Tết có còn mãi

Tết về từ tháng chạp. Tháng chạp lạnh giá, tháng chạp bận rộn, quên sao được tháng chạp thân yêu.

Tháng giáp tết nhiều kí ức đẹp và vương chút hoài niệm.

Năm ba tuổi, bố đèo đi chợ tết. Trời lạnh, gió thổi lồng lộng. Bố mua cho áo nhung đỏ kẻ ca rô. Áo nhung sau này vẫn trong góc tủ, mình quá lớn để có thể mặc vừa chiếc áo, hơi ấm chiếc áo vẫn thoảng đưa, nguyên vẹn tình cảm bố dành cho chúng mình. Mẹ kể ngày còn nhỏ, đêm, hai chị ngủ cùng bố trên phản ngựa, mình ngủ cùng mẹ. Tránh mùa đông giá rét, các chị mỗi người chui vào một bên hông chiếc áo rét của bố. Mình luôn được mẹ cho gối đầu bằng cánh tay.

Ngày cuối năm gắn liền tháng chạp. Phiên chợ tết nhộn nhịp báo hiệu tết về. Chợ thị xã, không xa làng mình là mấy. Phiên chợ mà bố đã mua áo nhung cho mình. Phiên chợ vào mùa thu hoạch mía, người làng vẫn thồ ra chợ. Chả là quê mình có những đồi mía bao quanh làng. Mía đến kì thu hoạch, được chặt bó thành từng bó. Trời chưa tảng sáng, tiếng rì rầm vang lên, người làng chở mía dọc con đường thôn ra chợ thị xã bán. Trưa về, chiếc xe thồ nhẹ tênh, chồng đèo vợ cùng túi cói đựng tiền bán mía treo trước tay lái.


Xung quanh ngôi làng mình ở, không chỉ có chợ thị xã mà có cả chợ huyện, chợ làng. Chợ thị xã vẫn là phiên chợ mà người làng chọn đi thường xuyên hơn cả. Bởi lẽ giản đơn vô cùng, làng thuần nông nhưng cách thị xã 5, 6 cây số. Chợ thị xã vừa tiện đường nhựa, vừa nhiều hàng hóa đa dạng, phong phú. Chợ họp tất cả các ngày, bước vào tháng chạp, chợ đông đúc, nhộn nhịp, ngào ngạt người. Đến phiên chợ tết, ăn bát bún nóng, uống vài li rượu, như một cách tiễn năm cũ và đón năm mới của nhiều cánh mày râu nơi thôn làng.

Từ sau ngày ông Công ông Táo chầu trời, không khí tết đã xốn xang khắp làng trên xóm dưới, khắp con đường bê tông đổ ra chợ, khắp con phố và ngõ nhỏ của thị xã quê mình. Mình mua đồ khô trong siêu thị như miến, măng khô, đậu xanh, mì chính, đường, bánh kẹo. Các loại thực phẩm rau dưa, thịt cá thì nhất định phải ra chợ rồi. Phiên chợ tết khác hẳn ngày thường, lá dong xanh, lạt gói bánh chưng lác đác xuất hiện cuối chợ. Mình mua xu hào của bác gái dáng người to béo, phốp pháp. Cạnh đấy, hàng bắp cải chất thành từng đống. Phía cổng chợ phụ, hàng cam vàng đầy hai sọt gác trên xe máy. Mình tiến gần đến hàng bác bán dưa chuột. Dưa ta, thơm, xanh non từng quả. Bác chừng trên sáu mươi tuổi, người gầy và đen. Trong lúc cân dưa cho mình, bác vô tình để lộ tấm ảnh trên chứng minh thư, bức ảnh là người đàn ông mặc bộ quân phục công an. Mình thốt lên “Ái chà! Bác trước kia oai ghê!”. Bác đáp lại mình “Hình ngày xưa đấy”.

Mình ghé hàng hành. Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, mình muốn trong gia đình ngày tết có dưa hành. Hồi nhỏ, mình không ăn được dưa hành vì hành dù muối vẫn còn độ hăng. Những năm đấy, mẹ mình vẫn muối hành để làm thức ăn trong bữa cơm thường nhật. Mình trưởng thành hơn, mẹ ít làm các món ăn quen thuộc dịp tết vì con cháu đều có bát ăn bát để, thêm vào đó, sức khỏe của mẹ cũng không còn được như xưa nữa, mẹ kì công làm ra lại bỏ đi rất phí. Chỉ khi mình giục muối dưa hành, mẹ mình mới mua và dạy mình cách muối. Mình rất thích cảm giác cầm con dao nhỏ cắt rễ hành, bóc từng lớp vỏ hành để củ hành trắng tinh, rửa sạch, để ráo, cho vào hũ cùng nước muối. Nhìn vại dưa hành biết tết đã về.

Đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng. Tràng pháo, tiếng pháo giấy nổ đì đoằng nhiều năm làm nên đặc trưng của tết dân tộc. Ba mươi tết, trời tối om, mình tám, chín tuổi, chui vào trong chăn thò đầu ra ngó bố cầm lửa châm vào tràng pháo treo trước hè. Mình không bao giờ quên cảm xúc lúc đấy. Đêm tĩnh vô cùng đã được tiếng pháo giấy hồng nổ tung. Âm thanh rộ lên từng đợt. Nhà mình rồi liên tiếp các nhà khác trong thôn xóm mình. Từng đợt pháo nổ cho mình cảm giác mùa xuân được đánh thức. Năm mới đã về. Xác pháo màu hồng, đỏ sẽ vun vào góc nhà, người ta kiêng quét nhà trong ba ngày tết.

Tết còn đó vị chè lam. Chè lam được làm từ mật mía, bột nếp, nước gừng, lạc nhân. Những năm đấy, mật mía quê mình rất sẵn, mía chặt trên đồi, mật được kéo và nấu thủ công. Gạo nếp cần rang lên, xay mịn. Lạc cũng rang lên, sát vỏ. Gừng nướng chín và vắt lấy nước. Đun mật sôi trên bếp sau đó đổ bột gạo nếp, lạc nhân cùng nước gừng trộn đều, làm sao cho hỗn hợp thật dẻo và mịn. Chè lam sẽ được nặn thành hình tựa như trống chày giã cua. Bánh hòa quyện vị mật, gạo nếp, lạc và thoang thoảng hương gừng nướng. Tuổi thơ mình đã trải qua nhiều cái tết đượm mùi chè lam như vậy. Cho tới bây giờ, chè lam không là món quà phổ biến. Mình đôi khi vẫn tìm về kỉ niệm cũ bằng cách làm món chè lam trong ngày tết, món ăn mọi người trong nhà đều tấm tắc khen ngon dù không ai thể hiện bằng lời ra ngoài.

Nhiều tết trở lại đây, mình có thói quen ngắm hoa tết mỗi khi mùa xuân đến. Ngắm cành đào, giò phong lan, hoa ly, hoa lay ơn, hoa cúc… những loài hoa nở rộ dịp tết Nguyên Đán. Không phải mua hoa tết lúc nào cũng được, nó cần dựa vào cảm xúc, tâm trạng và quan niệm. Mình hay đi xe máy vào chiều 29 hoặc 30, những lúc như vậy mình chọn vài bông hồng, bông lay ơn hay cúc. Cuối năm đấy mình như tìm được câu trả lời, tết nghĩa là gì? “Tết nghĩa là còn mãi”.

Mình trả lời như vậy vì không ai có thể định nghĩa được hết thế nào là tết? Tết là trở về với chính mình. Đơn giản mình chỉ nghĩ có vậy.

Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
Câu chuyện hay nhất về ngày Tết
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy