Top 9 Câu chuyện hay nhất về ngày Tết

Thuý Vy 15539 0 Báo lỗi

Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời của dân tộc ta. Không khí ngày Tết, con người và cảnh vật ngày Tết cũng trở nên ... xem thêm...

  1. Bà và mẹ bảo hôm nay là 30 Tết, Phượng phải dọn dẹp nhà cửa và lau chùi, sắp xếp bàn thờ cho sạch sẽ, gon ghẽ. Mẹ đã giở tờ lịch Việt Nam cho Phượng xem, đây này 30 Tết tức là đêm giao thừa đấy, ngày này thiêng liêng và quan trọng lắm, chúng ta phải cúng để tiễn năm cũ đi, đón mừng năm mới đến với thật nhiều ước vọng may mắn. Xem thì xem, nhưng những con số trên tờ lịch chẳng làm Phượng nhớ, chẳng chờ mong, và chẳng nôn nao khi Tết đến. Việc ấy đã có bà và mẹ lo.


    Khi Phương thấy mẹ đi chợ Việt Nam về, mua những lá chuối, nếp, đậu rồi bà rửa lá, ngâm nếp… có nghĩa là Tết đấy, vì những ngày thường bận rộn quanh năm, chẳng ai muốn bày việc này ra làm gì. Nhiều khi bố thấy bà và mẹ bận rộn quá, nói mua bánh trái làm sẵn ở chợ cho tiện, nhưng bà cương quyết không chịu, mẹ cũng thế, nguyên liệu, thực phẩm ở Mỹ này rẻ quá, chỉ bỏ tí công là có đồ ăn tươi ngon và tiết kiệm được tiền, mình biết làm tội gì để cho họ ăn lời dễ dàng thế, nên hai người đàn bà này ra sức làm công việc bánh trái với tất cả lòng hăng say và yêu thích của họ.


    Năm nào cũng vậy, bà gói bánh chưng, không cần khuôn, chỉ bằng tay thôi mà cái nào cái nấy vuông vức đều nhau, y như sản phẩm ra lò từ một khuôn mẫu có sẵn. Lần đầu thì luộc bánh bằng nồi to ở sau vườn với bếp củi, khói lửa lên nhiều quá, hàng xóm chạy sang phàn nàn, bố còn bảo coi chừng họ gọi 911 sở cứu hoả đến thì phiền. Nên từ năm sau trở đi bà gói bánh nhỏ lại và luộc bằng bếp gas trong garage.


    Khi bánh vừa vớt ra, Phượng thích được nếm thử, gọi là nếm chứ cô xơi luôn một cái, nếp và đậu mềm nhuyễn, thơm phức mùi thịt mỡ hạt tiêu. Công việc của mẹ là xay lá gai (do mẹ trồng và hái lá để đông lạnh, tới dịp cần dùng thì mang ra) để nhồi với bột nếp làm bánh gai, nhân đậu xanh trộn với dừa non thái sợi vương vấn mùi nước hoa bưởi. Ban đầu nhìn thấy cái bánh màu đen nhánh Phượng sợ lắm, không dám ăn, nhưng khi ăn thử rồi Phượng thấy thích. Bà và mẹ đã tập cho Phượng ăn đủ thứ món ăn Việt Nam, có cái Phượng ăn được, có cái Phượng không thích, những lúc Phượng chê đồ ăn Việt Nam thì bà mắng: con này, mày đẻ tại Mỹ nên quên cả nguồn gốc rồi, Phượng biết nguồn gốc mình là người Việt Nam chứ, nhưng bắt Phượng ăn mắm tôm, ăn tương, ăn giò heo nấu giả cày của bà thì Phượng xin chịu thua, ghê quá!


    Hôm nay là 30 Tết Việt Nam, bà và mẹ lại làm như mọi năm, bà gói bánh chưng (bà bảo cho đến khi nào già yếu quá, tay run lẩy bẩy không gói được thì sẽ nhường lại việc này cho mẹ) còn mẹ đang làm bánh gai.
    Phượng giặt giũ quần áo, chăn gối xong thì lau bàn thờ, bà bảo năm mới mọi thứ trong nhà phải mới, cô vừa lau vừa hỏi bà:
    - Bà ơi, ngày mai mồng một Tết chúng ta có tục lệ lì xì phong bao tiền, phải không?
    Bà cười hiền hậu:
    - Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì tiền cho con cháu, để chúc con cháu được mọi sự tốt lành.
    - Vậy bà nhớ lì xì cho cháu nhiều tiền vào nhé, tiền già của bà mỗi tháng vài trăm bà để dành làm gì?
    Mẹ mắng Phượng:
    -Con gái lớn rồi mà ăn nói như còn bé lắm ấy, tiền bà để dành cúng chùa, giúp đỡ những họ hàng nghèo khó ở Việt Nam và mới đây, bà đóng góp tiền giúp nạn nhân bão lụt đấy.
    Bà chép miệng:
    - Tội nghiệp! bao nhiêu nhà cửa đổ nát, người chết thảm thương, cháu đừng quên lời bà dặn nhé, hãy mở lòng ra với mọi người nghèo khó hơn mình, hay đang gặp hoạn nạn, khó khăn.
    - Bà dặn cháu nhiều lần rồi, cháu không quên đâu, nhưng phải đợi cháu ra trường có việc làm đã, cháu lo thân cháu xong rồi muốn giúp ai thì giúp.
    - Cháu bà ngoan quá, bà sẽ lì xì cho cháu nhiều nhất nhà. Nhưng ngày xưa, khi bà 20 tuổi bằng cháu bây giờ, bà đã có 3 mặt con rồi đấy.
    Phượng nhẩy cẩng lên thích thú:
    - A! cháu thích nghe chuyện ngày xưa của bà, sao ngày ấy bà lấy chồng sớm thế? Boyfriend của bà đòi cưới hay bà đòi cưới?
    - Boyfriend là gì hở cháu?
    - Là người yêu đó, anh ta yêu bà lắm phải không?
    Mẹ cau mày mắng Phượng:
    - Con ăn nói phải giữ lời, “anh ta“ nào thế? Ông ngoại của con đấy.
    Phượng nũng nịu nắm tay mẹ phân trần:
    - Trong tiếng Anh già trẻ, ông cháu gì thì cũng dùng từ như thế thôi, mẹ biết điều đó mà.
    - Nhưng mẹ sợ bà không biết bà giận.
    Bà đỡ lời:
    - Không sao, các cháu nó nói tiếng Anh là chính, tiếng Việt nam thế là giỏi rồi, cháu cứ tự nhiên, vì lúc nào cháu cũng là cháu gái bé bỏng của bà.
    Rồi bà kể tiếp:
    - Thời xưa đâu có người yêu như bây giờ, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó.
    Phượng kêu lên:
    - Bất công! Và tước đoạt quyền tự do của người con gái.
    - Nhưng chả sao cả cháu ạ, người ta vẫn sống hạnh phúc êm đềm và sinh con đẻ cháu. Ai như bây giờ, tự do lựa chọn người mình yêu rồi một sớm một chiều đã li dị, con cái thì bơ vơ, xa mẹ vắng cha.
    Phượng cười:
    - Hên cho bà là anh ta đẹp trai, cháu đã nhìn thấy hình ông ngoại hồi trẻ rồi, nếu bà lấy người xấu thì cháu cũng xấu luôn, cháu sẽ bắt đền bà đấy.
    Bà mơ màng trôi về quá khứ:
    - Ông ngoại đẹp trai mà nghiêm lắm, bà nể sợ ông, không dám cãi một câu, ông vừa là người chồng vừa là người chủ của bà. Bà làm dâu, hàng ngày đã bận rộn làm lụng , mỗi lần Tết đến càng bận rộn thêm, vừa trông coi vừa làm, nào gói bánh chưng, bánh gai, bánh dày, nấu chè kho, muối dưa hành. Nào mổ lợn để làm giò lụa, nem chua, nấu thịt đông, xương thì nấu măng, nấu miến… cỗ bàn 3 ngày Tết không lúc nào ngơi tay.
    Phượng ngạc nhiên:
    - Bà khổ thế sao? Họ abuse bà đấy, nếu ở Mỹ thì họ đáng tội vào tù.
    Mẹ giải thích:
    - Chẳng ai hành hạ bà cả, bà hãnh diện và sung sướng được làm những công việc ấy, chứng tỏ mình là vợ đảm dâu hiền.
    Phượng chặc lưỡi ngẩn ngơ:
    - Thời xưa lạ nhỉ! bị hành hạ mà vẫn sung sướng. Thế 3 ngày Tết ăn uống nhiều thứ bà có sợ mập không? Sau Tết bà có diet cho xuống cân không?
    - Ăn thì cứ ăn, chẳng sao cháu ạ.
    Rồi bà chép miệng:
    - Ngày xưa, phong tục lễ Tết rất nhiều, ngày nay càng ngày càng đơn giản đi, và sang đến Mỹ thì mất gần hết rồi, con cháu đẻ ra ở đây, chẳng biết ngày Tết quý giá và thiêng liêng thế nào. Ngày Tết xa xưa, bà ăn một miếng bánh chưng thơm mùi nếp mùi lá dong, bà nghĩ tới những cánh đồng lúa chín vàng, tới những giọt mồ hôi cày cấy của người nông dân…
    Mẹ tiếp lời:
    - Bây giờ chúng nó nhìn bánh chưng bằng đôi mắt dửng dưng hoặc tò mò hỏi cái gì đây rồi lắc đầu từ chối, ngay cả không thèm ăn thử lấy một miếng.
    Phượng lý luận:
    - Thì bà và mẹ cũng không thích ăn hamburger, có bao giờ ăn thử miếng nào đâu!
    Mẹ hồi tưởng:
    - Sống ở quê hương mình, trải qua những mùa mưa nắng, những lúc đói no, mới thấm được hương vị ngày Tết. Khi đất trời vào Xuân, có nắng vàng, có gió nhẹ thổi sạch những chiếc lá khô nhỏ trên hè phố, khi chợ búa bắt đầu đổi màu sắc, ngập tràn cam quýt chín vàng, dưa hấu chất từng đống giữa chợ… còn rau sao mà nhiều thế? Sà lách xanh, bông cải trắng, cà chua chín đỏ như hẹn nhau cùng mùa thu hoạch cho kịp Xuân về… Và khi người ta vội vã mua sắm đồ Tết làm như sẽ không còn dịp nào để mua sắm nữa. Những hình ảnh đó, cảm giác đó, người Việt Nam tha hương chẳng bao giờ quên.


    Phượng ngừng tay lau chùi, quay lại nhìn bà và mẹ, hai thế hệ đã qua, mỗi người có một mùa Xuân đẹp theo ý họ, trông bà lưng còng tóc bạc, trông mẹ tuổi đã xế chiều Phượng khó có thể hình dung được họ đã từng có những mùa Xuân lộng lẫy trong đời, từng bâng khuâng xao xuyến khi thời tiết giao mùa, cây cối đơm hoa nẩy lộc. Bây giờ họ thích ôn lại kỷ niệm và kể cho con cháu nghe.


    Phượng nghĩ vẩn vơ sau này mình già thì sẽ có kỷ niệm gì để kể cho con cháu nhỉ? Cô sẽ kể lại cái ngày 30 Tết này vậy, rằng là bà không biết gói bánh chưng, bánh gai, nên bà ngoại và mẹ của bà sai bà làm đủ thứ chuyện, mệt kinh hồn.
    Mẹ nhìn vẻ đăm chiêu của cô và hỏi:
    - Con đang nghĩ gì mà ngẩn người ra thế? Lại đây mẹ chỉ cách gói bánh gai, sau này làm cho các con nó ăn.
    Phương dẫy nẩy lên:
    - Các con của con sẽ không thích ăn bánh này đâu.
    - Con chỉ lười thôi, mấy món bánh đơn giản này mà cũng không chịu học.
    Bà than thở:
    - Tôi đã nói rồi mà, càng ngày con cháu ở xứ người càng quên đi mọi thứ liên quan đến cội nguồn của nó, chẳng biết tới đời con, đời cháu nó có còn biết nếm cái mùi vị ngon của bánh chưng, bánh gai, hay dưa hành ngày Tết không?
    Mẹ nói như an ủi bà:
    - Cũng phải thế thôi, biết sao bây giờ? Mình đâu có sống đời mà hướng dẫn chỉ bảo chúng nó được.
    Bà đã gói bánh xong, gọi Phượng vào thu dọn, rồi mang bánh chưng và nồi ra garage để nấu bánh, chưa hết, bà còn giao cho Phượng một công việc nữa là đêm nay chở bà đi chùa đón Giao thừa. Bà rất chăm đi chùa, có lần Phượng đã hỏi bà :
    - Bà ơi, đi chùa có vui không? Sao tuần nào bà cũng đòi đi?
    Bà âu yếm mắng cháu:
    - Chùa là chốn tôn nghiêm, đâu phải chỗ giải trí mà vui, nhưng có niềm vui của tâm hồn, được bình an, được thanh thản.
    Tuần nào không đi được bà buồn hẳn ra, cứ than thở là già cả ở Mỹ này chỉ trông vào con cháu chở đi chùa vào dịp cuối tuần, thế mà đôi khi cũng không xong, khi vui nó chở, khi buồn thì không.
    Bà nói đúng quá, những hôm bận Phượng chẳng muốn chở bà đi chùa, hay có chở thì cũng vùng vằng, kém vui. Biết sự cần thiết của bà Phượng làm tới, cô hay năn nỉ bà kể chuyện ngày xưa cho cô nghe, nếu bà không kể cháu “cúp” luôn không chở bà đi chùa nữa. Và bao giờ Phượng cũng được vừa ý.


    Thường thường Phượng chở bà đến chùa và hẹn giờ đến đón, một hôm cao hứng Phượng ở lại lễ chùa với bà, cô tò mò xem có gì hấp dẫn mà tuần nào bà cũng đi như những người yêu nhau không bao giờ lỗi hẹn, cô ngồi cạnh bà, cũng quỳ, cũng lạy, nhưng cô không biết tụng kinh, chỉ biết ngồi im nghe, người ta đọc hết trang này đến trang khác làm cô sốt cả ruột hỏi bà chừng nào xong? Bà nói tụng hết cuốn kinh Pháp Hoa này, cô nhìn cuốn kinh dày cộp thở dài ngao ngán, tự trách mình lỡ dại trót ngồi đây rồi bỏ ra về giữa chừng sao được!


    Từ đó, Phượng chẳng bao giờ vào chùa đọc kinh nữa và thầm phục bà mỗi tuần ngồi cả giờ đọc đi đọc lại những câu kinh ấy, những sách kinh ấy mà không chán, mà vẫn sốt sắng khăn áo đến chùa. Sau này dù Phượng có già, cũng không thể làm như bà được.


    Bánh chưng và bánh gai đang được nấu trên bếp nên mọi người cảm thấy rảnh rang, bà quay ra kể chuyện đi chùa đón giao thừa, nghe tiếng chuông chùa báo hiệu năm mới vừa sang rồi ra vườn chùa hái lộc. Phượng hỏi:
    - Hái lộc là gì hở bà?
    - Cháu hái bất cứ một cành lá nào, gọi là hái lộc đầu năm để cầu ước mọi điều trong năm mới sẽ được tốt tươi như cành lộc ấy.
    Mắt Phượng sáng long lanh:
    - Cháu muốn được hái lộc, tối nay cháu vào chùa với bà.
    Bà nghi ngờ:
    - Nhưng đừng có chóng chán đòi về nhé?
    Cô cương quyết:
    - Cháu sẽ ở bên bà từ đầu đến cuối, bà biết không? Cháu sẽ cầu ước nhiều thứ lắm: bà khoẻ mạnh sống lâu, bố mẹ cháu cũng thế và cháu thì học hành khá hơn… Phượng ngừng không nói tiếp những ý nghĩ còn trong đầu là cô sẽ gặp một người tình vừa ý như mơ, điều ấy cô biết một mình là đủ rồi.
    Lòng hớn hở, vui vẻ, Phượng dặn bà:
    - Tối nay đi chùa bà nhớ mặc nhiều áo ấm vào, Tết của người Việt Nam, mùa Xuân của người Việt Nam, nhưng ở Mỹ này là mùa Đông đấy, bà hãy cẩn thận kẻo cảm lạnh bà nhé.

    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

  2. Tết về từ tháng chạp. Tháng chạp lạnh giá, tháng chạp bận rộn, quên sao được tháng chạp thân yêu.

    Tháng giáp tết nhiều kí ức đẹp và vương chút hoài niệm.

    Năm ba tuổi, bố đèo đi chợ tết. Trời lạnh, gió thổi lồng lộng. Bố mua cho áo nhung đỏ kẻ ca rô. Áo nhung sau này vẫn trong góc tủ, mình quá lớn để có thể mặc vừa chiếc áo, hơi ấm chiếc áo vẫn thoảng đưa, nguyên vẹn tình cảm bố dành cho chúng mình. Mẹ kể ngày còn nhỏ, đêm, hai chị ngủ cùng bố trên phản ngựa, mình ngủ cùng mẹ. Tránh mùa đông giá rét, các chị mỗi người chui vào một bên hông chiếc áo rét của bố. Mình luôn được mẹ cho gối đầu bằng cánh tay.

    Ngày cuối năm gắn liền tháng chạp. Phiên chợ tết nhộn nhịp báo hiệu tết về. Chợ thị xã, không xa làng mình là mấy. Phiên chợ mà bố đã mua áo nhung cho mình. Phiên chợ vào mùa thu hoạch mía, người làng vẫn thồ ra chợ. Chả là quê mình có những đồi mía bao quanh làng. Mía đến kì thu hoạch, được chặt bó thành từng bó. Trời chưa tảng sáng, tiếng rì rầm vang lên, người làng chở mía dọc con đường thôn ra chợ thị xã bán. Trưa về, chiếc xe thồ nhẹ tênh, chồng đèo vợ cùng túi cói đựng tiền bán mía treo trước tay lái.


    Xung quanh ngôi làng mình ở, không chỉ có chợ thị xã mà có cả chợ huyện, chợ làng. Chợ thị xã vẫn là phiên chợ mà người làng chọn đi thường xuyên hơn cả. Bởi lẽ giản đơn vô cùng, làng thuần nông nhưng cách thị xã 5, 6 cây số. Chợ thị xã vừa tiện đường nhựa, vừa nhiều hàng hóa đa dạng, phong phú. Chợ họp tất cả các ngày, bước vào tháng chạp, chợ đông đúc, nhộn nhịp, ngào ngạt người. Đến phiên chợ tết, ăn bát bún nóng, uống vài li rượu, như một cách tiễn năm cũ và đón năm mới của nhiều cánh mày râu nơi thôn làng.

    Từ sau ngày ông Công ông Táo chầu trời, không khí tết đã xốn xang khắp làng trên xóm dưới, khắp con đường bê tông đổ ra chợ, khắp con phố và ngõ nhỏ của thị xã quê mình. Mình mua đồ khô trong siêu thị như miến, măng khô, đậu xanh, mì chính, đường, bánh kẹo. Các loại thực phẩm rau dưa, thịt cá thì nhất định phải ra chợ rồi. Phiên chợ tết khác hẳn ngày thường, lá dong xanh, lạt gói bánh chưng lác đác xuất hiện cuối chợ. Mình mua xu hào của bác gái dáng người to béo, phốp pháp. Cạnh đấy, hàng bắp cải chất thành từng đống. Phía cổng chợ phụ, hàng cam vàng đầy hai sọt gác trên xe máy. Mình tiến gần đến hàng bác bán dưa chuột. Dưa ta, thơm, xanh non từng quả. Bác chừng trên sáu mươi tuổi, người gầy và đen. Trong lúc cân dưa cho mình, bác vô tình để lộ tấm ảnh trên chứng minh thư, bức ảnh là người đàn ông mặc bộ quân phục công an. Mình thốt lên “Ái chà! Bác trước kia oai ghê!”. Bác đáp lại mình “Hình ngày xưa đấy”.

    Mình ghé hàng hành. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, mình muốn trong gia đình ngày tết có dưa hành. Hồi nhỏ, mình không ăn được dưa hành vì hành dù muối vẫn còn độ hăng. Những năm đấy, mẹ mình vẫn muối hành để làm thức ăn trong bữa cơm thường nhật. Mình trưởng thành hơn, mẹ ít làm các món ăn quen thuộc dịp tết vì con cháu đều có bát ăn bát để, thêm vào đó, sức khỏe của mẹ cũng không còn được như xưa nữa, mẹ kì công làm ra lại bỏ đi rất phí. Chỉ khi mình giục muối dưa hành, mẹ mình mới mua và dạy mình cách muối. Mình rất thích cảm giác cầm con dao nhỏ cắt rễ hành, bóc từng lớp vỏ hành để củ hành trắng tinh, rửa sạch, để ráo, cho vào hũ cùng nước muối. Nhìn vại dưa hành biết tết đã về.

    Đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng. Tràng pháo, tiếng pháo giấy nổ đì đoằng nhiều năm làm nên đặc trưng của tết dân tộc. Ba mươi tết, trời tối om, mình tám, chín tuổi, chui vào trong chăn thò đầu ra ngó bố cầm lửa châm vào tràng pháo treo trước hè. Mình không bao giờ quên cảm xúc lúc đấy. Đêm tĩnh vô cùng đã được tiếng pháo giấy hồng nổ tung. Âm thanh rộ lên từng đợt. Nhà mình rồi liên tiếp các nhà khác trong thôn xóm mình. Từng đợt pháo nổ cho mình cảm giác mùa xuân được đánh thức. Năm mới đã về. Xác pháo màu hồng, đỏ sẽ vun vào góc nhà, người ta kiêng quét nhà trong ba ngày tết.

    Tết còn đó vị chè lam. Chè lam được làm từ mật mía, bột nếp, nước gừng, lạc nhân. Những năm đấy, mật mía quê mình rất sẵn, mía chặt trên đồi, mật được kéo và nấu thủ công. Gạo nếp cần rang lên, xay mịn. Lạc cũng rang lên, sát vỏ. Gừng nướng chín và vắt lấy nước. Đun mật sôi trên bếp sau đó đổ bột gạo nếp, lạc nhân cùng nước gừng trộn đều, làm sao cho hỗn hợp thật dẻo và mịn. Chè lam sẽ được nặn thành hình tựa như trống chày giã cua. Bánh hòa quyện vị mật, gạo nếp, lạc và thoang thoảng hương gừng nướng. Tuổi thơ mình đã trải qua nhiều cái tết đượm mùi chè lam như vậy. Cho tới bây giờ, chè lam không là món quà phổ biến. Mình đôi khi vẫn tìm về kỉ niệm cũ bằng cách làm món chè lam trong ngày tết, món ăn mọi người trong nhà đều tấm tắc khen ngon dù không ai thể hiện bằng lời ra ngoài.

    Nhiều tết trở lại đây, mình có thói quen ngắm hoa tết mỗi khi mùa xuân đến. Ngắm cành đào, giò phong lan, hoa ly, hoa lay ơn, hoa cúc… những loài hoa nở rộ dịp tết Nguyên Đán. Không phải mua hoa tết lúc nào cũng được, nó cần dựa vào cảm xúc, tâm trạng và quan niệm. Mình hay đi xe máy vào chiều 29 hoặc 30, những lúc như vậy mình chọn vài bông hồng, bông lay ơn hay cúc. Cuối năm đấy mình như tìm được câu trả lời, tết nghĩa là gì? “Tết nghĩa là còn mãi”.

    Mình trả lời như vậy vì không ai có thể định nghĩa được hết thế nào là tết? Tết là trở về với chính mình. Đơn giản mình chỉ nghĩ có vậy.

    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
  3. Mẹ ạ, thêm một mùa xuân con không về, thêm một cái Tết bố bận làm nhiệm vụ... nhưng nhà mình vẫn luôn cạnh nhau, mẹ nhé!Đồng hồ đang nhích dần về phía cuối năm...

    Con lại thêm một cái Tết ở xa nhà, và sẽ là 3, 4 cái Tết trôi qua trên đất khách nữa mới mong đến ngày được quây quần cùng gia đình bên mâm cơm tất niên, mới được đặt chân lên quê mình để sống trong cái mùi hương rất xuân, rất Tết ấy...


    Trên facebook, bạn bè con đã rầm rộ những status về Tết, ai ai cũng hân hoan đón chờ năm mới đang đến. Con chợt chạnh lòng. Tối qua, nghe mẹ kể qua điện thoại rằng nhà mình cũng đang chuẩn bị mọi thứ để đón Tết, nào bánh chưng, nào kẹo, mứt, nào đào, nào mai... con cũng đã thấy Tết đang về, gần lắm.

    Rồi thoáng buồn khi giọng mẹ khựng lại, "Tết này, bố bận trực, nên cũng không về. Tết này nhà mình thiếu bố, thiếu con...". Mắt ngấn lệ, gác điện thoại rồi con cũng khóc òa.

    Mẹ ơi, con nhớ nhà...

    Tết là dịp để mọi người đoàn viên, khi mà nhà nhà ai cũng đang vui với niềm vui sum họp thì nhà mình lại thiếu vắng đi hai người đàn ông. Biết mẹ sẽ tủi thân và vất vả hơn nhiều lắm, nhưng mẹ gắng đừng buồn. Ở xa, bố và con luôn hướng về nhà mình và sẽ là điểm tựa tinh thần cho mẹ.

    Con nhớ những cái Tết trước, năm nào cũng đi chọn đào và mua hoa cùng bố. Những chậu mai vàng lung linh trong nắng, cành đào hồng thắm cả một góc trời, rồi bao nhiêu thứ hoa, cây cảnh khác cũng không ngừng khoe sắc. Hai bố con đi hết nơi này đến nơi khác để mua cành đào đẹp nhất chơi Tết. Về đến nhà lại cùng hì hụi đốt gốc, trang trí để còn "hãnh diện" với mẹ.

    Con nhớ những buổi cuối năm đi chợ làm chân xách đồ cho mẹ, mệt nhưng mà vui lắm. Thấy không khí Tết ngập tràn khắp phố, thấy Tết về trong ánh mắt, nụ cười của từng người. Thấy Tết về trên cả đôi tay tần tảo của mẹ...


    Con nhớ những lần được cùng ông ngoại gói bánh chưng. Tự tay con tỉ mẩn rửa từng chiếc lá dong , lau thật khô rồi xếp đều chờ bà chuẩn bị làm nhân bánh. Chiếc bánh xanh vuông vắn với từng sợi dây lạt, đầy ứ nào nếp, nào đỗ, nào thịt mỡ ở trong.

    Rồi những đêm ngồi thức trông nồi bánh đang luộc, cái rét của ngày cuối năm chẳng thể nào bì được với không khi ấm áp và ý nghĩa lúc đấy. Tiếng củi lửa tí tách trên bếp, tiếng nồi bánh đang sôi, tiếng mọi người râm ran trò chuyện... tất cả đã cho con những ngày giáp Tết thật tuyệt vời.

    Con nhớ những bữa cơm tất niên được quây quần với mọi người. Cả năm chỉ có mỗi dịp này đại gia đình mình mới đông đủ như thế. Những câu chuyện hàn huyên, tâm sự về những buồn vui của năm qua, những mong ước của một năm lại tới... buổi chiều cuối năm ý nghĩa biết bao.

    Con nhớ tiếng pháo hoa trong đêm giao thừa ở quê mình, nhớ tiếng lũ trẻ con râm ran cười đùa chơi từ nhà này đến nhà khác. Nhớ những phong bao lì xì đỏ chót, nhớ những lần lễ chùa đầu năm cùng cả nhà mình...

    Ước gì con có thể chạm tay vào cái Tết ở quê. Ước gì nửa vòng trái đất bỗng nhiên ngắn lại. Ước gì có thể về nhà để hòa mình vào cái Tết với mọi người.

    Tết này với con, vẫn là tuyết trắng, là thi cử, là bài vở ở trường... Là đám bạn Việt Nam cũng gặp mặt nhau đêm tất niên để vơi đi phần nào nỗi nhớ... Là cây đào giả tự làm, là chiếc bánh chưng vụng về không đủ đầy gia vị... Là tự an ủi mình, chỉ vài năm nữa thôi...

    Mẹ ạ, thêm một mùa xuân con không về, thêm một cái Tết bố bận làm nhiệm vụ... nhưng nhà mình vẫn luôn cạnh nhau, mẹ nhé!

    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
  4. Theo lời bác tài thì chuyến xe này là chuyến chót. Chuyến cuối cùng của một năm sắp đi qua. Ba mươi Tết rồi còn gì.

    Trời xẩm tối rồi. Hành khách thở phào như vừa được ban một ân huệ may mắn. Không may sao được, khi chuyến xe chạy qua cả một đoạn đường gồ ghề, lắt léo mang đầy vết tích của những cuộc giao tranh mà không va phải một trái mìn nào !

    Tất cả có bốn mạng ngồi rộng tuyênh toang trên hai hàng ghế. Một người đàn bà chít khăn tang. Một bà cụ mái tóc như sương tuyết. Một cái lồng gà trong nhốt một con chó nhỏ. Và một gã đàn ông thương tật vừa được giải ngũ. Như thế, kể cả bác tài thì chuyến xe có năm mạng sống: bốn người và một con chó nhỏ. Con chó lông đen tuyền, mắt đen tuyền, mõm cũng đen tuyền, cả thân hình của nó là một khối đen cục mịch, lũn chũn, lâu lâu lại thấy phát ra những tiếng rít lên ư ử. Tiếng rít của nó bị át đi bởi tiếng động cơ nổ ồn ào của chiếc xe lam cũ kỹ. Đường nhiều ổ gà. Chiếc xe lồng lên. Lắc bên này. Ngả bên kia. Chồm tới. Giật lui. Đảo lên từng vòng.

    Bà cụ có vẻ mệt. Thiếu phụ cũng ngả đầu lim dim lên vách gỗ. Chỉ có gã đàn ông là ngồi lầm lì. Gã mơ màng nhìn ra hai bên đồng lầy. Lúa đang mọc nhưng lưa thưa. Nhiều thửa ruộng xám đen, còn ghi rõ những nét toác nứt nẻ. Một màu xám ảm đạm chạy dài hun hút tới chân trời. Trên cao, mây đục như màu chì đang ngả màu tím thẫm. Gió lồng lộng thổi lùa qua khung cửa hẹp. Chiếc xe vẫn lắc lư. Hai bắp tay của bác tài xế vồng lên. Những đường gân nổi lên cuồn cuộn để chế ngự chiếc xe vật vã.

    Vội lắm rồi ! Bây giờ là chiều Ba mươi. Chuyến xe này là chuyến chót….Tốc độ xe chợt vọt lên chút nữa theo sự hứng khởi của bác tài. Kim đồng hồ chỉ tốc lực tới tám cây số giờ. Đường sóc như vậy kể là nhanh. Đây là hố mìn chưa lấp. Nọ là di tích của của những chướng ngại vật. Cái xác xe đò cháy rụi hôm nào còn nằm tênh hênh bên lề đường. Rồi những chiếc xe bò vụn nát không còn nhận ra hình thù. Còn có cả những đám tàn than chất đen thui thành từng đụn nhỏ : Xác người, xác trâu bò hay chỉ là dấu tích của những kiện hàng ?

    ….

    Bỗng cái xe chợt hãm bớt đà và từ từ chậm lại. Trước mũi xe là một cái hố lớn. Dưới lòng hố là một cái thùng xe đã han gỉ. Sau cái khung xe có bóng một người bận áo đen. Bóng người áo đen bị che lấp chỉ còn một bàn tay gầy guộc giơ lên vẫy. Bác tài xế chùn tay ga , giọng sững sờ sau khi thoáng thấy có cả một họng súng đen ngòm:

    – Thôi chết….mình tới số rồi !!

    Bóng đen bây giờ đứng hẳn lên. Một khuôn mặt trắng bệch hiện ra sau mớ tóc bù xù. Khuôn mặt rất trẻ, chưa quá hai mươi, đáng gọi là cậu hơn là anh, là chú hay bác. Cậu ta là người “bên kia”. Khẩu súng nói lên điều đó, nhưng nói một cách hiền từ chứ không dữ dằn như bất cứ lúc nào nhào lên xung kích.

    Mọi người đổ dồn cả về phía đó. Sự ước lượng bây giờ chính xác hơn. Nhất định cậu này chỉ tới mười lăm. Cậu giơ khẩu súng lên ngang đầu bằng cả hai cánh tay gầy guộc. Vẻ mặt không giấu được sự lo âu, bối rối, cậu ta ấp úng :

    – Em…em…hồ…ồi… ch..á..ánh ! Nhờ các bác dẫn về đồn ….

    Bác tài trở nên bình tĩnh hơn. Bác đáp lại bằng giọng nửa như giễu cợt, nửa như phân trần :

    – Lộn rồi chú ơi ! Ở đây đâu có ai là lính. Muốn trở về , chú phải lên tuốt mé trển kìa !

    Cậu nhỏ vẫn giữ nguyên cái thế để súng lên ngang đầu, từ tốn bước lên khỏi miệng hố. Rồi như không thấy bóng dáng bộ đồ lính treillis nào, cậu buông khẩu súng xuống, tiến lại gần bác tài :

    – Thế thì chỗ nào có lính Quốc Gia, bác chở tôi tới !

    Bác tài lắc đầu lia lịa :

    – Trễ quá rồi. Tôi đâu có quay lại mé trển. Mà chỉ ở trển mới có lính đóng thôi.

    – Xa không ?

    – Năm bẩy cây số lận !

    – Vậy miệt dưới không có ai hết cả sao ?

    – Không có ai hết ! Qua Giêng chắc mới có lính mở đường tới đó.

    – Vậy cho tôi theo bác để rồi nằm chờ được không ?

    – Ý ! Làm sao được. Tui có gia đình, tội nghiệp tui !

    – Thì bác giữ cây súng này làm bằng. Có khi còn lãnh thưởng !

    – Tui hổng ham. Tui không dính vô chuyện gì hết. Tui làm ăn chất phác mà.

    Cậu nhỏ sẵng giọng :

    – Bác không cho tôi theo thì bác ở đây với tôi luôn !

    Bác tài dẫy nẩy lên :

    – Ý ! Cha Nội ! Chơi cửa cha con nhà người ta đó sao ! Vậy là tác phong Việt Cộng, chớ hồi chánh nỗi gì !!!

    Gã thương binh ngồi ở sau xe, từ nẫy vẫn theo dõi câu chuyện bây giờ mới lên tiếng :

    – Theo tôi về được không ? Mai mốt tôi dẫn lên đồn.

    Bác tài múa hai tay lên:

    – Ui da ! Vậy là ngon quá cỡ rồi còn gì.

    Cậu cán binh rời chỗ đứng, tiến lại phía sau xe. Cậu giương cặp mắt bạc nhược lên nhìn gã đàn ông. Gã nói tiếp :

    – Cậu đưa súng cho tôi.

    – Bác biết xài hả ?

    – Mấy thứ này nhằm nhò gì ! Lính Quốc gia thu được dài dài..

    Cậu cán binh thở phào :

    – Vậy mà tôi cứ ngỡ….

    – Ngỡ gì ?

    – Ngỡ bác là người của Mặt Trận.

    – Thì sao ?

    – Thì tôi phải bắn bác trước kẻo bác bắn tôi.

    Gã đàn ông mỉm cười :

    – Ui ! Đồng chí với nhau cả, sao nỡ tay thế !

    Cậu nhỏ ấp úng:

    – Tại tôi “quay”. Ở trỏng, tội quay đáng bắn bỏ !

    Bác tài xế chờ đợi thấy lâu, vội nói :

    – Thôi mời lên xe đi. Trễ rồi.

    Chiếc xe lại bắt đầu chuyển động. Nó bò qua một mô cao rồi lũn cũn men theo một lối đi được in dấu bởi chiếc xe mười bánh băng qua những chướng ngại vật.

    Cái cảnh len lỏi theo lốt bánh xe này không ai lấy làm lạ . Chuyện ấy bình thuờng. Như một chuyến xe bình thường trở về giữa mùa Xuân trên một giải đất vẫn đang còn triền miên trong khói lửa.

    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
  5. Cứ những ngày tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm có lẽ suốt đời không thể nguôi quên.

    Tết năm ấy, nắng ấm trở lại, đất, trời, cây, cỏ, núi rừng, dòng suối như bừng tỉnh sau những ngày mưa bụi, gió cào, rét đậm rét hại. Tôi đang học lớp tám, em trai tên là Thào, lớp năm. Hai anh em được nghỉ tết sớm.

    Ngày còn bé, đôi lần được về quê, bố mẹ còn địu trên lưng. Chẳng được về vào dịp tết bao giờ, nên chẳng biết gì về tết quê.

    Thấy hai anh em vùi đầu vào đánh điện tử, xem ti vi, chơi cờ vua, thi thoảng mới cầm cuốn sách để đọc. Việc trong nhà đã có chị giúp việc làm hết. Thấy vậy, bố mẹ bảo:

    - Bà nội mất rồi, ông nội tuổi già đã ngoài bảy mươi, quê miền núi nhà nọ cách nhà kia cũng phải vài chục mét. Để ông nội vò võ một mình cũng tội, năm nay cho hai đứa về quê sớm để ông nội đỡ nản. Bố mẹ về sau.

    Cả hai anh em mừng quýnh. Em Thào, nói như reo:

    - Đi ngay hôm nay được không mẹ.

    - Liệu có nhớ đường về quê không?

    - Sao không, xuống bến ô tô thị xã, rồi bắt ô tô về huyện, từ huyện đi đường men sông Đáy, đến khu chợ có cây đa thật to, rồi rẽ vào núi là tới nhà.

    - Con đường ngày ấy, nay khác xưa nhiều, chuẩn bị, sáng mai đi. Cũng cho hai đứa tự về xem có đáng là con trai thành phố không.

    Hai anh em tôi náo nức như cậu học trò nhỏ sau bao ngày học tập vất vả được về quê nghỉ hè vậy.

    Quen sống ở thành phố, chỉ biết vùi đầu vào ăn, rồi học, không phải mó tay làm việc gì, ngay cả giặt quần áo, rửa bát, lau nhà, mọi việc đã có bố mẹ, cô giúp việc làm cho. Bố mẹ chỉ yêu cầu, phải học cho giỏi. Chỉ như thế ra đời mới kiếm được miếng ăn.

    Anh em tôi, ngay từ bé đã được sống trong cưng chiều, chỉ biết người khác phục vụ mình, không phải phục vụ ai. Dù chỉ là công việc nhỏ nhất, lấy cho người lớn một que tăm. Ngoài thời gian đến trường, còn lại ở trong nhà cứ như bị giam lỏng vậy. Nhà ở thành phố, chỉ quanh quẩn trong căn phòng có mấy mét vuông, bức bối tưởng không chịu nổi. Ra đường không có người lớn đi kèm, sợ bị xe cán, hay xa đà vào những tụ điểm vui chơi thành đứa trẻ hư hỏng ngay.

    Quê bố, mẹ đều ở miền núi mà anh em tôi chưa một lần được tắm suối, leo núi, chỉ nhìn thấy cảnh núi rừng trên ti vi. Lần nào được về cũng chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà sàn của ông nội rồi lại đi ngay.

    Nay được về quê núi, lại không có bố mẹ quản thúc còn vui sướng nào bằng.

    Trên đường về, nhìn thấy cái gì cũng lạ, được ngắm những cây đào, cây mơ trồng thành vườn, nhiều cây đã bắt đầu đơm hoa ở các nhà hai bên đường, hai anh em thấy háo hức lạ thường, đi không biết mệt nữa. Em Thào hỏi:

    - Nhà ông nội có trồng đào và mơ không?

    - Sao không, miền núi nhà nào cũng có, nhìn hoa đào, hoa mơ nở để biết mùa xuân đang về.

    - Sao không tỉa cành bán như ở thành phố.

    - Nhà nào cũng có bán cho ai.

    - Thích nhỉ, cả bản ngập tràn sắc đỏ hoa đào, mầu trắng hoa mơ, còn có gì đẹp bằng.

    Sông Đáy, mùa này nước đã cạn, những bãi đá nổi lô nhô trên dòng sông. Chỗ nào cũng thấy các cô gái bản ra sông, cọ lá dong, đãi gạo nếp, đậu xanh. Thấy vậy Thào hỏi tôi:

    - Người ta làm gì thế anh?

    - Cọ lá dong, đãi gạo nếp để gói bánh chưng.

    - Sao ngày tết ở thành phố không thấy nhà nào làm thế.

    - Họ mua bánh chưng ở siêu thị, ngốc ạ. Tết ở quê núi mọi thứ phải tự làm.

    Mẹ bảo, con đường khác ngày xưa nhiều. Vẫn con đường ấy, giờ đã được mở rộng, qua suối đã có cầu, bản đã có nhiều xe máy đi lại trên đường.

    Đi được thôi đường, mồ hôi vã ra, người nóng bừng, tôi với em Thào cởi bỏ áo khoác, để lộ chiếc áo chàm, cài khuy ngang. Mẹ bảo "Về quê núi phải mặc áo dân tộc mới ra chàng trai bản được". Thấy hai anh em vừa đi vừa ngắm cảnh vật hai bên đường. Một thanh niên đi xe kích đến cạnh, xuống xe, hỏi:

    - Hai đứa ở thành phố về bản phỏng, ở bản nào. Anh hỏi bằng tiếng dân tộc, hai đứa nghe không hiểu, ngơ ngác nhìn anh. Anh hỏi lại bằng tiếng Kinh mới hiểu. Tôi trả lời:

    - Chúng em ở thành phố về ăn tết, ở bản Kẹo.

    - Đi theo lối có cây đa bãi sông vào bản chứ gì. Là trai bản sao không biết nói tiếng dân tộc thế, bố mẹ không dạy sao?

    - Có dạy, chúng em chưa nói được.

    - Chắc chỉ nói xì là xì lồ bằng tiếng Anh phải không, thế là không tốt đâu, là dân tộc nào phải biết nói tiếng dân tộc ấy. Thế mới là người của núi, là chàng trai của bản chứ. Lên xe anh đèo đi.

    Đến cây đa cổ thụ, cành lá tàn tán, nhiều rễ buông từ cành xuống bám vào đất đã to hàng vầng ôm, có tám rễ to như thế, dân bản gọi là cây đa Tám Mặt. Trên bãi rộng quanh cây đa, từng tốp trai gái bản đang dựng cột ném còn, bãi đánh quay, sân đẩy gậy, cả hàng bia để thi bắn cung, bắn nỏ, một bãi phẳng để kéo co, tất cả đã sẵn sàng cho vui chơi trong ngày tết. Anh thanh niên cho đi nhờ xe bảo:

    - Có biết đường về bản không?

    - Biết ạ, em cảm ơn anh.

    - Về bản đi, chiều ra đây, thanh thiếu niên, trai, gái các bản, đến đông lắm, tập ném còn, đẩy gậy. Hai đứa biết các trò chơi đó không?

    - Chưa được chơi bao giờ ạ.

    - Thành phố làm gì có những trò chơi như thế, ra đây tập khác biết chơi. Nhớ bảo ông nội dạy cho mấy câu chào hỏi bằng tiếng dân tộc, gặp bạn cùng tuổi không biết chào, người ta cười cho đấy. Người Kinh có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Gặp nhau không biết chào, còn là con người nữa không.

    Nghe anh thanh niên nói thế, hai anh em thấy xấu hổ. Ở thành phố bố mẹ có dạy nói tiếng dân tộc, hai đứa không chịu học, còn cãi lại:

    - Bây giờ người ta nói chuyện bằng tiếng Anh, ai nói tiếng dân tộc của mẹ. Về bản không biết nói tiếng dân tộc mình, còn đâu là người núi nữa, không đáng xấu hổ sao. Tôi hỏi Thào:

    - Em còn nhớ những câu mẹ dạy không?

    - Chỉ nhớ mang máng thôi.

    - Nhớ mang máng nói sao được, anh cũng vậy về chỗ ông phải bảo ông dạy ngay. Chỉ cần nói được các câu xã giao thôi.

    Về gần đến nhà đã thấy ông cầm dao đi trước, hai đứa bằng tuổi tôi với Thào mỗi đứa một đầu vác trên vai cây diễn còn nguyên cả ngọn, dài đến chục mét từ trên nương về. Tôi gọi to:

    - Ông nội à, chúng cháu về ăn tết với ông đây.

    Ông đứng lại nhìn, vẫn chưa nhận ra hai đứa tôi.

    - Cháu với em Thào về với ông đây. Phải đến gần, ông mới nhận ra:

    - Lả, Thào phải không? Về nhà đi, rồi bốn đứa bay giúp ông trồng cây nêu.

    Lên nhà sàn, thấy chúng tôi lạ lẫm nhìn nhau, ông giới thiệu:

    - Đây là Vừ và Lồ con bác hàng xóm, gần nhà ông đây, giúp ông mang cây diễn trên núi về để trồng cây nêu. Còn đây là Lả với Thào, cháu nội của ông, sống với bố mẹ ở thành phố. Bao giờ bố mẹ về?

    - Ba mươi tết ạ.

    - Về được là tốt, bốn đứa làm quen với nhau đi, rồi cùng ông xuống trồng cây nêu. Tôi không biết cây nêu là gì, không dám hỏi, thằng Thào nhanh nhảu:

    - Cây nêu là gì ạ, ông nói cho cháu biết đi.

    - Để Vừ nói cho nghe.

    - Hai bạn không biết cây nêu là phải. Thành phố làm gì có cây nêu, ở bản nhà nào ngày tết cũng trồng cây nêu, ở trước nhà, thẳng gian giữa ra. Cây nêu bằng cây diễn hoặc tre, phải để phần ngọn lại, treo lá cờ đỏ sao vàng, và vòng tròn, có nhiều tua giấy ngũ sắc, để hồn ma chín suối, mười Mường, ông bà, tổ tiên, cả người đi làm ăn xa biết đường về quê ăn tết. Phù hộ cho người nhà, dân bản giàu có, hạnh phúc mãi lên. Mình chung vui ngày tết cũng phải nhớ đến tổ tiên, ông bà, những người đã hy sinh vì đất nước đón họ về ăn tết với mình chứ.

    Tôi ngạc nhiên nhìn Vừ, sao Vừ biết về cây nêu rõ thế. Ngày tết ở thành phố nhà nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc đi dạo phố, đến chơi nhà thân quen làm gì có cây nêu và các trò chơi ngày tết. Trồng cây nêu, anh em Vừ, Lồ làm rất thạo, đào hố, rồi dựng cây nêu. Anh em tôi cứ lóng ngóng, giữ cho chân cột cây nêu vào đúng lỗ Vừ đã đào sẵn, cũng không làm được. Lại còn xoay cây nêu thế nào cho đúng hướng nữa. Tôi thấy mình cái gì cũng thua kém các bạn ở quê. Khi Vừ hỏi:

    - Có biết đẩy gậy, chơi quay, đi cà

    kheo không?

    Tôi phải nói thật:

    - Chưa được cầm cái gậy bao giờ.

    Vừ phải dạy cách cầm gậy, du đối phương như thế nào, chân đứng ra sao, để đối phương không du được mình, còn đẩy đối phương ra khỏi vạch đích. Tôi với Vừ cầm gậy tập đẩy. Vừ mới du nhẹ tôi đã không thể đứng vững, loạng choạng ngã. Thấy vậy Vừ bảo:

    - Đẩy gậy là trò chơi, cần sức mạnh không chỉ cánh tay, mà phải có đôi chân vững, có sức mạnh toàn thân, cả mưu mẹo nữa, mới dồn đối phương đến chỗ thất thế phải chịu thua. Cả chơi quay, và đi cà kheo, không có cổ tay dẻo, đôi mắt tinh, làm sao bổ trúng quay đối phương được, bổ trúng, quay của mình vẫn phải quay tít nữa. Không phối hợp khéo chân với tay không thể đi cà kheo được, nói gì đến đi cà kheo vừa chạy vừa đá bóng.

    Tôi tập mãi vẫn không sao làm được. Vừ động viên:

    - Lần đầu ai chả thế, phải tập luyện nhiều lắm đấy. Chiều nay ra bãi tập, tha hồ đẩy gậy, cả ném còn nữa, vui chơi với trai, gái các bản thích lắm. Sống ở miền núi chỉ có ngày tết mới được vui chơi thỏa thích thôi. Còn những ngày khác phải đi học, còn giúp bố mẹ làm nương, thả trâu, bò, cả dê nữa, làm không ngơi tay, không được chơi đâu.

    - Không đi học thêm sao?

    - Chỉ thành phố mới đi học thêm, ở miền núi còn phải làm giúp bố mẹ, chỉ buổi tối mới có thời gian học bài.

    - Học thế giỏi sao được.

    - Anh học lớp mấy rồi? Lồ hỏi.

    - Lớp tám.

    - Cùng học lớp anh Vừ. Anh Vừ học sinh giỏi toán thi được giải cấp tỉnh đấy. Hai người thi làm toán xem ai giỏi hơn ai. Anh Vừ ra đề đi.

    Vừ bẽn lẽn nhìn tôi không dám đọc. Chắc biết tôi học ở thành phố, chỉ mỗi việc học, còn học thêm nữa, chắc giỏi lắm, Vừ bằng sao được. Thấy vậy tôi giục:

    - Cứ đọc thử xem.

    - Ông bảo lúc nữa vào giúp ông gói bánh chưng, đúng không. Vừ có bài toán thế này: Gói bánh chưng ngày tết, mỗi tết ông gói mười cân gạo nếp, ba cân đậu xanh, lá dong, cả lạt chằng bánh nữa, cứ gói ba chiếc bánh chưng vuông, thì gói hai chiếc bánh chưng tày, một chiếc bánh chưng con, hỏi ông nội gói bao nhiêu chiếc bánh mỗi loại.

    Tôi ngớ ra, sao lại có đề toán lạ lẫm đến vậy, miệng lẩm bẩm, đọc lại đề toán, không tìm ra cách giải, tính cách nào, cho ra số bánh, và các loại bánh nữa chứ. Mặt tôi bỗng nóng ran. Lúc bí tôi thường thấy mặt mình như vậy. Tôi xòe cả mười ngón tay ra tính, vẫn không tìm ra đáp số. Vừ nói vui:

    - Có cần máy tính không, làm sao tìm ra đáp số cụ thể được. Vừ giải thích: - Vì không biết số gạo nếp gói một chiếc bánh chưng vuông, bánh Tày, bánh con là mấy lạng, cả đậu xanh gói mỗi loại nữa. Làm sao có đáp số cụ thể được. Vậy đáp số là N chiếc bánh, mỗi loại. Chỉ khi biết số gạo nếp, số đậu xanh mỗi loại mới có đáp số cụ thể được.

    Những bài toán như thế nó giống như tính số cây trồng trên núi, số hạt lạc, hạt đậu, hạt ngô trồng ngoài bãi, chỉ tìm ra con số tương đối đúng, không thể chính xác. Cho dù biết diện tích trên núi, đất bãi rộng bao nhiêu, đất trên núi còn nhiều bãi đá, trồng sao được cây. Khi bỏ hạt, mật độ không đều nhau, còn khoảng cách giữa các hàng nữa. Những khi làm theo con số đó, thiếu, thừa, không đáng kể. Ở bản, em giúp nhiều nhà tìm ra con số ấy để trồng cây và tra hạt đấy, để không thừa, không thiếu nhiều quá.

    Nghe Vừ nói, tôi thấy mình thật sự thua kém Vừ. Suốt ngày chỉ có ăn với học, không phải làm bất kỳ việc gì. Lại còn tốn bao nhiêu tiền đi học thêm, mà vẫn không bằng Vừ, chỉ học buổi sáng trên lớp, một chút thời gian buổi tối, còn làm bao việc giúp bố mẹ. Nghĩ vậy, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Đã vậy em Thào còn nói trêu:

    - Anh Lả đã chịu thua trai bản chưa. Anh Vừ có thời gian học như anh, làm sao anh theo được. Tôi đành nói chữa thẹn:

    - Cả em nữa, chắc gì đã học giỏi hơn em Lồ đây.

    - Em nhận kém hơn được chưa. Vừ nói xí xóa:

    - Không nói hơn kém nữa, lên nhà giúp ông gói bánh chưng đi, xem đáp số thật là bao nhiêu chiếc bánh. Cả bốn đứa chạy ùa lên nhà sàn.

    Những buổi chiều sát tết, cả bốn đứa ra bãi cây đa Tám Mặt chung vui với trai, gái các bản. Chưa bao giờ hai anh em được vui đùa thỏa thích đến như thế. Tập đánh quay, ném còn, đẩy gậy, cả thi kéo co thử. Trai, gái các bản đến chơi đông. Người nào cũng lanh lợi, nhanh nhẹn, ném còn, quả còn bay vút lên, mỗi lần quả còn bay qua vòng tròn, tất cả reo hò, làm náo nhiệt cả khu đất rộng.

    Bốn đứa, thêm một trai bản, với năm bạn trai bản bên. Thi kéo co, lần nào cũng thua, Vừ phải bảo:

    - Lả học Vật lý rồi đấy, về lực cùng chiều và ngược chiều, phải cầm chắc dây, đúng độ cao, cả năm đứa hợp sức kéo cùng chiều, bàn chân phải dê trên mặt đất từng tí một, đừng nhấc chân lên. Khi mình hô "kéo" tất cả phải dồn sức, kéo thật lực.

    Năm đứa làm theo Vừ, thắng liên tiếp. Tất cả cười vui.

    Ngày tết, thi tài với các bản đến chung vui, tôi cũng được chọn vào đội tuyển của bản Kẹo thi đấu với các bản, có thắng, có thua. Vui nhất vẫn là về các nhà trong bản, ăn cỗ tết, uống rượu cần, tôi không uống được rượu nhưng nhấp một tí cũng thấy thích. Ăn no, uống say rồi cùng hát, cùng múa theo những bài ca bằng tiếng dân tộc, tôi nghe không hiểu, chỉ biết cầm tay, nhún nhảy theo, cũng thấy mát lòng, hởi dạ. Sung sướng nhất là mọi người không coi anh em tôi là người xa lạ, cứ như con em trong bản vậy.

    Ngày tết qua đi thật nhanh, hai anh em tôi cùng bố mẹ trở về thành phố. Vừ, với Lồ tiễn anh em tôi ra tận bến ô tô huyện. Khi chia tay Vừ nói với tôi:

    - Về thành phố phải học tiếng dân tộc đấy, không nói được tết sau về Vừ không nhận là con trai của bản Kẹo đâu.

    - Nhất định phải bảo bố mẹ dạy nói bằng được chứ.

    Về thành phố rồi, hình ảnh Vừ, những ngày ăn tết ở quê, luôn nằm lại trong tâm trí tôi. Chưa bao giờ tôi khát khao được về sống ở quê, được góp phần mình làm cho quê núi ngày một giàu đẹp, đến như thế.

    Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi nhất quyết không nghe lời bố mẹ thi vào trường bố mẹ chọn mà thi vào Trường đại học Lâm nghiệp. Tôi nói với bố mẹ:

    - Con muốn về quê núi công tác. Quê núi lắm rừng, học ngành lâm nghiệp còn giúp dân bản trồng rừng, bảo vệ rừng, chả nhẽ để rừng trơ chọi mãi sao.

    - Nghĩ được thế là tốt, bố mẹ lại lo quen sống ở thành phố, chỉ muốn bám lấy thành phố để sống, quên hẳn quê núi rồi.

    Học đến năm thứ ba Trường đại học Lâm nghiệp, nghỉ tết năm ấy bố mẹ cho tôi với em Thào, đang học lớp mười hai, đi xe máy về quê ăn tết.

    Vậy là đã bảy năm, từ ngày xa Vừ tôi lại mới được về quê ăn tết. Những kỷ niệm cái tết năm ấy, bài toán làm bánh chưng Vừ đã thử tài tôi, về đẩy gậy, kéo co ở cây đa Tám Mặt, về những người bạn ở quê núi, sống dậy trong tôi, tươi rói và đầm ấm xiết bao.

    Bảy năm đã qua đi, tất cả đã lớn rồi, không biết tết này về còn được gặp lại nhau ở cây đa Tám Mặt không. Vừ ở nhà hay đã đi đâu, cả các bạn nữa.

    Ước gì, chỉ sau một giấc mơ tôi đã có mặt ở quê núi rồi.

    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
  6. Cứ mỗi độ Xuân về, lũ trẻ chúng em lại rạo rực chờ đón từng ngày. Có đứa thích Tết vì được may áo mới. Đứa khác thích ăn ngon, được tiền lì xì. Cũng có đứa phát biểu làm người già cười méo xệch: “Cháu khoái Tết vì được thêm một tuổi”. Riêng em thích không khí ngày Tết. Trẻ con không đứa nào là không thích Tết. Chúng không hiểu tại sao người lớn ai cũng sợ Tết.

    Năm đó vào khoảng 25 Tết, nửa đêm em giật mình thức dậy, nghe nỗi lo Tết của cha mẹ:
    - Tết nhất đến nơi rồi mà nhà mình không có một xu dính túi.
    - Tiền bán bốn tạ thóc hôm nọ đâu em?
    - Anh tưởng vẫn còn nguyên đấy. Từ hôm đó đến nay phải đi mấy đám cưới, tiền chợ, tiền thuốc cho con.
    - Em tính xem Tết này nhà mình phải mua sắm những gì?
    - Mua 30 ký gạo nếp, đậu, thịt, lá gói bánh chưng.
    - Thôi em ơi, đang eo hẹp, nghỉ gói bánh một năm đi.
    - Không được đâu anh. Năm nào nhà mình cũng gói để tạo không khí gia đình ngày Tết. Với lại phải gói cho con kiếm cái bánh ăn Tết, chứ để chúng chết thèm tội nghiệp. Còn phải biếu xén chỗ này chỗ kia. Đi mua sao chịu nổi!
    - Còn gì nữa em?
    - Mua hai cặp gà biếu nội ngoại. Mỗi bên thêm cặp bánh chưng, hai trăm lì xì nữa.
    - Hết chưa em?
    - Biếu 6 thầy cô chủ nhiệm. Mỗi nơi một cặp bánh chưng.
    - Còn cha xứ, cặp gà với cặp bánh chưng, rồi xin lễ cho ông bà… Một món nữa, đố em biết?
    - Nợ anh Thi một triệu. Không lẽ đợi mùng Một người ta đến đòi mới trả?
    - Ấy chết, anh ơi, quần áo, giầy dép cho con. Năm nay lạnh lắm, đáng lẽ phải mua cho mỗi đứa áo len mới. Áo cũ chật hết rồi.
    - Từ nãy đến giờ anh nhẩm tính hết 9 tạ thóc. Tiêu lố vào thóc là phải ăn cơm độn đấy. Thôi cứ bán đi mà tiêu Tết. Qua Tết anh thuê ruộng cấy thêm lúa. Hôm nào rảnh đi làm thuê.
    - Em cũng trồng rau bán đong gạo bù vào. Rồi mẹ dậy lịch kịch lục đống quần áo của chúng em để xem phải mua thêm những gì. Cha dậy chụm bếp nấu nồi cám heo rồi cùng mẹ đi lễ. Gà bắt đầu gáy sáng mà nỗi lo Tết của cha mẹ chưa nguôi. Bây giờ em mới hiểu tại sao người lớn lo Tết đến thế. Em nằm nghe rân rấn nước mắt, thương cha thương mẹ vất vả, tằn tiện cả năm, Tết đến chỉ lo cho người khác, không có một phút nào lo cho mình. Quần áo cha mẹ sờn rách hết rồi. Mẹ cứ chần đi, vá lại mặc cho qua ngày.


    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
  7. Bà đi chợ về. Vào đến sân nhà, bà bỏ cái thúng xuống gọi to: “Bống ơi… ơi Bống đâu rồi?”

    Bống đang chơi với các bạn bên hàng xóm. Nghe tiếng bà gọi, nó ù té chạy về nhà.

    – Bà ơi, bà mua quà gì cho cháu đấy?

    – Mày hư lắm, chẳng trông nhà cho bà, để gà nó vào bới tung cả bếp. Bà giận, bà chẳng cho quà đâu.

    Bống buồn quá. Bà mắng đúng rồi. Bà dặn Bống trông nhà cẩn thận, nhưng bà vừa đi khỏi một tí, các bạn đến gọi: “Bống ơi, sang chơi rồng rắn”. Thế là cái chân Bống nó cứ cuống lên chạy đi, không giữ được nữa. Bây giờ phải nhịn quà rồi!

    Bống nhìn cái thúng đậy vỉ buồm. Chắc là trong ấy có cái bánh đa đường. Hay là một gói kẹo bột.

    Không phải, chắc là một con “phòng phòng”, con gà bằng bột bỏng xanh đỏ, thổi kêu te te, chơi xong lại ăn được nhé! Thèm quá, thế có khổ không!

    Bỗng cái vỉ buồm nó động đậy, lục đục. Ngheo… Bống mở tròn mắt. Ngheo… “A! Con mèo, con mèo! Bà ơi! Bà cho cháu nhá!”.

    Trong thúng, hai con mắt xanh sợ hãi, nhìn lên hấp háy. Hai cái tai có đốm đen mượt như nhung động đậy. Chú mèo trắng nằm cuộn tròn kêu “ngheo, ngheo”.

    – Nào. Miu ra với chị nào!

    Bống bế chú mèo trên tay nựng nịu. Bà cười bảo:

    – Con đem nó vào bếp, buộc nó vào cái kiềng gãy vài hôm cho nó quen đi. Con khéo chăm cho nó chóng lớn để bắt chuột. Nhà dạo này lắm chuột quá!

    Chú Mèo Con chẳng chịu ăn gì cả. Thấy sợi dây buộc vướng chân, Mèo Con chạy lồng ra lại bị giật lại. “Ngheo ngheo, sao tôi lại không chạy được nữa thế này?” Chú Mèo nằm giơ cái chân bị buộc lên cố giãy, nhưng chẳng ăn thua gì. Một lúc lâu Mèo Con mệt, nằm rúc vào đống tro ấm.

    Bống đem đĩa cơm vào dỗ: “Miu ơi, ăn đi”.

    Mèo Con vẫn không chịu ăn.

    – Ngheo ngheo, mẹ tôi đi đâu rồi? Ai bắt tôi về đây, buộc tôi lại thế này? Ngheo ngheo, tôi chẳng được bú tí mẹ nữa rồi.

    Gần tối mẹ Bống về, vào bếp hỏi:

    – Con Mèo Con ở đâu thế Bống?

    – Bà mua cho con đấy! Con bế nó lên nhà cho nó đi ngủ mẹ nhé!

    – Đừng con ạ, cứ để nó dưới bếp, nó kêu cho chuột sợ.

    Ừ, sắp Tết rồi, có con mèo cho chuột nó đỡ phá. Thế là đêm hôm ấy, Mèo Con phải ở một mình trong cái bếp lạ.

    Sau bữa con Miu đánh nhau với Hổ Mang, bác Nồi Đồng có vẻ nể chú ta lắm. Bữa cơm sáng ấy, nhà đi vắng cả, Mèo Con nằm ngủ trong đống tro ấm. Bác Nồi Đồng bắt chuyện:

    – Bùng boong, này cậu Miu có dám đánh nhau với Chuột Cống không?

    – Đánh chứ!

    – Ghê nhỉ!

    Bác Nồi Đồng nhắm mắt lại rùng mình.

    – Cậu Miu ơi, hôm nay bà Bống đi chợ Tết đấy! Chỉ chiều nay là tôi đầy ắp thịt kho, cá kho, ngoài ra lại còn giò mỡ, giò thủ và nhiều thức ăn ngon lắm.

    – Sao lại nhiều thế hở bác?

    – Kìa, Tết đến nơi, cậu không biết à?

    – Tết là cái gì?

    – Bùng boong. Tết là Tết chứ còn là cái gì. Rõ chán!

    Mèo Con vẫn không hiểu ra sao cả. Chị Chổi cười rũ ra, giảng thêm:

    – Chú ấy còn bé quá, đã qua Tết nào đâu mà biết! Tết là ngày đầu năm, chú hiểu chưa? Ai cũng nghỉ, mặc quần áo đẹp đi chơi, nhà nào cũng luộc bánh chưng, gói giò, nấu chè, trồng cây nêu để mừng năm mới. Tết vui lắm, đấy rồi vài hôm nữa chú sẽ thấy.

    – Ngheo, thế thì thích nhỉ! Nhưng hôm nọ, thằng Chuột Cống đã hẹn gần Tết là nó quay về làm một mẻ kia mà!

    – Ối ối, cậu nói làm tôi sợ toát cả mồ hôi rồi!

    Bác Nồi Đồng bưng mặt, mồ hôi rỏ giọt tong tong. Mèo Con bảo:

    – Không sợ. Lần này chúng nó đến, tôi sẽ không để yên. Nhưng mà cả bác, cả chị Chổi cũng phải đánh nhau với chúng nó chứ. Bác to nặng thế, đánh được đấy, còn chị Chổi thì hôm nọ chị giáng cho tôi một đòn đau khiếp ấy. Tại mình cứ sợ, nó mới làm ngang ngược vậy.

    Chị Chổi có vẻ suy nghĩ. Bác Nồi Đồng thì phùng cái miệng tròn của bác và nói nước đôi:

    – Ừ để tôi xem đã…

    Sáng mồng một Tết, trời mát, Bống bế con Miu trong lòng, lấy cái dây băng đỏ, tết một cái nút hoa chung quanh cổ chú Mèo.

    – Nào chị tết hoa đỏ cho Miu nào, để chị còn theo mẹ đi viếng mộ bố ở nghĩa trang liệt sĩ chứ!

    – Ngheo ngheo.

    Bà Bống cười bảo:

    – Cháu bế nó đi thì cẩn thận kẻo lại quên nó ở đâu nhé! Con Miu này ngoan lắm. Bé thế mà đánh được cả Chuột Cống.

    Lúc đi qua bếp, Mèo Con gọi to:

    – Ngheo! Bác Nồi Đồng, chị Chổi ở nhà tôi đi chơi nhá.

    – Ừ, đi thì đừng có chạy rông mà lạc. Hôm nay đông người lắm đấy!

    Mẹ Bống dắt tay Bống ra đường. Gió thổi, bướm bay hoa nở. Những bụi tre xào xạc. Lúa non dưới ruộng phấp phới vẫy. Một đám người đi giữa đồng theo một lá cờ đỏ có ngôi sao vàng bay phần phật.

    Ối chao, ngày Tết sao mà đẹp và vui thế. Mèo Con nằm trên khoanh tay của Bống, nghển đầu nhìn xung quanh, kêu ngheo ngheo.

    Cái Tết của mèo con
    Cái Tết của mèo con
    Cái Tết của mèo con
    Cái Tết của mèo con
  8. Ngày xưa, khi con người còn chưa tính được thời gian và tuổi tác, ở đất nước nọ, có một ông vua tài đức vẹn toàn.

    Nhân một dịp vui, nhà vua muốn ban thưởng cho người già nhất trong nước nhưng chẳng làng nào có thể tìm thấy. Thấy vậy, nhà vua phái đoàn sứ giả đi tìm các vị thần, hỏi về cách tìm người già nhất.

    Đầu tiên, đoàn sứ giả gặp Thần Sông:

    – Ta ở đây đã lâu nhưng chưa bằng mẹ ta. Hãy đến hỏi mẹ ta, Thần Biển Cả.

    Nhưng thần Biển lại trả lời:

    – Hãy hỏi Thần Núi, Thần còn sinh ra trước cả ta. Khi ta lớn lên thì Thần Núi đã già rồi.

    Đoàn sứ giả lại lặn lội đến gặp Thần Núi:

    – Hãy đến hỏi Thần Mặt Trời. Lúc ta mới chào đời, ta đã phải nhắm nghiền mắt vì nắng của Thần Mặt Trời rồi.

    Nhưng làm sao có thể đến được chỗ của Thần Mặt Trời. Đoàn sứ giả thất vọng quay về. Đến một khu rừng, họ gặp một bà lão đang ngồi chăm chú trước cây hoa đào. Thấy vậy, đoàn sứ giả bèn hỏi:

    – Thưa cụ, tại sao cụ lại ngồi đây ?

    Bà lão trả lời:

    – Tôi đến đây để hái hoa đào. Thuở trước, con tôi đi xa, cây đào này đang nở hoa. Bây giờ, mỗi lần hoa đào nở, tôi lại ra hái một bông hoa để về nhớ đến con tôi.

    Một ý nghĩ bỗng vụt lên. Họ đưa bà lão về kinh và tâu lên vua. Nhà vua vốn thông minh nên nghĩ ra cách tính tuổi của con người: Cứ mỗi lần hoa đào nở thì thêm một tuổi mới.

    Sau đó, nhà vua rất vui mừng, cảm động và nhớ đến bà lão hái hoa đào, ông truyền cho thần dân cả nước: Mỗi lần hoa đào nở được mở hội ba ngày ba đêm. Những ngày vui ấy sau này được gọi là Tết và truyền mãi đến bây giờ.

    Sự tích ngày Tết
    Sự tích ngày Tết
    Sự tích ngày Tết
    Sự tích ngày Tết
  9. Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng cây che cả một vùng rộng lớn.


    Có hai vị thần nọ, tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.


    Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái. Để lũ yêu ma khỏi quấy phá, dân làng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ.

    Sự tích hoa đào
    Sự tích hoa đào
    Sự tích hoa đào
    Sự tích hoa đào



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy