Top 10 Câu chuyện hay về lòng trung thực đáng tự hào nhất

Hoài Anh 79470 0 Báo lỗi

Lòng trung thực là đức tính đáng tự hào của con người. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào 1 con người trung thực, thật thà không tham lam, giả dối chắc chắn sẽ luôn ... xem thêm...

  1. Câu chuyện:

    "Bác Hồ đã từng dạy các cháu nhi đồng “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Cậu bé đánh giày bên hè phố kia quả thực là cháu ngoan của Bác. Bởi cậu đã rất thật thà.Hôm nay, cậu lại xách đồ nghề của mình đi làm. Cậu bé chừng sáu, bảy tuổi, chắc sống ngay khu này. Trời lạnh, nhưng cậu chỉ mặc một chiếc áo len đã sờn màu, mỏng dính. Đôi chân đi đôi dép lê màu đen, ố vàng những vết đất. Chắc cơn mưa phùn tối qua làm đường trơn, bẩn nên đôi chân cậu cũng vấy bẩn theo. Cậu bước vào sảnh của 1 quán cà phê. Lần lượt tới từng bàn và hỏi những vị khách ngồi đó có đánh giày không. Một vài vị khách lắc đầu. Bước tới bàn ở góc, cậu bé bị vị khách quát lớn “Đi ra chỗ khác cho người ta làm việc”.


    Cậu cúi mặt bỏ đi. Rồi ngay sau đó, vị khách lại gọi cậu bé lại. Cởi đôi giày đen của mình cho cậu bé lau lau, chùi chùi.Khi vị khách đi ra bãi đỗ xe, cậu bé kia chạy nhanh theo và hình như gọi gì đó. Nhưng vị khách đã lên xe và phóng đi. Tới ngã tư đèn đỏ, vị khách đỗ xe dừng đèn ngay bên vệ đường. Nhìn qua gương, anh thấy cậu bé đang chạy đuổi theo. Anh liền tấp xe lên vỉa hè. Cậu bé chạy nhanh tới, thở hổn hển và nói:

    - Chú ơi! Chú trả tiền nhầm ạ.Vị khách ngạc nhiên nhìn cậu.

    - Chú đánh giày hết hai mươi ngàn đồng, chú đưa nhầm cháu thành năm trăm ngàn đồng rồi ạ.

    - Vừa nói, cậu bé vừa xòe tờ tiền ra đưa lại cho vị khách.

    - Vị khách mỉm cười, nhìn xung quanh và nói: “Cháu có thích ăn bánh không?” Cậu nhìn vị khách với đôi mắt ngơ ngác khó hiểu.

    - Vị khách tiếp lời: “Chú sẽ tặng cháu một chiếc bánh thật ngon”. Cậu bé cầm chiếc bánh mừng rỡ. Có lẽ, đó là khuôn mặt hạnh phúc của một cậu bé nghèo khổ nhưng thật thà. Cậu lại tiếp tục đi quanh phố để chăm chỉ làm công việc của mình.


    Bài học cuộc sống:

    Dù là ở trong bất kì hoàn cảnh nào, bạn cũng phải nhớ thiếu thốn vật chất chẳng là gì so với khiếm khuyết tâm hồn. Dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu hãy luôn giữ lấy đạo đức của mình thì bạn luôn xứng đáng được tôn trọng. Chỉ cần bạn trung thực với chính mình, trung thực với mọi người thì chắc chắn đó là điều đáng tự hào.

    Câu chuyện về cậu bé đánh giày
    Câu chuyện về cậu bé đánh giày
    Câu chuyện về cậu bé đánh giày

  2. Câu chuyện:

    "5 giờ chiều, sau tiếng chuông tan sở vang lên, mọi người hối hả ra về. Tối nay, tôi chưa có kế hoạch gì nên cứ thủng thẳng mà đi, chẳng vội gì. Tôi rất thích thả bộ một chút, ngắm phố phường tấp nập người xuôi ngược. Nắng đã nhạt, gió vờn nhẹ trên lá cây, chỉ có con đường bận rộn. Tôi đang mơ màng thì chợt có một tiếng chào hàng cất lên sát bên “Chú ơi, chú mua giùm con đi chú”.


    Trông sang, một bé gái chừng 10 – 12 tuổi, đầu đội một cái rá bên trong có 2 củ khoai luộc, mặt mũi lem nhem mồ hôi, giọng thảng thốt “Chú mua giùm con với, không về dượng con đánh chết”.

    Tôi nhìn đứa bé, mắt nó đỏ hoe, tội nghiệp thật. “Bao nhiêu cháu?” – Tôi hỏi nhỏ.

    “Năm ngàn chú ạ, chú mua giùm con nha chú” – cả giọng nói, cả ánh mắt của nó như lóe lên niềm hy vọng. Tôi cầm 2 củ khoai rồi đưa cho nó tờ 50 ngàn đồng và bảo “Chú cho con này, mau về đi”.

    Con bé buồn bã nói “Con không có tiền thối và cũng không dám nhận tiền của chú vì về nhà dượng con kiểm tra thấy thừa tiền ra lại cho là những ngày trước con đã giấu tiền đi sẽ đánh con đau lắm”.

    “Thì con cất riêng 45 ngàn đi” – tôi bày vẽ cho nó.

    “Không được đâu chú ạ, tính con trung thực, có thế nào nói thế đó, còn dượng con thì không tin đâu” – con bé mở tròn đôi mắt nhìn tôi.

    Đến lượt tôi bối rối, nước mắt chực trào ra, đưa cho nó 5 ngàn đồng rồi bước đi. Tôi cầu mong và tin rằng “Đứa bé này rồi sẽ có một cuộc đời hạnh phúc bởi lòng trung thực của nó”.


    Bài học cuộc sống:

    Chỉ là 1 cô bé bán khoai nhưng tấm lòng trung thực, thật thà luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức đáng tự hào của mình. Thì đến cuối cùng, “Đứa bé này rồi sẽ có một cuộc đời hạnh phúc bởi lòng trung thực của nó” như cách mà người đàn ông tốt bụng trong câu chuyện đã nói.

    Em bé bán khoai
    Em bé bán khoai
    Em bé bán khoai - Ảnh minh họa
  3. Câu chuyện:

    "Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.


    Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.


    Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

    - Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

    Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

    - Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!


    Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

    - Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên. Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

    – Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không? Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

    – Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.


    Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

    - Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

    Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

    - Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ.

    Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

    -Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không! Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

    - Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày. Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

    - Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận. Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ".


    Bài học cuộc sống:

    Người thật thà, ngay thẳng "thường thua thiệt" chỉ là suy nghĩ của những kẻ ích kỉ, nhỏ nhen mà thôi. Vì suy cho cùng, tuy cuộc sống có đẩy bạn vào hoàn cảnh khắc nghiệt ngày hôm nay, thậm chí ngày mai thì đến lúc thích hợp chắc chắn rằng bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Dù ông trời lấy đi thứ gì của bạn cũng không thể nào lấy đi lòng trung thực đáng tự hào của bạn nếu như bạn quyết tâm giữ lấy nó.

    Truyện Ba lưỡi rìu
    Truyện Ba lưỡi rìu
    Truyện Ba lưỡi rìu
  4. Câu chuyện:

    "Một ông vua nọ, đã cao tuổi nhưng lại không có con để nhường ngôi, vua muốn tìm một người đủ tài đức để trao lại ngôi vua. Vua quyết định giao cho dân mỗi người một đấu thóc và ra lệnh: “Ai nộp được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi báu; ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt!”.


    Đến vụ mùa, mọi người thi nhau chở thóc lúa về kinh thành, chỉ có một cậu bé đến tay không. Cậu bé kính cẩn quỳ xuống trước mặt vua và tâu xin nhận tội vì thóc mà vua ban cậu gieo không thành.


    Mọi người chỉ trỏ bàn tán, chỉ có vua là cười và nói: “Thóc phát ra đã bị luộc cả rồi, làm sao mà gieo thành mạ được. Những gánh thóc, xe thóc kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!…”.


    Cậu bé đã được nhường lại ngôi vua nhờ lòng trung thực và sự gan dạ của mình".


    Bài học cuộc sống:

    Điều đáng tự hào của 1 người chính là giữ được lòng trung thực, thật thà và đặc biệt là dám nói lên tiếng nói thực sự của mình, không ngại khó khăn, không ngại thị phi, không ngại nguy hiểm, phải gan dạ mà thật thà thừa nhận kể cả những lỗi lầm của mình. Bởi lẽ, dù sao đi nữa đến cuối cùng sự trung thực, lòng dũng cảm vẫn luôn chiến thắng.

    Những hạt thóc giống
    Những hạt thóc giống
    Những hạt thóc giống
  5. Câu chuyện:

    "Như bao buổi tối khác, hôm đó khi đã học xong bài, em nằm trong vòng tay mẹ để nghe mẹ kể chuyện. Mỗi ngày mẹ đều kể chuyện cho em nghe trước khi đi ngủ. Hôm ấy, mẹ không kể chuyện cổ tích, ngụ ngôn hay truyện cười. Mẹ kể chuyện của mẹ - một người trung thực.Năm em học lớp 2, để có tiền nuôi em và các chị đi học, ngoài việc đồng áng mẹ còn tranh thủ đi mua sắt vụn nữa.


    Những buổi trưa, khi chuẩn bị cho 3 chị em bữa ăn sau giờ học, dặn dò từng đứa công việc buổi chiều, mẹ lại đạp xe đi đến từng nhà để mua giấy, nhựa, sắt... tất cả những gì có thể bán được không kể nắng mưa. Mẹ kể: Có những hôm may mắn, vào gia đình người ta vừa có tiệc, mẹ mua được rất nhiều thứ, mẹ vui lắm vì lại có được thêm tiền cho các con mua thêm sách, vở. Nhưng cũng có những hôm, mẹ đến khi người ta ngủ trưa, có người tỏ ra cáu gắt, mẹ luôn bình tĩnh, nói lời xin lỗi và đi ra. Từ khi có nghề tay trái, mặc dù là buôn bán nhưng mẹ chưa để ai mất lòng.


    Mẹ nhắc lại lần mẹ nhớ nhất: Hôm đó, trời cũng nắng chang chang, mẹ đang đi, có tiếng gọi: Sắt vụn, vào đây nhặt ít đồ, mẹ quay xe và vào nhặt những vỏ lon, sách cũ. Người phụ nữ bán đồ cho mẹ đã đi vào nhà, để cho mẹ tự phân loại rồi cân. Đang miệt mài phân loại giấy viết, giấy in, báo thì mẹ phát hiện một chiếc phong bì đã mở, bên ngoài có dòng chữ: Gửi con gái. Mẹ thấy bên trong vẫn có thư và hai tờ 200 nghìn. Mẹ đã biết đó là thư bố gửi cho con gái khi ông đi làm xa cùng với tiền chắc là cũng cho con mua sách vở hoặc nộp tiền học như trách nhiệm của mẹ với các con mình. Mặc dù số tiền đó bằng cả tháng mẹ đi gom sắt vụn nhưng mẹ hiểu tấm lòng của những người cha cũng đoán rằng người con vẫn dành dụm nên mẹ gọi người phụ nữ ra và trao lại cho bà.


    Người phụ nữ ra nhận trong sự vui mừng và ngạc nhiên: Con gái tôi học Đại học, mỗi lần viết thư về, bố nó vẫn cho tiền để đóng học. Chắc nó để dành, lần sau về lấy, cảm ơn chị quá! Chị thật tốt bụng, cảm ơn chị rất nhiều. Mẹ em cũng vui vẻ nói chuyện, kể về chúng tôi rồi trả tiền cho bà mặc dù bà không lấy coi như lời cảm ơn. Trước khi mẹ đi tiếp chặng đường, người phụ nữ ấy vẫn nói với theo: Cảm ơn chị, lần sau chị lại đến nhé, có gì bán được tôi sẽ để phần chị.Mẹ kể lại câu chuyện về nghề sắt vụn của mình trong niềm vui, mẹ không nói với em bài học nhưng em biết mẹ muốn khuyên rằng: Sống phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch, sự trung thực, không tham lam, dối trá. Em cũng đã ghi lại câu chuyện ấy vào sổ nhật lý của mình. Em rất ngưỡng mộ mẹ em".


    Bài học cuộc sống:

    Đây không chỉ là câu chuyện về lòng trung thực mà còn là câu chuyện về sự trong sạch, giấy rách phải giữ lấy lề, làm người phải ngay thẳng, thật thà không tham lam vật chất mà khiến bản thân mình trở thành người xấu. Một người dù không giàu có nhưng trung thực, không tham lam luôn được tất cả mọi người tôn trọng.

    Câu chuyện Trung Thực mẹ kể
    Câu chuyện Trung Thực mẹ kể
    Câu chuyện Trung Thực mẹ kể
    Câu chuyện Trung Thực mẹ kể
  6. Câu chuyện:

    "Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt là nhặt được của rơi, trả lại cho người đánh mất.Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chầm chậm, vừa đưa mắt tìm kiếm chủ nhân của nó.


    Một lúc lâu sau, vẫn không thấy ai. Em đoán người đánh rơi chiếc túi đã đi xa hoặc không biết là mình đánh rơi. Mà nếu biết, chắc giờ này họ đang loay hoay tìm trên những đoạn đường đã qua. Người ấy là ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi ấy đựng những gì? Thế nào lại chẳng có tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc? Bao câu hỏi cứ dồn dập hiện lên trong óc em. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Những người chạy xe máy hay xe đạp trên đường không một ai chú ý tới em đang ngơ ngác với chiếc cặp trên vai và chiếc túi lạ trên tay.


    Em nghĩ ngợi, phân vân mãi: Trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua áo quần mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn.


    Bỗng dưng, tiếng thầy Hiệu trưởng trong buổi lễ phát động như văng vẳng đâu đây: "Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi...". Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi! Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.


    Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:

    - Có chuyện chi đó cháu?

    - Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!

    Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:

    - Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản nhé! Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai triệu tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em ghi tên và địa chỉ xuống phía dưới.


    Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách Đội tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ.

    Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cảm ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở hoặc đồ chơi nhưng em nhẹ nhàng từ chối.

    Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui".


    Bài học cuộc sống:

    Một cô bé biết lắng nghe và ghi nhớ điều người lớn dạy, điều tốt đẹp được học ở trường và thực hiện nó quả là hành động đáng trân trọng. Một cô bé được khen thưởng vì hành động thật thà của mình sẽ luôn luôn nhớ và làm điều đó ngay khi có thể. Và chắc chắn rằng cô bé đó rất đáng tự hào.

    Câu chuyện trung thực nơi học đường
    Câu chuyện trung thực nơi học đường
    Và những câu chuyện trung thực nơi học đường khác
  7. Câu chuyện:

    "Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, bạn Hoa của lớp 3B đã được tuyên dương trước toàn trường bởi đức tính trung thực của mình thể hiện qua hành động "nhặt được của rơi, trả người đánh mất" của bạn.


    Theo như lời của thầy hiệu trưởng kể lại thì ngày thứ Năm của tuần trước, lớp 3B tan học sớm hơn các lớp khác. Và trên đường đi học về, bạn Hoa đã nhặt được một chiếc hộp mà thường được dùng để đựng đồ ở các tiệm vàng bạc, ban đầu bạn chỉ có ý định nhặt chiếc hộp để làm đồ chơi nhưng khi nhặt lên bạn phát hiện ra trong đó có một chiếc dây chuyền.

    Vì lúc đó đã khá trưa nên bạn mang chiếc hộp đó về nhà và đến buổi chiều bố Hoa đèo Hoa ra cơ quan công an huyện để nhờ các chú công an tìm giúp người đánh mất. Các chú đều khen Hoa thật thà và trung thực, tin tức nhanh chóng được thông báo và chỉ một ngày sau người đánh rơi chiếc hộp đó đã tìm đến cơ quan công an để nhận lại đồ của mình.


    Người đánh rơi là một bác đã khá nhiều tuổi, chiếc dây chuyền là món quà mà bác mua để dành tặng cho cô con gái sắp cưới của bác nhưng bác không cẩn thận nên đã để rơi, tìm lại được chiếc dây chuyền bác rất vui và xin các chú công an số điện thoại và địa chỉ của gia đình bạn Hoa để cảm ơn, bác tìm đến nhà và gửi Hoa một ít tiền để cảm ơn bạn nhưng bạn không nhận không phải vì số tiền mà bác đưa ít mà bạn nói đây là việc cần phải làm của mỗi người.


    Và cuối cùng bác đã tìm đến tận trường của Hoa học thông báo cho thầy cô để khen thưởng Hoa về việc làm của mình. Trong buổi chào cờ, Hoa đã được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen vì đức tính thật thà, trung thực của bạn ấy, thầy còn nhấn mạnh đây chính là một tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo. Việc làm của bạn thực sự là một việc làm rất ý nghĩa, thể hiện đức tính trung thực của cá nhân Hoa nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng ta nên học tập sự thật thà đó để trở thành một học sinh tiêu biểu làm đúng theo điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng "khiêm tốn, thật thà, dũng cảm".


    Bài học cuộc sống:

    Hoa chỉ là 1 cái tên "vô danh" trong câu chuyện này của lòng trung thực. Thực ra mỗi người đều có thể trở thành 1 bạn Hoa như thế với 1 hành động đẹp luôn trung thực, thật thà. Đây là lời khen, lời cổ vũ cho những người có tấm lòng đẹp đẽ giống như Hoa.

    Câu chuyện Lòng trung thực của các bạn trẻ
    Câu chuyện Lòng trung thực của các bạn trẻ
    Câu chuyện Lòng trung thực của các bạn trẻ
    Câu chuyện Lòng trung thực của các bạn trẻ
  8. Câu chuyện:

    "Ngày nọ, ông lão ăn xin gõ cửa một lâu đài tráng lệ. Ông nói với người quản gia: "Vì tình yêu của Chúa, xin hãy bố thí cho kẻ nghèo này". Người quản gia trả lời: "Tôi phải hỏi ý kiến bà chủ đã". Bà chủ là một quý bà hà tiện, bà nói: "Hãy cho ông lão tội nghiệp một ổ bánh mì. Một thôi nhé. Đưa bánh ngày hôm qua ấy".


    Ông lão trở về gốc cây nơi trú ngụ cả ngày lẫn đêm, ngồi xuống lôi ổ bánh vừa xin được ra ăn. Đột nhiên, răng ông cắn phải vật gì đó rất cứng. Ông lão hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra chiếc nhẫn vàng nạm kim cương mặt ngọc trai.

    "Mình thật may mắn!", ông lão nghĩ thầm. "Mình bán chiếc nhẫn này đi và sẽ có đủ tiền trong một thời gian dài".


    Thế nhưng, lòng trung thực của ông lão ngay lập tức ngăn ý định đó lại: "Không, ta sẽ tìm chủ nhân của chiếc nhẫn và trả lại cho họ". Bên trong chiếc nhẫn có khắc hai chữ "J. X". Ông lão liền đi thẳng đến cửa hàng và tìm hỏi cuốn niên giám điện thoại. Cả thị trấn chỉ có mỗi một gia đình có tên bắt đầu bằng chữ "X": gia đình Xofaina.


    Quyết tâm sống trung thực, ông lão vội đi tìm nhà Xofaina. Và rất bất ngờ vì đó chính là gia đình đã cho ông ổ bánh. Ông nói với người quản gia: "Tôi tìm thấy chiếc nhẫn vàng trong ổ bánh ngài mới cho tôi". Bà chủ vui mừng khôn xiết: "May quá, tìm được chiếc nhẫn bị mất tuần trước rồi. Ta đã làm rơi nó khi coi thợ nhào bột làm bánh. Chữ 'J.X' là tên viết tắt tên của ta, Josermina Xofaina".


    Sau một hồi suy nghĩ, bà chủ nhà nói: "Hãy cho ông lão tội nghiệp đó bất kỳ cái gì ông ấy muốn, miễn là đừng đắt quá". Ông quản gia quay qua hỏi ông lão: "Vì hành vi cao thượng, ông muốn nhận được phần thưởng gì?". Ông lão ăn xin nói: "Cho tôi một ổ bánh mì! Thế là đủ cho tôi rồi". Thấy ông không có lòng tham, bà chủ bỗng nảy ra sáng kiến giữ ông lại để trông nom kho trong nhà. Từ đó bà hoàn toàn an tâm không bao giờ còn sợ mất trộm. Còn ông lão thì có việc làm đến suốt đời".


    Bài học cuộc sống:

    Một gã ăn mày có tấm lòng đáng kính, dù nghèo đéo cũng không làm con người ta trở nên xấu xa. Mà thực chất trong môi trường khăc nghiệt ấy chỉ càng khiến cho lòng trung thực của con người tỏa sáng và được đền đáp xứng đáng.

    Lòng trung thực của một gã ăn mày đáng kính
    Lòng trung thực của một gã ăn mày đáng kính
    Lòng trung thực của một gã ăn mày đáng kính
  9. Câu chuyện:

    Vào một ngày đẹp trời, hai bố con nhà nọ dẫn nhau vào hồ để câu cá. Khung giờ cho phép câu cá từ 9h sáng đến 4h chiều. Trong 30 phút đầu, người con vẫn chưa câu được con cá nào, chán nản nói:

    - "Đã 30 phút trôi qua sao vẫn chưa có con cá nào nhỉ?"

    - "Đừng sốt ruột, câu cá là phải kiên nhẫn con à.", người bố trả lời.


    2 tiếng trôi qua, sắp hết giờ cho phép vẫn chưa câu được cá. Đến phút cuối cùng, cần câu của người con rung lên, người bố liền qua phụ người con để kéo cá lên. Một con cá to đã được vớt lên, người bố hỏi:

    - "Con trai, mấy giờ rồi con?"

    - "4h10 rồi ba à", người con đáp.

    - "Con trai, con nhìn xem, giờ đã là 4h10 rồi, nhưng giờ cho phép câu cá chỉ đến 4h, chúng ta phải thả con cá này xuống lại hồ thôi.

    - "Nhưng mà lúc mình câu được con cá này vẫn chưa tới 4h mà ba, thế nên con cá này vẫn thuộc về mình chứ ạ", người con buồn bã đáp.

    - "Quy định ngang 4h chúng ta không thể vi phạm quy định được."

    - "Nhưng mà có ai nhìn thấy mình câu cá trễ giờ đâu ba."

    - "Con đừng quên rằng mình đang làm gì đều có một vị thần đang nhìn, họ biết hết chúng ta đã làm những gì."


    Nói dứt lời người cha thả con cá về hồ và dắt nhau ra về.


    Bài học: "Có thì nói có, không thì nói không, nói sai khác đi là lời nói xuất ra từ người không chân chính".

    Người có lòng trung thực là người chân chính
    Người có lòng trung thực là người chân chính
    Bài học về lòng trung thực
  10. Câu chuyện:

    Trong bài thi giữa kỳ đầu tiên, cô giáo đã giao cho học sinh về nhà viết bài tả một khu vườn và mang đến lớp nộp. Tối hôm trước khi nộp bài, Hương Thảo loay hoay viết mãi không xong, ngồi than thở: "Sao khó thế nhỉ, chỉ tại nhà mình không có vườn, đây là bài thi giữa kỳ phải làm sao đây. Ước gì chị hai đang ở nhà, chị ấy học chuyên văn chắc hẳn sẽ giúp mình."


    Bỗng Hương Thảo có ý nghĩ lóe lên rằng lúc trước chị hai của Hương Thảo cũng học trường Hương Thảo, thầy cô có lẽ cũng có giao cho chị ấy bài văn tả khu vườn thì sao. Đúng thế thật, Hương Thảo đã tìm ra được bài văn của chị hai và mang trở lại bàn học.


    Hương Thảo cứ suy nghĩ mãi liệu mình làm như thế này có gian lận không nhỉ, nhưng nếu không chép thì ngày mai Hương Thảo không có bài để nộp cho cô. Rồi cô giáo có biết Hương Thảo chép bài của chị không vì bài viết này cũng được viết cách đây 7 năm rồi, cô giáo cũng mới chuyển tới trường mình, chắc hẳn không phát hiện đâu. Lan suy nghĩ một hồi, quyết định viết vào và mang nộp cô giáo, hứa rằng mình sẽ gian lận lần này thôi.


    Đến khi cô giáo chấm bài của Hương Thảo, vừa hay có một thầy giáo đi vào và đọc bài viết ấy, trùng hợp thay thầy ấy chính là thầy giáo dạy chị gái của Hương Thảo năm xưa, vừa đọc đã nhận ra ngay. Nhưng cô giáo đã bỏ qua và khen Hương Thảo viết bài rất hay và cảm xúc. Cô giáo nói tiếp:

    - "Thầy Hùng lớp bên cạnh có tâm sự với cô rằng một học trò lớp thầy có hành vi gian lận trong bài kiểm tra Toán, thầy đã phát hiện và phê bình, tuy bạn hứa sẽ không tái phạm nữa nhưng thầy cũng rất buồn. Cô hi vọng lớp chúng ta không có ai vi phạm hành vi gian lận này các em nhé."


    Hương Thảo đã hối hận rất nhiều và đến trước mặt cô giáo để nhận lỗi: "Em xin lỗi cô, em sai rồi, em đã thực hiện hành vi gian lận để viết bài văn này, em sẽ không bao giờ tái phạm nữa."


    - "Cô đã biết hết mọi chuyện rồi, em ngoan lắm, biết đến nhận lỗi là giỏi rồi. Hãy luôn trung thực và đừng tái phạm nữa em nhé!".


    Bài học: Hãy luôn trung thực với bản thân mình, dù có điểm thấp hay cao thì đó cũng chính là nỗ lực của chính mình tạo ra.

    Hãy trung thực với chính bản thân mình
    Hãy trung thực với chính bản thân mình
    Phép thử trung thực



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy