Bài soạn "Hoàng Lê nhất thống chí" số 4
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
- Ngô Gia Văn Phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du
- Quê quán: làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây
- Ngô Thì Chí (1753-1788) làm quan dưới thời vua Lê Chiêu Thống
- Ngô Thì Du (1772-1840) là tác giả làm quan dưới thời nhà Nguyễn
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Văn bản Hoàng Lê nhất thống chí được trích phần lớn hồi thứ mười bốn trong tổng số 17 hồi của cuốn tiểu thuyết cùng tên, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
* Thể loại: Văn bản được viết theo thể loại chí (một lối văn ghi chép sự vật, sự việc).
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí có thể được chia làm 3 phần:
Phần 1: từ đầu => “năm Mậu Thân (1788)” : Nhận được tin cấp báo quân Thanh đã chiếm đóng thành Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi, cầm quân ra Bắc dẹp giặc.
Phần 2: tiếp => “rồi kéo vào thành” : Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh.
Phần 3: còn lại : Sự đại bại của quân Thanh và tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 2:
* Qua đoạn trích tác phẩm, em cảm nhận người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ:
Mạnh mẽ, quyết đoán, có kiến thức, am hiểu lịch sử, bình dị, gần gũi với mọi người.
Là một người có tài năng quân sự: hành quân thần tốc, có phán đoán tài tình, mưu kế kì diệu.
Sáng suốt trong việc dùng người, có tầm nhìn xa trông rộng: ông hiểu rõ được bản chất của bọn Sở, Lân và kế lui quân của Ngô Thì Nhậm, định sẵn mưu lược, tính kế lâu dài
Thấu tình đạt lí: Ông tha tội cho tướng Sở, Lân mặc dù họ thua trận, đánh giặc vì đại nghĩa.
* Theo em, nguồn cảm hứng đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ là tư tưởng trung quân của Nho giáo trong tác giả với nhà Lê. Ngô gia văn phái vốn rất trung thành với nhà Lê nhưng họ lại viết về vua Quang Trung với đầy tinh thần ngợi ca vì họ đứng trên tinh thần dân tộc mà phản ánh. Chính nhờ đó đã tạo cho tác phẩm sức thuyết phục, tính chân thực cao và tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Và đây cũng là đặc điểm quan trọng của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử.
Câu 3:
Sự thảm bại của quân tương nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân đã được miêu tả:
* Quân tướng nhà Thanh:
Sầm Nghi Đống thắt cổ chết, Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp chuồn trước qua cầu phao”
Quân lính thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối; tan tác chạy tranh nhau sang sông, rơi xuống nước làm sông tắc nghẽn.
* Vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân:
Lê Chiêu Thống vì lợi ích của dòng họ, vị thế nhà Lê mà trở thành những kẻ phản động “cõng rắn cắn gà nhà”; cướp thuyền bỏ chạy, mấy ngày không ăn mệt lử, cuống quýt, than thở, oán giận, chảy nước mắt, đau đớn, nhục nhã trước quân Thanh.
Ngòi bút miêu tả hai cuộc tháo chạy của quân tướng nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có sự khác biệt. Trong đoạn văn miêu tả cuộc tháo chạy của Lê Chiêu Thống rơi vào tình cảnh khốn quẫn, nhưng vẫn gửi gắm vào đó một chút cảm xúc ngậm ngùi của người bề tôi cũ.
Câu 4:
Nhận xét về nghệ thuật trần thuật của đoạn trích: Đoạn trích không ghi chép những sự kiện một cách gấp gáp qua từng mốc thời gian, mà miêu tả cụ thể hành động, lời nói. Đoạn trích đã miêu tả được thế đối lập giữa hai đội quân: xộc xệch, nhát gan với xông xáo, dũng mãnh, có tổ chức.