Bài soạn "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" số 5

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả:

Phạm Tiến Duật, tên thật mà cũng là bút danh, sinh ngày 14-1-1941, mất năm 2007. Quê gốc: thị xã Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học sư phạm Vãn, chưa đi dạy ngày nào, ông nhập ngũ (1965). Mười bốn nãm trong quân đội thêm tám nãm ở Trường Sơn, đoàn vận tải Quang Trung 559. Có thể nói: Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ.
Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.


2. Tác phẩm:

Bài thơ về tiểu đội xe không kính nằm trong chùm thơ Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ vầng trăng quầng lửa của tác giả.
Qua hình ảnh những chiếc xe không kính ngộ nghĩnh, độc đáo giữa tuyến đường Trường Sơn ác liệt trong thời kì chống Mĩ cứu nước, tác giả khắc hoạ hình ảnh nhưng người lính lái xe hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, lạc quan yêu đời.
Bài thơ đã thể hiện một cách sinh động và hiện thực cuộc sống chiến trường, ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khoẻ khoắn.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: (Trang 133 - SGK Ngữ văn 9) Nhan đề bài thơ có gì khác lạ? Một hình ảnh nổi bật trong bài thơ là những chiếc xe không kính. Vì sao có thể nói hình ảnh ấy là độc đáo?

Bài làm:
Nhan đề dài, tạo sự độc đáo.
“Tiểu đội xe không kính” không chỉ muốn nói đến những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn xưa mà còn muốn nhấn mạnh đến một “nhân vật”chủ chốt khác trong hành trình Nam tiến này, đó chính là những chiếc xe không kính. Đó là một phát hiện thú vị của tác giả, thể hiện sự gắn bó am hiểu hiện thực khốc liệt của chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Bài thơ là một góc nhìn độc đáo phản ánh về đề tài chiến tranh.


Câu 2: (Trang 133 - SGK Ngữ văn 9) Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh người lái xe trên tuyến đường Trương Sơn. Em hãy phân tích hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ (chú ý: tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn, nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ trong tình đồng đội, ý chí chiến đấu vì miền Nam).
Bài làm:
Những chiếc xe càng cà tàng bao nhiêu thì càng góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hình ảnh người chiến sĩ lái xe bấy nhiêu:
Tư thế hiên ngang dũng cảm: Những người lính ung dung ngồi vào buồng lái, điều khiển xe chạy giữa chiến trường mưa bom bão đạn.
Tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn: Họ mất ngủ, chịu bụi, chịu ướt áo. Nhưng họ không phàn nàn, không kêu ca. Bụi thì họ châm điếu thuốc: nhìn nhau mặt lắm cười haha.
Niềm lạc quan và tình đồng đội thắm thiết: trong gian khổ khó khăn là thế, gió lùa vào làm "mắt đắng" nhưng nụ cười vẫn nở trên môi.
Ý chí chiến đấu vì miền Nam, họ là những thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ cứu nước, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt:
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.


Câu 3: (Trang 133 - SGK Ngữ văn 9) Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ này? Những yếu tố đó đã góp phần như thế nào trong việc khắc hoạ hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn?
Bài làm:
Ngôn ngữ, giọng điệu bài thơ giàu tính khẩu ngữ tự nhiên. Chất giọng khí khái ngang tàng, bất chấp gian khổ, thể hiện trong các cấu trúc lặp lại:
Không có kính, ừ thì có bụi
Không có kính, ừ thì ướt áo
Không có kính, rồi xe không có đèn.
Giọng thơ vui tươi, pha chút hóm hỉnh, thể hiện tinh thần lạc quan, bất chất khó khăn của người lính, sự trẻ trung của những người lính lái xe.


Câu 4: (Trang 133 - SGK Ngữ văn 9) Cảm nghĩ của em về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong bài thơ? So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ này và ở bài Đồng chí.
Bài làm:
Thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh người lính trong bài thơ là những con người hiên ngang dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm, luôn tiến lên phía trước vì mục đích và lý tưởng cao đẹp. Đồng thời những người chiến sĩ ấy còn là những con người trẻ trung tinh nghịch, hóm hỉnh, yêu đời, dù đứng trước nhiều hiểm nguy, khó khăn. Họ đã để lại cho chúng ta ấn tượng đẹp về anh bộ đội cụ Hồ.
So sánh với hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí, ta thấy họ đều toát lên vẻ đẹp của những người lính. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng ra trận chiến đấu. Ở họ là lòng dũng cảm, gạn dạ, tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí đồng đội gắn bó.
Điểm khác nhau là trong bài thơ Tiểu đội xe không kính, ta thấy được sự vui tươi, hóm hỉnh, sôi nổi của những người lính trẻ. Một tinh thần lạc quan cách mạng của người lính thời đại kháng chiến chống Mĩ.


Luyện tập (Trang 133 - SGK Ngữ văn 9) Những cảm giác, ấn tượng của người lái xe trong chiếc xe không kính trên đường ra trận đã được tác giả diễn tả rất sinh động, cụ thể. Em hãy phân tích khổ thơ thứ hai để thấy rõ điều ấy.
Bài làm:
Ở khổ thơ thứ hai, tác giả đã diễn tả những khó khăn khi chiếc xe mất đi tấm kính chắn:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vảo tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.
Thiếu đi kính xe cũng đồng nghĩa với việc những người lính lái xe gặp phải rất nhiều những trở ngại trong quá trình làm nhiệm vụ chi viện. Không có kính khiến cho những cơn gió mang theo bụi đất nơi chiến trường lùa vào buồng lái, làm cho những đôi mắt cay xè,trở ngại tầm nhìn của những người lính lái xe “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng”. Con đường phía trước như “chạy thẳng vào tim” người chiến sĩ, đó là con đường giải phóng miền Nam đang chờ ở phía trước. Không còn kính, bầu trời đầy sao và những cánh chim “như sa như ùa vào buồng lái”. Thiên nhiên như những người bạn đồng hành cùng các anh ra chiến trận.Đó là những cảm giác, những ấn tượng được tác giả diễn tả sinh động, chân thật, thể hiện tinh thần lạc quan của người lính. Hình ảnh vè những chiếc xe không kính ấy không chỉ tái hiện lại những gian khổ, khó khăn của một thời kì lịch sử đầy dữ dội của dân tộc mà còn làm nổi bật lên tinh thần yêu nước cùng quyết tâm giải phóng miền Nam của những người lính cụ Hồ trong kháng chiến.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy