Bài soạn "Mã Giám Sinh mua Kiều" số 5
I. Tác giả
1. Tiểu sử
- Nguyễn Du (1765 – 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.
- Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng chính hoàn cảnh ấy tạo cho ông vốn sống phong phú, tâm hồn sâu sắc.
2. Sự nghiệp sáng tác:
- Sự nghiệp sáng tác được đánh giá cao cả về chữ Hán và chữ Nôm.
- Tinh thần nhân đạo sâu sắc.
- Các giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đạt đến đỉnh cao.
II. Tác phẩm
1. Tìm hiểu chung
a. Vị trí đoạn trích
- Nằm ở đầu phần thứ hai (“Gia biến và lưu lạc”).
- Sau khi bị thằng bán tơ vu oan, gia đình Thúy Kiều lâm vào cảnh tan tác, đau thương. Của cải bị cướp đoạt, cha và em trai Kiều bị lũ sai nha “đầu trâu mặt ngựa” bắt bớ, khảo tra, đánh đập dã man. Cái giá mà chúng đưa ra thật là khủng khiếp: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Kiều đành gạt nước mắt, gác mối tình đầu đẹp đẽ với Kim Trọng để bán mình chuộc cha và em ra khỏi chốn lao tù.
- Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều. Đoạn trích là nốt nhạc buồn, khởi đầu cho cung đàn bạc mênh của cuộc đời Kiều kéo dài suốt mười lăm năm.
b. Bố cục: 2 phần
- Phần 1: 10 câu đầu: (Từ đầu đến … “giục nàng kíp ra”): Sự xuất hiện của Mã Giám Sinh.
- Phần 2: Đoạn còn lại: Cảnh mua bán người.
2. Tìm hiểu chi tiết
a. Nhân vật Mã Giám Sinh
- Diện mạo và cử chỉ
- Sinh viên trường Quốc Tử Giám
- Người khách ở xa
- Tên: Mã Giám Sinh
- Quê: huyện Lâm Thanh
- Tuổi: ngoại tứ tuần
- Cách ăn mặc: mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
- Nói năng: thô lỗ, vô lễ
- Hành động: ghế trên ngồi tót sỗ sàng
⇒ Vẻ ngoài chải chuốt, không phù hợp với lứa tuổi, cử chỉ và thái độ bất lịch sự, trơ trẽn, hỗn láo.
- Bản chất:
+ Giả dối từ lai lịch đến tướng mạo, tính danh
+ Bản tính con buôn, lưu manh
⇒ Bút pháp tả thực, cùng các từ tượng hình, tượng thanh làm cho Mã Giám Sinh hiện lên là một kẻ giả dối, vô học, con buôn, mất lịch sự.
b. Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều
- Tình cảnh tội nghiệp của Thúy Kiều:
+ Nàng là một món hàng để người ta trao đổi, mua bán.
+ Ý thức được nhân phẩm.
- Nỗi đau đớn, tái tê:
+ Buồn rầu, tủi hổ, ngại ngùng
+ Ê chề trong cảm giác thẹn với lòng.
+ Đau đớn khi tình duyên tan vỡ.
+ Uất hận khi gia đình bị vu oan.
⇒ Tâm trạng đau khổ, xấu hổ, đan đớn.
c. Giá trị nội dung
- Phơi bày bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh
- Lên án xã hội phong kiến, những thế lực chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm người phụ nữ. (Tố cáo gay gắt sự tàn nhẫn của đồng tiền và những kẻ xấu xa chà đạp phẩm giá con người).
- Bày tỏ sự cảm thông, sâu sắc với số phận con người.
d. Giá trị nghệ thuật
- Khắc họa thành công nhân vật chính diện và phản diện
- Thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lý nhân vật của Nguyễn Du trong tác phẩm.
Câu 1 (Trang 99 SGK) Phân tích những nét ngoại hình và tính cách để làm nổi bật bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh
Bài làm:
Ngoại hình:
Lừa dối còn được thể hiện qua cách ăn mặc: hắn thuộc loại quá niên trạc ngoại tứ tuần, thế nhưng “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Cử chỉ, hành động, cách nói năng: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; Đắn đo cân sắc cân tài - ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ; Cò kè bớt một thêm hai,…
Ghế trên là ghế dành cho các bậc bề trên cao tuổi. Mã Giám Sinh đi hỏi vợ là phận con cháu thế mà lại nhảy tót lên ngồi. Ngồi tót là tư thế ngồi bất nhã, đó là cách ngồi của những kẻ vô học, kém văn hóa, cách ngồi của kẻ cậy cửa, khinh người.
Mã Giám Sinh xem Kiều như một đồ vật, mà: "Đắn đo cân sức cân tài/ Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ". Đắn đo, cân, ép, thử... đủ thứ trò để kiểm định chất lượng của "món hàng" như thế nào. Qua đó thể hiện hắn thuộc loại chỉ có lừa người chứ không bao giờ bị người ta lừa.
Tính cách:
thể hiện bản chất con buôn, bất nhân, xem con người chỉ như một món hàng hoá có thể mua bán, thậm chí cò kè bớt xén; giả dối từ việc giới thiệu lí lịch cho đến trình bày mục đích mua Kiều: "Rằng: "Mua ngọc đến Lam Kiều - Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?"…
Sau khi xác định được "món hàng" là tuyệt hảo, đáng giá nghìn vàng, hắn mới bắt đầu trả giá: "Cò kè bớt một thêm hai/Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm" Đáng giá nghìn vàng - mà chỉ trả với giá vàng ngoài bốn trăm. Hắn thừa biết gia cảnh của nàng Kiều hiện tại để bắt bí với giá rẻ mạt nhất. Qau đó thể hiện bản chất keo kiệt, bủn xỉn, là tay buôn người lọc lõi và xảo trá.
Câu 2 (Trang 99 SGK) Cảm nhận của em về hình tượng Thúy Kiều.
Bài làm:
Thuý Kiều ở vào tình cảnh tội nghiệp, phải bán mình cứu gia đình, chấp nhận hi sinh tình duyên với chàng Kim. Cuộc đời nàng từ đây rơi vào chuỗi những bi kịch:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng.
Một người con gái tài sắc tuyệt trần như Kiều trở thành một món hàng trong một cuộc mua bán. Trong lòng nàng lúc bấy giờ đang ngổn ngang trăm mối tơ vò: tình duyên đứt đoạn, cha và em bị đánh đập, cửa nhà tan nát thế nhưng nàng phải đánh đàn, phải làm thơ để cho Mã Giám Sinh vừa lòng. Trong lòng nàng lúc này chất chứa lo lắng vì số phận sắp tới của mình.
Dù không miêu tả nhiều về tâm trạng của nhân vật, nhưng chỉ qua đôi câu thơ, Nguyễn Du đã thể hiện được tâm trạng của Thuý Kiều trong một tình cảnh đáng thương, tội nghiệp.
Câu 3 (Trang 99 SGK) Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn trích
Bài làm:
Đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du đối với số phận của Thúy Kiều hay cũng chính là bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tấm lòng cảm thương, xót xa trước thân phận nhỏ nhoi của con người, giá trị con người bị chà đạp, trở thành một món hàng mua vui cho kẻ quyền thế, giàu có.
Lên án thực trạng xã hội đen tối, đồng tiền có quyền lực tối cao. Đồng thời, tác giả gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn, lên án thế lực đồng tiền bất nhân.
Thể hiện thái độ căm phẫn, khinh bỉ trước bọn buôn người giả dối, bất nhân bất nghĩa.