Top 5 Bài soạn "Viết bài văn kể về kỉ niệm của bản thân" (Ngữ văn 6 - SGK Cánh diều) hay nhất

  1. Top 1 Bài soạn tham khảo số 1
  2. Top 2 Bài soạn tham khảo số 2
  3. Top 3 Bài soạn tham khảo số 3
  4. Top 4 Bài soạn tham khảo số 4
  5. Top 5 Bài soạn tham khảo số 5

Top 5 Bài soạn "Viết bài văn kể về kỉ niệm của bản thân" (Ngữ văn 6 - SGK Cánh diều) hay nhất

Hà Ngô 455 0 Báo lỗi

Ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ, viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ ... xem thêm...

  1. 1. Định hướng - Trang 64 Ngữ Văn 6 tập 1 sách Cánh Diều

    a) Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người. Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết người kể sử dụng ngôi thứ nhất xưng ” tôi”


    Ví dụ văn bản sau kể về một kỉ niệm trong thời học sinh của tác giả


    NGƯỜI THỦ THƯ THỜI THƠ ẤU

    Năm ấy, khi tôi 6, 7 tuổi thì bác đã về hưu rồi. Tôi không biết tuổi tác, công việc của bác; chỉ biết tên bác là Hải. Bác có chòm râu quai nón đã bạc thật đẹp. Bác còn đẹp hơn nữa khi ngồi ở bên cửa lớp học, trong một buổi chiều rét buốt, mơ màng dạo một khúc nhạc réo rắt bằng chiếc đàn măng-đô-lin nho nhỏ của mình.


    Những năm ấy, ở trường chưa có thư viện chuyên nghiệp như bây giờ. Chính bác Hải đã đứng ra thu gom sách và lập một tủ sách bé nhỏ, đặt ở một phòng học của ngôi nhà cấp bốn trong trường. Ngày mùa đông khô hanh, chúng tôi say mê đọc từ trưa cho đến xế chiều. Những ngày mùa lũ, mùa mưa thì mới chán, nước ngập đến tận khoeo chân, thư viện nhỏ đóng cửa. Khi đó, chúng tôi vẫn cứ ngong ngóng đợi bác Hải đến trường trên chiếc xe đạp lọc cọc, chòm râu bạc rung rung theo nhịp đạp xe.


    Tôi còn nhớ như in ngày đầu đi đăng kí thẻ đọc. Hồi ấy, thư viện chỉ nhận các “anh, chị” từ lớp ba trở lên. Tôi học lớp hai, mới 7 tuổi, chưa đủ “điều kiện” sở hữu một cái thẻ đọc bằng bìa màu xanh xám, có ghi tên học sinh, tên lớp trịnh trọng. Tôi không chịu được “bất công” ấy, vẫn đến nhưng không dám nói gì, chỉ mon men đứng nhìn. Bác Hải bảo về nhà thì tôi không chịu, vẫn cứ chăm chăm đứng nhìn đám anh chị lớn hơn tí chút ngồi đọc sách. Ý chừng sốt ruột quá, bác bèn hỏi han tôi học lớp nào, con nhà ai. Biết được mong muốn của tôi, bác đùa: “Thế thì bác phải kiểm tra xem cháu đọc có nhớ gì không!”. Sẵn trên giá có cuốn Búp sen xanh, bác đưa cho tôi bảo mang về.

    Chiều hôm đó, tôi ngồi đọc Búp sen xanh. Đến hai, ba ngày sau vẫn say mê đọc. Hết tuần, tôi mang trả cuốn sách. Bác hỏi: “Trong sách có bài thơ nào không?”. Tôi đọc ngay một bài thơ nhỏ trong cuốn sách cho bác nghe. Thế là ngay lập tức, tôi được trao một tấm bìa có tên mình, thậm chí, được mượm sách mang về nhà thường xuyên. Sau này gặp mẹ tôi, bác Hải cứ tấm tắc khen mãi trí nhớ của tôi. Bác không nghĩ rằng, với đứa trẻ, trong đầu còn chưa chật chội lắm những gì đã nhớ thì việc nhớ một bài thơ nhỏ chẳng đáng kể gì! Nhưng những lời khen của bác cũng khiến tôi thầm tự hào và bỗng trở nên tự tin lên rất nhiều – đã nhúc nhắc dám viết, dám nói, dám chia sẻ những gì mình nghĩ.


