Top 4 Bài văn thuyết minh về chùa Trấn Quốc hay nhất

Hà Ngô 312 0 Báo lỗi

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ mang đậm dấu ấn về giá trị tinh thần văn hóa mà nó còn là một không gian du ... xem thêm...

  1. Nhắc đến Chùa Trấn Quốc là nhắc đến một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ mang đậm dấu ấn về giá trị tinh thần văn hóa mà nó còn là một không gian du lịch thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.


    Về lịch sử ngôi chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế những năm 541 – 547 và đặt tên là Khai Quốc, được xây dựng tại thôn Yên Hoa trên bãi cạnh sông Hồng. Sau đó đến thời Lê Thái Tông (1440 – 1442) được gọi là chùa An Quốc. Bắt đầu từ thời Lê Hy Tông (1680 – 1705) chùa có tên gọi chính thức là Trấn Quốc.


    Vào khoảng những năm 1619 đến 1643 dưới thời vua Lê Thần Tông người dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngư chắn ngang Hồ tây và đắp luôn một con đường Cổ Ngư đi vào chùa. Chùa được tu sửa vào những năm 1624 – 1628 dựng thêm hậu đường, quy mô mở rộng, và chạm trổ hoa văn khéo léo tinh xảo.

    Nói về cảnh quan xung quanh chùa thì có thể hình dung là vô cùng an tĩnh và thi vị. Ngôi chùa Trấn Quốc được coi là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất Hà Nội. Xưa kia là nơi các Vua chúa ngự đến vãng cảnh và cúng lễ vào dịp tết và lễ. Đến thời Lý Trần rất nhiều các cung điện được xây dựng tại đây như Thúy Hoa, Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi thư giãn của nhà Vua.

    Giống như các ngôi chùa khác ở Việt Nam kết cấu của ngôi chùa cũng tuân thủ tính khắt khe của Phật Giáo. Chùa gồm nhiều lớp với 3 ngôi chính là Tiền Đường, thiêu hương và thượng điện.

    Nói về tiền đường nằm ở hướng Tây. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai bên hành lang. Sau thượng điện là gác Chuông. Gác chuông là một ngôi ba gian, mái chồng diêm. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Hiện tại trong chùa có khoảng mười bốn tấm bia ghi lại lịch sử tu sửa chùa.

    Khuôn viên Chùa có một Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng vào những năm 1998, gồm có 11 tầng cao đến 15m. Mỗi tầng tháp có sáu ô cửa hình vòm, trong mỗi một ô đặt thêm một tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen gồm chín tầng bằng đá quý còn có tên gọi khác là Cửu phẩm liên hoa. Bảo tháp này đối xứng với cây Bồ đề lớn do tổng thống Ấn Độ tặng khi đến thăm Chùa vào năm 1959.

    Đến với không gian chùa bạn không chỉ được cầu kinh, niệm Phật mà còn được đắm chìm trong một không gian nghệ thuật đặc sắc. Hài hòa mang hồn cốt tinh hoa của cả một dân tộc, giá trị lịch sử văn hóa văn hiến của Việt Nam.

    Ngày nay, Chùa Trấn Quốc vẫn thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1989. Không chỉ có giá trị tâm linh mà nơi đây còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn để đầu năm du khách khắp nơi hành hương vãng cảnh.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và có lịch sử lâu đời nhất Hà Nội. Chùa nằm trên một hòn đảo phía Nam Hồ Tây, với kiến trúc đẹp hết sức hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh hồ Tây, chùa không chỉ có giá trị trên nhiều mặt như kiến trúc, lịch sử, văn hóa mà còn là một địa điểm thu hút đông đảo Phật tử và khách tham quan du lịch trong và ngoài nước bậc nhất của Hà Nội.


    Chùa được xây dựng đầu tiên vào thời vua Lý Nam Đế (544-548) cạnh bờ tả bãi sông Hồng, lúc đó có tên là chùa Khai Quốc. Đến triều Lê Thế Tông thế kỷ 15 đổi lại tên là An Quốc. Năm 1615 do sông Hồng bị sạt lở để tránh nguy cơ bị sụp đổ nhân dân địa phương đã dời toàn bộ ngôi chùa về đảo Kim Ngư đó chính là địa điểm như ngày hôm nay, đến thế kỷ 17 đời vua Lê Hy Tông chùa đổi tên thành Trấn Quốc.


    Chùa đã được sửa chữa và mở rộng trong các năm 1624, 1628 và 1639. Đầu đời Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc đã có từ trước.

    Kết cấu và nội thất chùa được bố trí theo một nguyên tắc hết sức chặt chẽ, có nhiều dãy nhà với 3 ngôi nhà chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương, và Thượng điện nối thành hình chữ Công, bên trong Chính điện có nhiều tượng Phật lớn, nhỏ được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Tiếp sau là gác chuông, bên phải có nhà thờ Tổ, bên trái là nhà Bia, hiện còn lưu giữ 14 tấm bia, phía sau vườn chùa có một số mộ tháp có niên đại vào thế kỷ 18.

    Trong khuôn viên chùa còn có Bảo tháp lục độ xây 1998, gồm 11 tầng cao 15m. Mỗi tầng có những vòm cửa trong có đặt tượng Phật A Di Đà bằng đá quý, đỉnh tháp có đài sen 9 tầng cũng làm bằng đá quý. Đối diện có cây Bồ đề do tổng thống Ấn Độ tặng chùa khi đến thăm Hà Nội năm 1959. Và chùa cũng vinh dự khi đón tổng thống Ấn Độ Patil (năm 2008) đến thắp hương, tham quan và tổng thống LB Nga Medvedev (năm 2910) đến thăm nhân chuyến công du đến Việt Nam.

    Giữa mây nước hồ Tây chùa Trấn Quốc hiện lên như một viên ngọc quý. Giữa những dòng chảy xô bồ của cuộc sống mỗi du khách khi bước chân vào chùa Trấn Quốc là tìm lại với thiên nhiên, tìm lại những giây phút tĩnh lặng của chốn thiền môn, là tìm lại những giá trị của lịch sử văn hóa mà cha ông đã ngàn năm xây dựng tôn tạo. Quả không sai nếu có người cho đây là danh thắng bậc nhất kinh kỳ.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây, là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh thành Thăng Long đời nhà Lê, nay thuộc quận Ba Đình (Hà Nội).


    Đánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan của ngôi chùa, trước kia, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong Toàn xứ Đông Dương.


    Tháng 4/1962, chùa Trấn Quốc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


    Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời tiền nhà Lý Nam Đế (năm 541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi “Khai Quốc” (nghĩa là mở nước).


    Dưới triều vua Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã nhiều lần đến chùa cùng các vị cao tăng đàm đạo. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434-1442), nhà vua đổi tên chùa là chùa An Quốc.


    Hàng năm, nước sông Hồng lên to xói mòn làm lở bãi sông. Cho nên, năm 1615 đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngưu (cá vàng).

    Đến đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1681-1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian đại bái hiện nay được làm từ thời đó.


    Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị đến thăm chùa, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc. Nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời Vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.


    Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng bậc nhất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt, vào đời Lý và đời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.


    Trải qua rất nhiều đợt trùng tu, diện mạo của chùa có nhiều thay đổi. Song quy mô và kiến trúc còn giữ được đến nay là kết quả của đợt trùng tu năm 1815 với một diện tích khá rộng khoảng hơn 3.000m 2, gồm một vườn tháp phía mặt tiền, nhà tổ, nhà khách, hai dãy hành lang tả hữu và thượng điện.


    Ngôi chùa cổ kính này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở thượng điện. Đây là những pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng. Đáng nói nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.


    Trong khuôn viên của chùa có cây bồ đề 50 năm tuổi do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống tại Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc đó, chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước./.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Chùa Trấn Quốc Hà Nội là một ngôi chùa cổ lâu đời ở mảnh đất kinh thành Thăng Long, với hơn 1.500 năm tuổi. Nơi đây được xem là một trong những chốn linh thiêng gắn liền với lịch sử dân tộc với vẻ đẹp cổ kính. Hãy cùng Wecheckin tìm hiểu về ngôi chùa ngàn năm tuổi được lọt vào danh sách 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới nhé!


    Nằm ở gần một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội, các bạn có thể kết hợp dạo chơi ở Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, đền Quán Thánh. Ngôi chùa đã có hơn 1500 năm tuổi, sở hữu một bề dày lịch sử cùng với nền kiến trúc Phật giáo vô cùng độc đáo. Vì thế, chùa Trấn Quốc là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Nội.

    Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (541 – 547), có tên là Khai Quốc tại thôn Y Hoa, gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam – nhà nước Vạn Xuân. Đến đời vua Lê Thái Tông (năm 1434 – 1442), chùa đổi tên là chùa An Quốc.

    Vào đời Lê Kính Tông (1615), chùa được di dời chùa vào gò đất Kim Ngưu. Tên gọi Trấn Quốc có từ thời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) và được sử dụng cho đến tận bây giờ. Ngôi chùa đã trải qua 6 lần trùng tu, từ năm 1624 đến năm 1842.

    Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng Hồ Tây, khuôn viên chùa được nối tiếp với bờ đất liền bằng một chiếc cầu đá. Xưa kia, chùa Trấn Quốc Hà Nội được xem là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các hoạt động ngự giá cúng lễ vào dịp lễ, Tết được các đời vua Lý, Trần tổ chức ở đây. Các cung điện như Điện Hàm Nguyên, Cung Thúy Hoa được xây dựng nên để phục vụ cho việc vui chơi, nghỉ ngơi của vua. Là một trong những công trình tôn giáo có tuổi đời cao nhất trong khu vực thành phố. Ngôi chùa có tổng diện tích lên đến 3.000m2 được chia làm 3 phần là Vườn tháp, Nhà tổ và Thượng điện.

    Dù đã trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Trấn Quốc Hà Nội vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo. Từ phía đất liền qua chiếc cầu đá ta sẽ bắt gặp Cổng Tam Quan ở cuối nhịp cầu. Cổng có 3 lối đi, lối đi lớn ở chính giữa và 2 lối đi nhỏ phụ đặt ở 2 bên. Phía trên cổng là 3 mái ngói đỏ uốn cong, chính giữa cổng là một tấm biển đề tên và 2 câu đối cổ ở 2 bên cột.

    Sau cổng tam quan chùa là khuôn viên với những lối đi nhỏ. Trong sân có đình với thiết kế độc đáo tầng mái ngói. Bên trong đặt một bia đá lớn khắc tên tuổi những vị danh sĩ đỗ đạt và được chọn làm quan thời xưa. Có hòn non bộ, bên phải hòn non bộ là khu vực chứa các tháp chùa được xây dựng từ thế kỷ 18.

    Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là Bảo tháp lục độ đài sen 11 tầng, cao 15m được xây dựng vào năm 1998. Mỗi tầng tháp đều có 6 ô cửa, trong mỗi ô đều đặt 1 tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Trên đỉnh tháp là Cửu Phẩm Liên Hoa (có nghĩa là đài sen 9 tầng) bằng đá quý.

    Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Uỷ viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.

    Bên trong chùa có những khu vực thờ tự tách biệt khi đi qua 3 lối cửa gỗ chính. Ở giữa là cửa gỗ lớn 6 nhịp cánh và 2 cửa nhỏ 4 nhịp cánh ở 2 bên. Mỗi gian nhà tổ đều có các khu ban thờ nhiều tầng với các khu tách biệt, mỗi khu ban thờ dành cho những vị Phật, thần và cao tăng nổi tiếng.

    Chùa Trấn Quốc Hà Nội là một trong những niềm tự hào của người dân Hà Nội. Nếu các bạn có dịp ghé đến Hà Nội, thì hãy nhớ đến Chùa Trấn Quốc đầy cổ kính nằm bên Hồ Tây thơ mộng.
    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy