Ăn cá chép cho trẻ sơ sinh môi hồng, da trắng
Mọi người thường truyền miệng nhau, các mẹ bầu nên ăn cá chép khi mang thai để sinh con khỏe mạnh và dễ thương môi hồng, da trắng. Các bài thuốc cổ truyền xem cá chép là một vị thuốc tốt cho phụ nữ. Cụ thể, cá chép được dùng trong những trường hợp phong hàn, bệnh tiêu hóa, bài tiết, được dùng cho bà bầu và phụ nữ mới sinh để bồi bổ khí huyết, an thai, chữa phù thũng, ứ huyết và có tác dụng thông sữa. Đó là lý do các mẹ bầu thường được gia đình tẩm bổ bằng rất nhiều món ăn từ cá chép. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thực tế cá chép có tác dụng hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh cũng như hạn chế dị tật bẩm sinh bằng cách cung cấp omega- 3, lutein, kẽm và selen. Đây có thể là lý do dân gian xuất hiện quan niệm như trên. Theo tiến sĩ Sơn, cá chép có rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Các chất dinh dưỡng có trong cá chép bao gồm: Protein, lipid, photpho, isoleucine, lysine, vitamin A, B1, B3, B5, B6, B9, B12, E, K, H, PP, tryptophan, threonine, valine, histidine, leucine, selen, sắt, kẽm, magiê, kali và đồng. Loại cá này có hàm lượng protein cao trong khi chất béo bão hoà thấp.
Bên cạnh những giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe đối với người mẹ như chống viêm, tăng cường chức năng của tim, tăng cường chức năng hệ tiêu hóa và làm chậm quá trình lão hóa, cá chép còn có những tác động tích cực đối với thai nhi. Trong đó, điển hình nhất là việc hỗ trợ sự phát triển thai nhi bằng cách cung cấp protein, đồng thời hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh, hạn chế dị tật bẩm sinh. Cá chép chứa nhiều chất đạm, hương vị thơm ngon, thịt ngọt chắc nên các bà các chị thường tẩm bổ cho mẹ bầu và cả khi mẹ cho con bú khẩu phần ăn có cá chép để tăng thêm chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cá chép thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: Cá chép nấu cháo, cá chép kho tương, cá chép kho dưa...