Top 10 Bài văn phân tích cảm hứng nhân đạo trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du hay nhất

Hà Ngô 100 0 Báo lỗi

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Tầm vóc của ông là độ rộng của trái tim, bề sâu của tấm lòng, những băn khoăn trăn trở về nhân thế, về kiếp người nhỏ bé. ... xem thêm...

  1. Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm.


    Cốt lõi của cảm hứng nhân đạo là lòng thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Một tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi nó ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người, không những thế phải đồng cảm xót thương những số phận bị chà đạp, lên án tố cáo những thế lực thù địch, đồng thời phải biết đồng tình với khát vọng và ước mơ chính đáng của con người.


    Nguyễn Du yêu thương con người đến tận cùng, vì vậy các tác phẩm của ông cũng nhân đạo đến tận cùng. Chỉ qua ba đoạn trích Truyện Kiều và bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, người đọc cũng hiểu được phần nào tấm lòng nhân đạo của thi hào Nguyễn Du.


    Cảm thương cho những kiếp hồng nhan mà đa truân, tài tử mà đa cùng không phải là cảm hứng mới mẻ trong văn học, nhưng phải đến Nguyễn Du, người đọc mới thực sự đau lòng vì “những điều trông thấy” bởi Nguyễn Du viết về nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình. Sắc đẹp khuynh thành và tài năng hiếm có của Thúy Kiều đã được Nguyễn Du đặc tả trong hai câu thơ:


    “Một hai nghiêng nước nghiêng thành

    Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”

    (Truyện Kiều)


    Còn Tiểu Thanh, một con người có thật sống cách Nguyễn Du 300 năm ở Trung Quốc cũng là một người con gái đẹp, có tài thơ, còn để lại tập di cảo Tiểu Thanh ký. Truyện kể lại rằng trước khi chết, Tiểu Thanh đã khóc vì nhìn bức chân dung của mình và nhận ra mình đẹp. Đau đớn biết bao nhiêu khi một người con gái còn rất trẻ khi sắp chết lại thấy mình đẹp. Thế nhưng chính Nguyễn Du lại thấm thía hơn ai hết rằng: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, rằng: “Có tài mà cậy chi tài - Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cuộc đời Thúy Kiều và Tiểu Thanh chính là minh chứng và cũng là nạn nhân của những bất công, phi lý của cuộc đời.


    Thúy Kiều tài sắc như vậy nên người nàng yêu cũng phải là một văn nhân “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Hai người đã thề nguyền “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” và có vầng trăng trên trời làm chứng. Nhưng rồi tai họa ập đến với gia đình khiến Thúy Kiều đành phải hy sinh chữ tình vì chữ hiếu. Việc Kiều bán mình chuộc cha không phải vì nàng hành động theo đạo lý tam cương của Nho gia mà đó là đạo hiếu của kẻ làm con: “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Nhưng chỉ Nguyễn Du mới hiểu đến tận cùng bi kịch của Thúy Kiều khi phải trao duyên cho em, nhờ em thay mình trả nghĩa chàng Kim. Nàng giờ sống mà như đã chết. Biết bao đau đớn khi Kiều nhận mình là kẻ phụ bạc:


    “Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang

    Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

    (Truyện Kiều)


    Màn trao duyên ấy chính là bi kịch đầu tiên mở ra quãng đời 15 năm “oan khổ lưu ly” của Thúy Kiều. Cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che” ngày xưa giờ đã thay bằng cuộc sống “Dập dìu lá gió cành chim - Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh”. Thúy Kiều không tìm thấy chút vui thú nào trong cuộc sống “bướm lả ong lơi” ấy, mà tâm trạng thực của nàng là vui gượng, là sầu, buồn, cuối cùng đọng lại ở nỗi đau, một nỗi đau luôn dày vò, không thể giải tỏa. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng cái “giật mình mình lại thương mình xót xa” của cô Kiều mới đáng quý biết chừng nào. Nếu không có những phút “giật mình” ấy thì nàng Kiều cũng tầm thường như một cô gái làng chơi mất hết nhân phẩm. Cái “giật mình” ấy chứng tỏ Thúy Kiều đã đau đớn biết bao nhiêu khi nhân phẩm bị nhơ bẩn, “Mặt sao dày gió dạn sương - Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”. Nàng phẫn uất, đay nghiến thực trạng phũ phàng, cuộc sống bị cầm tù trong một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát:


    “Đã cho lấy chữ hồng nhan

    Làm cho cho hại, cho tàn cho cân

    Đã đày vào kiếp phong trần

    Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”


    Người đọc dường như không phân biệt được đâu là lời của nhân vật, đâu là lời của nhà thơ vì Nguyễn Du đã nhập thân để hiểu tận cùng nỗi đau của Thúy Kiều và bất bình thay cho nàng. Thúc Sinh xuất hiện trong cuộc đời Kiều không phải chỉ như một khách làng chơi mà còn như một người tình, một người chồng, một ân nhân. Chính Thúc Sinh đã chuộc nàng ra khỏi xanh và cưới nàng làm vợ lẽ. Nhưng mối duyên này ngắn ngủi. Thúc Sinh phải về quê báo tin “vườn cũ thêm hoa” với vợ cả là Hoạn Thư. Cảnh từ biệt của hai người không chỉ có buồn, có lưu luyến như các cuộc chia ly thông thường khác mà còn có dự cảm về một cuộc chia tay vĩnh viễn:


    “Vầng trăng ai xẻ làm đôi

    Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”


    Những nỗi đoạn trường cứ bám lấy cuộc đời Thúy Kiều như một định mệnh, không cho nàng được sống thanh thản, vui vẻ, dù là ngắn ngủi. Tiểu Thanh cũng vậy. Nàng tài sắc là thế mà phải làm lẽ, sống trong sự dày vò của người vợ cả độc ác. Tiểu Thanh không giống Thúy Kiều, 16 tuổi đã phải dấn thân vào kiếp đoạn trường, nhưng cảnh sống bị cầm tù ở núi Cô Sơn, ngày ngày lo sợ bị người vợ cả hãm hại thì có khác gì cái chết. Một cái chết dần dần, mòn mỏi, và không kém phần đau đớn. Sau 300 năm chỉ có Nguyễn Du lặng lẽ viếng nàng bên khung cửa qua tập di cảo còn sót lại. Cảnh đẹp Tây Hồ cũng chịu số phận truân chuyên của giai nhân:


    “Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

    Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”

    (Độc Tiểu Thanh ký)


    Nguyễn Du xót thương cho số phận của “văn chương”, của “son phấn” cũng bị liên lụy vào nỗi đoạn trường bởi chúng mang cái mệnh của con người:


    “Chi phấn hữu thần liên tử hận

    Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

    (Son phấn có thần chôn vẫn hận Văn chương không mệnh đốt còn vương)

    (Độc Tiểu Thanh ký)


    Vẫn biết rằng “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” nhưng đó vẫn là “nỗi hờn kim cổ” mà Nguyễn Du muốn chất vấn trời cao, hay chất vấn cuộc đời, xong rốt cuộc vẫn không có lời giải đáp. Chỉ biết rằng đó là “phong vận kỳ oan” (nỗi oan lạ lùng) của những kẻ mang nết phong nhã. Hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng là cái án tiền định của những người như Thúy Kiều, Tiểu Thanh phải mang. Tiếng khóc của nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên cũng chính là tiếng khóc của nàng cho chính mình mai sau và là tiếng khóc cho những phận đàn bà nói chung:


    “Đau đớn thay phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

    (Truyện Kiều)


    Rốt cuộc thì Đạm Tiên, Thúy Kiều hay Tiểu Thanh dù số phận có nhiều điểm khác nhau thì cũng là “cùng một lứa bên trời lận đận”. Nguyễn Du cũng tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với những người mắc nỗi oan lạ lùng vì vết phong nhã. Tố Như đau cho số phận của Tiểu Thanh cũng là tự thương cho chính những lận đận của mình, bởi vậy mới khao khát tri kỷ:


    “Bất tri tam bách dư niên hậu

    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

    (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Người đời ai khóc Tố Như chăng)

    (Độc Tiểu Thanh ký)


    “Khấp” có nghĩa là khóc thầm, còn “khóc” là khóc lớn, khóc thành tiếng. Nguyễn Du cả đời khóc thương cho những bất hạnh của con người nhưng cuối cùng cũng chỉ mong được người đời sau khóc thầm. Đó là khao khát tri âm khiêm nhường của một con người rất hiểu đời.


    Đọc “Truyện Kiều” và “Độc Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du luôn hỏi trời về những đau khổ của con người nhưng thực tế trong tác phẩm, Nguyễn Du lại cho thấy nguyên nhân nhưng đau khổ của con người là do những thế lực thù địch chà đạp lên cuộc sống và quyền sống chính đáng của con người. Nếu không có chế độ phong kiến với sự thống trị của đồng tiền thì Kiều đâu có 15 năm lênh đênh trong bể đoạn trường, nếu không có chế độ đa thê thì Tiểu Thanh chắc cũng không có số phận bi kịch như thế. Nguyễn Du đau nỗi đau của con người, hiểu thấu được nguyên nhân của những bi kịch ấy nhưng Nguyễn Du bất lực bởi chính ông cũng là nạn nhân của những bể dâu cuộc đời. Nỗi đau của Nguyễn Du, sự cô đơn của Nguyễn Du, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đều xuất phát từ một trái tim nghệ sĩ lớn.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa

  2. Một tác phẩm văn học trường tồn cùng thời gian không chỉ bởi tài hoa của người nghệ sĩ mà còn vì cảm hứng nhân đạo đã làm cho tác phẩm có sức lay động lòng người và được truyền tụng từ đời này sang đời khác. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một tác phẩm như vậy.


    Cảm hứng nhân đạo xuất phát từ tình yêu thương con người với con người. Một tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi nó ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người, đồng tình với khát vọng chính đáng của họ đồng thời là sự đồng cảm xót thương những số phận kém may mắn, bị chà đạp, cưỡng bức. Tác phẩm mang cảm hứng hứng nhân đạo còn phải là một bản án tố cáo những thế lực thù địch, xã hội bất công giày xéo nhân phẩm con người.


    Nguyễn Du coi trọng tài sắc của Thúy Kiều như sau:


    “Một hai nghiêng nước nghiêng thành

    Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”


    Nên khi Kiều bán mình chuộc cha, phải trao duyên cho em, nhờ em thay mình trả nghĩa chàng Kim, Nguyễn Du càng thấu tỏ bi kịch cuộc đời nàng. Mười lăm năm tha hương là mười lăm năm đoạn trường đầy gian truân của Thúy Kiều. Càng thương Kiều, Nguyễn Du càng yêu quý phẩm chất thanh cao, trong sạch của nàng. Ông đau xót cho một con người hồng nhan bạc mệnh:


    “Đã cho lấy chữ hồng nhan

    Làm cho cho hại cho tàn cho cân

    Đã đày vào kiếp phong trần

    Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”


    Dường như chính Nguyễn Du đã nhập thân để hiểu tận cùng nỗi đau của Thúy Kiều và bất bình thay cho nàng. Nguyễn Du cũng coi mình như nàng Thúy Kiều, cùng mang những nỗi oan sai nghiệt ngã do xã hội đọa đày, cùng khao khát có một người tri âm tri kỷ để dốc bầu tâm sự:


    “Bất tri tam bách dư niên hậu

    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

    (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa Người đời ai khóc Tố Như chăng)

    (Độc Tiểu Thanh ký)


    Trong suốt thiên “Truyện Kiều”, Nguyễn Du luôn đặt câu hỏi tìm đâu là nguyên nhân của những đau khổ tột cùng của con người. Nhưng thực tế, bản thân ông biết, xã hội bất công, ma lực đồng tiền đã đẩy những con người tài sắc như Kiều vào chốn bùn nhơ, cuộc sống bi kịch. Hiểu thấu được nguyên nhân, nhưng chính ông cũng không thể xoay chuyển thế sự. Bởi chính ông cũng đang bị thời thế rối ren, lũng đoạn đày ải.


    Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Tấm lòng nhân đạo của ông xuất phát từ chính trái tim của người nghệ sĩ. Tiếng lòng của ông là nỗi lòng chung của nhiều số phận đang bị áp bức trong xã hội đương thời.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  3. Nếu như cảm hứng hiện thực trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khiến người đọc nhận ra được xã hội phong kiến suy tàn, thối nát, con người bị chà đạp cả thể xác và tinh thần thì cảm hứng nhân đạo gieo vào lòng người đọc niềm xót thương vô hạn. Cảm hứng nhân đạo của Truyện Kiều là cảm hứng xuyên suốt từng nhân vật, từng câu chữ, ngấm vào tim của tác giả và của người đọc.


    Có thể nói chính cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người yêu truyện Kiều và thương cho số phận hồng nhan tài hoa bạc mệnh. Trước hết chúng ta có thể thấy được cảm hứng nhân đạo mà Nguyễn Du gửi gắm qua tác phẩm xuất phát từ hiện thực nhiều cay nghiệt, oan trái trong xã hội phong kiến bấy giờ.


    Là một người tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn đối với những phận người tài hoa nhưng nổi trôi trong xã hội như Thúy Kiều; Nguyễn Du bằng trái tim, bằng nước mắt khắc họa thành công nhân vật Thúy Kiều. Kỳ thực Thúy Kiều không phải được dựng lên bằng ngôn ngữ tài hoa bậc thầy của Nguyễn Du mà được tạo nên từ chính tình cảm yêu thương mãnh liệt của ông.


    Tinh thần nhân đạo chạy dọc suốt hơn 3000 câu thơ, từ nhân phẩm, tính cách của nhân vật đến những cơ cực mà họ mang đến khát khao vươn tới hạnh phúc. Đó đều là những giá trị đáng trân trọng của một con người. Thúy Kiều vì gia đình sa cơ lỡ bước mà cuộc đời cô phải trải qua 15 năm lưu lạc. Hẳn người đọc còn nhớ đến gia cảnh của Nguyễn Du, ông cũng đã từng trải qua 15 năm lưu lạc ở quê vợ với cuộc sống cùng cực. Có thể nói cảm hứng của truyện Kiều chính là từ cuộc đời của Nguyễn Du. Thấu hiểu được nỗi khổ của cảnh sống trôi nổi Nguyễn Du đã thổi hồn, thổi chữ tâm vào nhân vật Thúy Kiều.


    Thúy Kiều đã trải qua bao nhiêu sóng gió, qua tay bao nhiêu kẻ, chịu nhiều nỗi nhục nhã, ê chề nhưng nàng vẫn kiên cường, mạnh mẽ chống chọi tất cả. Hơn hết Thúy Kiều vượt lên số phận, luôn khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc, khát khao được đoàn tụ. Đây đều là những khát vọng bình dị nhưng lại vô cùng lớn lao đối với số kiếp tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều.


    Nỗi cay đắng, cùng cực mà Thúy Kiều mang nặng suốt 15 năm chính là số mệnh mà cô phải hứng chịu. Người con gái ấy mạnh mẽ bao nhiêu thì càng bị vùi dập bấy nhiêu. Thực sự người đọc rơi nước mắt trước cảnh một người con gái tuyệt sắc giai nhân nhưng bị chà đạp cả thể xác và nhân phẩm.


    Thúy Kiều rơi vào cảnh này cũng xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha, nàng lựa chọn chữ “hiếu” thay vì chữ "tình". Bởi hai chữ đó có bao giờ được vẹn nguyên, sự lựa chọn nghiệt ngã, đầy nước mắt ấy chính là con đường gian khổ mà Thúy Kiều phải chịu dày vò.


    Qua việc xây dựng hình tượng Thúy Kiều đẹp đẽ, đầy sức sống, đầy khát khao và tình yêu Nguyễn Du đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về khát vọng sống, khát vọng vươn tới hạnh phúc. Khi tình yêu lớn hơn sự khắc nghiệt của hiện tại thì nó sẽ chiến thắng.


    Người đọc không khỏi xúc động, nghẹn ngào thương cho cuộc đời của Thúy Kiều, thương cho những người con gái bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Qua đó bộc lộ thái độ căm phẫn đến tột độ xã hội thối nát đẩy con người đến bước đường cùng.


    Như vậy “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thực sự là một tác phẩm mang nặng cảm hứng nhân đạo và tình yêu thương con người sâu sắc. Đây là điều mà Nguyễn Du muốn hướng tới, muốn gửi gắm đến mọi người.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  4. Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

    Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


    Ngay từ hai câu thơ đề từ cho tập Truyện Kiều, Nguyễn Du đã gửi gắm quan điểm của mình về nhân sinh quan với xã hội. Thông qua tác phẩm, nhà thơ đã giúp cho người đọc nhận ra được xã hội phong kiến thối nát, đã chà đạp con người cả thể xác và tinh thần. Cảm hứng nhân đạo đã được thể hiện xuyên suốt từng nhân vật, từng câu chữ, ngấm vào tim của tác giả cũng như của người đọc.


    Cảm hứng nhân đạo chính là đề tài xuyên suốt trong Truyện Kiều. Tác giả Nguyễn Du đã cảm thương cho số phận hồng nhan tài hoa bạc mệnh. Từ hiện thực nhiều cay nghiệt, oan trái trong xã hội phong kiến bấy giờ đã vùi dập số phận con người nổi trôi. Nguyễn Du một con người tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn đối với những thân phận người nổi trội trong xã hội. Ông đã xây dựng nhân vật bằng chính trái tim, bằng nước mắt, bằng những rung cảm để khắc họa thành công nhân vật Thúy Kiều. Kỳ thực Thúy Kiều được tác giả xây dựng lên bằng ngôn ngữ trau chuốt và sắc nét nhất:


    Hoa cười ngọc thốt đoan trang

    Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.


    Nàng Kiều được khắc họa với vẻ ngoài đẹp đến mức mây cũng phải thua nước tóc, tuyết còn phải nhường màu da. Một người đẹp có một không hai về nhan sắc, tài năng cầm - kỳ - thi - họa đều thuần thục. Tuy nhiên, cuộc đời của người con gái đẹp đó đáng ra phải được hưởng sung sướng hạnh phúc trong nhung gấm thì lại phải trải qua bao nhiêu sóng gió, chịu nhiều nỗi nhục nhã, ê chề tưởng chừng như không sống được. Nhưng nàng vẫn kiên cường, mạnh mẽ chống chọi tất cả. Hơn hết Thúy Kiều đã vượt lên số phận, luôn khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc. Đây là một mơ ước hết sức bình dị với mọi người nhưng lại vô cùng lớn lao đối với số kiếp tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều.


    Khi tỉnh rượu lúc tàn canh.

    Giật mình mình lại thương mình xót xa.


    Nỗi cay đắng, cùng cực mà cô mang suốt 15 năm qua chính là số mệnh mà cô phải hứng chịu. Người con gái ấy càng mạnh mẽ bao nhiêu thì càng bị vùi dập bấy nhiêu. Thực sự người đọc phải rớt nước mắt trước cảnh một người con gái tuyệt sắc giai nhân như vậy lại bị chà đạp cả thể xác và nhân phẩm.


    Qua việc xây dựng hình tượng Thúy Kiều mạnh mẽ, đầy sức sống, đầy khát khao vươn lên. Nguyễn Du đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về khát vọng sống, khát vọng vươn tới hạnh phúc. Khi tình yêu lớn hơn sự khắc nghiệt của thực tại xã hội thì nó sẽ chiến thắng. Người đọc không chỉ cảm thương cho số phận của nàng Kiều. Mà còn hiểu rõ thêm về hiện thực xã hội phong kiến thối nát đã chà đạp con người ta, dồn họ vào bước đường cùng. Cho đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du thực sự được xem là một tác phẩm văn học thành công nhất trong kho tàng văn học của Việt Nam.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  5. Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc ta. Tác phẩm Truyện Kiều của ông đã để lại nhiều tiếng vang lớn, thể hiện sự cảm thông của tác giả Nguyễn Du với những thân phận, những người phụ nữ tài sắc, hiền hậu, thủy chung nhưng bị xã hội vùi dập, chà đạp.


    Qua tác phẩm người đọc có thể cảm nhận được tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc của tác giả Nguyễn Du với những số phận con người trong xã hội phong kiến tồi tàn, thối nát, suy đồi về đạo đức và nhân cách.


    Chính nguồn cảm hứng nhân đạo thấm đẫm giá trị nhân văn của tác phẩm Truyện Kiều đã có sức ảnh hưởng lớn lao tới những con người trong xã hội. Những con người có lương tri, có học thức cảm thấy thương cảm cho người con gái hồng nhan, đa tài mà phải chịu kiếp ba chìm bảy nổi, không có được hạnh phúc cho riêng mình, sống cuộc sống lưu vong nhiều sóng gió.


    Qua tác phẩm Truyện Kiều người ta cảm nhận thấy tâm hồn tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn của tác giả Nguyễn Du với nhân vật của mình là cô gái Thúy Kiều. Nguyễn Du với tình cảm của mình đã vẽ lên một nhân vật Thúy Kiều vô cùng hoàn mỹ, vẹn toàn về tài lẫn sắc, về hình thức lẫn tâm hồn.


    Thúy Kiều là người con gái có nhiều ưu điểm sống thủy chung tình nghĩa, biết thương yêu cha mẹ lo lắng cho các em, thủy chung với vị hôn thê. Một người con gái tốt đẹp như vậy xưa nay hiếm. Nhưng với tình yêu của mình tác giả Nguyễn Du đã miêu tả Thúy Kiều không còn lời nào có thể tuyệt vời hơn.


    Tinh thần nhân đạo của tác giả thể hiện xuyên suốt bài thơ từ đầu tới cuối truyện, từ phẩm chất, nhân cách, ngoại hình, tài năng... Tác giả khát khao muốn mang tới cho người đọc một giá trị về sự hoàn mỹ. Tác giả đã thấu hiểu nỗi khốn khổ hoàn cảnh trôi nổi của một cô gái hồng nhan, thổi một chữ tình vào nhân vật Thúy Kiều của chúng ta.


    Thúy Kiều đã phải trải qua nhiều cay đắng, nhiều ê chề, tủi hổ trong cuộc sống lang bạt của mình. Nàng đã năm lần bảy lượt bị bán vào lầu xanh, nhưng nàng vẫn kiên cường, trong cảnh khó khăn như thế nào thì Thúy Kiều vẫn xót thương cho cha mẹ già yếu, xót xa cho người yêu của mình khi giờ đây đang cô đơn lẻ bóng. Nàng mơ có một cuộc sống bình dị, được làm vợ hiền con thảo sống bình thường như bao nhiêu người khác. Một mơ ước giản dị vô cùng nhưng đối với Thúy Kiều mơ ước đó thật viển vông, xa vời.


    Sự cay đắng tủi nhục mà nhân vật Thúy Kiều của chúng ta đã trải qua trong suốt 15 năm lưu lạc chính là những lời xót xa, những giọt nước mắt cảm thông mà tác giả Nguyễn Du đã dành cho nàng. Việc tác giả Nguyễn Du xây dựng hình tượng Thúy Kiều vừa đẹp đẽ, nhân hậu, hiếu nghĩa vừa chung thủy, trọn tình vẹn nghĩa, thể hiện tình yêu của tác giả Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình. Đồng thời qua nhân vật Thúy Kiều tác giả cũng muốn tố cáo tội ác của xã hội cũ, một xã hội mất hết lương tri, mất hết đạo đức đẩy một người con gái ngoan hiền tới đường nhơ nhuốc.


    Trong từng trích đoạn xuyên suốt tác phẩm Truyện Kiều đã nhiều lần người đọc phải rưng rưng dòng lệ cảm thương cho thân phận nàng Thúy Kiều trước những éo le, oan tình mà nàng đã vướng phải. "Truyện Kiều” của Nguyễn Du thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo vô cùng sâu sắc của tác giả hướng tới những người phụ nữ trong chế độ phong kiến.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  6. Điều gì khiến nhà văn cầm bút? Phải chăng Đó là bầu máu nóng chảy trong huyết quản của anh, nỗi niềm nhân thế nghẹn trong cổ họng thôi thúc anh cầm bút? Một đại thi hào dân tộc như Nguyễn Du,điều gì đã làm nên tên tuổi và tầm vóc vĩ đại ấy của người. Có lẽ là bởi cái cúi xuống đầy trân trọng dành cho những kiếp người nhỏ bé trong cõi nhân sinh, là tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, trông thấu sáu cõi, là viết như có máu chả nơi đầu ngọn bút, là tiếng thương vay khóc mướn còn âm ỉ,lặng lẽ chảy trong huyết mjach nhân đạo ngàn đời của dân tộc. “Truyện Kiều”, trong đó những đoạn trích như “Trao duyên”, “ nỗi thương mình”, là những phụ lưu từ huyết mạch ấy.


    “Truyện Kiều”- Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu mới, tiếng kêu đứt ruột dành cho những kiếp người nhỏ bé, là nỗi niềm trăn trở của Nguyễn Du đối với nàng Vương Thúy Kiều hồng nhan bạc mệnh, lệnh đệnh trong bể đời trầm luân suốt 10 năm. “ trao duyên”, nỗi thương mình, và chí khí anh hùng là những đoạn trích của truyện kiều, tái hiện lại những giai đoạn, thời khắc quan trọng trong cuộc đời nàng Kiều: trao duyên cho em là Thúy Vân để trao mình cho sóng gió đời trường, những thức cảm thổn thức trong đêm khi đã lấm láp trong đời bể dâu,... Trong những tình cảnh éo le ấy, mới thấy trái tim của Nguyễn Du sáng đến nhường nào.


    Giữa một xã hội dành tất cả những định kiến lễ giáo phong kiến tiêu cực cho người phụ nữa đặc biệt là người kĩ nữ, tầm vóc và trái tim nhân đạo của Nguyễn Du lại để người cúi xuống cảm thông với họ nhiều hơn, thương yêu học nhiều hơn. Trong từng câu chữ tuy là lời của Kiều mà dường như có Nguyễn Du nhập thân để dãi bày, thấu cảm cùng nhân vật. Mỗi niềm yêu, nỗi thương đều trực nghẹn lại trong từng lời, từng câu trao duyên của Kiều. Thường nhắc đến duyên người ta nghĩ đến tình lứa đôi vui vầy hạnh phúc, nhưng duyên mà phải đem trao thì mới thực trớ trêu làm sao. Vì sóng gió cuộc đời mà người con gái ấy phải dứt lòng chọn bên nghĩa để làm tròn chữ hiếu, còn mình phải mang ơn, nợ tình với chàng Kim- mối tình đầu tiên trong sáng và đẹp đẽ. “Gánh tương tư” giờ đã “ đứt” giữa đường rồi:


    "Giữa đường đứt gánh tương tư”


    “Đứt” đứng giữa câu như xé đôi câu thơ, xé đôi một chuyện tình, một phận người, xé đôi một tấm lòng và khía sâu hơn vào trái tim đang rỉ máu của người nghệ sĩ. NhỮng dang dở, những trĩu nặng, cả điều gì đó khắc khoải đang nhói tụ lại ở một chữ “ đứt”, làm nhói lên trong lòng người về một số phận, một tình yêu lỡ dở. Phải cảm thông lắm, phải hiểu lắm người nghệ sĩ ấy mới thấu được cảm giác đầy xót xa mà rất chân thật trong lòng người con gái khi yêu mà phải trao lại cả những kỉ vật của tình yêu ấy:


    “Chiếc vành với bức tờ mây

    Duyên này thì giữ, vật này của chung.”


    Dõi theo cả cuộc đời Kiều, Nguyễn Du biết đâu sẽ là kỉ vật gọi về kí ức và niềm đau trong lòng nàng phút chia ly. “ Chiếc vành”,” bức tờ mây” hiện ra trong dòng chảy chậm chạp, nặng nề của cả câu thơ, như lòng người con gái đang ôn lại kí ức xa xưa, đang tiếc nuối không muốn rời xa, và dường như có một sự giằng xé thể hiện trong bước đi “ dùng dằng” của nhịp thơ. Và dường như khi kỉ niệm và kỉ vật hiện về rõ nét nhất cũng là khi nỗi đau thấm thía đủ nhiều để nàng nghĩ về cái duyên chung. Duyên này phải trao đi rồi, tình này phải cắt chia rồi. “này...này..”nghe có vẻ dứt khoát mà tâm tư lại rối bời, ngoài miệng muốn thẳng thắn trao đi mà bên trong vẫn níu lại cái gì đó là “ của chung”? Người trao đi vẫn muốn có sự hiện diện của mình trong mối duyên trao đi hay chăng? Âu cung là quy luật tâm lý sâu kín và chân thật nhất mà Nguyễn Du bằng cả tấm lòng mình thấu được. Đau đớn thay khi người con gái ấy trong nỗi đau tột cùng hình dung ra một thế giới cô đơn và lạnh lẽo đối lập với cảnh êm đềm hạnh phúc của người. Xót xa thay cho một tiếng kêu thương hối lỗi muộn màng gửi đến người thương phương xa, phải chịu mặc cảm phụ tình cho đến mãi sau này vẫn không dứt. Những nỗi niềm và cung bậc khổ đau ấy, Nguyễn Du có thể nhìn thấy hết. Người còn hiểu được nỗi ê chề của nàng khi thấm thía cảnh sống ở chốn ô trọc xứ người.


    “Giật mình mình lại thương mình xót xa."


    Còn gì đau đơn hơn khi cảnh sống ê chề, tăm tối hiện tại được soi vào quá khứ đẹp tươi, trong sáng một thời, hơn nữa là khi nó được thức tỉnh khi "giật mình” đêm khuya, “khi tỉnh rượu lúc tàn canh”, khi chỉ còn ta với lòng ta để đối thoại, để thấm thía, xót xa cho phận mình. Một nỗi “ giật mình” mà toát lên cả sự bẽ bàng, tủi nhục ê chề của thân gái hồng nhan lạc vào đoạn trường cay đắng.


    Nhưng đồng thời trong cái ê chề tủi nhục tối tăm của số phận, Nguyễn Du vẫn kiếm tìm và trận trọng, nâng niu những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Người ngợi ca lòng vị tha của nàng Kiều trong những thời khắc đớn đau nhất của đời mình vẫn nghĩ , vẫn lo cho người khác. Nàng lo Vân vì chuyện của mình khó xử mà tất cả những băn khoăn, khó nói dồn cả vào một chữ “cậy” thật nặng nề, nhờ em, biết em thiệt thòi nhưng vẫn hy vọng em có thể nhận lời trao của mình. Ở trong tình cảnh đó, rõ ràng KIều là người khó xử hơn cả, vậy mà vẫn nghĩ cho tình cảnh của em, mà thương em, lấy hết niềm tin đặt vào một lời chấp thuận của em "cậy em”, “lạy em”, “thưa” em. Nhưng khó xử cũng bởi một bên tình cho Kim Trọng còn đau đáu mối nợ sâu sắc, không thể không đáp đền. Mối thủy chung không cho nàng quên được những kỉ niệm sâu sắc đối với chàng, nhưng tấm lòng vị tha không thể để nàng không trao duyên mình cho em Vân đáp đền cho Kim Trọng.


    “Ôi Kim Lang, Hỡi Kim Lang...”


    Tiếng kêu thất thanh cất lên rồi lặng dần đi trong nỗi đau phụ người, phụ tình sâu sắc: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Dường như càng trong đau khổ, nhân cách con người càng bừng sáng, càng chạm đến đỉnh điểm của sự hoảng loạn trong nỗi đau, người ta càng dễ thấy khát khao hạnh phúc mãnh liệt, tấm lòng vị tha rộng lớn. Đến” Nỗi thương mình”, Nguyễn Du càng thể hiện sự trân trọng đối với tấm lòng khát khao trinh bạch của người con gái giữa miền ô trọc. Nàng nào có để tâm đến những “ mưa sở mây Tần”, tự bản thân cũng thấy mình cô đơn giữa chốn nước đục ấy, sống qua ngày với nét ‘ vui gượng” để rồi đêm đêm, trở về thành thực và đau xót với lòng mình trong cái “ giật mình” tỉnh thức. Nguyễn Du đã thấy và trân trọng nàng như trân trọng bông hoa sen giữa bùn lầy, nâng niu hạt ngọc sáng nơi dâu bể trầm luân. Tình thương phá tan những định kiến, tình thương lặn sâu xuống những tối tăm lấm láp để mò ngọc, ấy mới là tình thương của một trái tim yêu vĩ đại, ngàn đời không ngưng đập.


    Nguyễn Du lớn không chỉ bởi những đóng góp cho sự giàu đẹp về Tiếng Việt. Nguyễn Du lớn bởi trái tim và nhân cách của một nghệ sĩ, cao hơn là của một nhà nhân đạo chủ nghĩa.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  7. Nguyễn Du được nhắc đến là một đại thi hào có tài của dân tộc ta. Đi liền trong sự nghiệp văn học của ông không thể không nói đến tác phẩm Truyện Kiều”. Tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng đã để lại nhiều tiếng vang lớn, thể hiện sự cảm thông của tác giả Nguyễn Du với những thân phận, những người phụ nữ tài sắc, hiền hậu, thủy chung nhưng bị xã hội vùi dập, chà đạp trong xã hội cũ. Và tác giả cũng đã thể hiện được sâu sắc cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm, giúp cho tác phẩm có giá trị đến ngày hôm nay.


    Thông qua tác phẩm “Truyện Kiều” người đọc có thể cảm nhận được tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc của tác giả Nguyễn Du đã miêu tả những số phận con người trong xã hội phong kiến tồi tàn, thối nát, xã hội mà con người suy đồi về đạo đức và nhân cách. Có thể nói rằng cũng chính nguồn cảm hứng nhân đạo thấm đẫm giá trị nhân văn của tác phẩm Truyện Kiều hiện nay cũng đã có sức ảnh hưởng lớn lao tới những con người trong xã hội. Ta như nhận thấy được hình ảnh của những con người có lương tri, có học thức cảm thấy thương cảm cho người con gái hồng nhan. Họ là những người đa tài mà phải chịu kiếp ba chìm bảy nổi, không có được hạnh phúc cho riêng mình. Cuộc sống cuộc của họ lưu vong nhiều sóng gió, trôi nổi đến vô định.


    Với tác phẩm Truyện Kiều thì Nguyễn Du cũng đã cho người ta cảm nhận thấy tâm hồn tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn của tác giả đối với nhân vật của mình là cô gái mang tên Thúy Kiều. Tác giả Nguyễn Du với tình cảm của mình đã vẽ lên một nhân vật Thúy Kiều vô cùng hoàn mỹ, một nhân vật vẹn toàn về tài lẫn sắc, về hình thức lẫn tâm hồn.


    Nhân vật Thúy Kiều là người con gái cho nhiều ưu điểm sống thủy chung tình nghĩa, biết thương yêu cha mẹ lo lắng cho các em, luôn luôn thủy chung với vị hôn thê. Có thể nhận thấy được một người con gái tốt đẹp như vậy xưa nay hiếm. Nhưng với tình yêu của mình tác giả Nguyễn Du cũng đã miêu tả Thúy Kiều không còn lời nào có thể tuyệt vời hơn. Thế rồi chính với tinh thần nhân đạo của tác giả thể hiện xuyên suốt bài thơ từ đầu tới cuối truyện, từ phẩm chất, nhân cách, ngoại hình, tài năng... Tác giả Nguyễn Du đã bộc bạch, đã khát khao muốn mang tới cho người đọc một giá trị về sự hoàn mỹ nhất đó là sự cảm thông. Tác giả Nguyễn Du như đã thấu hiểu nỗi khốn khổ hòa cảnh trôi nổi của một cô gái hồng nhan như bạc phận. Ông như khéo thổi một chữ tình, vào nhân vật Thúy Kiều của chúng ta càng được nhiều người thấu hiểu và cảm thông hơn.


    Xây dựng lên nhân vật Thúy Kiều không phải là hình mẫu của người con gái xưa kia nên nàng không đánh trách khi đi ngược với đạo Nho gia. Chính nhân vật cũng đã phải trải qua nhiều cay đắng, nhiều ê chề, trải qua biết bao nhiêu tủi hổ trong cuộc sống lang bạt của mình. Nàng Kiều đã lấy chữ hiếu làm trinh để có thể giúp cha thoát tội, phận làm con ai lỡ để cha như vậy cơ chứ. Chính vì xã hội đã đẩy Kiều vào con đường không có lựa chọn nào khác. Chính Kiều cũng đã năm lần bảy lượt bị bán vào lầu xanh, nhưng nàng vẫn kiên cường, ở ngay trong cảnh khó khăn như thế nào thì Thúy Kiều vẫn xót thương cho cha mẹ già yếu. Nàng cũng xót xa cho người yêu của mình khi giờ đây đang cô đơn lẻ bóng mà phải trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Chính nàng cũng đang mơ có một cuộc sống bình dị, được làm vợ hiền con thảo sống bình thường giống như biết bao nhiêu người khác. Có thể nói rằng nàng Kiều có một mơ ước giản dị vô cùng nhưng đối với Thúy Kiều mơ ước đó thật viển vông, xa vời và không thể chạm đến được.


    Thông qua tác phẩm chúng ta có thể cảm nhận thấy được một sự cay đắng tủi nhục mà nhân vật Thúy Kiều của chúng ta đã trải qua trong suốt 15 năm lưu lạc. Trong suốt khoảng thời gian lưu lạc chính là những lời xót xa, những giọt nước mắt cảm thông mà tác giả Nguyễn Du đã dành cho nàng Kiều.


    Không thể phủ nhận được chính với việc tác giả Nguyễn Du xây dựng hình tượng Thúy Kiều vừa đẹp đẽ, nhân hậu, hiếu nghĩa vừa chung thủy. Tất cả như cũng thật trọn tình vẹn nghĩa, thể hiện tình yêu của tác giả Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình. Không dừng lại ở đây mà thông qua nhân vật Thúy Kiều tác giả cũng muốn tố cáo tội ác của xã hội cũ, một xã hội mất hết lương tri, một xã mất hết đạo đức đẩy một người con gái ngoan hiền tới đường nhơ nhuốc đến tủi hờn như vậy.

    Chúng ta có thể nhận thấy được ở trong từng trích đoạn xuyên suốt tác phẩm Truyện Kiều đã nhiều lần người đọc phải rưng rưng dòng lệ cảm thương cho thân phận nàng Thúy Kiều trước những éo le, oan tình mà nàng đã vướng phải. Tác phẩm Truyện Kiều” của Nguyễn Du thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo vô cùng sâu sắc của tác giả hướng tới những người phụ nữ trong chế độ phong kiến xưa thật đau đáu, thật xót xa.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  8. “Truyện Kiều” được coi là kiệt tác bất hủ, áng thơ còn lưu đến ngàn đời sau của đại thi hào Nguyễn Du. Hình ảnh người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” được khắc họa trong thơ ông khiến người đọc không khỏi xót thương, đồng cảm. Trong Truyện Kiều tinh thần nhân đạo được kết tinh đậm nét nhất đó là cả tình yêu thương của tác giả đến với những số phận đáng thương trong xã hội xưa.


    Lòng nhân đạo chính là sự cảm thông đồng vọng giữa con người với con người. Nguyễn Du là một bậc tài nhân sinh ra và lớn lên trong thời kì xã hội có nhiều nhiễu nhương chính vì thế là một người nhạy cảm ông nhìn thấy được những thân phận con người sống lay lắt chịu tủi cực dưới chế độ thối nát. Nguyễn Du đứng trước tình cảnh như vậy ông đã dùng tài lực của mình vạch trần tội các của những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người đồng ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của những con người ấy rồi giúp họ nói lên được ước nguyện ngàn đời.


    Truyện Kiều là áng thơ biểu hiện rõ nhất giá trị nhân đạo ấy, ông đã dùng lời ca ngợi đặc biệt về nhan sắc và tài năng xuất chúng của các nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải, Kim Trọng…Những người con gái xưa có vẻ đẹp duyên dáng, thùy mị “nghiêng nước nghiêng thành”:


    Làn thu thủy, nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

    Tài năng thì khó ai có thể sánh kịp:

    Thông minh vốn sẵn tính trời,

    Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm


    Không chỉ Thúy Kiều, Thúy Vân mà đối với bậc nam tử hán như Kim Trọng và Từ Hải thì Nguyễn Du cũng lựa chọn những lời thơ đẹp để miêu tả ngoại hình, tài năng của họ:


    Nền phú hậu, bậc tài danh,

    Văn chương nết đất thông minh tính trời.

    Phong tư tài mạo tót vời,

    Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

    Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

    Đường đường một đống anh hào

    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.


    Nếu đẹp về hình thức thì chưa đủ, Nguyễn Du còn rất đề cao phẩm chất, nhân cách của những nhân vật trong thơ ông. Kiều không những có vẻ đẹp ngoại hình khiến “hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh” mà nàng còn có lòng hiếu thảo mang nặng nghĩa tình với cha mẹ, nàng sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình để giải cứu cha:


    Làm con trước phải đền ơn sinh thành


    Không chỉ thế Kiều còn là người con hết có tấm lòng son sắc, chung thủy với tình yêu, nàng vô cùng xót xa khi phải lựa chọn:


    Bây giờ trâm gãy gương tan,

    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!


    Nhà thơ Nguyễn Du không chỉ riêng ca ngợi về vẻ đẹp và tài năng của những con người ấy mà Nguyễn Du đã đứng trên lập trường của nhân bản đứng về phía những con người có số phận nhỏ bé, đứng về lẽ phải để tố cáo thế lực dùng cường quyền chà đạp lên cuộc sống của họ. Từ kẻ “vô danh tiểu tốt” như thằng bán tơ đến lũ vô loài như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, những kẻ nắm quyền lực trong tay mà hống hách như Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến,… Tất cả đã bị vạch trần bộ mặt thật không thương xót.


    Tội ác đổ lên đầu người con gái tài hoa khiến nàng Kiều phải chịu cảnh chia ly, yên ấm trong nhà bị thất tán. Vì tội ác đó mà cuộc đời nàng bị vùi dập nơi bể sâu, thậm chí nàng phải mang nỗi oan khuất khó lòng hóa giải. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã chịu đủ mọi cay đắng thì Nguyễn Du đã rất tinh tế nhận ra rằng họ còn như món hàng trao đổi mua bán:


    Cò kè bớt một, thêm hai,

    Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.


    Nàng đã hai lần bị bán chác vào chốn lầu xanh, bán linh hồn thể xác cho nhơ bẩn:


    Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

    Con người bị đòn roi vùi dập:

    Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.


    Những kẻ mang mặt nạ ghê rợn bề ngoài là người thánh thiện bên trong là bộ mặt của những kẻ buôn người, vì tiền đánh mất lương tính. Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau mà con người phải chịu đựng, những lời thơ của tác giả cũng như tiếng khóc than:


    Đau đớn thay thân phận đàn bà!


    Dường như giữa Thúy Kiều và Nguyễn Du có một sự đồng cảm kì lạ, tác giả thấu hiểu và diễn tả những câu thơ với sự trân thành nhất. Chi tiết mà Nguyễn Du để cho nhân vật của mình có sự bứt phá cao nhất đó là Kiều dám xé rào đêm, xăm xăm băng lối đường khuya một mình sang nhà người yêu bằng cả tình yêu mãnh liệt với sự khát khao cháy bỏng trong nàng. Nguyễn Du người đã dang tay che chở bảo vệ cho người con gái hồng nhan bạc mệnh đó, thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm.


    Giá trị nhân đạo minh chứng cho một tấm lòng, một nhân cách cao cả của thời đại có con mắt trông thấu cõi lòng của những con người có số phận lẻ loi, đau xót. Truyện Kiều sẽ vẫn còn vang vọng mãi đến những thế hệ sau này chính vì tư tưởng nhân nghĩa và đặc sắc nghệ thuật mà tác phẩm tạo nên.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  9. Truyện Kiều”(Đoạn trường tân thanh) được viết từ cảm hứng nhân văn sâu sắc và mãnh liệt của đại thi hào Nguyễn Du. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa xuyên suốt trong tác phẩm chưa bao giờ nhàm, cũ bởi bản thân nó là những giá trị vượt thời gian. Chỉ qua tìm hiểu một vài biểu hiện ở đoạn giới thiệu nhân vật chị em Thúy Kiều, ta sẽ thấy rõ hơn cả tài và tâm trong bút lực siêu phàm của cụ Nguyễn.


    Cảm hứng là động lực bên trong thúc đẩy sáng tạo. Cảm hứng nhân văn trong tác phẩm văn học là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị cao đẹp của con người đã chuyển hóa thành những cảm xúc mạnh mẽ trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Những liên tưởng được gợi mở từ thế giới nghệ thuật của “Kim Vân Kiều truyện”, những điều trông thấy và trải nghiệm, những yêu thương trăn trở nung nấu về số phận con người đã gặp gỡ trong trái tim nghệ sĩ, khiến khát vọng sáng tạo trào dâng rồi tuôn chảy thành thiên tuyệt bút “Đoạn trường tân thanh”. Ở trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”, cảm hứng nhân văn Nguyễn Du biểu hiện tinh tế, độc đáo, tài hoa trên nhiều khía cạnh - từ kết cấu, bút pháp đến ngôn từ, giọng điệu.


    Cảm hứng nhân văn đã tác động, chi phối triệt để ý thức sáng tạo của tác giả trong thao tác xử lý các tình tiết, chi tiết cho truyện thơ của mình. Ở đoạn trích này, Nguyễn Du lựa chọn nhiều chi tiết khác với nguyên văn cuốn tiểu thuyết chương hồi. Trong phần đầu “Kim Vân Kiều truyện”, Thanh Tâm Tài Nhân giới thiệu: “…chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh, can ngăn chị: - Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã! Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh, phả vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe đều chau mày rơi lệ…”.


    Sau mấy trang, khi nhân vật Kim Trọng xuất hiện, ông lại viết tiếp: “Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thì thấy: Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào, còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả…” (Kim Vân Kiều truyện, NXB ĐHQGHN, 1999). Hai đoạn văn – một văn kể, một văn tả - không có quan hệ liền kề, liền mạch. Vậy nhưng, đến với Nguyễn Du, nó được kết nối, tái tạo. Và, trong “Truyện Kiều”, khi trích riêng 24 câu tả hai chị em từ trong 32 câu về gia cảnh họ Vương vẫn có được một đoạn thơ với hình hài cân xứng, chặt chẽ: Giới thiệu chung (Đầu lòng hai ả tố nga), gợi tả em (Vân xem trang trọng khác vời…), đặc tả chị (Kiều càng sắc sảo mặn mà…), rồi nhận xét về cảnh sống (Phong lưu rất mực hồng quần…). Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc tạo nên kết cấu cân xứng ấy, với dụng ý rõ ràng: Miêu tả để người đọc có được những hình dung trọn vẹn về các nhân vật, cả chân dung và số phận, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều.


    Không khó để nhận ra bên cạnh sự kế thừa, tác giả truyện thơ đã lược bỏ và bổ sung nhiều chi tiết, thay đổi trật tự miêu tả. Vì sao có những điểm khác ấy, ngẫu nhiên hay có chủ đích? Cần lưu ý rằng thành công của thể truyện được thể hiện ở nhiều khâu, đặc biệt là khâu tạo tình huống - ở “Truyện Kiều” là tình huống Kim, Kiều gặp gỡ rồi đính ước – nhưng trước khi tạo tình huống thì khâu giới thiệu về nhân vật sao cho ấn tượng cũng vô cùng quan trọng. Đặt trong mạch truyện, đây là đoạn giới thiệu nhân vật chính, cho nên mọi thao tác nghệ thuật của Nguyễn Du đều nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của Thúy Kiều - chính vì “Đoạn trường tân thanh” là câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận chìm nổi trôi dạt của nàng. Theo đuổi mục đích biểu đạt rõ nét và sâu sắc bức tranh của số phận con người, một cách rất tự nhiên, từ những dòng thơ đầu Nguyễn Du đã khởi tạo một thế giới nghệ thuật mới.


    Việc đối chiếu trên đây còn cho thấy, về bút pháp, văn Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu kể còn thơ Nguyễn Du lại thiên về gợi tả nhân vật. Tác giả “Truyện Kiều” đã vận dụng tài tình bút pháp ước lệ cổ điển, từ việc tạo nên kết cấu cân xứng đến các thủ pháp miêu tả. Và, từ trong khuôn khổ tư tưởng nghệ thuật thời trung đại, ngòi bút Nguyễn Du còn khẳng định những giá trị mới mẻ, vượt thời gian. Đó chính là sự trân trọng sắc đẹp, tài năng, phẩm cách con người được biểu hiện một cách tinh tế, cụ thể và rất độc đáo. Tuy nhiên, cái tinh tế và độc đáo trong cảm hứng nhân văn Nguyễn Du không phải bao giờ cũng được nhìn nhận, đánh giá và lý giải thật thuyết phục. Nhìn vào đoạn thơ này, dễ thấy dung lượng và cách tả khác nhau: Người tả ít, người tả nhiều; người được tả trước, người được tả sau; người được tập trung vào ngoại hình, người lại được tả thêm về tài năng;…


    Từ những đặc điểm đó, hầu như người dạy rồi người học ai cũng dễ dàng gật đầu thống nhất ở những nhận xét quen tai về hiệu quả nghệ thuật của các thủ pháp mà Nguyễn Du vận dụng. Một ví dụ điển hình, sự tinh tế của tác giả khi miêu tả nhân vật Thúy Kiều được nhấn mạnh ở chỗ: “…Chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nền nổi bật lên chân dung Thúy Kiều. Có thể coi đây là thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy. Nguyễn Du chỉ dành bốn câu thơ để gợi tả Vân, trong khi đó dành tới mười hai câu thơ để cực tả vẻ đẹp của Kiều. Vẻ đẹp của Vân chủ yếu là ngoại hình, còn vẻ đẹp của Kiều là cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn.” (Ngữ văn 9, tập một, SGV). Thậm chí, có ý kiến mang màu sắc đối thoại, kiểu: “Thúy Vân được giới thiệu trước. Nếu giới thiệu sau thì mất thú, vì Vân kém Kiều. Giới thiệu Thúy Kiều thì nói sắc đẹp trước, vì tương phản với Vân…” (trích theo Tư liệu Ngữ văn 9).


    Các thủ pháp biểu hiện trong văn học luôn mang ý nghĩa tư tưởng. Bình tĩnh đọc lại, vừa đặt trong tổng thể mạch truyện vừa xem xét các chi tiết trong đoạn trích, chúng tôi thấy cần cân nhắc những ý kiến có phần còn hời hợt kể trên, bởi nếu không cẩn trọng thì sẽ cắt nghĩa thiếu căn cứ, hiểu không chính xác về tư tưởng nhân văn Nguyễn Du. Điều chúng tôi quan tâm là ở chỗ làm thế nào để cảm nhận được thái độ và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả trong toàn bộ câu chuyện, đặc biệt là trong từng chi tiết, từng thao tác của việc sáng tạo với những biểu hiện cụ thể ở đoạn trích cụ thể này? Ngoài những hiểu biết cơ bản thống nhất khi đọc hiểu trích đoạn Chị em Thúy Kiều trước đến nay, chúng tôi muốn làm sáng tỏ thêm điểm tinh tế và độc đáo của cảm hứng nhân văn Nguyễn Du qua việc lý giải câu hỏi: Cần hiểu như thế nào về thái độ của tác giả thể hiện qua trình tự miêu tả? Liệu Thúy Vân có phải “được miêu tả trước để làm nền” trong cái gọi là “thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy”? Liệu có thể nói rằng Vân “kém Kiều” và “tương phản với Kiều”?


    Về trình tự miêu tả, như đã nói, tác giả hướng tới điều cốt yếu: Nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện ấn tượng và trọn vẹn của nhân vật trung tâm Thúy Kiều. Đó là điểm khác và mới của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân. Đặt vào toàn bộ tác phẩm, chỉ nên nhìn nhận sáng tạo ấy ở góc độ thể loại, hay nói cách khác, là sáng tạo thuộc về kĩ thuật viết truyện. Không nên xem đó như thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy để rồi cái nhìn của người đọc bị hút vào những quan hệ tương phản, đối chọi dẫn đến thao tác nhận xét đâu là phía làm nền/ phông nền, đâu là phía được tôn lên/ tôn vinh; rồi định vị chính - phụ, so sánh hơn - thua… Thái độ của Nguyễn Du không phải như thế. Cái nhìn so sánh tương phản không phải là ấn tượng tác giả muốn đem lại cho người đọc, cho dù Thúy Vân là nhân vật phụ trong hệ thống nhân vật của Truyện Kiều, cho dù Thúy Kiều là nhân vật được nhà thơ dành cho nhiều tình yêu thương nhất, gửi gắm nhiều tâm sự nhất.


    Nhìn từ góc độ đoạn trích, với tư cách một văn bản có tính chỉnh thể tương đối, quan hệ của hai đối tượng miêu tả trong đoạn càng không phải là quan hệ tương phản, hơn - kém. Chính xác đó là quan hệ khác biệt. Quan hệ ấy được thể hiện từ những câu thơ đầu: “Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”, “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Khác về ngôi thứ và đặc điểm. Ngay khi giới thiệu nhân vật, bằng những hình ảnh ước lệ, tác giả tả chung “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, và nhấn mạnh nét riêng không thể lẫn “mỗi người một vẻ” trong cái hoàn hảo của “tố nga” “mười phân vẹn mười”. Phác thảo thôi mà hình hài nhân vật đã thoáng hiện trong cảm nhận của người đọc, ấn tượng cả cái chung và cái/ vẻ riêng. Nhấn mạnh/ lưu tâm/ trân trọng cái riêng trong quan hệ với cái chung, nhất là khi đang nói về nhan sắc của những mỹ nhân, mỗi người đẹp theo mỗi “vẻ” khác nhau, chứng tỏ Nguyễn Du rất tài tình, rất tinh đời và hiểu đời. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa là ở đó, xuất phát từ ý thức/ nhận thức về dấu ấn con người cá nhân (ý thức về cái riêng trong cái chung) của tác giả. Truyền cảm hứng ấy vào nhân vật, để nhân vật sống với muôn đời, Nguyễn Du đã ghi dấu tư tưởng mới mẻ, vượt thời gian từ hơn 200 năm trước!


    Như vậy, kế thừa của Thanh Tâm Tài Nhân rồi đảo trật tự miêu tả, lược bỏ chi tiết “cả hai chị em đều thạo thơ phú”…, tác giả “Đoạn trường tân thanh” không chỉ tạo nên sự khác biệt như đã nói, mà đó còn là sự lựa chọn nhằm biểu đạt dụng ý nghệ thuật riêng, xuất phát từ cảm hứng sáng tạo mãnh liệt. Do vị trí vai trò khác nhau của nhân vật trong hệ thống cốt truyện nên tác giả tả Vân trước Kiều sau, tả Vân ít tả Kiều nhiều. Cho nên, nói “chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nền nổi bật lên chân dung Thúy Kiều”, “lấy Vân làm nền để tô đậm Kiều lên” là hiểu không chính xác về thái độ và cảm xúc của Nguyễn Du. Nói rằng Vân “kém Kiều” và “tương phản với Kiều” lại cũng hiểu không đúng tinh thần nhân văn cụ Nguyễn.


    Khi tạo ra nhân vật, nhà văn thường nhằm khái quát tính cách của con người, và mỗi nhân vật khái quát những tính cách khác nhau, thuộc về những môi trường khác nhau của đời sống. Qua Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du không nhằm so sánh, không phân biệt ai làm nền cho ai nổi bật, mà chính là nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật với những đặc điểm tính cách và số phận riêng. Cả hai nhân vật Thúy Vân và Thúy Kiều hiện lên như những hình tượng lý tưởng, hoàn thiện hoàn mỹ, được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, bằng các chất liệu so sánh cao đẹp mượn từ thiên nhiên. Tuy nhiên, đáng chú ý là khi miêu tả chân dung, bằng ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du làm nổi bật được thần thái của từng nhân vật. Thần thái gắn với tính cách, tính cách làm nổi lên dự cảm về số phận - những điều sẽ được tác giả miêu tả về sau. Đó là hai người phụ nữ, hai thân phận đàn bà vốn cùng xuất thân từ nơi “Êm đềm trướng rủ màn che” nhưng những biến cố gia đình rồi sẽ biến họ thành những số phận khác nhau. Đặt nhân vật trong sự soi chiếu từ tổng thể mạch truyện như thế, người đọc mới mong có thể đến gần hơn với tấm lòng cụ Nguyễn qua những câu “Kiều” trong từng trích đoạn.


    Nguyễn Du tả Thúy Vân không chỉ tả ngoại hình, mà ngoại hình ấy gắn với phẩm chất. Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp vượt lên nhan sắc, vừa hài hòa phúc hậu, vừa nền nã sang quý, khiến khắp đất trời ai ai cũng cảm mến, nể vì. Không còn là miêu tả khách quan nữa, cụ Nguyễn đã dành những lời đẹp nhất bộc lộ cảm xúc ngợi ca con người “khác vời” cả về nhan sắc và đức hạnh ấy: “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”! Chẳng phải tác giả thiên về tả ngoại hình Thúy Vân mà bỏ qua phẩm hạnh, mà phải thấy con người có nhan sắc khác thường và phẩm hạnh sang quý đến như vậy thì chẳng còn gì để bút mực phải nói thêm. Còn với Thúy Kiều thì khác. Vân đã đẹp, Kiều lại “càng” tuyệt mỹ: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn/ Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai…”. Nguyễn Du viết “lại là phần hơn” trong cái ngữ điệu thể hiện cái tâm thế vừa ngắm vẻ đẹp này lại được ngắm vẻ đẹp khác, bộc lộ cảm hứng ngợi ca/ tung hô sắc tài vượt ngưỡng của con người, chứ không phải có ý so sánh hơn - kém giữa hai nàng.


    Nhan sắc vượt ngưỡng, phẩm hạnh hơn người và đa tài thiên bẩm - tất cả đều “phát tiết ra ngoài”, những điều đó oái oăm thay lại gắn với kiếp “đoạn trường”, lại là cái cớ chuốc lấy những ghét ghen. Dự cảm về kiếp “đoạn trường” ấy đã được bộc lộ khi tác giả khắc họa tài sáng tạo âm nhạc của Kiều. Với nàng, nghệ thuật như là tiếng nói huyền bí của nội tâm: “Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”. Bắt đầu tả chân dung Kiều là “Kiều càng…”, khép lại dòng thơ khắc họa chân dung nàng thì “…lại càng não nhân”! Cho nên, có thể thấy, cùng với giọng điệu tụng ca/ tung hô sắc tài của nhân vật, chữ nghĩa Nguyễn Du còn có gì đó như muốn đay đả “số mệnh” trong khi nói đến cái “ghen” cái “hờn” của liễu, của hoa. Ngợi ca Thúy Vân, Nguyễn Du ngợi ca một người con gái có số phận coi như “êm đềm” giữa đời thường. Ngợi ca Thúy Kiều, Nguyễn Du ngợi ca sắc tài phẩm hạnh trong một thân phận bị nhấn chìm dưới đáy xã hội, thân phận gái điếm; Nguyễn Du đứng về phía nước mắt, đứng về phía cái đẹp, cái thiện bị cuộc đời đối xử bất công, bị chà đạp bầm dập. Cả hai người con gái sắc nước hương trời, phẩm hạnh hơn người sinh trưởng từ cuộc sống yên bình khuôn phép đều xứng đáng hưởng hạnh phúc. Nhưng rồi, “phận đàn bà” hóa ra “Lời rằng bạc mệnh…”! Nguyễn Du dành sự trân trọng, yêu thương cho cả hai nhân vật như nhau, trong mọi hoàn cảnh, “có đâu thiên vị người nào”…


    Trên đây là một số ý kiến bàn thêm những biểu hiện của cảm hứng nhân văn Nguyễn Du trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trên tinh thần đi tìm “những sắc thái biểu hiện tinh tế, độc đáo, cụ thể trong thái độ và cảm xúc thẩm mỹ của tác giả đối với con người và cuộc sống”. Có thể thấy sự trân trọng tài năng, phẩm chất con người của Nguyễn Du ở đoạn trích không chỉ dừng lại ở cảm thông, thấu hiểu mà còn ngợi ca, khẳng định, thậm chí còn thể hiện cảm xúc đau đớn và thái độ bất bình, bênh vực những giá trị thuộc về con người. Đặc biệt, bằng cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, tư tưởng nhân văn Nguyễn Du có những biểu hiện độc đáo, mới mẻ, vượt thời đại. Có lẽ, nhờ những sáng tạo như thế, Đoạn trường tân thanh mới là kiệt tác!

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
  10. Không phải đến Nguyễn Du, tinh thần nhân đạo mới được phổ vào văn chương nghệ thuật nhưng có thể khẳng định từ khi phôi thai nền văn học tiếng Việt, tinh thần nhân đạo được kết tinh đậm nét nhất ở tác giả này. Và Truyện Kiều là một trong những sáng tác tiêu biểu mang nặng giá trị nhân đạo hơn cả.


    Xét đến cùng, nhân đạo là tình cảm yêu thương giữa con người với con người. Lòng nhân đạo được biểu hiện trên nhiều khía cạnh mà trước hết đó là thái độ tố cáo, vạch trần tội ác của những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người; biểu dương, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người; thông cảm, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm cũng như những nguyện vọng của con người, giúp họ nói lên những ước nguyên đấu tranh để giành được ước nguyện ấy. Cả ba biểu hiện này đều có trong giá trị nhân đạo Truyện KiềuTrong Truyện Kiều, Nguyễn Du có hẳn một tuyến nhân vật lí tưởng mà ông yêu thích. Viết về những con người này, cảm hứng của thi nhân bao giờ cũng là cảm hứng ngợi ca. Nguyễn Du ca ngợi nhan sắc của Thúy Kiều, Thúy Vân, của Kim Trọng, Từ Hải… bằng những lời thơ đẹp vô cùng. Họ đẹp từ nhan sắc:


    Làn thu thủy, nét xuân sơn

    Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

    Và tài năng thì khó ai sánh kịp:

    Thông minh vốn sẵn tính trời,

    Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm


    Đó là cách Nguyễn Du ngợi ca phụ nữ. Đối với những trang nam tử như Kim Trọng, Từ Hải, nhà thơ cũng luôn lựa chọn những lời thơ đẹp nhất để miêu tả ngoại hình, tài năng của họ:


    Nền phú hậu, bậc tài danh

    Văn chương nết đất thông minh tính trời.

    Phong tư tài mạo tót vời,

    Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

    Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao

    Đường đường một đống anh hào

    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.


    Không chỉ khẳng định vẻ đẹp con người từ hình thức, Nguyễn Du còn rất đề cao phẩm chất, nhân cách của những nhân vật lí tưởng. Nhân vật trung tâm trong Truyện Kiều (Thúy Kiều) có một lòng hiếu nghĩa sâu nặng với cha mẹ và thủy chung son sắc với người yêu. Để đáp đền công ơn cha mẹ, khi gia đình gặp biến, cha bị bắt, Kiều đã quyết định bán mình chuộc cha với một suy nghĩ dứt khoát:


    Làm con trước phải đền ơn sinh thành

    Để rồi, khi phải dứt bỏ mối tình với chàng Kim, nàng vô cùng đau xót:

    Bây giờ trâm gãy gương tan,

    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!


    Tấm lòng trinh bạch đó qua mười lăm năm lưu lạc tuy bị vùi dập đau đớn nhưng vẫn luôn được nàng gìn giữ. Không dừng lại ở việc ngợi ca những vẻ đẹp thuộc về con người, Nguyễn Du còn luôn đứng về phía những con người nhỏ bé. Trên lập trường nhân bản, nhà thơ lên án, tố cáo tất cả những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người. Từ kẻ “vô danh tiểu tốt” như thằng bán tơ đến lũ vô loài như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, đến những kẻ “ăn trên ngồi chốc”, thuộc hàng phương diện quốc gia như Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến,… tất cả đều bị Nguyễn Du vạch trần bộ mặt xấu xa, tàn ác, đê tiện, bỉ ổi. Chúng tồn tại trong câu chuyện của thi nhân như những thế lực hắc ám, phản động, lúc nào cũng gieo rắc những hành động thiếu nhân tính xuống số phận những con người nhỏ bé, bất hạnh. Vì chúng mà gia đình Thúy Kiều đang yên ấm phải thất tán. Vì chúng mà người con gái xinh đẹp, tài hoa như Thúy Kiều bị vùi dập một cách không thương tiếc. Mười lăm năm lưu lạc chính là mười lăm năm Kiều phải nếm trải, chịu đừng mọi nỗi oan khuất kinh khủng nhất. Phát hiện vĩ đại nhất và cũng đau đớn nhất của Nguyễn Du về thân phận con người là phát hiện về thân phận con người trong xã hội phong kiến. Con người bị coi như một món hàng, có lúc bị mang ra mặc cả, cân đo:


    Cò kè bớt một, thêm hai,

    Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.

    Con người hai lần bị bán chác vào chốn nhơ bẩn nhất trần gian:

    Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

    Con người bị đòn roi vùi dập:

    Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.


    Con người bị đòn ghen oan khuất; Con người bị lợi dụng, bị biến thành kẻ phản bội… Chà đạp lên con người là cơ man nào những thế lực phi nhân tính. Chúng châu tuần, hợp sức để bóp nghẹt sự sống con người. Có lẽ trong lịch sử nỗi đau thương, chưa có người phụ nữ nào phải chịu nỗi đau dằng dặc, chồng chất, đáng sợ như Thúy Kiều của Nguyễn Du. Tố cáo các thế lực hủy hoại con người cũng có nghĩa Nguyễn Du đã thấu hiểu nỗi đau khổ mà con ngưười phải chịu đựng. Hơn một lần trong các sáng tác của mình, nhà thơ khóc:


    Đau đớn thay thân phận đàn bà!


    Và khi viết về Thúy Kiều - người đàn bà oan nghiệt nhất trong xã hội phong kiến, ngòi bút thi nhân luôn lặn sâu vào tâm trạng nhân vật, phát hiện ra những nỗi đau đớn và miêu tae một cách cảm động về chúng. Có thể coi Trao duyên là một trong những đoạn trích hay nhất, thể hiện sâu sắc lòng thương cảm của nhà thơ. Trao kỉ vật cho Thúy Vân mà Thúy Kiều như con nuối tiếc khôn nguôi và dường như muốn níu kéo:


    Duyên này thì giữ vật này của chung


    Hai chữ của chung mà tác giả lựa chọn đủ để thể hiện nét tâm trạng đó. Dường như giữa Thúy Kiều và Nguyễn Du có một sự đồng cảm kì lạ. Đó là lí do mọi nỗi đoạn trường của Thúy Kiều đều được Nguyễn Du thấu hiểu và diễn tả bằng một xúc cảm yêu thương đến lạ. Đến Từ Hải bước vào đời Kiều, Nguyễn Du không nhằm mục đích xây dựng cho nàng một tình yêu mới. Quan trọng hơn, ông muốn người anh hùng này sẽ giải thoát nàng khỏi kiếp đoạn trường, sẽ trả lại cho nàng lẽ công bằng mà nàng đã bị lũ người tráo trở, bạc ác, tinh ma cướp mất. Và hơn hết, từ các nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải, Nguyễn Du còn nói lên khát vọng của con người thời đại mình: khát vọng tình yêu và khát vọng công lí. Chưa khi nào trong văn học trung đại có người con gái dám xé rào đêm, xăm xăm băng lối đường khuya một mình sang nhà người yêu tự tình như Thúy Kiều. Chưa khi nào trong văn học trung đại có người anh hùng dám dang tay cứu mĩ nhân và giúp nàng lấy lại công bằng như Từ Hải.


    Ở thời đại Nguyễn Du, khát vọng của ông là khát vọng không tưởng. Nhưng rõ ràng, tư tưởng của nhà thơ cho thấy cái nhìn tiến bộ vượt tầm thời đại và thấm đượm tinh thần nhân bản. Nói Nguyễn Du có con mắt trông thấu sáu cõi và có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời là bởi vậy. Cùng với những giá trị nghệ thuật, giá trị nhân đạo là một trong những phương diện làm nên thành công của Truyện Kiều. Nhưng hơn hết, giá trị nhân đạo đó là bằng chứng về một tấm lòng, một nhân cách cao cả của thời đại, của dân tộc.

    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa
    Hình minh họa




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy