Bài cảm nhận về bài thơ "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm số 7
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ thơ năm chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điêm lôi cuốn người đọc bởi xúc cảm lắng đọng, giàu chất suy tư. Bài thơ Đất Nước là một đoạn trích tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo ấy. Bài thơ "Đất Nước" là phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” - tác phẩm được ra đời vào năm 1971, giữa lúc của kháng chiến chống Mĩ diễn ra khốc liệt.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
……
Đất nước có từ ngày đó”
9 câu thơ đầu tiên của đoạn trích, là sự lí giải và cảm nhận Đất Nước ở phương diện lịch sử, văn hoá. Đất nước có từ rất xa xưa, thật dung dị, đời thường. Đất Nước hiện lên qua câu chuyện cổ tích mẹ kể- có từ rất xưa rồi, gắn liền với miếng trầu bà ăn- gắn với thuần phong mĩ tục. Đất nước gắn với những dãy tre làng- gắn với truyền thống yêu nước. Đất Nước gắn với “bới” tóc của mẹ- thói quen hàng ngày của những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, gắn với gừng cay, muối mặn- những gia vị hàng ngày rất quen thuộc nhưng cũng là lối sống tình nghĩa thủy chung của con người. Đất Nước hiện hình trong những sự vật gần gũi: cái kèo, cái cột. Đất nước gắn với truyền thống lao động cần cù: hạt gạo một nắng hai sương.
Như vậy, trong những cảm nhận ban đầu của Nguyễn Khoa Điềm, lịch sử lâu đời của đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại hay các mốc son lịch sử chói lọi mà được nhìn từ trong chiều sâu văn hóa và văn học dân gian. Đây cũng chính là điểm mới trong cách tìm về nguồn cội của đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Sự độc đáo trong nghệ thuật thể hiện: Một đoạn thơ ngắn nhưng gợi dậy biết bao nét văn hóa và văn học dân gian quen thuộc. Đoạn thơ là một định nghĩa theo cách riêng của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước: Không siêu hình trừu tượng mà gắn bó thân thuộc với mỗi người, Đất Nước của nhân dân. Lời thơ giàu chất liêu văn hoá dân gian, tạo một không gian nghệ thuật vừa gần gũi thân quen, vừa bay bổng, sâu xa.
“Đất nước là nơi anh đến trường
………………………………………….
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
Đất nước là nơi rất gần gũi với cuộc sống mỗi người ( nơi anh đến trường… nơi em tắm). Đất Nước tồn tại ngay cả trong những không gian riêng tư của tình yêu đôi lứa : Đất Nước còn là không gian sinh tồn hết sức đời thường của nhân dân qua bao thế hệ “Những ai đã khuất. Những ai bây giờ. Yêu nhau và sinh con đẻ cái. Gánh vác phần người đi trước để lại…”).
Đất Nước được cảm nhận suốt chiều dài thời gian lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đó là một Đất Nước thiêng liêng, hào hùng trong quá khứ (gắn liền với huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết về các vua Hùng dựng nước). Đó là một Đất nước giản dị, gần gũi trong hiện tại (“Trong anh và em hôm nay. Đều có một phần Đất Nước”) . Và một Đất Nước triển vọng sáng tươi trong tương lai (“Mai này con ta lớn lên. Con sẽ mang Đất Nước đi xa. Đến những tháng ngày mơ mộng”).
Từ cách cảm nhận và lí giải Đất Nước như thế nhà thơ suy nghĩ về trách nhiệm của mọi người: Đất nước kết tinh, hoá thân trong cuộc sống của mỗi con người, vì thế mọi người phải có tinh thần cống hiến, có trách nhiệm đối với sự trường tồn của quê hương, xứ sở. Cần biết gắn bó biết san sẻ : sự sống của mỗi con người không chỉ là của riêng cá nhân mà còn thuộc về Đất nước.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
…………………………………………………………….
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”
Nhà thơ đã nhìn ngắm Đất Nước mình qua các danh thắng trải dài từ Bắc chí Nam. Tất cả các địa danh được nhắc đến đều gắn liền với một huyền thoại, huyền tích và sự thật về nhân dân trong lịch sử. Nói cách khác, chính những huyền thoại, huyền tích và sự thật lịch sử về nhân dân đã làm nên tên tuổi của các địa danh ấy, biến chúng thành danh thắng, thành di tích lịch sử văn hóa được mọi người thừa nhận và biết đến: Những người vợ nhớ chồng - núi Vọng Phu, cặp vợ chồng yêu nhau - hòn Trống Mái, người học trò nghèo - núi Bút, non Nghiên, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm…
Trong con mắt của nhà thơ, mỗi danh thắng không chỉ là một nét vẽ tô điểm vào bức “tranh họa đồ” Đất Nước mà còn ẩn chứa những nét đẹp tâm hồn của nhân dân trong mấy nghìn năm lịch sử : sự thủy chung; tình nghĩa vợ chồng; tinh thần yêu nước; ý thức hướng về tổ tông, nguồn cội; tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó vươn lên; tinh thần xả thân vì cộng đồng, dân tộc…
Khi nhìn vào “bốn nghìn năm Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh đến “lớp lớp” những con người “giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Không ai khác mà chính họ đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau mọi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của Đất Nước: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc, bản sắc văn hóa các vùng miền… Cũng chính họ “Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm. Có nội thù thì vùng lên đánh bại” tạo dựng chủ quyền, đắp nền xây móng cho ngôi nhà Đất Nước để các thế hệ mai sau kế thừa và tiếp tục dựng xây, phát triển.
Khi khẳng định “Đất Nước của Nhân dân”, tác giả đã trở về với ngọn nguồn phong phú, đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là ca dao. Ca dao chính là diện mạo tinh thần, là nơi lưu giữ đời sống tâm hồn tình cảm của nhân dân qua bao thế hệ. Nguyễn Khoa Điềm đã chọn ra từ kho tàng thơ ca dân gian ba nét đẹp tiêu biểu nhất của tâm hồn Việt, của bản sắc văn hóa Đất Nước: thật say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa và kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.
Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ trữ tình - chính trị, đoạn trích Đất Nước đã quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn và vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ, ấy là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
…………………………….
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
Các hình ảnh gắn với chuỗi động từ này: hạt lúa, lửa, giọng nói, tên xã, tên làng, đập, bờ… một mặt tiếp tục thể hiện sự khám phá mới mẻ, độc đáo của nhà thơ về Đất Nước trong bề rộng không gian địa lí và tầng sâu của những truyền thống văn hoá, tạo nên sự thống nhất trong cách thể hiện Đất Nước ở toàn bộ chương V; mặt khác còn khẳng định nhân dân chính là lực lượng đông đảo vừa kiến tạo bảo tồn. lưu giữ truyền thống giàu tình nghĩa, giàu tình yêu thương, cần cù lao động - đó là những giá trị văn hoá tinh thần cao quý của Đất Nước.
Trong cuộc đấu tranh giữ nước cũng chính là nhân dân chứ không ai khác viết lên trang sử bi tráng.Nhân dân, những con người “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ có nội thù thì vùng lên đánh bại” khẳng định đầy tự hào và sức mạnh lớn lao của nhân dân chống thù trong, giặc ngoài. Chính nhân dân đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất.
Để chuyền tải tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại, người viết đã tìm đến nguồn chất liệu dồi dào và vô cùng thích hợp: nguồn chất liệu văn hóa, văn học dân gian.
Đoạn thơ có sự đan dệt của những ca dao, tục ngữ, hang loạt truyện cổ và vô vàn những tập quán, phong tục một cách sang tạo. Người viết có khi chỉ trích nguyên văn một câu ca dao: yêu em từ thủơ trong nôi, song phần lớn chỉ sử dụng ý, hình ảnh ca dao: Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội; biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài “
Có thể nói, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là một khúc ca - sự nhận thức về nguồn gốc sâu xa của nhà thơ về đất nước về trí tuệ, tâm hồn và ý chí của nhân dân.Để từ đó, nhà thơ khẳng định: Nhân dân chính là người - là chủ thể .làm nên đất nước.
Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, tha thiết, trang trọng; ý thơ giàu chất chính luận, ngôn ngữ thơ mộc mạc, cách sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian... từ những suy tư cảm xúc của nhà thơ, đọan thơ đã khắc sâu cho chúng ta những nhận thức sâu sắc và mới mẻ về đất nước nhân dân. Từ đó, đọan thơ bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào về con người Việt Nam cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời đại hôm nay.