    Tôi không còn nhớ thư viện nhỏ ngày ấy tồn tại đến bao giờ. Chỉ nhớ, sau này, khi tôi lên lớp ba, chúng tôi rất hay đến nhà bác Hải ở khu tập thể của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để nghe bác đàn, tập hát và... tập kể chuyện. Tôi còn nhớ được một bài hát bác từng đàn cho chúng tôi hát theo là bài Reo vang bình minh... Tiếng đàn măng-đô-lin trong trẻo, róc rách như nước chảy buổi sớm từ trên núi cao qua những con suối nhỏ, đưa trí tưởng tưởng con trẻ đi rất xa...(Theo NGUYỄN THỤY ANH, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 12, 2016)


    b) Từ văn bản Người thủ thư thời thơ ấu, có thể rút ra được cách viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân:

    • Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề của bài viết.
    • Kể về kỉ niệm đã xảy ra như thế nào? Có gì đặc sắc và đáng nhớ?
    • Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” để dễ dàng trình bày những quan sát, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.
    • Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy.
    • Kết thúc: Nói lên mong ước và cảm nghĩ của người viết.

    2. Thực hành - Soạn Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân

    Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.

    a) Chuẩn bị (trang 66 SGK Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

    • Nhớ lại và xác định một kỉ niệm sâu sắc của em những năm học tiểu học (kỉ niệm gì, với ai, khi nào...)
    • Xem lại cách viết về một kỉ niệm trong mục Định hướng ở trên.

    Gợi ý:

    • Kỉ niệm: một lần tan học nhưng bố mẹ quên đón do bà nội bị ốm.
    • Với ai: cô giáo
    • Khi nào: khi học tiểu học

    b) Tìm và lập dàn ý (trang 66 SGK Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

    • Tìm ý dựa vào mục a) nêu trên, đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
      • Em nhớ và định kể lại kỉ niệm gì?
      • Câu chuyện xảy ra như thế nào?
      • Vì sao kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ?

    Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được, sắp xếp lại theo ba phần lớn của bài văn, gồm:

    • Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể. Ví dụ: Kể về một lần cô giáo đã giúp em khi học lớp 4; chuyện em đã ân hận như thế nào khi trót nói dối bạn cũng học lớp 5;...
    • Thân bài: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm ấy bằng cách làm rõ các nội dung sau:
      • Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật liên quan.
      • Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc; chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ... đặc sắc, đáng nhớ.
      • Nêu điểm làm em nhớ hay vui buồn, xúc động.
    • Kết bài:
      • Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.
      • Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.

    c) Viết (trang 67 SGK Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

    Từ dàn ý đã làm, viết thành bài văn theo yêu cầu của đề.


    Bài viết tham khảo:

    Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường tiểu học mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.


    Cô Thanh còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy. Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.


    Hôm đó, sau khi tan học buổi chiều, em đợi bố đến đón như thường lệ nhưng khi các bạn đã về hết từ lâu mà bố vẫn chưa tới. Em rất lo lắng vì từ trước tới nay bố chưa đón em muộn bao giờ. Khi em đang lo lắng gần như sắp khóc đến nơi thì cô giáo chủ nhiệm của em đi tới, cô hỏi em sao giờ này vẫn chưa về.Em kể lại sự việc cho cô nghe mà không giấu nổi sự lo lắng. Em bắt đầu khóc.


    Cô động viên em hãy bình tĩnh và bảo em lên xe để cô trở về nhà.Khi về đến nhà, nhìn cánh cổng nhà em vân đóng im lìm, em càng lo lắng hơn vì thường ngày giờ này mẹ em thường đi làm về rồi. Tình cờ làm sao, hôm qua cô Thanh bèn sang bên nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình và được biết là bố em đi công tác đột xuất, có mẹ em ở nhà nhưng đột nhiên bà nội em bị mệt phải đưa đi cấp cứu trong viện, cả nhà đã lo lắng vào viện hết mà quên mất giờ đón em. Cô bèn chở em đến bệnh viện thăm bà luôn. Gặp lại mẹ, em vui mừng khôn xiết vì biết bà cũng đã qua cơn nguy kịch. Mẹ em đã rất xúc động và cảm ơn cô giáo của em thật nhiều.


    d) Kiểm tra và chỉnh sửa (trang 67 SGK Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều)

    • Kiểm tra dàn ý đã xây dựng và xác định các lỗi về nội dung cần chỉnh sửa.
    • Kiểm tra đoạn văn, bài văn đã viết, phát hiện và tìm cách sửa các lỗi về viết, dùng từ, chính tả, ngữ pháp, trình bày...
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. 1. Định hướng

    • Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề của bài viết.
    • Kể về diễn biến của sự việc đó. Kỉ niệm đó có gì đặc sắc và đáng nhớ.
    • Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” để trình bày quan sát, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.
    • Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy.
    • Nói lên mong ước và cảm nghĩ của người viết.

    2. Thực hành

    Bài tập: Viết bài văn kể về một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.

    • Nhớ lại và xác định một kỉ niệm sâu sắc của em những năm học tiểu học (kỉ niệm gì, với ai, khi nào…)
    • Xem lại cách viết một kỉ niệm.
    • Tìm ý dựa vào mục a nêu trên, đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
      • Em nhớ và định kể lại kỉ niệm gì?
      • Câu chuyện xảy ra như thế nào?
      • Vì sao kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ?
    • Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được, sắp xếp theo ba phần:

    (1) Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể.

    (2) Thân bài

    • Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật liên quan.
    • Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc, chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ… đặc sắc đáng nhớ.
    • Nêu điều làm em nhớ hay vui buồn, xúc động.

    (3) Kết bài

    • Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm đó.
    • Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.Viết: Từ dàn ý đã làm, viết thành bài văn theo yêu cầu của đề.
    • Kiểm tra và chỉnh sửa
    • Kiểm tra lại xem bài viết đã đầy đủ, chính xác như yêu cầu của đề bài và dàn ý chưa.
    • Xác định những chỗ mắc các lỗi về dùng từ, chính tả, ngữ pháp, liên kết câu… nêu cách sửa chữa.

    * Bài mẫu:

    Trong cuộc đời mỗi con người có lẽ sẽ không ai là quên được những kỉ niệm của tuổi học trò, đặc biệt là những kỉ niệm của buổi đầu tiên đi học. Tôi cũng vậy, hằng năm, cứ khi thu về, trong lòng tôi lại dâng trào những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học.


    Hôm ấy, tôi đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị sách vở thật đầy đủ. Đúng bảy giờ, ông nội chở tôi đến trường trên chiếc xe đạp vốn đã rất thân quen. Bầu trời hôm nay dường như cao và xanh hơn mọi ngày. Tôi ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường mà lòng cảm thấy bồi hồi. Đường phố hôm nay dường như cũng tấp nập hơn. Tôi nhìn thấy rất nhiều bạn học sinh trong bộ quần áo mới, ngồi sau bố. Khuôn mặt của các bạn vừa có chút lo âu, vừa có chút háo hức. Tôi còn nhìn thấy các anh chị lớp trên đạp xe trên con đường, trò chuyện cùng bạn bè rất vui vẻ.


    Dù đã đến trường nhận lớp và được làm quen với thầy cô, bạn bè trước đó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng háo hức. Tôi mặc bộ đồng phục mới, đi đôi dép mà mẹ đã tặng cho tôi và cùng ông nội bước vào trường. Cô giáo đã đứng chờ ở đầu hàng của lớp tôi để đón các bạn học sinh. Tôi chào tạm biệt ông và ngồi vào chỗ theo sự sắp xếp của cô. Buổi lễ khai giảng diễn ra thật trịnh trọng với lời phát biểu của thầy hiệu trưởng, lời phát biểu của anh chị học sinh cuối cấp và của một bạn học sinh lớp Một. Cuối buổi lễ, thầy hiệu trưởng đã thay mặt thầy cô đánh tiếng trống khai trường. Khi nghe tiếng trống ấy, tôi cảm thấy bồi hồi và thật xúc động.


    Sau khi kết thúc buổi lễ khai giảng, tôi cùng các bạn đi theo hàng vào lớp. Buổi học đầu tiên diễn ra với bài tập đọc. Chúng tôi chăm chú lắng nghe tiếng cô giáo giảng bài. Sau đó, cô giáo yêu cầu cả lớp đọc đồng thanh theo cô. Giọng đọc của cả lớp nghe thật to và rõ ràng. Những tiết học tiếp theo diễn ra cũng rất vui vẻ và thú vị. Tôi còn hăng hái giơ tay phát biểu và được cô giáo khen nữa. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Đến chiều về, khi gặp lại ông nội sau một ngày học, tôi hân hoan kể cho ông nghe những câu chuyện ở lớp học. Ông còn khen và thưởng cho tôi một que kem thật to vì sự cố gắng của mình.


    Quả thật, buổi học đầu tiên luôn đem đến cho mỗi người những dấu ấn thật đặc biệt. Đến bây giờ, đó vẫn là kí ức tuyệt vời trong thời thơ ấu mà tôi nhớ mãi.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. 1. Định hướng

    Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người. Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết người kể sử dụng ngôi thứ nhất xưng " tôi"


    2. Thực hành

    Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học


    Trả lời:

    Bài viết tham khảo

    Thời gian trôi qua nhanh, ngày nào tôi còn bỡ ngỡ nép sau lưng mẹ, từng bước chậm rãi đi qua cánh cổng trường tiểu học. Vậy mà nay tôi đã đi học lớp 6, làm quen với một môi trường mới hoàn toàn. Một trong những kỉ niệm mà tôi chẳng thể nào quên được đó là hồi ức về buổi học cuối cùng tại trường tiểu học.

    Hôm ấy tôi đến lớp thật sớm, khoác trên mình bộ đồng phục chỉnh tề nhất, cũng tại hôm ấy tôi mới thấy được sự trang nghiêm và đáng trân trọng của bộ đồng phục mà tôi đã mặc trên người suốt mấy năm trời. Nhìn phù hiệu trường tiểu học A sao mà thân thương thế! Chỉ còn vài giờ nữa thôi, tôi sẽ không còn là học sinh tiểu học nữa mà trở thành các đàn anh, đàn chị đầy gương mẫu. Nhưng tại sao tâm trạng tôi lại đầy ắp nỗi buồn, sao cổ họng tôi lại cứ nghẹn lại, không biết nói gì.

    Trên đường tới lớp, con đường vẫn đông đúc như mọi khi. Hàng cây xanh mướt hai bên đường như đang trùng xuống. Tôi cứ có cảm giác mọi thứ đang trôi chậm lại. Trường tiểu học của tôi được xây dựng trong một thị xã nhỏ, nằm ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Trường tuy không rộng rãi, khang trang như mấy ngôi trường trong thành phố thế nhưng chúng tôi lại luôn cảm nhận được cái ấm áp và thân thuộc, trường như ngôi nhà thứ hai của bọn nhỏ chúng tôi. Một sáng mùa hè trong veo và yên ả, những tia nắng đang rọi xuống từng vòm cây xanh mượt mà. Cảnh sân trường buổi sáng mai tĩnh lặng đến lạ kì, có lẽ vì do các bạn học sinh chưa đến hết. Hôm nay tôi đến trường sớm hơn mọi ngày vì đây là buổi học đặc biệt.

    Tôi vào lớp ngồi ngay ngắn trên bàn học, vì hôm ấy là buổi học cuối cùng nên chúng tôi không cần phải học nhiều, thi cử cũng đã xong nên có lẽ bây giờ là thời điểm nhẹ nhàng nhất. Tôi mang chiếc cặp mà trong đó có vẻn vẹn vài cuốn sách cũ, tôi nhẹ để chúng lên bàn và ngồi ngắm nhìn mọi thứ xung quanh mình. Các bạn trong lớp vẫn hồn nhiên tươi cười, trêu đùa nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện mà mình biết.

    Tiếng nô đùa, tiếng cười giòn tan của các bạn trong lớp cuối cùng cũng đã dừng lại khi cô chủ nhiệm bước vào. Hôm ấy cô không quát mắng chúng tôi. Không còn là cô chủ nhiệm nghiêm khắc hay nhắc nhở chúng tôi mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, lúc ấy cô chỉ bước vào và im lặng. Ánh mắt cô giáo hôm nay cũng buồn và nhẹ nhàng biết bao. Cô nhìn một loạt các bạn học sinh, mắt rơm lệ, và nhắn nhủ chúng em phải cố gắng để trở thành học trò ngoan và giỏi ở cấp học mới. Cũng là những lời quen thuộc, cũng là cái giọng nói ấy, vẫn ngữ điệu thân quen ấy nhưng sao hôm nay chúng tôi lại thấy nó thấm thía đến lạ và muốn nghe mãi không thôi.

    Cuối cùng cô điểm danh cả lớp lần cuối, cô cầm cuốn sổ điểm danh lên đọc to rõ ràng tên từng bạn học sinh một, khi tên mỗi bạn vang lên cô còn nhắc nhở thêm về điểm mạnh, điểm yếu để chúng tôi khắc phục và hoàn thiện hơn. Khi cô gập lại cuốn sổ cũng là lúc tiếng trống trường vang lên, đó cũng là lúc chúng tôi nhận ra cuộc đời học sinh yêu dấu tại trường tiểu học của chúng tôi đã kết thúc, khi ấy chẳng ai có thể kìm nén được cái mớ cảm xúc hỗn độn của mình và tất cả đều khóc lớn. Cả lớp chúng tôi vỡ òa khóc lớn và chạy lên ôm trầm lấy cô, ngày hôm ấy cả ngôi trường vỡ òa trong tiếng khóc. Ngày hôm ấy chúng tôi rời xa nhau, rời xa mái trường, khép lại quãng thời gian tiểu học.

    Đó là giây phút tuyệt đẹp nhất trong những năm tháng học lớp 5. Tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt chỗ ngồi thân thương, tạm biệt bảng đen phấn trắng, “cho dù có đi nơi đâu ta cũng không quên được nhau”. Khoảng khắc chấm dứt cấp tiểu học, tôi chuyển sang giai đoạn mới, bước vào lớp 6 – môi trường mới. Tôi dặn lòng sẽ học hành thật tốt để không khỏi tiếc nuối những tháng ngày ở cấp một


    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Định hướng

    • Trả lời câu hỏi (trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
    • Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người. Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết người kể sử dụng ngôi thứ nhất xưng "tôi".
    • Thực hành
    • Trả lời câu hỏi (trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

    Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học

    Phương pháp giải:

    Em làm tuần tự theo các bước:


    Lời giải chi tiết:

    Với cuộc đời mỗi con người, quãng đời học sinh đều tuyệt vời, trong sáng và đẹp đẽ nhất. Quãng đời quý báu ấy của chúng ta gắn bó với biết bao ngôi trường yêu dấu. Với tôi, hơn tất cả, tôi yêu nhất mái trường Tiểu học đơn giản bởi chính nơi đây tôi đã và đang lưu giữ được nhiều cảm xúc thiêng liêng nhất trong những ngày đầu tới trường của tôi.


    Ngôi trường của tôi là một ngôi trường mới, khang trang và đẹp đẽ với những dãy nhà cao tầng được sơn màu vàng, được lợp mái tôn đỏ tươi. Từng phòng học lúc nào cũng vang lên lời giảng ân cần của thầy cô, tiếng phát biểu dõng dạc trước lớp hay tiếng cười nói hồn nhiên, trong sáng của những bạn học sinh. Sân trường rộng rãi thoáng mát nhờ những hàng cây xanh tươi xào xạc lá và những cơn gió nhè nhẹ. Đây thật là nơi lí tưởng cho chúng tôi chơi đùa. Tôi yêu lắm rân trường này. Mỗi khoảng đất, mỗi chiếc ghế đá đều in dấu những kỉ niệm đẹp của tôi về những lần đi học hay chơi đùa cùng bạn bè. Cây vẫn đứng đó, lá vẫn reo mừng như ngày tôi vào lớp Một, ngỡ ngàng nhìn khoảng sân đẹp đẽ. Vâng, mọi thứ vẫn vẹn nguyên chỉ có chúng tôi là đang lớn lên. Thấm thoắt hơn bốn năm đã trôi qua, giờ tôi là học sinh lớp chín….Thời gian ơi, xin hãy ngừng trôi để tôi mãi là cô học sinh trung học, để tôi được sống mãi dưới mái trường này!


    Và nơi đây cũng lưu giữ bao kỉ niệm đẹp đẽ về những người thầy cô, những bạn bè mà tôi yêu quý. Thầy cô của tôi luôn dịu dàng mà nghiêm khắc, hết lòng truyền lại cho chúng tôi những bài học bổ ích. Với tôi, thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng tôi thành người. Những người bạn lại là những người đồng hành tuyệt vời, luôn sát cánh bên tôi trên con đường học tập. Tất cả là những người anh, người chị, người em thân thiết và gắn bó với nhau trong một đại gia đình rộng lớn. Mỗi khi buồn bã hay thất vọng, chỉ cần nghĩ đến ánh mắt trìu mến của thầy cô hay là những nụ cười của bạn bè tôi lại thấy lòng mình ấm áp hơn. Ngôi trường còn ghi dấu không thể nào phai trong tôi vì những ngày kỉ niệm tưng bừng, rộn rã. Ngày khai trường, ngày hai mươi tháng mười một…. những ngày tháng tuyệt vời ấy lần lượt trôi đi để lại trong tôi những nuối tiếc. Chỉ còn hai tháng nữa là tôi sẽ phải rời xa mái trường này. Tôi sẽ lại học những ngôi trường mới, có những thầy cô bạn bè mới… liệu những tháng ngày đẹp đẽ kéo dài được bao lâu?

    Thời gian trôi đi như những làn sóng dập dềnh ra khơi không trở lại. Nhưng có một thứ mãi mãi ở lại cùng tôi, đó chính là hình bóng mái trường Tiểu học mến yêu của tôi.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. 1. Định hướng

    Cần lưu ý:

    • Xác định kỉ niệm mình kể
    • Xây dựng dàn ý cho bài kể miệng
    • Phân biệt cách nói miệng (nói văn) và cách viết (văn viết)

    2. Thực hành

    Bài tập: Kể lại một kỉ niếm âu sắc của em với thầy cô bạn bè khi học ở trường tiểu học

    Trả lời:

    Các em có thể tham khảo bài viết sau đây sau đó bằng lời kể của mình, kể lại cho các bạn nghe


    Bài viết tham khảo

    Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có những kỷ niệm khó quên trong đời. Với em cũng vậy, gần sáu năm cắp sách đến trường em cũng có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Nhưng kỉ niệm mà em sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi em tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay em viết từng nét.


    Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết.


    Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: "Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều." Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: "Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?" Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: "Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên. Cô phê bình Gia Bảo trong buổi học ngày hôm nay." Rồi cô nhìn thẳng em và nói: "Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn." Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. "Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn." - Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.


    Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy