Top 8 Bài thơ hay nhất về kháng chiến chống Pháp

Trương Mỹ Diệp 17294 0 Báo lỗi

Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều bài thơ hay đã ra đời để khích lệ tinh thần các chiến sĩ cách mạng cũng như tố cáo tội ác của bọn thực dân. ... xem thêm...

  1. "Đồng chí" là một trong những áng thơ tiêu biểu nhất trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ ra đời vào năm 1948 và được in trong tập "Đầu súng trăng treo" - tập thơ duy nhất của nhà thơ Chính Hữu. Bức chân dung những người lính được tác giả miêu tả qua những câu thơ hết sức chân thực và xúc động, lột tả được hết những gian lao, khắc khổ mà những người lính phải trải qua trong thời kì kháng chiến. Hơn thế nữa, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp chung chí hướng của những người đồng đội, đồng chí vì cùng chung lý tưởng mà gặp gỡ, quen biết và đồng hành cùng nhau. Bài thơ "Đồng chí" với ngôn từ giản dị đã khắc hoạ nên hình tượng những người nông dân khi hoá thân thành các chiến sĩ anh dũng, chạm vào trái tim của người đọc sau này.


    Bài thơ Đồng Chí:


    "Quê hương anh nước mặn, đồng chua

    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

    Anh với tôi đôi người xa lạ

    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

    Súng bên súng, đầu sát bên đầu

    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

    Đồng chí!

    Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

    Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

    Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

    Áo anh rách vai

    Quần tôi có vài mảnh vá

    Miệng cười buốt giá

    Chân không giày

    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

    Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

    Đầu súng trăng treo."

    Hình tượng đồng chí
    Hình tượng đồng chí
    "Đồng chí" ở sách giáo khoa lớp 9

  2. Quang Dũng không có quá nhiều bài thơ nổi tiếng, nhưng chỉ cần một bài "Tây Tiến" là đã đủ cho độc giả nhớ đến nhà thơ lãng mạn này. Tây Tiến ra đời cùng thời với Đồng Chí nhưng lại được tiếp cận theo bút pháp lãng mạn hoá. Chính vì thế, những vần thơ Tây Tiến luôn chứa đựng một nét gì đó bay bổng mà lại lãng mạn khác thường. Không chỉ miêu tả bức tranh phong cảnh miền núi Tây Bắc trên đường hành quân vừa đẹp lại hùng vĩ, Tây Tiến còn khắc hoạ bức chân dung những người lính trẻ xuất thân từ tầng lớp tri thức thủ đô. Họ là những chàng trai dám gác lại những giấc mộng cá nhân để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hình ảnh "đoàn binh Tây Tiến" hiện lên vừa anh dũng lại hào hùng đã gây ấn tượng mạnh với người đọc qua bao thế hệ.


    Bài thơ Tây Tiến:


    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.

    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi.


    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,

    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.

    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

    Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

    Chiều chiều oai linh thác gầm thét,

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

    Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

    Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

    Kìa em xiêm áo tự bao giờ.

    Khèn lên man điệu nàng e ấp,

    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,

    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?

    Có nhớ dáng người trên độc mộc,

    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

    Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

    Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

    Áo bào thay chiếu, anh về đất,

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


    Tây Tiến người đi không hẹn ước,

    Đường lên thăm thẳm một chia phôi.

    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi."

    Tây Tiến - Quang Dũng
    Tây Tiến - Quang Dũng
    Hồi kí Đoàn binh Tây Tiến - Quang Dũng (Nguồn: NXB Kim Đồng)
    Hồi kí Đoàn binh Tây Tiến - Quang Dũng (Nguồn: NXB Kim Đồng)
  3. Bài thơ Việt Bắc được trích trong tập thơ cùng tên được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10-1954 nhân dịp cán bộ cách mạng rời Việt Bắc trở về xuôi. Bài thơ được viết ở thể thơ lục bát, mượn cách xưng hô dân gian mình - ta giúp tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình. Bài thơ là lời tâm tình của tác giả về những chuỗi ngày sinh sống và làm việc tại Việt Bắc trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Gắn bó như máu thịt tại vùng đất này nên đến lúc chia tay, tâm trạng của Tố Hữu và các cán bộ về xuôi rất xúc động, bùi ngùi nhớ về mười lăm năm đã qua. Tóm lại, Việt Bắc là một áng thơ hay trong thời kì kháng chiến mà các bạn nên đọc và cảm nhận.

    Trích đoạn Việt Bắc


    "Mình về mình có nhớ ta?

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?


    Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân ly

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...


    - Mình đi, có nhớ những ngày

    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

    Mình về, có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

    Mình về, rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già.

    Mình đi, có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

    Mình về, còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

    Mình đi, mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


    - Ta với mình, mình với ta
    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

    Mình đi, mình lại nhớ mình

    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...

    Nhớ gì như nhớ người yêu

    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

    Nhớ từng bản khói cùng sương

    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

    Nhớ từng rừng nứa bờ tre

    Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

    Ta đi, ta nhớ những ngày

    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

    Thương nhau, chia củ sắn lùi

    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

    Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

    Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

    Nhớ sao lớp học i tờ

    Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

    Nhớ sao ngày tháng cơ quan

    Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

    Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

    Chày đêm nện cối đều đều suối xa...


    Ta về, mình có nhớ ta

    Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

    Ngày xuân mơ nở trắng rừng

    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

    Ve kêu rừng phách đổ vàng

    Nhớ cô em gái hái măng một mình

    Rừng thu trăng rọi hoà bình

    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.


    Nhớ khi giặc đến giặc lùng

    Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

    Núi giăng thành luỹ sắt dày

    Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

    Mênh mông bốn mặt sương mù

    Đất trời ta cả chiến khu một lòng.

    Ai về ai có nhớ không?

    Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.

    Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng

    Nhớ từ Cao - Lạng, nhớ sang Nhị Hà...


    Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.

    Dân công đỏ đuốc từng đoàn

    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

    Tin vui chiến thắng trăm miền

    Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về

    Vui từ Đồng Tháp, An Khê

    Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.


    Ai về ai có nhớ không?

    Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.

    Nắng trưa rực rỡ sao vàng

    Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

    Điều quân chiến dịch thu đông

    Nông thôn phát động, giao thông mở đường

    Giữ đê, phòng hạn, thu lương

    Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu...


    Ở đâu u ám quân thù

    Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

    Ở đâu đau đớn giống nòi

    Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

    Mười lăm năm ấy, ai quên

    Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà

    Mình về mình lại nhớ ta

    Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào..."

    Việt Bắc - Tố Hữu
    Việt Bắc - Tố Hữu
    Trích đoạn Việt Bắc ở sách giáo khoa 12
    Trích đoạn Việt Bắc ở sách giáo khoa 12
  4. Màu tím hoa sim là một vần thơ buồn về kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ được nhà thơ Hữu Loan viết tặng người vợ quá cố của mình là bà Lê Đỗ Thị Ninh vào năm 1949. Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện của một đôi vợ chồng trẻ cưới nhau đương lúc chiến tranh chống Pháp. Người trai ra trận trở về thì nghe tin người vợ hiền ở hậu phương đã ra đi. Bài thơ khắc hoạ một nỗi đau dai dẳng về sự mất mát khôn nguôi mà chiến tranh mang lại. Đồng thời, từng câu từng chữ trong tác phẩm cũng thể hiện nét nghĩa tình sắt son mà nhà thơ Hữu Loan dành cho vợ mình. Hình ảnh màu tím hoa sim vừa tượng trưng cho màu áo cưới lại vừa ghi dấu cho tình cảm sâu đậm của nhà thơ. Chính vì thế không ít người cho rằng đây là bài thơ tình hay nhất thế kỉ 20.


    Bài thơ Màu tím hoa sim:


    "Nàng có ba người anh đi bộ đội

    Những em nàng

    Có em chưa biết nói

    Khi tóc nàng xanh xanh


    Tôi người Vệ quốc quân

    xa gia đình

    Yêu nàng như tình yêu em gái

    Ngày hợp hôn

    nàng không đòi may áo mới


    Tôi mặc đồ quân nhân

    đôi giày đinh

    bết bùn đất hành quân

    Nàng cười xinh xinh

    bên anh chồng độc đáo

    Tôi ở đơn vị về

    Cưới nhau xong là đi

    Từ chiến khu xa

    Nhớ về ái ngại

    Lấy chồng thời chiến binh

    Mấy người đi trở lại

    Nhỡ khi mình không về

    thì thương

    người vợ chờ

    bé bỏng chiều quê...


    Nhưng không chết

    người trai khói lửa

    Mà chết

    người gái nhỏ hậu phương

    Tôi về

    không gặp nàng

    Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

    Chiếc bình hoa ngày cưới

    thành bình hương

    tàn lạnh vây quanh


    Tóc nàng xanh xanh

    ngắn chưa đầy búi

    Em ơi giây phút cuối

    không được nghe nhau nói

    không được trông nhau một lần


    Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

    áo nàng màu tím hoa sim

    Ngày xưa

    một mình đèn khuya

    bóng nhỏ

    Nàng vá cho chồng tấm áo

    ngày xưa...


    Một chiều rừng mưa

    Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc

    Được tin em gái mất

    trước tin em lấy chồng

    Gió sớm thu về rờn rợn nước sông

    Đứa em nhỏ lớn lên

    Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị

    Khi gió sớm thu về

    cỏ vàng chân mộ chí


    Chiều hành quân

    Qua những đồi hoa sim

    Những đồi hoa sim

    những đồi hoa sim dài trong chiều không hết

    Màu tím hoa sim

    tím chiều hoang biền biệt

    Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa

    Áo anh sứt chỉ đường tà

    Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

    Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau

    Chiều hoang tím có chiều hoang biết

    Chiều hoang tím tím thêm màu da diết

    Nhìn áo rách vai

    Tôi hát trong màu hoa

    Áo anh sứt chỉ đường tà

    Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...

    Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm

    Tím tình ơi lệ ứa

    Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành

    Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn

    Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím

    Tôi ví vọng về đâu

    Tôi với vọng về đâu

    Áo anh nát chỉ dù lâu..."

    Nhà thơ Hữu Loan cùng bài thơ Màu tím hoa sim
    Nhà thơ Hữu Loan cùng bài thơ Màu tím hoa sim
    Phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim
    Phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim
  5. Bài thơ Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi khắc họa nên một Việt Nam vừa bi tráng mà cũng đậm nét đau thương giữa mưa bom bão đạn. Những hình ảnh thanh bình, yên ả thường thấy nay được thay bằng cảnh hoang tàn, đổ nát. Tất cả đã tố cáo tội ác man rợ của bọn thực dân gây nên. Đặc biệt hơn, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ cũng như những hình ảnh gợi hình, gợi cảm để biến những đau thương ban đầu thành một nét đẹp hào hùng và khí thế. Từ đó, nhà thơ thể hiện một tình yêu Đất Nước nồng nàn và bất diệt. Đất Nước từng được in trong chương trình sách giáo khoa Ngữ Văn 12 giai đoạn 1990-2006, sau đó bài thơ được chuyển thành đọc thêm trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 từ 2007.


    Bài thơ Đất Nước:


    "Sáng mát trong như sáng năm xưa

    Gió thổi mùa thu hương cốm mới

    Tôi nhớ những ngày thu đã xa

    Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

    Những phố dài xao xác hơi may

    Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.


    Mùa thu nay khác rồi

    Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

    Gió thổi rừng tre phấp phới

    Trời thu thay áo mới

    Trong biếc nói cười thiết tha!

    Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa


    Nước chúng ta

    Nước những người chưa bao giờ khuất

    Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

    Những buổi ngày xưa vọng nói về!

    Ôi những cánh đồng quê chảy máu

    Dây thép gai đâm nát trời chiều

    Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

    Từ những năm đau thương chiến đấu

    Ðã ngời lên nét mặt quê hương

    Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

    Ðã bật lên những tiếng căm hờn


    Bát cơm chan đầy nước mắt

    Bay còn giằng khỏi miệng ta

    Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

    Ðứa đè cổ, đứa lột da...


    Xiềng xích chúng bay không khoá được

    Trời đầy chim và đất đầy hoa

    Súng đạn chúng bay không bắn được

    Lòng dân ta yêu nước thương nhà!


    Khói nhà máy cuộn trong sương núi

    Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

    Ôm đất nước những người áo vải

    Ðã đứng lên thành những anh hùng.


    Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

    Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh

    Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

    Lòng ta bát ngát ánh bình minh.


    Súng nổ rung trời giận dữ

    Người lên như nước vỡ bờ

    Nước Việt Nam từ máu lửa

    Rũ bùn đứng dậy sáng loà."

    Đất Nước - Nguyễn Đình Thi
    Đất Nước - Nguyễn Đình Thi
    Minh hoạ bài thơ Đất Nước
    Minh hoạ bài thơ Đất Nước
  6. Bên cạnh bài thơ nổi tiếng đình đám Đồng Chí, thì Tháng năm ra trận là một trong những áng thơ cực kì hay trong tập thơ Đầu súng trăng treo của nhà thơ Chính Hữu vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tháng năm ra trận là bài thơ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của người lính về nhân dân, đất nước, in đậm hình ảnh của một đất nước yên bình với nền văn minh lúa nước, của những người dân tuy hiền lành nhưng lại sở hữu khí thế mạnh mẽ, hào hùng khi phải ngày đêm đánh giặc và sự đau đớn của chiến tranh, của những cuộc hành quân không ngừng nghỉ. Mọi khung cảnh, âm vang của thời đại đã được thể hiện vô cùng rõ nét trong bài thơ Tháng năm ra trận, đồng thời nó cũng tái hiện lại những cảm xúc dạt dào trong tâm khảm nhà thơ.


    Bài thơ Tháng năm ra trận:


    "Tháng năm trong làng đã mùa gặt

    Lòng dân sung sướng thóc mênh mông

    Có người đi lính, hiền như đất

    Mùa hạ tưng bừng, thương núi sông

    Một sớm mang về tin xuất trận

    Vội vàng súng đạn, nao nức lòng

    Ai về nhắn hộ cho thôn xóm

    Một đi là hẹn chẳng về không

    Mùa thu thây giặc chất sông núi

    Mùa hạ thây giặc phơi đầy đồng.


    Ai về cấy lúa trồng bông

    Cho lúa mau tốt, cho bông được mùa

    Trưa hè rụng lá bàng khô

    Tôi đi ra trận nghe hò bốn phương.


    Súng ơi!

    Súng đã theo tôi mùa thu

    Súng đi với tôi mùa hạ

    Theo tôi diệt hết quân thù

    Tôi nhớ thương người bạn cũ

    Miệng cười mắt nhắm nghìn thu.


    Súng nặng

    Đường dài

    Vai gầy

    Áo rách

    Nhưng sớm ra đi miệng nở cười.


    Mặt nóng bừng bừng theo nhịp trống

    Lòng nao nức rộn tiếng hoan hô

    Bờ tre em nhỏ đưa tay vẫy

    Hồn nở muôn sao phấp phới cờ..."

    Tháng năm ra trận - Chính Hữu
    Tháng năm ra trận - Chính Hữu
    Tháng năm ra trận - Chính Hữu
    Tháng năm ra trận - Chính Hữu
  7. Bài thơ Đi tìm cách mạng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi là những lời tố cáo đanh thép về tội ác của thực dân Pháp và Nhật gây nên cho người dân và đất nước Việt Nam ta thời ấy: "Xung quanh làng xóm lầm than", " Đi phu, đi lính, đắp đường", "Địa chủ có trăm cái vòi/ Hút vào xương tủy, mồ hôi dân mình"... Đi tìm cách mạng là tiếng lòng xé gan xé thịt của người dân thời ấy và đồng thời thể hiện sự sáng suốt của cách mạng Việt Minh, sự kiên cường bất khuất của những thế hệ đã anh dũng hy sinh, sẵn sàng hiến dâng cho đất nước. Bài thơ là lời tiếp sức, nhắc nhở cho những thế hệ mai sau và cũng là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, như một minh chứng trường tồn cho những gian khổ mà dân tộc ta đã chịu đựng thời ấy.


    Bài thơ Đi tìm cách mạng:


    "Xung quanh làng xóm lầm than

    Thóc Tây, đay Nhật muôn vàn thảm thương

    Đi phu, đi lính, đắp đường

    Người nghèo một cổ mấy tròng thắt ngang

    Mùa mùa lúa vẫn chín vàng

    Lúa đi đâu mất, ta làm cho ai?

    Địa chủ nó có trăm vòi

    Hút vào xương tuỷ, mồ hôi dân mình

    Tiếng đồn trên núi rừng xanh

    Có quân Cách mạng Việt Minh phất cờ

    Sao vàng soi lối tự do

    Dân nghèo theo hết vỡ bờ nổi lên

    Chiến khu ta ở Tây Nguyên

    Quân đang vượt núi xuống miền trung du

    Mặt trời đang xé sương mù

    Dân mình đang phá ngục tù nghìn năm

    Truyền đơn rải ở chợ làng

    Cờ đỏ mọc giữa đường quan ban ngày

    Đồng quê như có lửa bay

    Nhà giàu bàn tán, dân cày truyền tin

    Quyết lòng dấn bước đi tìm

    Một đêm nổi gió băng mình thoát thân."

    Đi tìm cách mạng - Nguyễn Đình Thi
    Đi tìm cách mạng - Nguyễn Đình Thi
    Đi tìm cách mạng - Nguyễn Đình Thi
    Đi tìm cách mạng - Nguyễn Đình Thi
  8. Lá ngụy trang là một bài thơ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại ẩn chứa nhiều xúc cảm sâu sắc của nhà thơ Chính Hữu về quê hương, đất nước và người lính. Chiếc lá với màu xanh biếc như ẩn dụ cho tuổi trẻ, hy vọng, ước mơ của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp và những đôi vai trẻ tuổi ấy lại mang trên mình sức nặng của quê hương. Đặc biệt, khác với những bài thơ trước đó, Lá ngụy trang sử dụng đại từ nhân xưng "ta" để tôn lên cái tôi cá nhân lãng mạn nhưng đồng thời vẫn vô cùng hào hùng, bi tráng.


    Bài thơ Lá ngụy trang:

    "Mười năm đi mải miết

    Mang quê mình xanh biếc trên lưng.

    Khi ta hành quân đã khuất,
    Lá ngụy trang còn đọng tiếng chim rừng

    Tha thiết.

    Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta

    Gian khổ đêm ngày chiến dịch,

    Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua

    Nghe núi nghe sông trong cành lá hát."

    Lá ngụy trang - Chính Hữu
    Lá ngụy trang - Chính Hữu
    Lá ngụy trang - Chính Hữu
    Lá ngụy trang - Chính Hữu



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy