân bệnh Viêm VA:

  • VA nằm ở cửa mũi sau, là vùng khó thấy nên khi thăm khám và tầm soát thông thường rất dễ bị bỏ sót.
  • VA phải “đối mặt” 24/24 với những mầm bệnh. Do đó, chỉ cần sức đề kháng của trẻ suy yếu hoặc VA phải “làm việc” quá tải thì tình trạng viêm dễ dàng xảy ra.
  • Việc sử dụng thuốc kháng sinh không tuân theo bất cứ chỉ định nào của bác sĩ gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc trẻ mắc VA uống thuốc mà không khỏi khiến bệnh kéo dài hoặc tái đi tái lại.
  • VA có khả năng “đặc biệt” là tạo ra các chất màng bao bọc tổ chức của nó. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh, chính khả năng tạo ra các chất màng lại ngăn chặn tác dụng của thuốc. Do đó, việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều trị không hiệu quả.

Phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm VA:

  • Nguyên tắc của việc phòng ngừa là nâng cao sức đề kháng như ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc… Sử dụng các biện pháp vệ sinh tốt cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm VA là khám VA bằng nội soi qua đường miệng hoặc đường mũi. Dựa vào phương pháp này, bác sĩ có thể đánh giá được kích thước VA và phân độ viêm VA quá phát.
  • Đối với viêm VA cấp tính: trẻ cần được điều trị nội khoa, phối hợp uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với viêm VA mãn tính: tùy vào mức độ viêm, bác sĩ sẽ chỉ định nạo VA cho trẻ trong các trường hợp: VA bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm), kéo dài, đã đi kèm biến chứng khác. VA quá phát, phì đại to gây nghẹt mũi kéo dài, không đỡ dù đã được điều trị nội khoa, dùng thuốc; Có chứng ngưng thở khi ngủ; Khó nuốt và khó nói.
Bệnh viêm VA
Bệnh viêm VA
Biến chứng của viêm VA
Biến chứng của viêm VA

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy